Nguyễn Minh Trí

Có hay không hiện tượng động vật tự sát?

Đăng 7 năm trước

Thế giới động vật luôn ẩn chứa vô vàn câu hỏi thách thức óc tìm tòi và đam mê khám phá của các nhà nghiên cứu khoa học. Và hiện tượng tự tìm đến cái chết của động vật luôn là ẩn số khó lí giải đối với họ.

Đã có không ít ghi nhận về các trường hợp động vật tự sát.

Theo BBC News, năm 1845, tờ Illustrated London News đăng tải thông tin về một chú chó đột nhiên lao mình xuống hồ. Hoàn toàn trái ngược bản năng loài chó khi rơi xuống nước, bốn chân của nó không hề vùng vẫy, cựa quậy và sau hồi lâu thoi thóp giữa dòng nước, chú chó đã "tự sát thành công". Báo chí thời Victoria cũng từng đưa tin về một con vịt tự chúc đầu xuống nước đến chết ngạt, hay mèo mẹ treo mình lên cành cây tự vẫn khi chứng kiến cái chết đau lòng của bầy mèo con. 

Bài viết Animal World năm 1875 của Hiệp hội Hoàng gia về chống ngược đãi động vật có đề cập hiện tượng một con nai trút hơi thở cuối cùng sau khi nhảy đến kiệt sức bởi nó không muốn bị rơi vào nanh vuốt xâu xé của lũ chó săn hung tợn. Cách đây 2000 năm, triết gia cổ Hy Lạp Aristotle từng chứng kiến một con ngựa đực gieo mình xuống vực sau khi giao phối với ngựa mẹ (tương tự truyền thuyết về vị anh hùng Opedius thành Thebes). Hay vào thế kỷ II, học giả Hy Lạp Claudius Aelian quan sát 21 trường hợp động vật tự kề cổ vào lưỡi hái tư thần: cá heo tự nguyện chui đầu vào lưới đánh bắt, chó tuyệt thực đến chết sau khi chủ qua đời, đại bàng lao đầu vào giàn hỏa thiêu xác chủ,...

Vậy đâu là nguyên nhân đích xác châm ngòi hiện tượng tự sát ở động vật? Hành động này có ý thức không? Và liệu đó có thực sự được gọi là tự sát? Tất cả những nghi vấn trên vẫn dấy nên nhiều luồng tranh cãi nảy lửa giữa các nhà động vật học. Tuy nhiên, luôn tồn tại một sự thật hiển nhiên đó là động vật cũng bị stress như con người. Bác sĩ tâm thần William Linsay cho biết động vật có thể rơi vào trạng thái u uất, trầm cảm, dẫn đến tính khí giận dữ thất thường trước khi tự sát. Sử gia Duncan Wilson thuộc Đại học Manchester, Anh thông qua bài viết "The Suicidal Animal: Science and the Nature of Self-Destruction" đã nhận định rằng hầu hết động vật có khả năng tự phản ánh và hình thành ý định, bao gồm cả động cơ tự sát để thoát khỏi đau khổ hay phẫn nộ. 

Bước vào thế kỷ XX, các nhà khoa học chuyển sự tập trung sang hiện tượng tự sát tập thể ở các loài sống thành quần thể lớn. Điển hình là hiện tượng chuột lemming kéo từng đàn đâm đầu xuống vách núi hoặc cá voi "tự phơi khô" hàng loạt trên bãi cát. Thế nhưng các nhà nghiên cứu ngày nay lại công nhận việc tự sát của chuột lemming là kết quả khó tránh của mật độ sinh sống quá dày đặc, buộc chúng phải di cư cùng một lúc; cũng như nhiều người cho rằng hiện tượng cá voi mắc cạn là do khi một cá thể trong đàn mắc bệnh, nó sẽ tự khắc tìm đến vùng nước cạn, an toàn hơn. Oái ăm thay, cá voi có tập tính sống bầy đàn, dẫn đến các con khác sẽ bơi theo và "chết cả cụm". 

Dù vậy, cả hai trường hợp trên đều không được nhận định là tự sát vì chúng không hề có ý định "quyên sinh" tập thể này. Tương tự, nhà tâm lý học Antonio Preti nghĩ rằng việc chó tự hành xác sau khi chủ nhân qua đời là do sợi dây liên kết thân tình với chủ đã đứt và nó không dễ dàng chấp nhận thức ăn từ người khác, chứ không phải nó có ý định tự sát bằng tuyệt thực. 

Ngoài ra, môi trường sống chật hẹp, tù túng ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần động vật, khiến chúng hành xử bất thường, thậm chí chủ động tìm đến cái chết cho bản thân và cả đồng loại. Khách tham quan công viên Tenerife, Tây Ban Nha vào tháng 5 vừa rồi bị một phen hốt hoảng khi thấy cá voi sát thủ nằm phơi mình trên thành hồ. Trước đó, chúng từng có những phản ứng đối kháng như liên tục nghiến răng, cọ sát vào thành hồ hoặc húc đầu vào lưới thép. Ở một nông trại Trung Quốc, gấu mẹ sau khi bóp chết con mình đã tự sát hòng giải thoát bản thân và cốt nhục khỏi chuỗi ngày bị hành hạ đau đớn từ việc lấy mật. Giáo sư Barbara King đến từ Đại học William and Mary cho rằng "Hầu hết những trường hợp tự sát ở động vật đều xuất phát từ sự can thiệp của con người, bao gồm việc đánh bắt và giam cầm". 

Hiện tượng được cho là tự sát cũng bắt nguồn từ tác nhân bên ngoài, điển hình là kí sinh trùng. Kí sinh trùng Toxoplasma gondii trong quá trình "ăn nhờ ở đậu" cơ thể chuột sẽ vô hiệu hóa bản năng sợ mèo, đồng nghĩa với việc chuột dễ dàng đâm đầu vào chỗ chết khi không còn nể nang gì nanh vuốt loài tiểu hổ. Nấm Ophiocordyceps unilateralis lại đặc biệt yêu thích vật chủ là kiến. Nấm phá hủy chức năng thần kinh, biến kiến thành cái xác biết đi, lang thang khắp nơi và chịu sự sai khiến của nấm. Trong tự nhiên còn có trường hợp nhện mẹ "hiến xác" cho nhện con nhằm cung cấp nguồn dinh dưỡng tốt nhất để chúng phát triên. Hành động này không được cho là tự sát có ý thức, mà chính xác là sự hi sinh cao cả không tiếc thân mình của nhện mẹ. 

Nhiều nhà nghiên cứu lập luận rằng chỉ con người mới nảy sinh ý định tự tử, còn động vật thì không. Mấu chốt vấn đề là con người có khả năng tiên đoán và dự tính cho tương lai, còn động vật thì hoàn toàn không tiên liệu điều gì. Tuy nhiên, một số hiện tượng tự nhiên đã bác bỏ quan điểm này; ví dụ như tinh tinh lùn, khỉ Orangutan và vài loài chim có tập tính tích trữ, dự trù thức ăn để dành cho tương lai. 

Điểm khác biệt rõ rệt khác là "Con người nhận thức cái chết như một thực tế hiên nhiên, ai rồi cũng chết; động vật lại ít nhiều không sợ chết mặc dù chúng có thể nhận biết và gào thét trước cái chết đồng loại", trích lời tiến sĩ Ajit Varki. Động vật giống con người ở chỗ có khả năng nhận thức được mối nguy hiểm tiềm tàng. Nếu chúng không cảnh giác trước những cái bẫy chết người rình rập thì ngựa vằn đã ung dung gặm cỏ trước bầy sư tư háu mồi, cá nhỏ sẽ nhởn nhơ bơi gần miệng cá sấu và chuột sẽ vô tư nhìn chằm chằm vào mắt rắn. Tiến sĩ khẳng định con người là động vật duy nhất hiểu được cái chết bởi tư duy, nhận thức con người đạt mức phức tạp, đồng thời kết luận tự sát có chủ đích chỉ xảy ra ở loài người.  

Chủ đề chính: #động_vật

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn