Nguyễn Giang "SỐNG"

Cha mẹ cần làm gì khi con nói “Không ai thích con cả’’?

Đăng 4 năm trước

Bạn sẽ làm gì khi con bạn từ trường trở về nhà và nói rằng: “Không một ai thích con cả”. Câu nói này khá phổ biến khi trẻ em lên 7 tuổi, độ tuổi bắt đầu có xu hướng tự phê bình. Trên thực tế, trẻ em ở bất kỳ độ tuổi nào cũng đều có đôi lúc cảm thấy không có bạn bè.

Theo bản năng, việc đầu tiên mà bạn làm có thể làm là trấn an chúng rằng: “Không đâu, dĩ nhiên mọi người đều yêu con mà, Jeffrey, cậu ấy thích con mà; cả Sarah nữa, bạn ấy cũng thích con đấy”. Nhưng thật không may, con của bạn có khả năng sẽ phản ứng bằng cách cãi lại một cách quyết liệt rằng nó không hề có bạn. Hoặc cũng có thể, phản ứng đầu tiên của chúng là buồn phiền, thất vọng. Bạn đã từng cảnh báo con bạn hàng ngàn lần rằng những hành vi gây khó chịu sẽ khiến bạn bè rời xa chúng. Bạn có nghĩ tại sao những đứa trẻ lại không nghe những lời răn đe đó không?

Thật không may khi cho dù bạn có răn đe con bạn 1,001 lần cũng không có tác dụng hơn 1,000 lần, và những lời phê bình khi con bạn đang cảm thấy thất vọng sẽ có khả năng khiến chúng khóc và/hoặc tức giận. Hoặc cũng có thể bạn cảm thấy mình vô dụng. Tim bạn thắt lại khi nhìn thấy con mình bị xa lánh, nhưng bạn cũng biết rằng bạn không thể làm bạn với chúng được.

Theo Tiến sĩ Eileen Kennedy-Moore, dưới đây là những việc bạn có thể làm để giúp con bạn khi chúng cảm thấy không có bạn bè.  

Điều đầu tiên cần đạt được là sự cảm thông

Người lớn chúng ta thường có xu hướng muốn giải quyết vấn đề, nhưng thỉnh thoảng, chỉ cần nghe và thấu hiểu cảm giác của những đứa trẻ là đủ. Bạn có thể hỏi những câu nói như: “Dường như con đã có một ngày mệt mỏi phải không?” hoặc “Con đang buồn về chuyện gì đó đúng không?”. Nếu con bạn đồng ý kể cho bạn nghe chuyện gì đã xảy ra, bạn có thể nói với chúng rằng: “Ba/mẹ cảm thấy buồn khi biết điều này” hoặc “Thật đúng là một chuyện khó chịu phải không con?” để thể hiện sự đồng cảm của bạn. Bạn cũng có thể hỏi: “Con có muốn một cái ôm không?”. Khi một đứa trẻ bị bạn bè ở trường xa lánh, sự yêu thương từ cha mẹ sẽ làm cho chúng được an ủi.

Đừng phản ứng quá mức

Để nhìn thấy những tổn thương nơi trẻ nhỏ thường khá khó, nhưng bạn cũng hãy nhớ rằng cảm xúc của trẻ con thay đổi khá nhanh. Đứa trẻ mà hôm nay con bạn tuyên bố ghét có thể trở thành một người bạn yêu thích của nó vào tuần tới. Sự bất hòa khiến con bạn khóc trên giường lúc tối hôm trước có thể biến mất ngay ngày hôm sau. 

Như nhiều định nghĩa, trẻ con thường thiếu đi khả năng nhìn nhận sự việc dưới nhiều góc độ. Thời gian mà chúng sống trong thế giới này chưa đủ dài để chúng có khả năng hiểu những sự kiện trong một bối cảnh rộng lớn hơn. Bạn chắc chắn không muốn bỏ qua những đau khổ thật sự của con mình, nhưng một sự cố có vẻ như là ngày tận thế đối với con bạn ... rất có thể là không nghiêm trọng đến mức như thế. Nếu một đứa bạn cùng lớp có ý không tốt với con bạn, bạn có thể bị cám dỗ can thiệp vào vấn đề giống như một thiên thần đi báo thù bằng cách liên lạc với bố mẹ đứa trẻ kia hoặc nói chuyện trực tiếp với nó. Nhưng đừng làm như thế.

Việc bạn muốn bảo vệ con bạn là có thể hiểu được, nhưng bạn đừng để cho xung đột lan rộng đến những bậc cha mẹ khác. Trừ khi con bạn gặp nguy hiểm, hoặc bị bắt nạt nghiêm trọng, trong những trường hợp còn lại, cách tốt nhất là hãy cho những đứa trẻ cơ hội tự giải quyết mối bất hòa giữa chúng.

Cũng vậy, nếu bạn trở nên buồn bã cách rõ rệt vì những vấn đề nảy sinh trong quan hệ bạn bè của con bạn, bạn đang làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu bạn buồn bã, vấn đề thậm chí trở nên kinh khủng hơn con bạn nghĩ. Một phản ứng thái quá có thể khiến con bạn lưỡng lự khi muốn kể với bạn những vấn đề xảy ra trong tương lai. Hoặc ngược lại, một phản ứng quá mạnh mẽ có thể làm con bạn tập trung và kể lể với bạn từng chuyện nhỏ nhặt nhất sau này.

Thu thập nhiều thông tin nhất có thể

Nếu những rắc rối nảy sinh trong quan hệ bạn bè của con bạn cứ lặp đi lặp lại hoặc tiếp diễn, bạn cần thu thập thêm nhiều thông tin về những gì đang xảy ra. Lời giải thích của con bạn có thể chưa đầy đủ; những đứa trẻ khó nhìn thấy vai trò của chúng trong những vấn đề xã hội. Chẳng hạn như con bạn có thể nói rằng bạn cùng lớp đá vào ghế của nó, nhưng không đề cập rằng người bạn đó đã nhiều lần lịch sự yêu cầu con bạn nhường đường để đi qua.

Trao đổi với giáo viên cũng là một biện pháp hữu ích. Người giáo viên quan sát con bạn cùng với bạn bè của chúng mỗi ngày và có thể cung cấp những góc nhìn sâu sắc hơn về cách con bạn cư xử với các bạn cùng lớp, cách các bạn đáp lại và những hành vi phổ biến của trẻ ở độ tuổi con bạn.

Bạn cũng có thể thu thập thêm nhiều thông tin bằng cách quan sát cách con bạn tương tác với bạn bè đồng trang lứa. Hãy để mắt đến chúng khi ở sân chơi, cách sắp xếp một ngày vui chơi, hoặc tham gia vào các hoạt động tình nguyện ở lớp để bạn có thể thấy tận mắt cách con bạn hòa hợp với những đứa trẻ khác như thế nào.

Hướng dẫn cho con bạn

Một khi đã hiểu những gì xảy ra, bạn có thể hướng dẫn chúng cách tốt hơn để làm bạn với những đứa trẻ cùng trang lứa khác. Việc hướng dẫn sẽ phát huy tác dụng tốt nhất khi bạn hướng dẫn chúng trước lúc tham gia vào một hoạt động chung, hay hoạt động xã hội, hơn là sau khi con bạn đã có cách hành xử không thân thiện.

Ví dụ như bạn có thể giúp con bạn đóng vai để chào hỏi một cách thân thiện và phản ứng một cách bình tĩnh khi bị trêu ghẹo. Bạn cũng có thể giúp con bạn nhận ra những dấu hiệu khi người khác đang cảm thấy khó chịu hoặc tìm những cách tốt hơn để ứng xử với một tình huống rắc rối.

Bạn cũng cần đưa ra những gợi ý về việc những đứa trẻ cần cởi mở để đón nhận tình bạn. Không phải ai cũng sẽ thích con bạn; đó là bản chất của con người. Nhưng cố gắng theo đuổi một tình bạn với một người mà họ không quan tâm đến mình là một công thức dẫn đến sự đau khổ. Đôi khi, những đứa trẻ cố gắng làm bạn với đứa trẻ được nhiều người quý mến nhất trong lớp và bỏ qua những người bạn có nhiều điểm chung với chúng. Ngoài ra, đôi khi tình bạn cũ nhạt dần, và con bạn cần tìm một người bạn thân mới.

Tạo cơ hội để tình bạn phát triển

Mặc dù không thể làm bạn với con, bạn có thể giúp chúng bằng cách thiết lập những nền tảng để tình bạn phát triển. Những đứa trẻ sẽ làm bạn với nhau khi chúng cùng làm chung một số việc nào đó. Cho con bạn tham gia một số hoạt động giải trí sau giờ đến trường có thể giúp chúng gặp những đứa trẻ cùng sở thích. Sắp xếp những buổi vui chơi một-một có thể là một cách khá hay để làm sâu sắc thêm tình bạn bình thường. Mời một gia đình khác cùng tham gia một trò chơi gia đình vào buổi tối cũng có thể mở cánh cửa cho tình bạn của con bạn.

Nhờ đến sự giúp đỡ của chuyên gia nếu cần thiết

Đôi lúc, những vấn đề trong tình bạn cần đến sự giúp đỡ của chuyên gia. Nếu con bạn bị quấy rối hoặc đe dọa ở trường, bạn phải tranh thủ sự giúp đỡ của giáo viên và người có trách nhiệm để giữ con bạn được an toàn. Nếu những vấn đề phát sinh kéo dài trong nhiều tuần, nhiều tháng, bạn có thể cần đến sự tư vấn của một chuyên gia tâm lý hoặc cho con bạn tham gia vào một nhóm kỹ năng xã hội, nơi mà chúng có thể rèn luyện những kỹ năng làm bạn với những đứa trẻ khác trong một môi trường an toàn và mang tính xây dựng.

Chủ đề chính: #nuôi_dạy_con_cái

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn