Huyền Iris Iris là sinh mệnh. Sống như một nàng công chúa, sống vui vẻ như một nàng tiên. Sống như thế bởi vì nếu chỉ còn 1 ngày để sống! Không hối tiếc lòng tốt cho đi, cũng không mong nhận lại, chỉ cần sống như thế!!! Bởi nếu lòng tốt là con người của bạn, thì được sống là chính mình sẽ không bao giờ cảm thấy hối tiếc.

Chủ nhật, thứ hai...

Đăng 4 năm trước

Mỗi tuần có 7 ngày. Điều này ai cũng biết. Nhưng em có biết ngày trong tuần được đặt tên như thế nào không? Và có khi nào em tự hỏi từ bao giờ người ta lại nghĩ đến việc sắp xếp thời gian thành từng tuần để ngày tháng không còn trôi trong quên lãng như thời Tiền Sử?

Việc " phát minh" ra các ngày trong tuần không xảy ra ở Ai Cập mà ở một đất nước khác - cũng nóng không kém gì Ai Cập. Ở đó không chỉ có một mà có tới hai con sông lfa Tigris và Euphrates. Phần quan trọng nhất của nước này nằm ngay giữa hai con sông nên nó còn được gọi là đồng bằng Lưỡng Hà - Mesopotamia, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là " nằm giữa sông". Đồng bằng Lưỡng Hà không phải ở châu Phi mà thuộc châu Á, ở vị trí khá gần với châu Âu, tức là vùng Trung Đông thuộc lãnh phận nước Iraq ngày nay. Hai con sông Tigris và Euphrates hòa lại với nhau cùng chảy vào vịnh Ba Tư.

Thành Babylon ngày xưa bây giờ cũng là một ngọn đồi đứng giữa sa mạc như thế. Babylon từng là thành phố quan trọng  nhất trên thế giới thu hút thương gia đến từ khắp nơi để mua bán. Trong khi đó về phía đầu nguồn con sông, ngay dưới chân núi lại có một thành phố khác, gọi là Nineveh - thành phố lớn thứ hai của vùng đất này. Babylon là thủ phủ của dân tộc cùng tên còn Nineveh là thủ phủ của người Assyria.

Người Babylon và người Assyria thờ cúng mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Vào những đêm trời quang mây tạnh, họ quan sát và ghi lại tất cả những gì thấy được trên bầu trời. Là những người thông minh nên họ sớm nhận ra sự thay đổi theo quy luật của những vì sao. Họ thấy có những sao chỉ xuất hiện ở các vị trí nhất định trên vòm trời. Rồi họ liên tưởng đến các hình ảnh và đặt tên cho các chòm sao, như ngày nay chúng ta có chòm sao Đại Hùng - có nghĩa là gấu lớn vậy. Họ cũng đặc biệt để ý tới những vì sao thường " di chuyển" qua lại dưới vòm trời về phía Đại Hùng hay chòm sao Thiên Bình ( nghĩa là cái cân). Vào thời đó người ta vẫn nghĩ trái đất là một mặt phẳng, còn bầu trời có hình dạng như một cái chén úp lên mặt đất, mỗi ngày lại lật lên một lần. Chính vì vậy họ cảm thấy kỳ bí vì trong khi hầu hết các sao đứng yên trên trời, một số sao lại có thể di chuyển. 

Ngày nay, chúng ta biết rằng những vì sao di chuyển thực ra ở gần ta hơn và cùng quay quanh mặt trời, như trái đất của ta vậy. Những vì sao này còn được gọi là hành tinh. Nhưng người Babylon và Assyria thời xưa thì chưa biết điều này, nên họ nghĩ ở đây chắc phải có một phép thuật gì đó. Thế là họ đặt tên cho những vì sao lang thang và quan sát chúng miệt mài, tới lúc họ tin chắc rằng chúng thực ra là những thế lực kỳ bí, có thể làm thay đổi số phận con người. Từ đó họ tin rằng nghiên cứu kỹ trăng sao thì sẽ biết được tương lai. Niềm tin vào các vì sao được gọi là thuật chiêm tinh học, trong tiếng Hy Lạp là astrology.

Theo đó, người ta tin rằng có những vì sao ( mà đúng ra là hành tinh) mang lại sự may mắn, lại có những hành tinh khác gắn liền với rủi ro, ví dụ sao Hỏa ( Mars) tượng trưng cho chiến tranh còn sao Kim ( Venus) thì cho tình yêu. Thời đó người ta biết được năm hành tinh và theo đó đặt tên cho mỗi ngày, cùng với mặt trăng và mặt trời nữa thì đủ 7 ngày trong tuần. Từ đó trở đi thời gian được chia theo tuần có 7 ngày như bây giờ vậy. Trong tiếng Anh thứ bảy là Saturday, theo Saturn, nghĩa là sao Thổ, chủ nhật là Sunday - Sun là mặt trời, còn thứ hai Monday là " ngày mặt trăng", theo từ " Moon" có nghĩa là mặt trăng trong tiếng Anh. Các ngày khác thì sau đó đã được đổi tên theo những vị thần. Nhưng trong các ngôn ngữ khác như tiếng Pháp hay tiếng Ý, hầu như tất cả các ngày trong tuần vẫn còn theo tên của sao như đã có từ thời của người Babylon. Em thấy chuyện đặt tên này có thú vị không, thật kinh ngạc là nó lại bắt nguồn từ thời xa xưa như vậy phải không?

Thời đó con người rất muốn được ở gần hơn với những vì sao, được trông cho rõ chúng vào những đêm trời mù sương. Vậy là người Babylon và người Sumer trước đó nữa xây nên những công trình kỳ lạ, có cái tên cũng kỳ lạ không kém là ziggurat. Đây là những đài chiêm tinh to lớn có nhiều tầng chồng lên nhau, với những bệ dốc chắc chắn và những bậc thang hẹp. Ngay trên đỉnh thường có một đền thờ mặt trăng hoặc một vì sao nào đó. Thời đó người ta thường đến từ khắp nơi để nhờ các giáo sĩ tiên đoán tương lai, không quên mang theo rất nhiều đồ cúng bái. Ngày nay chúng ta vẫn có thể thấy được rất nhiều đài chiêm tinh ziggurat đổ nát còn sót lại trong những đống gạch hoang tàn. Kèm theo đó là những tấm bia kể lại chuyện vua này vua kia đã xây dựng, trùng tu đài chiêm tinh ra sao. Những vị vua xưa nhất ở vùng này sống khoảng 3000 năm trước Công nguyên, còn những vị vua cuối cùng thì khoảng 550 năm trước Công nguyên.

Nebuchadnezzar là một trong những vị vua cuối cùng của người Babylon, sống vào khoảng 600 năm trước Công nguyên. Vua Nebuchadnezzar nổi tiếng với những chiến tích oai hùng. Ông đã đánh lại người Ai Cập, mang về rất nhiều tù binh để làm nô lệ. Thế nhưng công trình vĩ đại nhất của ông không phải là chiến tranh mà là những kênh đào và bể chứa nước để tưới ruộng, giữ cho đất đai luôn màu mỡ phì nhiêu. Mãi về sau, khi các con kênh và bể chứa bị bùn lấp nghẽn lại thì vùng đất này mới trở nên khô cằn, thành một nửa sa mạc bỏ hoang, nửa đồng bằng lầy lội với những đống đổ nát như ngày nay.

Vậy nên, mỗi khi chúng ta thở phào nhẹ nhõm vì một tuần sắp qua đi, lại đến chủ nhật, thì ta hãy dành một chốc lát để nghĩ đến những ngọn đồi hoang tàn ở xứ sở xa xôi đó, với những vị vua uy  nghiêm râu dài tóc đen. Bây giờ thì em đã biết những ngày trong tuần có từ đâu rồi.

  • Chuyện nhỏ trong thế giới lớn - E.H. Gombrich 
Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn