Quyên Nguyễn "Life is a choice" Trong cuộc sống này, tất cả những việc mình làm đều là do mình lựa chọn. Nó đồng nghĩa với việc chọn làm việc tốt hay chọn việc làm trái với lương tâm; chọn sống cho mình hay chọn sống cho người khác; chọn nhìn về hướng tích cực hay chọn đi về hướng tiêu cực.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn không uống nước?

Đăng 5 năm trước

Nước, cơ bản, có mặt ở khắp nơi trên thế giới; một người bình thường có cấu tạo 55-60% là nước. Vậy nước đóng vai trò gì đối với cơ thể, và ta thật sự cần uống bao nhiêu nước để duy trì sức khỏe? Mời bạn đọc Ohay TV cùng xem!

Nước có mặt ở khắp mọi nơi, từ đất ẩm và đỉnh băng cho đến các tế bào trong cơ thể chúng ta. Dựa vào các yếu tố như vị trí, hàm lượng mỡ, tuổi tác và giới tính, một cơ thể bình thường có khoảng 55 - 60% là nước. 

Khi mới sinh ra, trẻ em thậm chí còn chứa nhiều nước hơn. 75% là nước, chúng có cấu tạo giống như cá. Hàm lượng nước trong cơ thể đứa trẻ giảm xuống còn 65% khi chúng lên một tuổi. 

Phân tử H2O trong cơ thể bôi trơn và làm đệm đỡ cho các khớp, điều hòa nhiệt độ và nuôi dưỡng bộ não cũng như tủy sống. Nước không chỉ có trong máu. Não và tim của một người lớn gồm 3/4 là nước, tương đương với lượng ẩm trong một quả chuối. Bên cạnh đó, phổi thì giống táo hơn, với 83% là nước. Thậm chí, trông khô khan như xương, nhưng nó cũng có đến 31% là nước. Về cơ bản, nếu đã được cấu tạo từ nước và bao bọc từ nước, vậy tại sao ta vẫn cần uống nước nhiều đến vậy? 

Mỗi ngày, ta mất từ 2 đến 3 lít nước, thông qua mồ hôi, tiểu tiện, đại tiện, thậm chí là thở. Vì những chức năng này rất cần thiết để tồn tại, chúng ta cần bù lại lượng nước đã mất. Chúng ta cần duy trì lượng nước cân bằng, tránh mất hoặc dư thừa nước, vì cả hai đều có thể gây tác động nghiêm trọng tới cơ thể.

Ngay khi phát hiện tình trạng thiếu nước, các thụ thể cảm giác vùng dưới đồi của não sẽ gửi tín hiệu giải phóng hormone chống bài niệu. Khi đến thận, chúng sẽ tạo ra aquaporin - những kênh đặc biệt cho phép máu hấp thụ và giữ lại nhiều nước hơn, dẫn đến tình trạng nước tiểu đặc và tối màu.

Sự thiếu nước trầm trọng có thể gây thiếu hụt năng lượng, tâm trạng không tốt, da khô, giảm huyết áp và các dấu hiệu suy giảm nhận thức. Bộ não thiếu nước sẽ làm việc vất vả hơn để hoàn thành cùng khối lượng công việc so với bộ não thông thường, thậm chí não có thể tạm thời co lại do thiếu nước.

Sự dư thừa nước xảy ra khi ta uống quá nhiều nước trong thời gian ngắn. Các vận động viên thường là nạn nhân của tình trạng này, do rất khó để kiểm soát lượng nước khi cơ thể hoạt động ở cường độ cao. Nếu bộ não thiếu nước kích thích sản xuất hormone chống bài niệu, thì bộ não "ngập úng" sẽ bị trì hoãn, thậm chí ngừng giải phóng hormone vào máu. Chất điện giải Natri loãng đi khiến các tế bào phồng lên. Ở những ca nặng, khi thận không thể "bắt kịp" với lượng nước tiểu loãng, tình trạng nhiễm độc nước sẽ xảy ra, chúng có thể gây đau đầu, nôn mửa, thậm chí co giật hoặc tử vong trong một số trường hợp. Nhưng điều này rất hiếm hoi!

Trong cuộc sống thường ngày, khá dễ dàng để duy trì một cơ thể đủ nước với những ai may mắn tiếp cận được nguồn nước sạch. Suốt thời gian dài, bác sĩ thường khuyên chúng ta nên uống khoảng 8 ly nước/ngày. Định lượng này đã được điều chỉnh.

Ngày nay, người ta cho rằng lượng nước cần uống mỗi ngày phụ thuộc phần lớn vào trọng lượng cơ thể và môi trường. Nam giới nên uống 2,5 - 3,7 lít nước mỗi ngày và nữ giới cần khoảng 2 - 2,7 lít nước. Con số này có thể cao hoặc thấp hơn nếu ta khỏe mạnh, năng động, có tuổi hay nóng bứt. Nếu nước là thức uống giải khát lành mạnh nhất thì các đồ uống khác dù chứa caffein như cà phê hay trà, cũng có thể bổ sung nước cho cơ thể.

Nước trong thức ăn chiếm khoảng 1/5 lượng H2O ta hấp thụ mỗi ngày. Các loại rau quả như dâu tây, dưa chuột, thậm chí là bông cải xanh có hơn 90% là nước. Chúng có thể cung cấp đồng thời nước, dưỡng chất và chất xơ. Uống đủ nước đem lại những lợi ích lâu dài.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống đủ nước giúp giảm nguy cơ đột quỵ, kiểm soát bệnh tiểu đường và giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Nhìn chung, việc uống đủ nước tạo ra một khác biệt lớn trong cách bạn cảm nhận, suy nghĩ và hoạt động mỗi ngày.

Quyên Nguyễn - Ohay TV

Chủ đề chính: #uống_nước

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn