laiquanghai

CHÁY, NỔ NGUY HIỂM TÍNH MẠNG NGƯỜI DÂN Ở CHUNG CƯ CẦN CÓ KỸ NĂNG GÌ?

Đăng 4 năm trước

CHÁY, NỔ NGUY HIỂM TÍNH MẠNG NGƯỜI DÂN Ở CHUNG CƯ CẦN CÓ KỸ NĂNG GÌ?

I. LÝ DO CẦN PHẢI ĐỌC NGAY BÀI VIẾT NÀY? 

 Ngày nay ở chung cư đang trở thành xu hướng trên toàn thế giới không riêng gì Việt Nam với nhiều ưu điểm và phù hợp với khả năng tài chính của nhiều gia đình. Tuy nhiên ở Chung cư cũng có nhiều hạn chế đặc biệt là yếu tố an toàn khi có cháy, nổ xảy ra, trong thực tế đã xảy ra rất nhiều thảm họa cháy chung cư ở Việt Nam và trên Thế giới khiến hàng chục người chết, bị thương: Vụ cháy Chung cư cao cấp Carina Plaza ngày 23/3/2018 tại TP. Hồ Chí Minh khiến 13 người chết…lửa độc thiêu rụi tất cả, mà với nhiều người 1 căn nhà là một tài sản rất lớn, tích cóp cả đời mới có được. 

Nguyên nhân hàng đầu gây cháy ở chung cư chính là sự thiếu hiểu biết, vô ý thức về phòng cháy, chữa cháy của nhiều người; hàng trăm thậm chí hàng nghìn người chung sống trong cùng 1 tòa nhà nếu chỉ 1 người vô ý thức, thiếu trách nhiệm gây cháy thì hàng trăm, hàng nghìn con người sẽ phải gánh chịu hậu quả thảm khốc. Do đó dân sống ở các tòa chung cư cần phải biết và nắm chắc các kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cơ bản để bảo vệ tính mạng, tài sản của mình và gia đình. 

II. NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

1. Trước khi mua một căn hộ chung cư

- Tìm hiểu kỹ chủ đầu tư, các công trình đã đi vào hoạt động xem các công trình đó an toàn về PCCC không để đánh giá năng lực, sự chuyên nghiệp của đơn vị bán nhà cho mình? (Các công trình đã hoạt động của chủ đầu tư đó có hay xảy ra cháy, nổ không? Các công trình có được nghiệm thu về PCCC trước khi bàn giao nhà cho người mua không? Dân sống trong các công trình đó phản ánh chất lượng hệ thống PCCC ra sao? Các chủ đầu tư có bị nêu lên các mặt báo về bị xử lý về vi phạm quy định PCCC không, có vướng mắc kiện tụng ko?... ). 

 - Xem xét kỹ khi ký hợp đồng mua bán đặc biệt lưu ý nội dung “chỉ nhận bàn giao nhà khi chủ đầu tư có đầy đủ giấy tờ pháp lý nhất là văn bản nghiệm thu hệ thống PCCC chung cư của cơ quan cảnh sát PCCC”. Nếu chủ đầu tư không xuất trình được giấy này thì họ không thể ép người mua nhận nhà và nếu vi phạm thời gian giao nhà chủ đầu tư phải bồi thường tiến độ. Người mua nhà nên tham gia các hội nhóm cư dân tương lai để trao đổi nắm bắt, thông tin… 

 2. Khi sống ở Chung cư

 - Khi nhận nhà và vào ở ngoài các công việc chuẩn bị cho cuộc sống mới, thì bạn, nhất là người đàn ông trong nhà trước tiên cần xem xét, kiểm tra các thiết bị, trang bị PCCC của tòa nhà, nhất là khu vực mình sống (hành lang, tầng, tòa nhà, khu nhà…).Ít nhất biết cái bình chữa cháy để ở đâu, cái lăng, vòi nước gắn tường ở chỗ nào để nếu gặp tình huống cháy, nổ biết chỗ lấy phương tiện ứng cứu. Đặc biệt cần quan sát các đèn chỉ dẫn thoát nạn thường có chữ “Exit” màu xanh cùng mũi tên chỉ hướng thoát nạn, biết vị trí các cầu thang bộ thoát nạn ở đâu nó dẫn đến đâu lên xuống thế nào…Dành thời gian để nghiên cứu có phương án thoát nạn cho mình và gia đình trong trường hợp khẩn cấp và phải phổ biến cho mọi thành viên trong gia đình biết cách thoát thân trong trường hợp có cháy, nổ. 

 - Lưu ý đối với các cửa sổ, ban công, lô gia không nên gia cố bằng các khung sắt, cửa cố định vì sẽ rất khó khăn để lực lượng chức năng phá dỡ cứu người khi có sự cố. Nếu muốn gia cố thêm bạn phải có phương án mở ra thoát nạn trong tình huống khẩn cấp. (Giả sử làm thêm khung sắt cửa sổ bạn nên làm thêm cửa nhỏ có bản lề, có khóa và để chìa khóa ở vị trí dễ tìm nhất để có thể mở trong tình huống khẩn cấp và thoát ra nếu không còn lối thoát) 

 - Bạn nên tham gia đầy đủ các buổi tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng về PCCC nhất là tham gia vào các phương án giả định có cháy vì mỗi một lần thực hành bạn sẽ được thêm kinh nghiệm giúp bạn sống xót khi cháy xảy ra thật. Rất nhiều nạn nhân may mắn sống xót trong các vụ cháy chung cư đều hối hận vì không đi nghe tuyên truyền về PCCC. 

 - Nên có số điện thoại, cách liên lạc khác với những người có trách nhiệm ở chung cư như bảo vệ, ban quản lý, hàng xóm, người thân gần chung cư và nhất là Cảnh sát PCCC (114) họ sẽ là người có ích và có thể cứu giúp bạn hoặc liên lạc với lực lượng chức năng cứu bạn nếu bạn gặp nguy hiểm… 

Quan trong nhất hãy nắm chắc các kỹ năng cơ bản sau: 

         1. Biết, quan tâm và giám sát một số quy định về phòng cháy, chữa cháy bắt buộc đối với các tòa nhà cao tầng, trong đó có chung cư: Phải có hệ thống báo cháy tự động; 50 – 150m2 có 1 bình chữa cháy; cửa thoát hiểm phải luôn đóng kín để tránh khói vào  thang thoát hiểm nhưng không phải bị khóa; có 1 - 2 họng nước cùng lăng vòi tại mỗi điểm trong nhà; có ít nhất 02 lối ra thoát nạn bằng đường cầu thang bộ từ tòa nhà ra ngoài; Nội quy PCCC của chung cư…  

         2.Cách thoát hiểm khi có sự cố xảy ra:   

 - Khi thoát được ra ngoài bằng hành lang, cầu thang: Đa phần nạn nhân tử vong vì nghẹt thở do khói nhiều hơn là bị bỏng hay chết cháy. Chính vì vậy, nguyên tắc đầu tiên để bảo toàn tính mạng khi xảy ra hỏa hoạn là mọi người phải quan sát thật kỹ, tìm mọi cách di tản ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt, đồng thời tri hô để mọi người ứng cứu. Khi bị “bà hỏa” tấn công,mọi người thường hoảng loạn và có rất ít thời gian để suy nghĩ. Chính tâm lý này đã khiến nhiều người không đủ tỉnh táo để quan sát tìm ra lối thoát hiểm. Bởi vậy, yếu tố quan trọng để con người thoát khỏi đám cháy là bình tĩnh và nhanh nhẹn thực hiện theo đúng phương pháp, kỹ năng thoát nạn để xử lý các tình huống xảy ra. Phải tuân thủ nguyên tắc cúi thấp người khi di chuyển vì khói luôn bay lên cao. Đôi lúc, cần bò dưới sàn nếu lượng khói tập trung nhiều, để tránh ngạt rồi thoát ra ngoài. Để không bị nhiễm khói, người dân nên lấy khăn thấm nước, sau đó che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở hoặc sử dụng mặt nạ chống khói nếu có. Trong trường hợp bắt buộc phải băng qua đám ửa thì nên dùng chăn, mền nhúng đẫm nước rồi trùm lên người và chạy nhanh rangoài, tránh để lửa bén vào trang phục. Nếu chẳng may bị lửa bén vào quần áo, tuyệt đối không được chuyển động, không được chạy vì gió sẽ làm ngọn lửa bùng thêm. Lúc này, người dân cần che mặt, nằm xuống nền và lăn qua lăn lại nhiều lần cho lửa tắt.                              

Ghi nhớ 8 kỹ năng thoát nạn khi có cháy ở nhà cao tầng
1. Phải tìm ra lối thoát hiểm theo đèn hoặc thông báo chỉ dẫn.
2. Nếu phải băng qua lửa hoặc khói, phải dùng mặt nạ phòng độc hoặc chăn, quần áo, khăn ướt trùm lên đầu và mặt.
3. Khi di chuyển cần cúi khom và men theo tường.
4. Khi mở cửa cần kiểm tra nhiệt độ cánh cửa tránh để lửa tạt vào người.
5. Nếu nhiệt độ quá cao phải tìm lối thoát hiểm khác.
6. Nếu không có lối thoát phải chạy ra cửa sổ, ban công ra hiệu và gọi điện cho cảnh sát phòng cháy chữa cháy số 114.
7. Có thể dùng đồ vải nối lại hoặc thang dây để leo xuống đất.
8. Không được nhảy từ tầng quá cao xuống đất nếu không có sự hướng dẫn của lực lượng cứu hộ.

     - Khi không thoát được vì hành lang, cầu thang có quá nhiều lửa khói mà nếu băng qua có thể nguy hiểm tính mạng: Khói độc đậm đặc và áp suất trong nhà kín sẽ tăng rất nhanh, do đó phải mở ngay lập tức tất cả các cửa ở hướng không có cháy để giảm áp suất. (Không được mở cửa ở hướng có cháy và khói xông vào phòng). Dùng khăn, quần áo ướt chèn kín cửa để khói không thể vào phòng. Và tìm cách thoát khác như ban công,cửa sổ ra hiệu cho người đến cứu như ra hiệu bằng đèn pin, quần áo màu, kêu cứu. Có khăn, vải ướt để che mũi, miệng tránh hít phải khói, bình tĩnh, tiết kiệm sức lực. 

 Thực hiện biện pháp tránh ngạt do khói rất đơn giản: Bạn lấy một tấm nệm dựng lên một góc khoảng 45 độ và bạn chui vào trong (nếu được có thể làm ướt). Đối với cửa sổ bạn sẽ để một khe thoáng phía trên khoảng chừng 30cm để khói có thể trượt qua tấm nệm và bốc lên ra ngoài trời. Đối với bán công bạn sẽ dựng tấm nệm sao cho phần đáy của nó tiếp xúc được với sàn và tường rồi chui vào đó tránh khói. Khi tránh được khói độc bạn đã có đến 90% cơ hội sống sót trong lúc nguy cấp thời gian tính bằng giây.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn