Blue Sky Như cơn gió, bay mãi đến muôn phương. Như đại dương, tuôn trào đi khắp chốn.

Có nên tin vào linh tính và trực giác hay không?

Đăng 4 năm trước

Mặc dù cuộc sống luôn đòi hỏi ta phải tính toán logic theo lý trí trong mọi công việc, nhưng chắc hẳn ai cũng đã đôi lần đưa ra những quyết định hoàn toàn dựa theo cảm tính bản năng. Kết quả có lúc đúng, có lúc sai, vậy rốt cuộc trực giác của con người có đáng tin hay không?

Bạn đã từng cảm thấy bất an hay cảnh giác khi đứng trước một sự việc gì đó chưa? Chẳng hạn như khi đang đi bộ trên phố và mọi việc diễn ra hoàn toàn bình thường, nhưng tiềm thức của bạn đột nhiên chú ý tới một người nào đó và bạn nghĩ rằng:“Này, hãy tránh xa người đó ra” hay “Đừng nấn ná ở đây quá lâu”. 

Những cảm giác kiểu như vậy có thể thỉnh thoảng xảy đến khi mọi việc dường như đang diễn ra một cách bình thường. Chúng ta gọi những trải nghiệm này là "linh cảm" hay “cảm giác bản năng” với hàm ý là nó thuộc về bản chất cơ thể và không liên quan gì đến tư duy lý trí cả. 

Tuy nhiên cách gọi này không hoàn toàn chính xác. Có một mối liên quan mật thiết giữa bản năng và lý trí thông qua một mạng lưới cực kì phức tạp[1] của các chất hóa học và các tế bào thần kinh chịu trách nhiệm thông báo cho bộ não về các vấn đề xảy ra trong cơ thể bạn, mà không chỉ giới hạn ở các cơ quan thông thường như tiêu hóa, hô hấp,... Hệ thống này không chỉ thông tin cho não bộ về cơn đói và cơn khát mà còn về sự căng thẳng và lo lắng của bạn nữa. Điều này thuộc về cảm giác bản năng.  

Nhưng bạn là một con người có lý trí, làm thế nào mà một thứ mang tính "phản động" như các yếu tố kích thích tâm lý có thể ăn sâu trong não bộ của bạn và giữ vai trò phân tích phức tạp đến thế? Chắc chắn những cảm giác này là những "di sản" tiến hóa đã từng hữu dụng cho chúng ta ở thời kỳ xa xưa, giống như xương cụt là dấu tích của chiếc đuôi vậy. 

Một số nghiên cứu[2] đã cho thấy rằng việc tin theo trực giác của bản thân thường đem lại kết quả tốt. Năm 2011, một nhóm nghiên cứu đã thiết kế một trò chơi sử dụng các thẻ bài, trong đó người chơi không thể áp dụng một chiến lược thực sự nào để chơi trò này mà phải dựa vào trực giác. Khi mọi người bắt đầu chiến thắng, hầu hết đều tin rằng chiến thắng của họ có được là nhờ tin vào trực giác. Tình trạng đổ mồ hôi và nhịp tim của người chơi được đo đạc cẩn thận để phát hiện ra những phản ứng thuộc về bản năng và cảm tính. Mặc dù một vài lần trực giác có thể hướng người chơi chơi tệ đi, nhưng nhìn chung tỉ lệ thành công chung cuộc cho thấy rằng việc tin vào trực giác và phản ứng bản năng có thể là một cách hay, dù đó không hẳn là một hệ thống đáng tin cậy. 

Vậy câu hỏi đặt ra là: khi nào thì bạn nên tin vào linh cảm của mình? 

Mặc dù không phải lúc nào cũng đúng, nhưng đôi khi trực giác chính là sự chỉ dẫn tốt nhất khi bạn gặp rắc rối. Đặc biệt với những trường hợp sau đây:

Sức khỏe của bạn: Cái gì không nên ăn

Hệ thần kinh đường ruột của bạn (vận hành giống như mạng lưới phức tạp đã được đề cập ở trên liên quan đến phản ứng hóa học và các tế bào thần kinh kết nối cảm giác bản năng với não bộ) là cực kì hiệu quả trong việc đưa ra những dấu hiệu cảnh báo từ cơ thể của bạn[3].Vì vậy nếu bạn bất chợt nghĩ rằng mình không nên ăn thứ gì đó, hay một bộ phận trên cơ thể bạn cảm thấy không ổn, thì hãy chú ý đến nó. 

Hãy chú ý lắng nghe cơ thể mình, đặc biệt là nếu nó tạo ra một cảm giác tốt đẹp báo hiệu sẽ mang lại lợi ích nào đó. Nhiều người thường luyện tập thể dục thể thao dựa theo cảm giác về chính cơ thể mình, phương pháp được gọi là "rèn luyện trực giác" hay "rèn luyện tự điều chỉnh".[4] 

Nguy hiểm và mối đe dọa: Người nào bạn không nên tiến lại gần

Hãy tưởng tượng bạn đang đi bộ về nhà vào ban đêm như mọi ngày, và bạn nhìn thấy một người đàn ông ở góc đường. Anh ta dường như hoàn toàn bình thường, nhưng có gì đó "sai sai". Khi bạn tiến lại gần, trực giác mách bảo bạn hãy tránh xa anh ta ra. 

Có nhiều câu chuyện[5] ​​kể về những người gặp phải cảm giác kiểu như vậy, và rốt cuộc họ nhận ra rằng mình đã được cứu sống khỏi định mệnh khủng khiếp. 

Chúng ta đã tiến hóa để có những phản ứng tức thời với những mối nguy hiểm vượt ngoài nhận thức.Mặc dù vẫn nên dùng lý trí để phân tích một tình huống[6], nếu có thể, nhưng trực giác về mối nguy hiểm luôn đáng được cân nhắc. 

Về mặt tiến hóa mà nói, tất cả chúng ta đều là hậu duệ của những người sinh tồn giỏi nhất. Những ai không có cảm giác về các mối nguy hiểm tiềm tàng thì không thể sinh tồn được.Mặc dù dĩ nhiên là có lẽ có 9 trên 10 lần bạn cảm thấy bất an về một mối nguy hiểm thực sự không tồn tại, nhưng cẩn thận vẫn không bao giờ thừa.

Khi nào không nên tin vào trực giác của bạn: mối đe dọa từ những vật xung quanh

Cuộc sống ở thế kỉ 21 đầy những căng thẳng. Nếu sống trong một thành phố hiện đại thì từ lúc bước chân ra khỏi cửa, bạn sẽ bị tấn công tới tấp vào cả khứu giác, thính giác, thị giác, và không dễ để bạn nhận biết được hết mọi thứ bằng các giác quan của mình. Mặc dù loài người chúng ta đã tiến hoá về mặt trí tuệ đến mức độ mà chưa một giống loài nào khác trong lịch sử đạt tới được, nhưng khả năng nhận dạng mối nguy hại của chúng ta vẫn không tiến bộ quá nhiều. 

Vốn cũng là những sinh vật phát triển và tiến hóa như trong thế giới hoang dã, chúng ta là một phần của chuỗi thức ăn. Việc bị giết chết bởi một động vật hoang dã khác là một mối đe dọa thường ngày chứ chẳng phải là sự kiện gì kỳ lạ ghê gớm. Do đó chúng ta đã tiến hóa để có thể phân biệt các loài động vật một cách nhanh chóng và nhận diện chúng như những mối nguy tiềm ẩn. Chắc là bạn cũng đã tự trải nghiệm điều này rồi. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ: cơ thể của chúng ta chưa thích nghi với sự thật rằng một chiếc xe hơi cũng là mối đe dọa còn đáng sợ hơn một con vật hoang dã. 

Trong một nghiên cứu[7], những người tham gia được cho xem những bức hình về động vật cùng với những vật thể vô tri vô giác. Mỗi bức hình ngay lập tức có một bản sao gần giống hệt sau đó, chỉ với một chút thay đổi mà thôi. Kết quả là những người tham gia có thể nhận ra sự thay đổi trong bức ảnh động vật ở 100% trường hợp, và ở những bức ảnh đồ vật chỉ là khoảng 70% trường hợp mà thôi.  

Tuy vậy, trực giác nhiều khi lại cảnh báo ta về một mối nguy thật sự không tồn tại.Hơn nữa, nếu bạn mắc chứng rối loạn hoảng sợ hay có vấn đề về vùng não tên là hạch hạnh nhân[8] thì các "cảnh báo giả" càng dễ xuất hiện hơn, và cơ thể bạn sẽ xảy ra phản ứng "chiến-hay-chạy" vào những lúc không có mối nguy nào cả. Điều này thậm chí có thể xảy ra hoàn toàn ngẫu nhiên. 

Nhưng nói cho cùng thì cái gì cũng có lý do của nó. Mặc dù nhiều khi linh tính có thể đưa chúng ta đi lầm đường, buộc ta chạy xa khỏi những thứ chẳng hề nguy hiểm, nhưng thực sự vẫn có không ít những tình huống mà lắng nghe trực giác là cách tốt nhất bạn có thể làm. 

Tài liệu tham khảo 

[1]^Khoa học Mĩ: Trực giác – "Bộ não thứ hai" trong hệ dạ dày và ruột [Trích đoạn]

[2]^Hiệp hội khoa học tâm lí học: Hãy tin vào cảm giác… nhưng chỉ thỉnh thoảng thôi

[3]^Kinh nghiệm cuộc sống: 5 trực giác mà bạn không nên phớt lờ

[4]^Kinh nghiệm cuộc sống: Rèn luyện trực giác cho phù hợp

[5]^Kinh nghiệm cuộc sống: 5 trực giác mà bạn không nên phớt lờ

[6]^Tâm lí học hôm nay: Những bản năng cảnh báo nguy hiểm

[7]^Khoa học đời sống: Con người hiện đại vẫn giữ bản năng sinh tồn của người thượng cổ

[8]^Tâm lí học hôm nay: Kích thước và khả năng liên kết của hạch hạnh nhân có thể dự doán nỗi lo âu

Chủ đề chính: #giác_quan_thứ_6

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn