nguyen sinhvien

Câu chuyện của Lụa hay là mối quan hệ hôn nhân Việt Hoa.

Đăng 5 năm trước

Không xứ nào mà người ta lại làm chồng tệ bạc và dễ dàng như ở xứ sở này.

Tôi, Trương Thị Hoài Thương, 22 tuổi, đã tốt nghiệp lớp 14cbc1, khoa Ngữ văn , trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng. Hôm qua 08/11/2018, tôi nhận được một gmail tài liệu. Qua đó, có một chút thông tin về hai vợ chồng Việt - Hoa dưới dạng truyện kể của Lụa - nhân vật chính. Bên dưới đây xin được trích nguyên văn.


Tán lão sư kính mến! Trên Zalo không tiện viết nên Lụa gửi thư này qua gmail cho thầy. Vì lão sư muốn biết về câu chuyện của hai vợ chồng Lụa. Khi nào có dịp hãy đến thăm vợ chồng mình nhé! Sớm đi. Vì chúng tôi sắp rời khỏi Việt Nam. Hôn lão sư ngàn cái hôn. À, nhớ dẫn theo Trương phu nhân nhé! Cô ấy rất đẹp và phúc hậu.


P/s: Dưới đây Lụa xưng tôi. (TTHT).


Đề từ:

Ôi! Con gái Việt

Như bùn

Như Lụa.


Tôi tên Vy Thị Lụa, 25 tuổi, người Việt Nam. Người Việt Nam luôn đặt tên con thật đơn giản, dễ nhớ, chẳng như "Lụa", thì cũng "Lúa", cho nó mượt. Lụa Việt Nam là hàng chất lượng. Người Trung Quốc rất ưa chuộng. Nhà tôi ở gần cửa khẩu Lạng Sơn. Chồng tôi, ông Lu Xiao Liang (Lã Tiểu Lượng), người Trung Quốc, quê ở Thiểm Tây, 34 tuổi. Chúng tôi sinh cùng ngày, cùng tháng; 07/03. Chúng quen nhau trên Zalo. Khi dùng công cụ tìm kiếm xung quanh đúng 03 Km, anh tìm thấy tôi. Anh dùng tiếng Trung để nhắn tin. Tôi lúc trước học đại học có học qua Hán ngữ làm ngoại ngữ đầu ra nên đọc được pinyin nhưng không nhiều. Tôi dùng Google dịch để nói chuyện với anh, bởi lúc này đang rảnh chưa có người yêu, và đang thất nghiệp, đi làm công nhân cho công ty Sam Sung ở Thái Nguyên. Anh cũng chỉ biết lõm bõm vài ba câu tiếng Việt đi chợ, xã giao vậy thôi. Anh dạy tôi tiếng Trung hàng ngày trên Zalo. Một lần khi về Trung Quốc gia hạn visa, quay lại Việt Nam anh từ sân bay đến thẳng Kí túc xá của công ty để tặng quà cho tôi. Đó là lần đầu hai chúng tôi gặp mặt. Món quà chỉ là món ăn của người bản xứ bên kia khiến người bản xứ bên này không dám ăn vì sợ bất trắc. Thú thực, quen anh cũng chỉ để cho vui vậy thôi, không ngờ rằng sau này lại thành vợ thành chồng.


Lần thứ hai gặp nhau tại quán nước trước cổng kí túc. Anh khen tôi thông minh, học tiếng Trung rất nhanh. Haha. Có biết đâu tôi đã học qua trước đó rồi. Thông minh mà thất nghiệp, mà làm "gái công xưởng" và ế ẩm thành gái già đến nơi rồi ư? Tôi chua chát thầm nghĩ. Vì lần trước anh đã tặng quà nên tôi chủ động đứng dậy trả tiền nước. Chỉ thế thôi mà làm anh ngạc nhiên quá đỗi.


Anh kể trước đây có yêu qua một cô sinh viên ngoại ngữ. Yêu nhau được một năm, họ chia tay. Gia đình cô gái cảm thấy lo âu trước một anh chàng Trung Quốc. Liệu rằng, một ngày kia, cô gái có bị bán sang biên giới không? Thiểm Tây ư? Một nơi xa mịt mùng, chẳng hiểu nơi khỉ ho cò gáy ấy nằm ở chốn não chốn nào cơ chứ lị. Thật tội nghiệp cho anh chàng của đất nước mà mấy chục triệu "côn quang" tìm vợ trong thất vọng. Vậy là anh lên Zalo, đúng 03 Km anh đã tìm thấy Lụa. Phải! Lụa đào. Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?


Chúng tôi cứ thế đi chơi, đi ăn, nói chuyện. Rồi tết năm ngoái, tôi cùng anh về Thiểm Tây chơi. Chỉ là đi chơi cho biết. Phải qua hai lần máy bay và một tiếng ôtô về đến nhà anh. Trời rét, tuyết rơi kín cả con đường. Ngồi trên xe nhìn ra bên ngoài chỉ thấy một màu u ám của mùa đông khắc nhiệt, hai bên đường những cây bụi xác xơ vì giá lạnh, tôi chỉ ước ao là ở nhà ngay lúc này để nhìn nắng của xứ sở nhiệt đới thân yêu mà kẻ lạc đường này đã trót dại rời đi.


Không hẳn.


Thiểm Tây có di sản văn hóa dày chịt. Mộ Hoàng Đế, Viêm Đế, Tần Thủy Hoàng... Ôi thôi thôi là nhiều. Cơ mà mới qua, anh dắt đi đâu thì biết đó, tôi cũng chẳng buồn tìm hiểu. Xứ Đại Việt còn chả để ý hết, nói gì Thiểm Tây với chả Thiểm Đông của xứ người. Khốn khổ vì nhiệt độ quá thấp ở đây, cả thức ăn và cách sinh hoạt. Ăn màn thầu, kèm thức ăn hoa quả với cả thịt dê bò gì đó khiến tôi tiếc bánh trưng và mớ đồ ăn ở nhà quá chừng. Tự nhiên đang ở nhà ăn tết lại bỏ qua đây chịu lạnh, ăn mì tôm. Tối nào cũng bắt anh đi mua mì cho ăn. Mà xứ mình thiếu gì mì đâu để phải mò sang tận đây ăn mì? Nhưng bố mẹ anh và cô em gái thì tình cảm. Vì trời lạnh, thấy con trai có áo khoác ấm bà mẹ bắt con trai cởi áo khoác cho bạn gái mặc, thấy con gái có đôi giày ấm, bắt con gái cởi ra cho "chị dâu" đeo vào. Không cho rửa chén mà bắt con trai đi rửa. Bắt lên giừơng nằm, tự tay hâm nóng bình sữa đem vào, đợi khi "con dâu" uống hết lại đem bình không vứt đi. Ông bố thì thương vợ đến độ khiến tôi cứ tưởng tượng sau này anh sẽ tốt với tôi như vậy. Đã nói từ đầu là đi chơi thôi. Về nhà chia tay liền, rồi kiếm một anh Annam để sống hết đời số kiếp của một người vợ chiều chồng chiều con trong khi hàng ngày làm việc ở công xưởng Sam Sung, hoặc may mắn thì đậu một chân công chức "sáng cắp ô đi chiều vác về". Nhưng thấy thương anh quá. Bao nhiêu họ hàng, làng xóm, bạn bè đến xem mặt bạn gái. Cha mẹ thì mừng ra mặt. Mình bỏ anh ấy rồi họ sẽ cười anh, sẽ buồn cho bố mẹ anh, không nỡ.


Mẹ tôi ở nhà lo sốt vó. Ngày nào cũng điện video chiếu lệ cho gái mới chịu. Ối dào, chả hiểu sao người Việt hay lo thế. Khi đem một thùng táo bom về cho mẹ, bà hỏi: "Thế có xem cách người ta bảo quản không?". Hehe. Xem làm gì. Mình ra cây hái về bỏ vào thùng chứ bảo quản gì đâu.


Vùng cao nguyên này cơ man nào táo đỏ. Trải dài bạt ngàn xa tít mù, thật đẹp mắt, thật lãng mạn. Những người con gái ở đây cũng tròn trịa đỏ hồng như táo. Thật đáng yêu. Họ hàng ngày ăn màn thầu lúa mạch, táo đỏ, thịt bò, và ở nhiệt độ lạnh nên ai cũng to lớn, trắng trẻo. Tôi ăn lúa gạo và ở xứ nhiệt đới nên nhỏ thó, đen đủi. Thế mà, thời thế thay đổi. Cành cây chụi lá ngày càng nhiều. Con gái Trung Hoa dần khan hiếm, những người đàn ông kiếm vợ càng ngày càng khó khăn.


Lụa của Việt Nam rất được ưu chuộng ở xứ này.


Trở về Việt Nam, anh muốn cho tôi quyết định. Một là cưới, hai là đường ai nấy đi. Không mất thời gian của nhau nữa. Tôi nhớ lại những mười ngày ở bên ấy. Nhiều lúc khóc vì tủi thân; ăn không hợp, nói không hợp, sinh hoạt cũng khác. Cũng lại khóc vì xúc động. Bà mẹ anh ấy khi tiễn bạn gái con trai đi cứ nắm tay khóc, bảo: "Sau lại về đây nhé!", mặc dù bà nói tiếng địa phương mà tôi không hiểu. Tâm sự của cha mẹ có con trai một đã ngoài ba mươi mà chưa vợ không cần nói ra mà ai cũng hiểu. Thế mới biết, Lụa quan trọng là thế. Không có Lụa thì xứ này cơ hồ lạnh lẽo lắm. Xứ nhiệt đới buồn không cần Lụa.  Chí ít là 27 hay 29 tuổi, lúc ấy, may ra mới có chồng. Mà phải thi đỗ công chức. Không ai muốn lấy con gái công nhân làm ở nhà máy Sam Sung cả. Kể cả, những đức ông chồng ấy rượu chè, bài bạc, gái gú, gia trưởng, yếu sinh lý và, khinh vợ. Không xứ nào mà người ta lại làm chồng tệ bạc và dễ dàng như ở xứ sở này. Lúc ấy Lụa sẽ thành lúa cắm dưới bùn. Anh chàng Tiểu Lượng sau này có nói nhận xét của mình cho vợ: "Phụ nữ Việt Nam đi làm nuôi chồng". Đủ thấy anh là một trượng phu xứng đáng làm chồng mình.


Đấy là về sau.


Còn lúc này tôi đang phân vân lắm. "Nghĩ mình mặt nước cánh bèo; Đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân." Lại "Nghĩ mình phương diện quốc gia"; Họ hàng nhắm xuống, người ta trông vào.


Bố mẹ tôi khuyên tôi mãi, sợ rằng họ bán mình đi, sợ rằng qua đó họ đối xử không tốt. Không khuyên được, mẹ gọi cả họ hàng khuyên ngăn. Nhưng ngăn sao được.  Tôi bảo bố mẹ anh ấy đối xử với con không tệ. Anh ấy cũng là người hiền lành, khỏe mạnh, có nghề nghiệp ổn định, không hút thuốc, gái gú, rượu bia, đối xử tốt với vợ. Bố mẹ tôi đã không ngăn cản tôi điều gì ngay từ tấm bé. Lần này cũng vậy.


Thế rồi tháng 05 năm nay chúng tôi bay qua Thiểm Tây làm thủ tục và cưới bên ấy, sau mười tháng quen nhau. Câu nhắn nhủ: "Sau lại về đây nhé!" của bà đã thành hiện thực. Mẹ chồng lo lắng cho đám cưới hai con gầy sụt đi. Đan cho đôi tân lang tân nương cặp vỏ gối thêu hình uyên ương thật đẹp. Bà khéo tay nên tất cả vỏ ghế, bàn đều do bà tự làm lấy được. Khi quay lại Việt Nam, mỗi lần gọi điện cho con trai tôi đều nghe tên mình từ mẹ chồng: Wei Shi Chou. Mỗi ba từ thôi, vì bà nói tiếng địa phương tôi không hiểu. Qua anh, bà bảo con dâu gầy quá phải ăn nhiều lên cho béo. Có lẽ, vì bà mà tôi cưới anh ấy. Chưa một lần tặng hoa, cũng chẳng tỏ tình, thế mà lại lấy nhau. Nhiều lúc hai đứa tự hỏi mình yêu từ bao giờ nhỉ? Có lẽ là định mệnh. Hai đứa trùng ngày sinh, trùng tháng sinh và 03 Km gần nhau. Khi đi bói thần phán: "Con sau đi hai lần đò". Tưởng gì. Không đợi thầy phán thì bạn tôi, khối đứa đã li dị chồng. Vì mẹ chồng.


Còn, ở tương lai. Cuối năm chúng tôi cưới ở Việt Nam. Đến 2020 anh ấy hết hạn hợp đồng làm việc chúng tôi về Trung Quốc, một tỉnh gần Việt Nam chứ không về Thiểm Tây. Tiện cho đi lại đôi bên. Bạn nên biết thủ tục visa và vé máy bay lên gần trăm triệu, nên chúng tôi cần lưu tâm.


Đó là toàn bộ câu chuyện của Lụa. Hãy gửi cho Lụa cảm nhận về nó, lão sư nhé!


Thái Nguyên, 07/11/2018.


Đây là bức thư được gửi qua gmail Nguyễn Sinh Viên. Bây giờ anh gửi qua cho em. Câu chuyện này được nhân vật chính chấp bút. Hiện giờ, nếu muốn, có thể hỏi trực tiếp Lụa trên Zalo, trong phòng tiếng Trung; cô ấy luôn có mặt ở đó, trừ khi có lí do. Do vậy, nó hoàn toàn phi hư cấu. Rất phù hợp cho phóng sự và nghiên cứu. (Tán Lao Shi).

Lụa và mẹ chồng.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn