Hồ Huy Thích viết lách và trải nghiệm du lịch.

Cây cầu cô đơn

Đăng 5 năm trước

Tôi luôn bị ám ảnh bởi những cây cầu. Và hình như cây cầu nào cũng có một niềm cô đơn bất tận, trong nắng, trong gió, trong mưa, trong cả những bão táp cuộc đời.

Tối hôm qua trượt Facebook té oạch vào mấy tấm hình về Hà Nội và cầu Long Biên của ông anh họ Hồ Hải Lâm.Thế rồi cứ miên man lục lọi những ký ức đã chìm sâu dưới đáy Sông Hồng. Dưới đáy Sông Hồng phải chăng cũng cơ man nào nỗi niềm hoài cổ. Hà Nội trong tôi là cây cầu Long Biên cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên, do Pháp xây dựng, đặt tên là cầu Doumer, theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer khi đó.

Đi qua cầu, bên phía Hoàn Kiếm người ta có thể dễ dàng nhìn thấy một một tấm biển sắt chạm nổi dòng chữ: 1899 – 1902; Daydé & Pillé, Paris. Hai chữ số đầu là năm xây dựng và hoàn thành cây cầu. Còn Daydé & Pillé là một công ty xây dựng của Pháp có trụ sở ở Paris có bản thiết kế được coi là phương án tối ưu nhất trong 6 công ty của Pháp tham gia đấu thầu xây dựng cây cầu lịch sử. 

Một bức ảnh đen trắng chụp chiều 9-10-1954 đã ghi lại được hình ảnh những người lính lê dương Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội qua cầu Long Biên. Để ngày hôm sau, 10-10-1954, Việt Minh chính thức tiếp quản Hà Nội. Tôi đã lần tìm theo dấu vết của tấm hình lịch sử đó và thật kỳ lạ, hơn sáu mươi năm, những hình ảnh về cây cầu gần như vẫn vẹn nguyên.

Nhìn vào tấm hình tôi trôi nổi vào một mớ bòng bong kỷ niệm. Thoáng chốc mà đã hơn 20 năm trôi qua, thế mới biết đời người hữu hạn vô chừng. Đó là một buổi chiều chớm thu tôi theo xe khách từ tỉnh lẻ lên Hà Nội đi học, mang theo một cái ba lô và một chiếc xe đạp Thái Bình cũ kỹ mà cha tôi đã kịp sơn sửa lại nó trước ngày lên đường. 

Xe dừng lại ở bến Gia Lâm mà điểm đích của tôi là làng Phùng Khoang ven vùng Thanh Xuân lúc nào cũng chỉ chực trào lên bọt nhớ. Vậy là tôi phải đạp xe một chặng đường dài để về đến nhà trọ và tất nhiên sẽ xuyên qua cây cầu cô đơn trăm năm lịch sử.

Tôi đã dừng lại và đứng giữa cầu khá lâu, nhìn ngược về thượng lưu rồi phóng mắt xuôi hạ lưu, men theo những bạt ngàn bãi bờ mà la liếm những khói sương xa mờ của một buổi hoàng hôn chết lặng. Qua bên này cầu tôi men theo triền đê cứ cho rằng để đến trung tâm thành phố và lách xuống vùng Thanh Xuân thì cứ ngược theo thượng lưu Sông Hồng mà đạp. Và rồi lạc trôi. 

Tôi thong dong vi vút tới tận Lạc Long Quân mà rồi làm thế nào tôi nhập vào Thụy Khê như một bóng nhập đồng. Vặn vẹo xoay sở tôi cũng lách cách mò về được tới làng Phùng Khoang nửa con Chúa nửa đệ Phật trong ánh đèn đường hân hoan vẫy gọi tôi vào cuộc du hành đầu tiên của hành trình tha hương.

Bạn có thấy sự cô đơn của những cây cầu? Hay chỉ mình tôi thấy vậy. Tôi chưa bao giờ cảm nhận “cây cầu nối những bờ vui” Có lẽ tôi chỉ để tâm vào những Trải Nghiệm Khác Biệt mà quên đi rằng cây cầu còn có biết bao niềm vui an nhiên.Thường tôi thấy: người ta hẹn gặp yêu đương trên cầu, người ta hẹn gặp ôm nhau trên cầu, người ta hẹn gặp hôn nhau trên cầu, người ta nhắn gặp chia tay trên cầu. Cây cầu nào cũng chẳng là một cái khóa tình yêu? Còn tôi thường hay lẳng lặng trút bỏ niềm cô đơn dị tật trên những thân cầu ngày đêm buồn tủi. Và càng về sau này tôi càng nhận ra rõ ràng và ám ảnh vẻ trầm mặc và cô đơn trong những linh hồn cầu bất tử.

Hai năm sau, cũng ở trong những ngõ ngách vùng Thanh Xuân quen thuộc, bên cánh cổng sơn màu vàng có loài hoa móng rồng buông hương ngọt vào đêm ngơ ngác tôi được một người bạn tặng cuốn Những chiếc cầu ở quận Madison. Đó là một tác phẩm văn học gây sốt khi vừa mới ra đời và được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh kinh điển ngay sau đó ít lâu.

Nếu bạn vẫn còn đang tự hỏi tình yêu là gì? thì Những cây cầu ở quận Madison sẽ cho bạn câu trả lời thú vị nhất. Đó là khi yêu ai đó thật lòng thì cứ hãy để cho họ được làm những gì họ yêu thích, và hãy để cho họ được là chính mình. 

Xuyên suốt câu chuyện là mối tình đẹp nhưng đầy ám ảnh giữa Francesca – một phụ nữ đã có gia đình và Kancaid – chàng nhiếp ảnh phong lưu. Tình yêu chỉ diễn ra trong 4 ngày nhưng nó đủ cho cả một đời. Và dường như nó quá lớn, đến nỗi cả hai phải chấp nhận xa nhau để những gì đẹp nhất sẽ được trường tồn.

Tác phẩm được viết bằng giọng văn mộc mạc mà đầy cuốn hút, khiến cho người đọc không chỉ đọc và cảm nhận, mà còn là người chứng kiến câu chuyện tình. Đọc "Những cây cầu ở quận Madison" để lắng đọng lòng mình, cảm nhận sự màu nhiệm của tình yêu và cũng để thấy rằng cuộc sống này không chỉ có những chuyện tình yêu cuồng sống vội, mà vẫn còn đấy những chuyện tình đẹp và thuần khiết. 

Thế nào là tình yêu đích thực? Và giả sử thứ tình yêu đích thực là có thật, bạn là người từng trải qua một tình yêu đích thực trong đời, một tình yêu vì lý do nào đó không toại nguyện, bạn sẽ hiểu vì sao cuốn tiểu thuyết đầu tay xinh xắn này đã làm cho người đọc khắp nơi trên thế giới xúc động đến thế, đến nỗi nó trở thành rất đất khách, và hơn nữa, một hiện tượng xuất bản.

Đó là chuyện mối tình giữa Robert Kincaid, một nhiếp ảnh gia tự do trên đường đi tìm những cây cầu mái ở quận Madison với Francesca Johnson, vợ một nông gia. Nhưng cây cầu ở quận Madison là lời nói thay cho khát vọng tình yêu nam nữ ở khắp nơi, nó nói cho chúng ta biết tình yêu là gì, rằng khi con người yêu và được yêu mãnh liệt sẽ làm cho cuộc đời lật sang một trang mới ra sao. 

” Thế là, vào tất cả những tối Thứ ba, tôi đều lấy cây saxo ra và chơi bản nhạc tôi đã viết tặng y. Tôi chơi ở đây và chỉ để cho chính tôi nghe.Tôi cũng chẳng hiểu tại sao, khi chơi, tôi luôn luôn nhìn vào tấm ảnh y tặng. Tôi không biết rõ, nhưng có một cái gì đó khiến tôi không thể rời mắt khỏi bức ảnh khi chơi bản nhạc này.Tôi còn ở đây, trong hoàng hôn của cuộc đời. Tôi làm cho cây kèn già nua khóc lên. Tôi chơi bản nhạc dành cho một người đàn ông tên là Robert Kincaid và một người đàn bà mà y gọi là Francesca. “ 

Không hiểu sao cứ mỗi khi đọc đến đoạn kết của tác phẩm lòng tôi lại rưng rưng và mường tượng ra bóng dáng cây cầu Long Biên và vô vàn những cây cầu mà tôi đã đi qua, đã dừng lại, đã vui, đã yêu, đã buồn và đã khát khao. Tiếng kèn saxo không chỉ vang lên vào mỗi tối thứ ba mà nó luôn trỗi lên trong tâm tưởng những lời thống thiết. Phải chăng đó là tiếng gọi của cây cầu cô đơn và những lời nhắn nhủ tri âm. Ở đâu đó trong thế giới này vẫn còn những cây cầu như thế. Tôi gọi đó là Cây cầu cô đơn.


Nguồn: Trải Nghiệm Khác Biệt

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn