Tuyết Nhung Phạm

Có phải Tết đang ngày càng chán?

Đăng 5 năm trước

'Tết càng ngày càng chán' - nhiều người hay nói với tôi như vậy. Nhưng có thật chăng ? Chỉ cần lên Internet nhập từ khóa ' tại sao Tết chán?' ta sẽ nhận được cả tá kết quả với vô số lý do khác nhau nào là: chen chúc mua vé tàu, thất thu tiền bạc, lo sợ trộm cướp,... Bài viết này giúp cho bạn đọc có một cái nhìn mới về khía cạnh này.

Cùng điểm lại về ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán là một dịp nghỉ lễ dài nhất trong năm. Mọi người tạm gác công việc chính để dành thời gian về quê thăm gia đình, cùng sum họp, đoàn viên bên nhau sau một năm dài xa cách. Về quê để được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại nhà, ngôi mộ, giếng nước, sân nhà,... được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương bên gia đình và người thân. Về quê để được cùng quây quần bên nồi bánh chưng đêm 30 Tết, cùng nhau ngồi bên mâm cơm ngày Tết ấm cúng. Đó thực sự là những thời gian ý nghĩa và ấm áp riêng của mỗi người mà chỉ cảm nhận được vào dịp Tết mà thôi.

Tết từ bao đời nay vẫn vậy, vẫn sum vầy, vẫn đầm ấm, vui tươi... Có khác chăng thì chính con người và cuộc sống đang thay đổi, tác động mạnh mẽ đến những giá trị truyền thống cổ xưa...

1. Con người đang tự biến Tết thành một gánh nặng.

Không thể phủ nhận rằng càng ngày người Việt ta tự biến cái Tết vốn rất gần gũi, tràn ngập tình thương trở thành một gánh nặng: Nặng biếu xén, lễ nghi thái quá, nặng nhậu nhẹt... chứ không còn đơn thuần là Tết dành cho tình thân, gia đình, bạn bè thân hữu. 

Nhiều người cứ Tết đến là lại nhậu nhẹt bê tha, ai mời cũng đi bởi lý do "đầu năm đầu tháng mà từ chối thì kỳ lắm". Chỉ một chút thôi thì vui nhưng quá độ thì lại đâm ra nhiều hê lụy: tai nạn giao thông, số người chết tăng lên nhiều vào dịp Tết cũng một phần do đó.

2. Những tập tục cũ ngày xưa giờ đã mất dần ở những đô thị lớn

Đã bao giờ bạn nghe đến những tục như: tục gánh nước cầu may ngày Tết, tục chúc Tết bằng những câu hát sắc bùa, tục trồng và hạ nêu, tục lạy sống ông bà... ? Còn tôi thì chỉ từng được nghe về những phong tục ấy qua lời kể của ông bà mà thôi. Ngay cả những phong tục gần gũi nhất như gói bánh chưng, bánh tét cũng ngày càng bị lu mờ khi ngày nay ta toàn đi mua chúng về, rất hiếm để bắt gặp cảnh cả gia đình quây quần bên nồi bánh chưng nghi ngút khói ở thành thị...

3. Cái Tết liệu có ý nghĩa với những lao động nghèo xa hương ?

Trong bất cứ xã hội nào thì vẫn luôn có sự phân hóa giàu nghèo. Cái Tết của những người lao động nghèo có chăng chính là gánh nặng cơm áo gạo tiền, tranh thủ làm thêm để kiếm thu nhập,...

4. Tết chán là do con người đã đổi khác.

Khi còn nhỏ, cứ mỗi khi gần Tết, trong lòng ta cứ luôn nôn nao mà ngóng chờ. Vui vì nhiều thứ, vui vì được nghỉ học, được sắm đồ mới, được nhận tiền lì xì - những đồng tiền nhỏ bé nhưng đầy ắp niềm vui với những đứa trẻ. Khi ta lớn dần, ta phải học cách phụ giúp cha mẹ, làm việc nhà, dọn dẹp, lau chùi nhà cửa... Ngay cả khi nhận những phong bao lì xì may mắn, ta phần nào nhận ra được đó cũng chỉ là một món tiền trao đổi khi bố mẹ lì xì con người ta và người ta lì xì lại cho mình. Lớn dần, ta cắm đầu vào điện tử, vào công nghệ, ta chúc Tết bằng những tin nhắn được copy và paste một cách tự động... Ta vấp ngã trong cuộc đời, lo sợ những câu "hỏi han" của họ hàng, bạn bè. Những bất hạnh của cuộc đời khiến ta học cách ngụy trang, che giấu mình đi...

Nhưng dẫu có bao nhiêu lý do đi chăng nữa, Tết Cổ Truyền vẫn là một ngày lễ lớn của dân tộc và mang trong mình những giá trị về nguồn cội. Hãy tận hưởng ngày lễ này thật vui vẻ, hãy khép lại những lo toan của đời thường, hãy sống chậm lại để nhìn về phía sau, hãy yêu thương gia đình, cha mẹ mình trước khi quá muộn...

Chủ đề chính: #tết_nguyên_đán

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn