Vô Danh Lock

Chúng ta đang mê tín suy đồi?

Đăng 5 năm trước

Một cách dè dặt, người bạn của mình hỏi, theo anh thì người Việt có mê tín dị đoan không. Mình trả lời, cái này các nhà văn hóa trước đây cũng đã xác nhận rồi, người Việt cực kỳ mê tín dị đoan.

Thậm chí sự mê tín ở nhiều người Việt còn ở mức mê muội, biết là không đúng, vẫn tin với quan điểm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, vin vào cả những chuyện hoang tưởng nhất để lý giải những sự việc người khác làm xung quanh. 

Mê tín của người Việt còn được nhận dạng theo kiểu “có bệnh thì vái tứ phương”, một khi đã bị mất niềm tin vào cái gì, hoang mang điều gì, thì thần phật phương nào, đền nào miếu nào cũng có thể đến bái lạy và tin tưởng. Buổi sáng có thể đi lễ chùa, nhưng buổi chiều người Việt đã có thể đi hầu đồng. 

Theo đó, có thể nói tư duy tôn giáo của người Việt thật sự không có căn cơ mà thay đổi theo cảm quan trực giác, kém chọn lựa và ít đúng luật lý cơ sở nhất. Chung quy, đó là tâm lý mê tín dị đoan ở mức hỗn loạn nhất có thể.

Đột ngột, người bạn hỏi, vậy theo anh, người Việt ở đâu mê tín nhất?

Câu hỏi này, nói ra rất đễ đụng chạm, bởi tính tự ái của mỗi người không hề nhỏ. Song nếu nhìn thẳng vấn đề, thì ai cũng sẽ nhận ra, tạm thời chia 3 vùng, thì miền Bắc là mê tín, miền Trung là thờ phụng và miền Nam là chứng thực.

Tại sao lại nói vậy?

Một người bạn khác của mình, thực chất là một nhà sư, đã từng tâm sự rằng, đứt gãy kiến thức văn hóa là cơ sở để tạo ra những sai lầm thế tục hiện nay. Sự đáng tiếc của xã hội Việt Nam, là đã trải qua nhiều phân kỳ cuộc sống với nhiều thăng trầm khác biệt, dấu ấn chính sách quản lý Nhà nước ở các chế độ phân kỳ không đồng nhất và có cả biểu hiện cực đoan. 

Do đó, trong một giai đoạn nhất định, những người dân miền Bắc không được tiếp cận giáo lý tôn giáo chính tông, dẫn đến những nhầm lẫn pha tạp giữa Phật giáo, Đạo giáo, tục thờ tín ngưỡng dân gian như thờ Mẫu, thờ linh vật... Sau khi xã hội chuyển đổi vào bối cảnh kinh tế thị trường, đối sánh vật chất đã đẩy nhiều người vào thái cực sân si về lợi ích. 

Lợi ích càng lớn, người ta càng tự cho mình quyền phép cao hơn, và để luận giải điều đó, tại sao cùng một bối cảnh xuất thân mà tôi thành công anh thất bại, họ vịn vào sự may mắn, xui rủi, phúc phận, và vì vậy tiêm nhiễm tư duy thần thánh hóa những cơ hội cuộc sống. Cầu tài cầu lộc, tranh đoạt phúc phận tự nhiên trở thành cơ sở hành động của nhiều người, thậm chí cực đoan rằng bỏ lễ vật nhiều, chi tiêu tiền bạc nhiều thì chư thánh thần càng chứng giám cho. Thế là kẻ này ngoi lên trước, kẻ kia lòn cửa sau để dâng lộc dâng tài, tà vạy vay mượn hào quang linh thiêng để lý giải cho thành công hay thất bại của mình. Rồi khi xã hội có những biến tướng bất công về cơ hội, người có quyền có chức được ưu tiên hơn, kẻ có tiền có bạc được trọng vọng, thì tâm lý xã hội lại càng nhầm lẫn các giá trị, và tôn vinh những ảnh hưởng tiêu cực, tham lam, cơ hội chủ nghĩa. Điều này, gắn thêm với bối cảnh những kẻ xu nịnh quyền chức, luồng lách hãnh danh trong một bộ phận xã hội và quản lý Nhà nước, tổ chức doanh nghiệp... càng đẩy suy nghĩ của nhiều người theo hướng tiêu cực và mê lầm.

Hậu quả của hiện tượng này, là những cơ sở văn hóa, tâm linh, tôn giáo bị biến tướng trục lợi, bị lợi dụng khai thác hoặc thậm chí tự biến chuyển nội tại để thừa cơ kiếm chác bởi những tổ chức, cá nhân có trách nhiệm và vị thế nhất định. Vật chất càng được đề cao, ý thức càng điêu linh tàn mạt, đã đẩy số đông vào lựa chọn mê tín sai lầm, nhưng vì là cả một đám đông nên thành xu thế không cưỡng lại được.

Trong khi đó, khu vực văn hóa miền Trung, với những biểu hiện tự tôn về giá trị quá khứ, về văn hóa xã hội, ý thức tự tôn từ một thời kỳ phong kiến cũ, đã khiến con người cố gắng gìn giữ phong hóa cơ sở. Hai chữ đạo đức vẫn được đề cao ở những bối cảnh nhất định của người miền Trung, và ấn tượng về cái tốt, cái đẹp tinh thần chiếm đa số trong cộng đồng. Điều này giúp cho người dân miền Trung xem giá trị, vị thế các thần thánh, thần phật thuộc về niềm tin tâm linh, sự kính ngưỡng và tôn thờ. Giá trị hiển linh của các biểu trưng tôn giáo ở đây gắn với giá trị phúc phận dân gian, kẻ ác bị xử tội người hiền được may mắn. Vì thế, người miền Trung dốc lòng thờ phụng, kính cẩn trước thần thánh, xem tôn giáo và đời thường có khoảng cách linh thiêng nhất định, có những giá trị gắn với âm dương, khác hẳn cõi sống và cõi chết, chư Phật chư thần được tôn cao khỏi những giá trị vật chất tầm thường.

Người miền Nam lại có cách nhìn nhận tôn giáo, tâm linh với sự nghi ngờ nhất định, bởi đơn giản họ tự tin vào điều kiện cuộc sống có được. Ít hiểm họa thiên tai hơn, đời sống có những điều kiện thuận lợi hơn, và bối cảnh cuộc sống thuận lợi hơn giúp người dân nhìn những hình ảnh tôn giáo, thần Phật ở góc cạnh người trợ giúp, gia tăng thêm cơ hội cho họ chứ không phải là căn cơ tạo ra may mắn tốt đẹp cho họ. Họ cần sự chứng thực những giá trị tâm linh, tôn giáo đó, hữu ích ra sao với đời sống của họ. Đa số họ tin rằng có niềm tin vào tôn giáo tín ngưỡng thì sẽ may mắn hơn, ăn ở hiền lành đạo đức sẽ hưởng sự tốt đẹp thuần nhất hơn, tất cả đều do chính bản thân mình kiến tạo nên. Cho nên, họ không có lý do gì để cầu vạy xin xỏ thần thánh, không cần nghĩ đến chuyện hối lộ thần linh hay mưu lợi nào đó từ thần linh. Những “giao dịch” của họ với thần thánh chỉ thuần nhất là hợp tác cùng nhau, dẫn con người vào các chính đạo tốt đẹp, như đạo nghĩa tín, đạo hiếu, chữ trung nghĩa... chứ không phải tôi có thần linh phò trợ sẽ giỏi và may mắn hơn anh. Với họ, dù có cầu trăm chùa mà sống ác đức, làm hại kẻ khác, trục lợi gian trá, lừa lọc gian ngoan, thì cũng sẽ gánh quả báo, chả có thần linh nào giúp cho.

Với những bối cảnh xã hội nhận thức có phân khúc khác nhau như vậy, mà ngay trong những ngày này, người ta có thể nhận thấy, khung cảnh hỗn loạn đến quái đản đang diễn ra ở các phủ miếu đền chùa miền Bắc, nơi người người kéo đến để cầu cạnh xin xỏ thần thánh ban phúc cho lộc, và những tục lệ cổ hủ man rợ, những biểu hiện quá đáng vô tổ chức đua nhau hiện hữu, như chen lấn xô đạp nhau, đánh nhau sứt đầu mẻ trán để cướp lộc cướp tài... Người ta đua nhau buôn thần bán thánh, hối lộ thần phật, từ nhét tiền vào tay tượng Phật cho đến chen lấn dâng sớ cầu tài. Hình ảnh đám đông ngồi trải dải trên vỉa hè Hà Nội nhằm hướng về một ngôi chùa cầu cạnh phúc lộc an khang, trong mắt những người hiểu biết, là đáng mắc cười, đáng chế nhạo vì sự mê muội thái quá. Song với những cá nhân trong cuộc, thì điều đó lại là chính đáng, họ sẵn sàng đôi co và giận dữ khi bị chỉ trích. 

Đứt gãy kiến thức văn hóa và sa đọa niềm tin đã dẫn dắt họ đi vào con đường mê lạc như vậy. Đáng tiếc là ngay với những người trong cương vị “quản giáo niềm tin” như sư tăng nhà chùa, thái độ sân si và trục lợi chiếm ưu thế, và họ ngụy biện việc ủng hộ tâm linh đám đông nhằm mang lại lợi ích cho Phật pháp thì nên làm. Không ai đặt câu hỏi ngược lại rằng, Phật giáo có chấp nhận việc có lợi khi nhắm mắt hùa theo những quan điểm đi ngược tiêu chí tôn giáo hay không.

Trong khi đó, những chùa chiền miền Trung vẫn giữ được phần nào thành kính của người tham dự, còn miền Nam vẫn đầy vẻ hồn nhiên của những người đi chơi xuân ngoạn cảnh. Lợi ích được người miền Trung đưa ra với tôn giáo, là họ sẽ được may mắn hơn khi nhận phúc phận từ niềm tin tưởng và thờ phụng chu toàn, trang nghiêm tử tế, còn người miền Nam là tự tu dưỡng được bản thân sao cho đừng lạc về mê đạo, không làm ác, giữ điều thiện để bảo đảm cam kết với thánh thần.

Điều khiến mỗi người mỗi nhà lo lắng hiện nay, là bởi thế sự đề cao giá trị vật chất, tiền bạc, xu hướng xâm nhập hành vi trục lợi thần thánh, cầu cạnh tài lộc của những người từ phía Bắc đang đẩy nhanh về phía Nam, lan tỏa nhanh chóng vào các tụ điểm tâm linh tôn giáo miền Trung và miền Nam. Người bạn mình lo lắng, tình trạng đứt gãy văn hóa tri thức trong các thế hệ trẻ hôm nay, cùng với sự thờ ơ của các cấp quản lý, các cơ quan có trách nhiệm truyền thông, văn hóa, và sự lầm lẫn, chấp nhận cam chịu của những thế hệ già hơn, sẽ khiến văn hóa tâm linh xã hội nhanh đi vào sai lệch, mỗi lúc một xa rời các giá trị căn bản truyền thống. Nếu không nhanh chóng và kiên định chấn chỉnh, phải chăng sẽ đến một thời điểm, họa tâm linh trở nên phổ quát và lúc đó, chẳng thể nào cứu vãn được tình hình?

Chúng ta đang mê tín suy đồi? Câu hỏi này, giờ đây đang tồn tại hiện hữu và đe dọa một xã hội mạt pháp văn hóa, biến thái tâm linh và hủy hoại tôn giáo. Trách nhiệm này thuộc về tất cả những ai đang mỗi ngày nhìn những cảnh nhố nhăng sai lệch mà lẳng lặng quay đầu.

Mong ai đọc được thì hiểu được. 

Trân trọng.

Tác giả: Facebook Nguyễn Đức Sơn

Chủ đề chính: #người_việt

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn