Gấu Trắng Vào đây nào!!! Gấu Trắng sẽ kể cho các bạn ghê về những bí ẩn, hay những sự thật sau các câu chuyện bí ẩn, những câu chuyện hư cấu hay có thật, hay những câu chuyện lịch sử ,cung đấu.... <3 <3 Cùng theo dõi nhé!!!!! :))) Và hầu hết các bài đều copy và tìm hiểu từ mạng

Chỉ số IQ hoá ra lại có một lịch sử đen tối và vướng vào nhiều tranh cãi mà ít ai biết đến

Đăng 5 năm trước

Cách đây hơn 1 thế kỷ, những bài kiểm tra chỉ số thông minh IQ lại từng là công cụ để người ta sàng lọc những người kém thông minh trong xã hội.

Chắc hẳn phần lớn chúng ta đều đã từng trải qua một bài kiểm tra trí thông minh ở trường học hay nơi làm việc. Bạn sẽ phải trả lời những câu hỏi như:

"John, 12 tuổi, gấp 3 lần số tuổi của em trai. Vậy khi số tuổi của John gấp 2 lần em trai thì cậu bao nhiêu tuổi?"

Hay: "4, 9, 16, 25, 36, ?, 64. Trong chuỗi này bạn sẽ điền con số nào vào dấu "chấm hỏi"?"

Mọi người sẽ bắt đầu suy nghĩ và đưa ra câu trả lời hợp lý cho những câu hỏi trên và hoàn thành bài kiểm tra, rồi nhận về số điểm kết quả được cho là sẽ xác định được mức độ thông minh của bản thân mình. Tuy nhiên, những ai từng tham gia bài kiểm tra IQ liệu có bao giờ tò mò chỉ số này ra đời như thế nào và có nguồn gốc ra sao hay chưa?

Trên thực tế, ý nghĩa của bài kiểm tra IQ vẫn luôn là đề tài gây tranh cãi giữa các nhà giáo dục và nhà khoa học trong suốt thời gian dài trước đây. Sau khi được hé lộ, lịch sử đen tối của nó cũng cho thấy chỉ số này đã từng gây ra rất nhiều thiệt thòi cho các cộng đồng thiểu số và thu nhập thấp.

Nguồn gốc của bài kiểm tra chỉ số thông minh

Ở thời điểm đầu những năm 1900, hàng tá bài kiểm tra IQ đã được phát triển tại châu Âu và Mỹ để đánh giá khả năng tư duy của con người một cách công bằng nhất.

Các bài kiểm tra đầu tiên trong thử nghiệm này được phát triển bởi nhà tâm lý học người Pháp Alfred Binet, người được chính phủ Pháp uỷ quyền để tìm ra những học sinh gặp phải nhiều khó khăn nhất khi theo học tại trường.

Năm 1905, kết quả của nghiên cứu đã tạo nên thang Binet-Simon, trở thành nền tảng cho kiểm tra IQ ngày nay. Trớ trêu thay, chính Binet lại nghĩ rằng các bài kiểm tra IQ không phải là biện pháp phù hợp để đánh giá trí thông minh, vì chúng không có khả năng đo lường chính xác sự sáng tạo hoặc trí tuệ cảm xúc.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng những bài kiểm tra IQ là cách đơn giản và nhanh nhất để phân loại các nhóm người theo trí thông minh - điều đã và vẫn luôn được xã hội đánh giá cao.

Tại Mỹ và một vài quốc gia khác, lực lượng quân đội và cảnh sát đã sử dụng các bài kiểm tra IQ để sàng lọc các ứng viên tiềm năng. Kết quả của nó cũng là tiêu chí quan trọng để xét tuyển người phù hợp.

Cũng trong khoảng thời gian này, hệ thống giáo dục Mỹ cũng bắt đầu sử dụng các bài kiểm tra IQ để xác định học sinh "có năng khiếu và tài năng", cũng như những học sinh cần được quan tâm đặc biệt và sắp xếp môi trường học thuật khác nhau vì chỉ số IQ thấp hơn.

Tuy nhiên, một số quận ở Mỹ gần đây đã phải hạn chế mức IQ tối đa để được nhận vào lực lượng cảnh sát. Bởi điều đáng sợ là những người đạt điểm quá cao dần dần sẽ thấy công việc quá nhàm chán so với trí thông minh của họ và rời đi - sau khi chính phủ tiêu tốn một khoảng thời gian và nguồn lực đáng kể để đào tạo họ.  

Bên cạnh việc sử dụng rộng rãi các bài kiểm tra IQ trong thế kỷ 20, người ta cũng bắt đầu nổ ra tranh cãi về việc trí tuệ của một người chịu ảnh hưởng bởi đặc điểm sinh học của người đó. Các nhà dân tộc học và nhân chủng học thời đó hầu hết đều xem trí thông minh và các hành vi xã hội khác của một người được xác định bởi chủng tộc.

Họ dùng chỉ số IQ để chỉ ra sự khác biệt giữa người da trắng và da màu hoặc giữa các nhóm thu nhập thấp và cao. Không chỉ vậy, một số người còn cho rằng những kết quả kiểm tra này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy sự chênh lệch trí tuệ là do di truyền, và sự bất bình đẳng hay phân biệt đối xử trong xã hội chỉ là sản phẩm phụ của quá trình tiến hóa mà thôi.

Trở thành công cụ bị lạm dụng một cách cực đoan

Kết quả kiểm tra IQ Alpha-Beta của Quân đội Mỹ được thực hiện vào thời kỳ thế chiến I, với sự tham gia của 1,75 triệu binh sĩ đã được công khai rộng rãi đến toàn xã hội và trở thành đề tài được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.

 Carl Brigham - nhà tâm lý học của Đại học Princeton đã viết trong cuốn sách "A Study of American Intelligence" xuất bản năm 1922, kết quả thống kê cho thấy trí tuệ người Mỹ đang bị suy giảm và nguyên nhân là do quá nhiều nhập cư đến Mỹ. 

Để giải quyết vấn đề, ông kêu gọi chính phủ đưa ra các chính sách xã hội để hạn chế nhập cư và cấm "pha trộn" chủng tộc tại xứ sở này. 

Trước đó, nhà tâm lý học và nghiên cứu giáo dục người Mỹ Lewis Terman đã rút ra mối liên hệ giữa trí tuệ và chủng tộc. Năm 1916, ông viết: 

"Sự suy giảm trí tuệ ở mức độ trung bình - cao rất phổ biến trong những gia đình Tây Ban Nha - Ấn Độ hay Mexico tại khu vực Tây Nam; cũng như ở những người da đen. Sự kém thông minh của họ có vẻ là đến từ chủng tộc, hoặc được di truyền từ thế hệ trước... 

Những đứa trẻ trong nhóm gia đình này tốt nhất là nên bị cách ly sang lớp khác. Chúng không có khả năng cảm thụ nghệ thuật, nhưng vẫn có thể được đào tạo để trở thành những thành phần lao động chân tay". 

Đương nhiên, vẫn có một bộ phận phản đối và cho rằng những lập luận trên là thiếu căn cứ. Mặc dù vậy, ở thời kỳ đen tối đó, những kẻ phân biệt chủng tộc vẫn sử dụng chỉ số IQ để làm công cụ đắc lực nhằm lọc ra những người bị cho là: "tên đần", "lũ chậm tiến", "kẻ ngu ngốc"... sau đó cách ly, tránh làm ảnh hưởng tới trí tuệ của những người Mỹ trắng cao quý.

Thậm chí đáng sợ hơn, những điều gây tranh cãi này cuối cùng còn khiến nhiều công dân Mỹ bị ép "triệt sản bắt buộc".

 Năm 1927, Tòa án Tối cao Mỹ đã hợp pháp hoá một điều luật gây tai tiếng, khi bắt những công dân bị chậm phát triển hay kém thông minh phải triệt sản để không để lại gene xấu. Sự kiện này đã dẫn đến hơn 65.000 vụ triệt sản do bị cưỡng chế của các cá nhân được cho là có IQ thấp trên toàn đất nước.

Những bài kiểm tra IQ ngày nay đã thay đổi

Cho đến ngày nay, những cuộc thảo luận về việc thế nào là "thông minh", cũng như tính đúng đắn và thực tiễn của những bài kiểm tra IQ vẫn luôn là đề tài nóng hổi thường xuyên được đem ra thảo luận. 

Một số nhà nghiên cứu nói rằng trí thông minh là một khái niệm đặc trưng cho một nền văn hóa cụ thể. Nó xuất hiện khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh, vậy nên rất có thể những người được cho là thông minh ở nền văn hóa này, lại trở thành kém thông minh ở nền văn hóa khác. 

Theo một số nhà nghiên cứu, "tính đặc thù văn hóa" của trí thông minh sẽ khiến các bài kiểm tra IQ có xu hướng đánh giá chính xác hơn trí tuệ của những người thuộc văn hóa Âu Mỹ - nơi khai sinh của chỉ số này. 

Hơn nữa, do trong lịch sử, bài kiểm tra IQ đã từng bị lợi dụng cho những hành vi và tư tưởng phân biệt chủng tộc. Cho nên một số nhà nghiên cứu nhận định rằng các bài kiểm tra như vậy không thể đo lường một cách khách quan và bình đẳng về trí thông minh của một cá nhân.

Hướng đến những mục đích tốt đẹp hơn

Chính vì quá khứ đen tối đó mà đã có nhiều ý kiến cho rằng nên loại bỏ những bài kiểm tra IQ vì chúng vô giá trị. Tuy nhiên, cũng có các nhà nghiên cứu đang cố gắng sử dụng chúng để hỗ trợ những cộng đồng đã từng bị kỳ thị trong quá khứ. Các bài kiểm tra IQ có thể được sử dụng nhằm phát hiện ra những học sinh tài năng mà biết đâu thầy cô giáo vô tình bỏ sót trong quá trình giảng dạy. 

 Bên cạnh đó, kiểm tra chỉ số IQ cũng có thể hỗ trợ quá trình tìm ra những khu vực có điều kiện sống gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Chẳng hạn như nguồn nước nhiễm chì hay asen, đều gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe não bộ. Điều này giúp chính quyền địa phương có thể đưa ra các phương án hỗ trợ và đối phó... 

Kể từ khi được phát minh, bài kiểm tra IQ đã đã trở thành tâm điểm của những cuộc tranh cãi về việc sử dụng hay chống lại chúng. Cả hai bên đều tập trung vào các cộng đồng đã từng chịu ảnh hưởng xấu từ việc sử dụng chỉ số IQ làm công cụ phân biệt đối xử trong quá khứ.

 Nhưng đồng thời, chính lịch sử đó cũng góp phần cho chúng ta thấy rằng trí tuệ là giá trị được xã hội coi trọng đến thế nào và điều quan trọng là phải tìm kiếm, bồi dưỡng, phát triển nó. Mà trợ thủ đắc lực nhất vẫn chính là một công cụ đo lường chính xác chỉ số IQ cho thế hệ sau.

(Theo Businessinsider)

Chủ đề chính: #chỉ_số_iq

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn