Hồ Huy Thích viết lách và trải nghiệm du lịch.

Check in Hải Phòng 1913

Đăng 4 năm trước

“Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu” Từ những năm 1913 dưới ống kính của những nhà nhiếp ảnh phương Tây Hải Phòng đã tự nó check in bao vẻ hào sảng của một miền duyên hải.

Tôi không sinh ra ở Hải Phòng nhưng lại là người có quá nhiều duyên nợ với mảnh đất này. Từ những bến cảng quê hương để tôi đặt chân hành trình tới bao bến bờ xa lạ, đến mỗi góc phố, mỗi con đường hằng đêm chuyển mình trong tiếng còi tàu rền vang thế kỷ, nơi đâu cũng in dấu nốt nhạc tâm tình.Và đến sau này khi kết hôn cùng một cô gái Hải Phòng thì mối duyên nợ ấy đã xoắn chặt lấy tôi để Hải Phòng trở thành một quê hương thứ hai máu mủ. Ai bảo mỗi khi đi xa tôi không khắc khoải  Hải Phòng.

Một góc của thành phố Hải Phòng năm 1913. Ảnh chụp từ trực thăng

Dân hàng hải chúng tôi thường đọc chệch đi là Hải Phồng mỗi khi gọi tên thành phố hoa phượng đỏ. Vì “phồng” là bản chất ăn sóng nói gió, hắt xì hơi bão của người dân bản địa xứ này. Đó là vẻ hồn hậu của mỗi người dân Hải Phòng, nó trở thành một thứ đặc sản tâm hồn miền biển. Vậy nên tôi cũng hay “phồng” lắm, bạn đừng ngạc nhiên về điều đó…Tôi đã từng tự hỏi một thành phố Hải Phòng hiện đại ngày nay nhưng đã ẩn chứa đâu đó biết bao trầm tích cũ càng của lịch sử, ắt hẳn xưa kia nó chẳng thiếu một dáng vẻ oai hùng. Và tôi đã lần tìm về lịch sử để check in Hải Phòng năm 1913 như tựa của bài viết này.

Dòng Tam Bạc năm 1913

Ngoài Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng cũng trở thành điểm thu hút rất nhiều ống kính phương Tây ghé qua đây.Với tên gọi thành phố Hoa Phượng Đỏ, Hải Phòng được hiện lên một cách rõ nét trong cái nhìn đầy chân thực của các nhà nhiếp ảnh gia phương Tây.Mới đây, tạp chí Belle Indochine của Pháp đã đăng tải một loạt hình ảnh về thành phố Hải Phòng. Đây là những tư liệu vô cùng quý giá đối với những người con Hải Phòng luôn tự hào về mảnh đất của mình.

Toàn cảnh xếp dỡ hàng hóa trên một con tàu quốc tịch Pháp tại cảng Hải Phòng năm 1913

Địa điểm được chọn để xây dựng “nhà hát Tây”, theo cách gọi của nhân dân thời bấy giờ, là nền chợ cao ráo, rộng rãi của làng cổ An Biên.Năm 1900, chính quyền Pháp bắt chuyển chợ đi nơi khác, nhà hát được khởi công xây dựng vào năm 1904 và đến năm 1912 thì hoàn thành. 

Nhà hát thành phố do kiến trúc sư người Pháp thiết kế rất công phu kiểu cách theo nguyên mẫu nhà hát Pari, nguyên vật liệu xây dựng được mang từ Pháp sang. Việc xây dựng do thợ và nhân công Việt Nam thực hiện dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư Pháp. Không chỉ thời ấy mà cho đến tận bây giờ giới trẻ sống ảo vẫn thường mê mẩn check in ở nhà hát thành phố Hải Phòng với những tấm hình bão táp.

Nhà hát lớn Hải Phòng - 1913

Kiến trúc nhà hát lớn Hải Phòng được xây dựng theo kiểu kiến trúc Barốc, đây là loại hình nghệ thuật kiến trúc xuất hiện ở Ý rồi chuyển sang Áo, Tây Ban Nha, 1 phần của nước Pháp rồi trở thành khuynh hướng nghệ thuật chủ yếu từ cuối thế kỉ 16 đến giữa thế kỉ 18.Từ Barốc trong tiếng việt được vay mượn phiên âm từ tiếng Pháp: Baroque, nhưng lại xuất xứ từ tiếng Tây Ban Nha là “Barroco”, tính từ:barroco” chỉ 1 viên ngọc không tròn đều, phần nào hơi dị dạng. Trong lĩnh vực kiến trúc, từ Baroque có lúc đã có nghĩa là kì dị. Ngaỳ nay khi nói đến phong cách Baroc trong kiến trúc tức nói đến tính nhịp điệu, năng động, tinh thần tự do bay bướm.

Ga Hải Phòng - 1913

Có lẽ việc chú ý đến hải cảng và những con tàu với tôi đã trở thành một thứ bệnh nghề nghiệp cố hữu. Có một Hải Phòng xưa kia, một Hải Phòng rất đỗi thơ tình bên dòng sông Cấm. Biết bao người phải trầm mặc hoài niệm khi đặt chân lên thành phố này, nhất là đứng trên bến cảng và ngưỡng vọng thời gian.Hải Phòng của những lộng lẫy ánh đèn bên sông, của những náo nhiệt phố phường, của những rộn ràng bến cảng nhưng cũng là của những mái nhà cổ đã đi qua lớp lớp thăng trầm.

Cảng chính Hải Phòng - 1913

Không thể phủ nhận ảnh hưởng của người Pháp đối với Hải Phòng. Trở thành cảng biển lớn của đất nước, sầm uất như ngày hôm nay, nổi tiếng với loài hoa phượng vĩ… dấu ấn của Pháp tạo nên cho Hải Phòng một nét rất riêng, đan xen giữa những xưa cũ và hiện đại, lãng mạn và tinh tế. Ngay từ năm 1913 Hải Phòng đã tự khoác lên mình nó vẻ phồn hoa và tiềm ẩn giao thương bốn bể.Nếu như Hà Nội trong tôi là bao thành quách văn hiến ngàn năm thì Hải Phòng lại là sự tự hào về nhà ga cổ nhất Đông Dương, về nhà hát lộng lẫy, về những ngôi biệt thự cổ êm đềm bên những con đường lớn. Hải Phòng trở về với những bâng khuâng của chính tôi – kẻ lang thang đi tìm những thơ tình mộng mị dấu xưa nẻo cũ…

Một con tàu lớn của Pháp cập cảng Hải Phòng - 1913

Tôi đã ra đi và trở về biết bao lần ở thành phố yêu thương này. Mỗi lần là một xúc cảm không thể viết thành lời. Nhìn về quá khứ, check in xứ ” Phồng” năm 1913 làm cho tôi có cảm giác mình như kẻ lãng du nhoài người về lịch sử mà bơi trong thổn thức quê nhà. Dù sao đi nữa Hải Phòng đã trở thành quê hương, trở thành những Bến Bính, Xi Măng, Cầu Rào, Cầu Đất…tạc tượng một thủa trong hồn. Check in Hải Phòng năm 1913 để tôi thêm yêu xứ này…

Cầu Rào Hải Phòng năm 1913

Trải Nghiệm Khác Biệt

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn