VÕ CHÍ HIẾU Chào mọi người, mình là Hiếu hoặc các bạn có thể gọi mình bằng tên tiếng Anh: John Xuất thân từ gia đình làm nông ở vùng quê miền Nam. Mình không muốn việc đó trở thành tương lai bởi thế mình quyết tâm tìm tình yêu với sách. Tất cả các bài viết của mình chủ yếu là trải nghiệm sau những năm học tập và làm việc ở Tp. HCM, với hy vọng rằng những bài viết ấy sẽ cho các bạn thấy một góc nhìn mới về cuộc sống và hãy vững tin vào những gì bạn đang - sẽ làm.

Cơ hội mở rộng cho những ai giỏi tiếng Anh

Đăng 7 năm trước

Bài viết này đưa ra các dẫn chúng về cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn cho những người giỏi tiếng Anh, và mục đích học tập chính là chìa khóa đưa ta đến thành công với tiếng Anh.

Thế giới đang rất “mở”, sự toàn cầu hóa đang diễn ra cho thấy cơ hội cũng như thách thức rất lớn đến mọi quốc gia trên thế giới, tất nhiên trong đó có Việt Nam của chúng ta!

Toàn cầu hóa hiểu một cách đơn giản là những gì vừa xảy ra tại Mỹ thì ở Việt Nam sẽ biết ngay. Nhưng những thứ chúng ta biết đã được biên, thông dịch lại. Điều đó đồng nghĩa chúng ta có thể không hiểu thấu hoàn toàn nội dung của vấn đề.

Đối với những sinh viên như tôi, các nguồn tài liệu nghiên cứu trong nước không đủ để thỏa mãn mong muốn của bản thân, vì thế chúng tôi buộc phải tìm đến các nguồn tài liệu nước ngoài. Và chỉ có một cách để hiểu tất cả nội dung của vấn đề hoặc thông suốt các nguồn tài liệu nước ngoài: Chúng ta phải giỏi tiếng anh.

Không nói đi đâu xa, các bạn có thể thấy rõ tình trạng hiện nay trong khu vực Đông Nam Á. Đầu năm 2016, AEC – cộng đồng kinh tế Đông Nam Á (Asean Economic Community) đã chính thức mở cửa nên chỉ một thời gian ngắn nữa thôi chuyển dịch lao động giữa các quốc gia sẽ sớm “khởi tranh”. Thực trạng mức sống ở Việt Nam thấp hơn các nước phát triển trong khu vực như Singapore, Thailand, Indonesia,… nhưng nếu người lao động được trả lương như nhau với công việc của họ thì nơi nào sẽ thu hút họ hơn? Nếu là tôi, tôi sẽ chọn Việt Nam.

Theo thống kê của Viện Khoa học và Lao động Quý I năm 2015, nước ta có hơn 178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Lý do những cử nhân, thạc sĩ đó không có việc làm một phần vì thiếu kĩ năng làm việc cơ bản và trình độ chuyên môn không đạt yêu cầu.

Như vậy thử hỏi nếu các nguồn lao động của các nước thành viên Đông Nam Á bắt đầu sang Việt Nam tìm việc thì con số thất nghiệp đó sẽ tăng lên bao nhiêu nếu chúng ta không có tiếng Anh để cạnh tranh với họ?

Không chỉ có AEC, bên cạnh còn TPP – Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement ) sẽ “tạo” ra nhiều thách thức hơn nữa cho sinh viên Việt Nam.

Tôi chỉ nói đến thách thức vì tôi chưa thấy cơ hội “thật sự” nào đằng sau nó. Những cơ hội đó theo tôi là do chúng ta tự tạo ra vì thấy được thách thức.

Chúng ta phải tự tạo cơ hội cho mình bằng cách nỗ lực học tập.

Một chương trình giao lưu tại đảo Bali - Indo vào tháng 2 vừa qua

Như đã nói, chúng ta cần phải “giỏi tiếng Anh” chứ không phải chỉ “học tiếng Anh”. Thế nào là giỏi tiếng Anh? Là có được các tấm bằng TOEIC, TOEFL mà không thể nói được? Cũng có thể nói như vậy tùy theo mục đích học tiếng Anh của bạn là gì. Nhưng với tôi, giỏi một ngoại ngữ đồng nghĩa chúng ta phải nói được ngoại ngữ đó.

Nếu nói chỉ học tiếng Anh thì sinh viên như tôi đã có ít nhất bảy năm học (bốn năm cấp hai và ba năm cấp ba). Sau bảy năm học đó, tôi khẳng định mình không thể nói được một câu trọn vẹn. Lý do tôi không thể nói được vì mục đích học tiếng Anh của tôi hoàn toàn sai. Tôi không nhận ra tiếng Anh là ngôn ngữ quan trọng cho tương lai. Tôi xem tiếng Anh như bao môn học khác, học để đối phó giáo viên lúc trên lớp và kiểm tra, thời gian khác thì không bao giờ đụng đến.

Có nhiều bạn nói vì không có điều kiện học tiếng Anh, tôi đồng ý.

Quê tôi gần mũi đất Việt Nam, tại đó cả thời học sinh của tôi chẳng thấy bóng dáng người nước ngoài nào. Các trung tâm chẳng buồn có dù chỉ một. Trên lớp học thì toàn ngữ pháp với ngữ pháp. Trong gia đình chẳng ai nhắc nhở học tập thế này thế kia. 

Chẳng bù với các bạn ở TP. HCM cứ vài trăm mét có một trung tâm ngoại ngữ, đi vài mét ở trung tâm Thành Phố thì gặp người nước ngoài. Ở Nha Trang thì cứ đi vài ba bước ngoài biển là thấy được “ông tây, bà ta”. Tại Hà Nội, Đà Nẵng cũng thôi ôi… Bởi thế sinh viên đến từ các vùng quê không có điều kiện thua thiệt là đúng.

Nhưng không ít người trong chúng ta đã có cơ hội học tập tại Hà Nội, TP. HCM mà vẫn đưa những lý do đó để biện hộ thì thật không đúng, lỗi bây giờ hoàn toàn do chúng ta. Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi suy nghĩ về giá trị của tiếng Anh, thay vì tiếp tục đổ lỗi do không có điều kiện. 

Suy cho cùng, tất cả những lí do đó chỉ là biện hộ cho mục tiêu không có mục đích. 

Sau khi nhận ra sai lầm trong mục đích học tập của mình, tôi tự hỏi bản thân điều gì tôi khao khát nhất khi mình có thể dùng tiếng Anh trong giao tiếp. Tôi bắt đầu thay đổi và kết quả đến thật sự bất ngờ. 

Tính đến thời điểm này, tôi chỉ dành thời gian học tiếng Anh chưa đến một năm! Nhưng bây giờ tôi tự tin có thể huyên thuyên với người nước ngoài. Tiếng Anh của tôi chưa đủ để nói giỏi vì thế tôi phải luôn cố gắng để không thua bạn bè. 

Khi tiếng Anh được kha khá, tôi tham gia các câu lạc bộ trong và ngoài trường. Khi đó tôi thấy quá nhiều cơ hội mở ra cho bản thân, trong đó có những chuyến đi nước ngoài mà tôi ao ước được đi một lần từ nhỏ. Lần đầu là chương trình cắm trại ở đảo Bali- Indo vào tháng 2 vừa qua. Và cuối tháng 7 này sẽ là chuyến đi đến Morocco trong hội nghị về Hòa bình và phát triển xã hội. Những cơ hội đó đến với tôi khi tôi có tiếng Anh trong tay.

Hiện nay tôi có câu lạc bộ nói tiếng Anh được tổ chức hàng tuần cho mọi người. Nếu bạn cần bất kì sự giúp đỡ nào có thể liên hệ với tôi. 

Tôi hy vọng bạn hãy nhìn lại chặn đường đã qua và cố gắng tìm ra mục đích học tiếng Anh cho riêng mình, vì đó là nguồn động lực mạnh nhất giữ chúng ta trong khuôn khổ mà mình quy định.

Khi bạn giỏi hơn, bạn sẽ tham gia cuộc chơi lớn hơn. – Nguyễn Hữu Trí

Chủ đề chính: #Tiếng_Anh

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn