Minh Hiền

'Có căn nhà nằm nghe nắng mưa' - Bộ phim đọng nước mắt của Cố Nghệ Sĩ Lê Bình

Đăng 4 năm trước

“Có căn nhà nằm nghe nắng mưa” là phim điện ảnh của đạo diễn Bình Nguyên và Mai Thế Hiệp, quy tụ diễn viên từ nhiều thế hệ khác nhau. Đây là một bộ phim được ra mắt năm 2017 và đánh giá khá cao về nhiều khía cạnh, gây tiếng vang trong giới phê bình nghệ thuật.

1. Tựa đề

Đầu tiên, phim hút khán giả từ tựa phim. Thơ, một tên gọi rất thơ và gợi cảm. “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa” gợi đến cho người nghe cảm giác cũ kỹ nhuốm màu của thời gian, gợi ra hình ảnh một ngôi nhà mà ở nơi đó, luôn luôn có những người thân yêu chờ đợi chúng ta trở về. Từ tựa phim đã mở ra không gian và nội dung cốt truyện, tinh tế và giàu chất thơ. 

2. Cốt truyện

Nội dung phim xoay quanh một chữ “Tình”. Tạm chia bố cục câu chuyện thành ba phần, gắng với ba chữ “tình” khác nhau. 

Nửa đầu phim: Mở đầu phim là Sơn (Dương Cường), nhân viên địa ốc trên đường thực hiện công việc thì bị tai nạn giao thông, từ đó anh nằm mơ thấy những giấc mơ kỳ lạ...về một khu trọ, một gia đình, một thân phận. Nhưng đây sẽ là câu chuyện ở một khu xóm trọ tập thể. Phim thực sự vẽ ra được thời gian những năm 80 của thế kỷ trước. Nửa đầu phim cho thấy thói quen của một Sài Gòn tuy hoa lệ nhưng giản dị, bình yên, đặc biệt là cảnh cả xóm cùng nhau sum họp trước cái ti vi trắng đen cùng khóc cùng nghẹn theo vở “Đời Cô Lựu”. Không chỉ vậy, phim cho thấy tình làng nghĩa xóm, những người đàn ông tụ họp làm vài ba chén rượu, ôm chiếc ghi ta cũ và đùa giỡn. Hay tình cảm gia đình, vợ chồng của ông bà Tư (NSUT Kim Xuân và Nghệ sĩ Tấn Thi) cũng tạo cho khán giả cảm xúc nhẹ nhàng và bình yên. 

Giữa phim: Đây là cao trào của phim, đối nghịch hoàn toàn với nửa đầu phim. Bi kịch mở đầu là cao trào khi vợ chồng ông Phát (Cố nghệ sĩ Lê Bình và Nghệ sĩ Kiều Trinh) cự cãi vì Vũ (cậu sinh viên thuê nhà trọ của ông Phát) mãi chưa trả tiền nhà dù đã nợ 2 tháng 29 ngày. Sau đó, Vũ cùng Nam (con trai bà Tư) đi học... và thế là mọi chuyện bi kịch ập đến. Vũ chết ! Nam bị dồn thành nghi phạm ! Tình làng nghĩa xóm bắt đầu sụp đổ, một nghi kị dồn hết vào gia đình bà Tư, họ cho rằng Nam là kẻ giết Vũ, người gay gắt nhất là ông Phát – vì ông Phát thương Vũ như con trai. Bi kịch càng được đẩy lên khi bà Tư giấu chồng, chuẩn bị hành trang cho con vì chỉ đường cho con trốn đi. Từ đó, bà bắt đầu chuyến độc hành trong sự dằn vặt, cô đơn, đau đớn và giằng xé từ ba phía: chồng – hàng xóm – và bản thân mình. Một trong những cảnh tuyệt vời nhất phim là màn đối thoại giữa ông bà Tư trước và sau khi Nam rời đi. Nghệ sĩ Tấn Thi và NSUT Kim Xuân từng là bạn học cùng lớp, nên họ tương tác vô cùng ăn ý. Đầu phim, ông Tư và bà Tư là một cặp vợ chồng kiểu mẫu, hạnh phúc. Nhưng cao trào đến, ông Tư từ chức Tổ trưởng Tổ dân phố, hàng ngày rong ruổi trên chiếc xe lam (cũng là đặc trưng Sài Gòn) để tìm con, tìm đến lúc “tui tìm con khắp nơi rồi bà”. Đàn ông ít khi khóc, ông Tư cũng đã rơi nước mắt. Vì nhớ con, vì sự bất lực của một người cha, người chồng không bảo vệ được cho gia đình, cho con, vì sự nghi kị của hàng xóm. Phân đoạn ấn tượng không kém là cảnh ông Tư và ông Phát uống rượu. Hai người đàn ông, khóc cười, cười khóc cùng nỗi đau mất con, mất đi một người mình xem như con. Rồi họ đánh nhau, đánh để bảo vệ danh dự, để bảo vệ cho con mình. Lời thoại của ông Tư cứ “con tôi không phải kẻ giết người” liên tục được thoại ra bởi Nghệ sĩ Tấn Thi, một câu thoại ngắn nhưng phức tạp về nội tâm, thoại để đẩy cao trào của cả bộ phim, thoại thay phần của bà Tư, của con trai mình.Dù là cao trào về bi kịch, nhưng đủ để ta thấy được tình cha con, tình mẹ con sâu đậm và thiêng liêng của ông bà Tư dành cho con mình, đúng như câu nói “mũi dại, lái chịu đòn”. 

Nửa sau phim: Mọi nút thắt trong bộ phim dần được hé mở. Ông Tư qua đời, khu chung cư tập thể xuống cấp, hầu hết người dân rời đi. Chỉ còn bà Tư, ông Phát, Được (NSUT Hoàng Nhất), Diễm (Nghệ sĩ Kiều Oanh) bám trụ tại đây. Sơn lúc này đang cận kề giải quyết công việc lại vướng vào câu chuyện phức tạp của gia đình bà Tư, nhất là khi cậu đến để thuyết phục những người còn lại ở đây bán nhà và bị bà Tư nhận lầm là Nam. Từ đó, những giấc mơ kì dị liên tục hiện ra, Sơn mơ thấy mình là Nam và sự thật được phơi bày. Vũ bị chết đuối vì ngủ quên ngoài bờ sông, ông Phát đuổi theo Nam vì nghĩ cậu là kẻ giết người và ông chứng kiến cảnh Nam bị xe đụng chết. Nhưng ở đây, Nam và Vũ đã chết, phim muốn đề cập đến hai chữ “tình người” quan trọng hơn.Ông Phát dù sống trong dằn vặt những vẫn ở lại khu chung cư cùng bà Tư. Được (anh thợ hớt tóc) và Diễm (cô gái điếm) tuy đã già nhưng vẫn chăm sóc nhau, ở lại khu chung cư để cùng nhau lo cho bà Tư đã già yếu. Cái tình người ở đây làm nổi bật và lấn át cả bi kịch bao trùm phim, tình người xua đi ám ảnh nặng nề về cái chết, về khóc lóc. Đặc biệt, Sơn đã kể lại câu chuyện này với vợ mình, con gái của một Chủ tịch Tập đoàn Địa ốc lớn (Hữu Châu) về bà Tư, về những gì anh nhìn thấy. Để rồi cuối phim, ước mơ của bà Tư là được lên ti vi thi hát để tìm con, anh chấp nhận đóng giả con bà Tư để giúp bà hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của cuộc đời. Và thậm chí cả vợ anh cũng sẵn sàng theo chồng đến nhà bà Tư, giả làm con dâu để cùng bà ăn một bữa cơm sum vầy. 

3. Màu sắc

Phim mở đầu với màu xanh lạnh, tối, đúng với tính chất tạo cho người xem cảm giác bị cuốn hút theo những chuyện ly kì sắp xảy ra. +Ngay sau đó, màu sơn vàng của gạch cũ, những cánh cửa màu xanh lá hoà thành một tone màu quyện cùng nhau, nó làm ấm cả không gian xanh lạnh, tối ở đầu phim. Ấm ở đây không chỉ là màu sắc, mà là tình người, tình làng nghĩa xóm, tình yêu thương giữa con người với con người. 

Cuối phim là hình ảnh bà Tư mặc áo dài đỏ, background là ngọn đèn đỏ của bàn thờ ông Tư tạo cho người xem một cảm giác ma mị, hơi rợn người. Nhưng có lẽ, đó là màu đỏ của tình yêu, tình thương của người mẹ dành cho con. Màu đỏ là màu tượng trưng cho tình yêu mãi mãi bất diệt. Và có lẽ, màu đỏ còn là tình người, là cách đối nhân xử thế ấp ám, giàu tình yêu của hàng xóm, của Sơn và vợ dành cho bà Tư những giây phút cuối đời. 

Phim rõ ràng có sự đối lập nhiều lần giữa gam màu nóng và lạnh, sáng và tối. Tạo nên sự đối lập trong cảm xúc của con người, là sự gợi mở cho những bi kịch của câu chuyện. Nhất là khi phim đang ở gam màu sáng, ấm và lập tức chuyển sang màu tối (phân đoạn sau khi cãi nhau của vợ chồng ông Phát và sau đó là phát hiện Vũ chết). 

4. Cú máy

Phim có hai cú máy để lại sự ấn tượng:

+ Cú máy dài Long-take: Tạo cảm giác liền mạch trong cảm xúc cho người xem, nhất là bộ phim về đề tài tâm lý gia đình nặng như “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa”.

+ Cú máy lật không gian: Đối với mình, đây mới là ấn tượng đặc biệt nhất của phim. Cú máy được sử dụng khi Sơn nằm mơ mình ở nhà bà Tư. Sau đó, anh nhận ra mình không phải là Nam, tâm lý vô cùng rối loạn vì bà Tư cứ gọi mình là Nam, nhưng anh một mực phủ nhận. Đồng thời xung quanh còn là những âm thanh “mày là kẻ giết người” từ hàng xóm. Sơn cố gắng chạy thoát khỏi căn nhà, anh chạy ra khỏi cánh cửa nhà nhưng lại bước vào nhà. Đây là một biện pháp giải quyết không gian và tâm lý rất hay, nó cho thấy rất rõ sự giằng xé tâm lý của nhân vật Sơn, Sơn càng trốn tránh, ác mộng càng đuổi theo anh. 

5. Diễn xuất

Bộ phim không có ngôi sao phòng vé như Hoài Linh, Trấn Thành, Trường Giang hay Việt Hương. Nhưng phim thành công đến 80% khi mời được những gương mặt kì cựu vào vai chính lẫn vai phụ, vai cameo. Phim quy tụ 6 thế hệ diễn viên. 

+ NSND Ngọc Giàu: Bà xuất hiện rất ngắn ở đầu phim, là chủ nhà có ti vi trắng đen để cả xóm quây quần bên nhau xem vở “Đời Cô Lựu”, từng câu thoại nhả chậm rãi, từ tốn như vốn dĩ phong cách của bà từ trên sân khấu cải lương như Thái hậu Dương Vân Nga hay các vở kịch/hài. 

+ NSUT Kim Xuân, Tấn Thi, Lê Bình: Bộ ba diễn viên xuất sắc và tuyệt vời của phim. Họ không phải gương mặt thu hút khán giá nhưng là bảo chứng về chất lượng. Ba nghệ sĩ, ba phong cách diễn hoàn toàn khác nhau nhưng diễn những phân cảnh vui vẻ đến giằng xé nội tâm đều rất xuất thần và chân thật. Đặc biệt là Cố nghệ sĩ Lê Bình. Nếu NSUT Kim Xuân và NS Tấn Thi là người mẹ quốc dân, là ông già Nam Bộ khắc khổ, đau đáu nỗi nhớ con thì Cố NS Lê Bình cho người xem thấy rõ hai mặt nhân cách của một con người. Từ cái chân chất của người Sài Gòn xưa, đến tâm trạng của một người mất đi con cháu, hay dằn vặt nỗi đau chôn giấu sự thật rằng mình đã chứng kiến xe tải đụng chết con bà Tư. Với ba nghệ sĩ này, hai từ “tuyệt vời” chưa đủ thể hiện đẳng cấp của họ. 

+ NSUT Hữu Châu: Ông chỉ đóng vai phụ, xuất hiện rất ngắn nhưng xứng đáng với câu khen ngợi của những nghệ sĩ khác như NSND Hồng Vân, NSUT Thành Lộc, Minh Nhí dành cho ông, đó là “về tiếng nói sân khấu thì không ai qua được Hữu Châu”. Một cứ “hửm”, cái nhăn trán, cái chau mày cũng tạo nên thần thái và tính cách nhân vật. 

+ NSUT Hoàng Nhất, Kiều Oanh, Kiều Trinh: Đây là những tuyến nhân vật phụ, nhưng chất nào ra chất đó. Một anh thợ cắt tóc hiền lành theo đuổi một cô gái điếm, NSUT Hoàng Nhất và Kiều Oanh cũng vốn dĩ là dân cải lương, dù sau này Kiều Oanh trở thành Danh hài nhưng cùng nhau vào vai bi xuất sắc. Kiều Trinh vẫn giữ trọn vẹn nét hung dữ nhưng đâu đó là tình yêu với chồng, với hàng xóm, là sự đa sầu đa cảm nhưng vốn dĩ các nhân vật của cô. 

+ Hồng Trang, Dương Cường, Thuận Nguyễn: Dương Cường vào vai chính của bộ phim. Tuy nhiên, anh là điểm trừ nhỏ của bộ phim. Diễn xuất của Dương Cường còn gồng, căng cứng. Cách nhả thoại còn “kịch”, còn “sân khấu” chứ chưa được tự nhiên, mà điện ảnh là thật, cần thật và phải thật. Hồng Trang cũng là đào thương của các sân khấu kịch nên lối diễn vẫn còn mang tính sân khấu nhiều. 

+ Khắc Minh: Là gương mặt trẻ lần đầu xuất hiện trên màn ảnh rộng nhưng chàng diễn viên điển trai này cũng tạo được dấu ấn tự nhiên về diễn xuất, dù không xuất hiện nhiều. 

6. Phim hay - nhưng chưa trọn vẹn

Tuy nhiên, phim có một vài điểm trừ nhỏ: 

Diễn xuất của Dương Cường - nam chính còn căng cứng.

Cốt truyện tuy giàu ý nghĩa nhưng còn quá nặng nề, khó để phố biến đến tất cả đối tượng khán giả. Phim còn dài dòng và lê thê ở cách kể chuyện. Tuy nhiên cũng dễ hiểu là vì đây là chuyển biến tâm lý của những người cha mẹ mất con, của một người vô tình trở thành con người khác, vô tình chứng kiến một vụ án mạng từ 30 năm trước. Điều này khiến phim đôi khi hơi “kịch hoá”. 

Phim có một vài khúc mắc nhỏ, chẳng hạn như tâm lý của Sơn trong cú máy đa chiều không gian vô cùng nặng, tâm lý giằng xé kinh khủng nhưng sau cuộc trò chuyện với Được, Diễm và ông Phát, anh lại dễ dàng chấp nhận đóng giả Nam. Và anh sẵn sàng từ bỏ buổi tiệc lớn cuối năm, cãi lại bố vợ (NSUT Hữu Châu) để đến đóng giả làm Nam lần cuối. Hoặc đơn giản là tại sao Sơn lại được chọn để thấy hết những bi kịch đã xảy ra cách đây 30 năm ?

Tóm lại, đây là một bộ phim đáng để xem. Tuy nhiên không phải xem là hiểu ngay, bản thân mình năm 2017 xem lần đầu tiên, mình hoàn toàn không hiểu gì nhiều. Năm 2019, sau khi đủ chín chắn hơn, mình xem lại và hiểu hơn về bộ phim. Có những bài học, không phải cứ trưởng thành là sẽ thấu hiểu toàn bộ, có những bài học phải dành cả đời mới hiểu được, đó là tình mẫu tử, tình phụ tử, tình người như thông điệp mà bộ phim truyền tải.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn