Khánh Linh Nguyễn

Chúng ta vì sao phải về nhà….

Đăng 5 năm trước

Chúng ta, vì sao phải về nhà? Chúng ta, vì sao lại phải rời xa gia đình?

Tôi thường hay nghe thấy những người xung quanh thở dài, tất cả những người rời gia đình đến nơi đất khách quê người, họ đều hi vọng có một ngày được quay trở lại quê hương. Ra ngoài phiêu bạt cũng chỉ vì muốn kiếm tiền, để khi quay về nhà sẽ có “mặt mũi”, có thể đem đến cho cha mẹ cuộc sống tốt hơn, để cha mẹ không phải vất vả, không phải tiết kiệm, để họ tự hào mà nói tên của con cái mình ra.

Đây có lẽ là câu trả lời chân thành nhất mà tôi từng được nghe.

Một người, chỉ có thể nhìn thấy hướng đi cho tương lai khi anh ta biết nơi mà mình xuất phát.

Chỉ khi rời khỏi thì bạn mới quay trở về nhà.

Chúng ta thường rời khỏi nhà vì đủ mọi nguyên nhân: du học, công việc, tình yêu, lý tưởng, ước mơ… đi càng xa càng dễ dàng cảm thấy bất an, mệt mỏi, mơ hồ, thậm chí mất đi phương hướng.

Nhà giống như hồ nước giữa sa mạc, giống như chòm sao Bắc Đẩu trên bầu trời, dù có đi xa đến đâu, chỉ cần nhìn thấy chúng, chúng ta sẽ biết đó là hướng về nhà.

Cô bạn cũ cùng phòng với tôi đến từ Tân Cương, cô ấy vượt qua cả nửa Trung Quốc để đến Quảng Châu học đại học.

Khẩu vị của người Quảng Châu nhạt, cô ấy lúc mới đến ăn không quen, muốn ăn món ăn quê nhà cũng chỉ có thể ở ký túc ăn tương ớt Laoganma. Sau này có một hôm, cô ấy phấn khởi nói với chúng tôi rằng, cô ấy tìm được một nhà hàng bán đồ ăn Tân Cương, muốn dắt chúng tôi đi ăn cùng.

Thức ăn vừa bê ra, cô ấy “cắm mặt” vào ăn. Ăn được một nửa, cô ấy bỗng nhiên nói, tớ nhớ nhà rồi, tớ muốn về nhà.

Bất kể là đi bao xa, trên đầu lưỡi bạn sẽ luôn giữ lại hương vị của quê nhà, bất luận sau này có dùng bao nhiêu hương vị đi chăng nữa, cũng không cách nào làm tan biến được hương vị quê nhà kia.

Nhà hàng Tân Cương nhỏ đó đã xây dựng một quê hương cho những người xa quê, để khi lạc lõng trong thành phố xa lạ này, họ vẫn có thể nhớ đến hương vị của “gia đình”, nhớ rằng họ đến từ đâu.

Tôi từng xem được một video trên mạng:

Trên đường phố Tokyo, Nhật Bản, một chàng trai mặc áo khoác đen, tay cầm cây đàn ghi-ta đứng trên vỉa hè và hát bài "Trời cao biển rộng" bằng tiếng Nhật.

Giai điệu quen thuộc đã thu hút ánh nhìn của một cô gái, cô gái lặng lẽ dừng lại lắng nghe, rồi vô thức hát theo bằng tiếng Quảng Đông.

Nghe thấy giọng địa phương quen thuộc, chàng trai ngay lập tức chuyển sang tiếng Quảng Đông:

“Tha thứ chotôi đời này ngang bướng yêu quá tự do

Cũng sợ có ngày sẽ vấp ngã

Phản bội lại lý tưởng có ai không làm được

Cũng sợ có ngày chỉ còn em và tôi”

Cô gái lúc đó đã khóc rất nhiều.

Khi ở một vùng đất xa lạ, chúng ta hiếm khi được sử dụng tiếng mẹ đẻ. Trong một thế giới đầy những phương ngữ nước ngoài, họ dường như lạc lõng khi nói về quê hương của mình, hơn nữa, có nói ra rồi cũng sẽ không có ai có thể đáp lại.

Vì vậy, có thể nghe thấy giọng nói địa phương quen thuộc ở một nơi xa lạ sẽ khiến ta cảm thấy ấm áp, thân thuộc, bởi nó đang nói với những người xa quê rằng: Thì ra, chúng ta không đơn độc, trong thành phố xa lạ này, chúng tôi vẫn có người đồng hành.

Cho dù có đi bao xa, giọng địa phương luôn là mối liên kết mật thiết nhất giữa bạn với quê hương.

Beidao (một nhà văn người Trung Quốc có quốc tịch Mỹ) nói: "Tiếng mẹ đẻ là hành lý duy nhất của tôi."

Tiếng mẹ đẻ là chiếc túi duy nhất chúng ta có thể mang theo bên mình bất cứ lúc nào. Khi nhìn thấy những người khác mang cùng một chiếc túi như bạn, trái tim bạn sẽ không còn cảm thấy cô đơn nữa. Cũng nhờ đó mà chúng ta có thể lấy lại can đảm và đối mặt với sự xa lạ của nơi mà chúng ta đang sống.

Khi bạn nhớ hương vị của những món ăn nơi quê nhà, hay dừng lại bởi một giọng nói quen thuộc nào đó, đó có lẽ là lúc mà trái tim chúng ta đang che giấu một ham muốn mãnh liệt - "về nhà".

Con người, càng đi xa, càng dễ quên mất khi đó vì sao họ lại lựa chọn ra đi. Tương lai sẽ đi về đâu, chúng ta không biết; nhưng chúng ta đến từ đâu, chúng ta luôn hiểu.

Tại sao mọi người muốn về nhà? Tôi muốn nói rằng, thay vì nói là về nhà, không bằng nói rằng chúng ta đang đối thoại với mình của quá khứ, bởi nơi đó vẫn còn lưu giữ những dấu ấn chúng ta làm sao từng bước từng bước một đi tới ngày hôm nay. Những dấu ấn đó nhắc nhở chúng ta rằng bất kể có đi xa đến đâu cũng đừng quên về nhà!

Quan trọng hơn, nới đó có cha mẹ, có người thân mà chúng ta yêu thương. Trước mặt họ, chúng ta không cần giả vờ là người lớn, khi người khác chỉ quan tâm bạn có thể bay cao đến đâu thì chỉ có họ mới quan tâm bạn có mệt mỏi hay không. Trong thế giới luôn thay đổi này, chỉ có tình yêu của họ là vĩnh cửu.

Về nhà, giống như du hành thời gian hết lần này đến lần khác vậy, chúng ta tạm thời được giải thoát khỏi thế giới không ngừng thay đổi bên ngoài kia để trở về với quá khứ, để chúng ta, những người đang mất phương hướng có thể bắt đầu nghĩ lại khi đó chúng ta đã bắt đầu ra sao, giúp chúng ta tìm lại được vạch xuất phát, giúp chúng ta “sạc điện” lại một lần nữa.

Để rồi sau đó, lại xuất phát.

Như Quỳnh – Nguồn: QQ

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn