Nguyễn Hà Châu Anh

Câu chuyện Hạng Vũ đốt thuyền binh lính và tâm lý con người trước 'Quá nhiều sự lựa chọn'

Đăng 4 năm trước

Có quá nhiều dự định và sự lựa chọn, song lại ngồi phân vân không biết bắt đầu từ gì trước. Có những nỗi lo lắng liệu mình có lựa chọn cái tốt nhất, vì sợ bỏ lỡ điều gì hay ho. Chứng tâm lý mang tên 'thừa cơ hội' này tự khiến con người rơi vào 'bẫy nhện' trong một xã hội ngày càng dân chủ và có quá nhiều sự lựa chọn.

Xin chào các bạn, quay về chủ đề tâm lý học mà mình rất yêu thích, mình muốn chia sẻ cho mọi người một cái bẫy cực lớn mà mình thấy ai cũng mắc phải, ngay cả chính bản thân mình.

"Quá nhiều sự lựa chọn cũng chính là vấn đề!"

- Một đề văn mở khiến chúng ta đau đầu chọn đề tài.

- Chọn gì để đọc trong hằng hà sa số và thông tin trên mạng.

- Một tương lai với nhiều con đường tiềm năng khiến bản thân phải cân đo đong đếm, rồi cho mình thêm một đống thời gian thừa thãi không làm gì chỉ để...cân nhắc.

Không biết đã bao giờ bạn rơi vào tình huống giống mình. Sự cân nhắc và lựa chọn cứ tưởng chỉ khó khăn khi trong hoàn cảnh đặc biệt đẩy ta tới đường cùng với những lựa chọn "bất đắc dĩ". Những đa nghi, đa nghĩ có khi lại đẩy mình lựa chọn những thứ vô nghĩa không?

Gần đây lang thang trên Facebook mình có đọc được bài viết khá hay, trích từ sách "Phi Lý Trí", một quyển sách có những phân tích khá sâu sắc và mang màu sắc triết học. Tuy nhiên vì bắt đầu đọc khi nhận thức còn non nớt nên mình không cảm được cái hay của cuốn sách và bỏ dở giữa chừng. Mình không ngờ có ngày đọc được những đoạn trích hay như vậy từ quyển sách. Có khi mình sẽ tìm lại nó để ngâm cứu tiếp về chủ đề tâm lý học. 

Hy vọng khi mọi người đọc xong có thể ngầm hiểu được thông điệp mà tác giả Dan Ariely gửi gắm. Mỗi người có một cách nhìn nhận khác nhau. Thử hết tất cả cánh cửa và kiên định quay về với cánh cửa đích thực. Hay hoang mang tột cùng vì chỉ sống một cuộc đời loay hoay giữa "thử" và "chọn"? Hoặc giả, cứ ngỡ cơ hội đã chờ ta rất nhiều phía trước nhưng định mệnh cuộc đời chúng ta lại để vụt mất mà không hay. 

Hãy cho mình biết cảm nghĩ của mọi người dưới comment bài viết này nhé. 

Tại sao các lựa chọn lại khiến chúng ta phân tán khỏi mục tiêu chính?

Năm 210 trước công nguyên, tướng nước Sở là Hạng Vũ đưa quân ra vượt sông Dương Tử để đánh quân Tần. Khi đêm xuống, quân Hạng Vũ đóng trại nghỉ trên bờ sông. Khi thức dậy, họ hoảng hốt khi thấy thuyền của mình đều bốc cháy. Họ ráo riết truy lùng thủ phạm đã đốt thuyền, nhưng sau đó, họ phát hiện ra chính Hạng Vũ đã đốt thuyền và ông còn ra lệnh đập vỡ hết nồi niêu.

Hạng Vũ giải thích với binh lính rằng khi không có nồi niêu, không có thuyền bè, họ sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chiến đấu tới cùng để giành chiến thắng hoặc bỏ mạng. Việc làm trên khiến Hạng Vũ không được lòng quân nhưng lại tạo ra một hiệu ứng tinh thần to lớn đối với binh lính của ông: họ giương cao giáo mác, cung tên, tấn công kịch liệt vào kẻ thù, giành chiến thắng năm trận liên tiếp và tiêu diệt gọn đại quân nhà Tần.

"Các ngươi có nhìn thấy những chiếc thuyền đang bốc cháy kia không? Điều đó có nghĩa là chúng ta không thể rời khỏi bờ biển này nếu chúng ta không chiến thắng! Giờ đây, không còn sự lựa chọn nào khác, chúng ta phải chiến thắng hoặc chúng ta bị tiêu diệt".

Lời của Hạng Vũ nói với binh sĩ trước khi bắt đầu trận chiến.

Đây là một câu chuyện cá biệt bởi nó đối lập hoàn toàn với hành vi thông thường của con người. Thường thì chúng ta sẽ không bỏ qua các cơ hội. Nói cách khác, nếu ở vị trí của Hạng Vũ, chúng ta sẽ cho lính bảo vệ đoàn thuyền cẩn thận phòng trường hợp cần đến chúng khi rút quân; cử một số lính chuẩn bị các bữa ăn phòng khi đoàn quân cần phải đóng quân vài tuần, và hướng dẫn binh lính cách giã gạo làm giấy phòng khi cần giấy để ký các điều kiện đầu hàng của Vua Tần vĩ đại (khả năng này khó xảy ra nhất).

Ngày nay, chúng ta dốc hết sức lực để giữ tất cả các cơ hội mở ra cho mình. Có thể chúng ta không thường xuyên ý thức được điều này, nhưng trong mọi trường hợp, chúng ta thường từ bỏ một cái gì đó để có được sự lựa chọn. Khi mải mê chạy theo rất nhiều thứ, chúng ta lại quên dành đủ thời gian cho những việc thật sự quan trọng. Đó là cuộc chơi của một kẻ ngốc.

Làm thế nào chúng ta có thể tự giải phóng mình ra khỏi những ham muốn phi lý trí như vậy? Năm 1941, triết gia Erich Fromm viết một cuốn sách có tựa đề Escape from Freedom (Trốn thoát tự do). Theo ông, trong nền dân chủ hiện đại, con người luôn lo lắng không phải bởi họ thiếu cơ hội mà là vì họ có quá nhiều cơ hội.

Trong xã hội hiện đại, điều này thể hiện rất rõ. Chúng ta có thể làm bất cứ điều gì và sống theo cách chúng ta muốn. Nhưng vấn đề đặt ra là cách chúng ta thực hiện ước mơ của mình. Chúng ta phải phát triển mình bằng mọi cách, phải trải nghiệm tất cả các lĩnh vực của cuộcsống. Nhưng khi ấy nảy sinh một vấn đề - liệu sự trải nghiệm cúa chúng ta có quá mỏng manh không? Tôi tin rằng sự cám dỗ mà Fromm đang mô tả là cái mà chúng ta thấy những người chơi chạy xô từ cánh cửa này sang cánh cửa khác.

Việc này cũng giống như câu chuyện kể về một con lừa đang đói bụng tìm đến một kho thóc để tìm kiếm cỏ khô và phát hiện ra có hai đống cỏ khô kích thước giống hệt nhau ở hai bên của kho thóc. Con lừa đứng giữa hai đống cỏ khô mà không biết chọn đống cỏ nào. Hàng giờ trôi qua mà nó vẫn không thể đưa ra quyết định. Cuối cùng, nó lăn đùng ra chết vì đói.

Cho nên, về tâm lý học đôi khi chính việc có ít sự lựa chọn sẽ giúp cho bạn có thể ưu tiên và tập trung vào việc quan trọng. Và đôi khi, quá nhiều sự lựa chọn cũng chính là vấn đề! 

Nguyễn Hà Châu Anh

theo "Phi lý trí"

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn