Hạ Thanh

Chuyện lạ tại Papua New Guinea: Những người đàn ông tự cắt da để trông giống cá sấu

Đăng 5 năm trước

Ở Papua New Guinea - hòn đảo lớn thứ hai ở phía tây bán cầu, nơi mà 80% dân cư sinh sống trong những thôn làng xa xôi, hẻo lánh, ít được tiếp xúc với thế giới bên ngoài thì những hủ tục vẫn còn tồn tại.

Đi qua ngôi nhà linh thiêng ở làng Parambei, có thể bắt gặp rất nhiều nam giới với những vết sẹo ở khắp ngực. Những căn nhà linh thiêng hay còn gọi là Haus Tambaran, dọc theo sông Sepik ở phía Bắc Papua New Guinea là nơi người dân bày tỏ sự tôn kính với các linh hồn được biểu hiện qua hình ảnh động vật. Những ngôi nhà được trang trí lộng lẫy với những bức tranh và chạm khắc của tất cả các sinh vật - từ lợn đến rắn và đại bàng. Tuy nhiên, cá sấu vẫn là biểu tượng của sức mạnh dọc theo sông Sepik. Một trong những buổi lễ trưởng thành cực đoan nhất còn tồn tại ở New Guinea, lưng, vai và phần trên của người đàn ông bị cắt bởi lưỡi dao cạo để tạo thành những vết cắt dài trông giống như da cá sấu. Việc này có thể kéo dài từ một đến hai giờ đồng hồ.

Malingi - trưởng làng Parambei tiết lộ: "Một số người đàn ông lớn tuổi chơi sáo thiêng để làm dịu cơn đau và vết cắt được phủ bằng nhựa cây cùng đất sét trắng để ngăn ngừa nhiễm trùng." Tục lệ này tượng trưng cho việc thanh lọc "máu non" từ khi sinh ra và thay vào đó là máu của người trưởng thành. Cùng với đó, những người đàn ông trẻ tuổi có thể dành vài tháng trong Haus Tambaran để học hỏi kỹ năng sống từ những người có kinh nghiệm.

Sở dĩ cá sấu trở thành sinh vật được tôn sùng nhất ở Sepik, theo lời của Malingi: "Cá sấu là biểu tượng của sức mạnh. Chúng tôi sợ nó nhưng lại lấy sức mạnh từ nó." Ngoài ra, huyền thoại của Sepik được kể lại là người Sepik có tổ tiên là cá sấu. Vì vậy, sự sùng bái và niềm tin vào cá sấu rất mạnh mẽ, nhất là ở khu vực trung Sepik, trong số những người nói ngôn ngữ latmul - một trong số 832 nhóm ngôn ngữ của Papua New Guinea. Những người dân sống trong những ngôi làng hẻo lánh sống nhờ một cây lương thực gọi là cọ sago, câu cá và trồng mía. Lợn thì được nuôi và dùng như vật cúng tế trong các nghi lễ cũng như trở thành một thứ tiền tệ để giải quyết tranh chấp. 

Do sự ảnh hưởng của Thiên chúa giáo từ sau cuộc cai trị thuộc địa của Đức, sẹo cá sấu đã dần biến mất khỏi một số cộng đồng sông như là Kaminimbit và Wombun nhưng Haus Tambaran vẫn tồn tại song song bên cạnh nhà thờ và hoạt động như một câu lạc bộ cho những người đàn ông. Tuy nhiên, điều này lại không xảy ra ở Parambei, khi mà nhà thờ Công giáo đã hiện diện nhưng không thể thắng thế. Cuối cùng, Malingi tiết lộ rằng, một loạt nghi lễ thể hiện sự sùng bái cá sấu của những người đàn ông trẻ tuổi sẽ diễn ra vào tháng 11 này. Ông nhấn mạnh "Điều quan trọng là chúng tôi vẫn tiếp tục làm điều này ở Parambei. Việc cắt da giống cá sấu có ý nghĩa rất quan trọng. Sau khi những người đàn ông đã trải qua nỗi đau đớn xác thịt thì họ sẽ sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn trong cuộc sống."

Chủ đề chính: #chuyện_lạ

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn