nguyentin

Cội Nguồn Tết Việt (Phần 1)

Đăng 5 năm trước

Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ đâu?

Tính đến hôm nay ngày 21/1/2019 đã là ngày 16 tháng Chạp, nghĩa là chỉ còn hơn chưa đến 2 tuần thì đã đến ngày Cúng Ông Công Ông Táo về trời, chúng ta đã bắt đầu cảm thấy không khí háo hức của dịp Tết Nguyên Đán sắp tới như mọi năm. Những người xa xứ đang bắt đầu trở về lại quê nhà để sum họp với gia đình. Là một người Việt thuần túy, ta biết đây là một trong những nét đẹp văn hóa cần phải được gìn giữ. Nên hôm nay hãy cùng khám phá những nguồn gốc thú vị của cái Tết Nguyên Đán, hay tết cổ truyền của người Việt chúng ta nhé!

Tết Nguyên Đán, hay còn gọi là Tết Ta, Tết âm lịch, hay đơn giản chỉ là Tết. Là một dịp lễ quan trọng nhất đối với người Việt. Đánh dấu thời khắc kết thúc năm cũ và bắt đầu một năm mới tính theo Âm lịch, nghĩa là lịch tính theo chu kỳ quay của Mặt Trăng nên Tết trong tiếng Anh gọi là Lunar New Year. Không chỉ riêng Việt Nam, rất nhiều quốc gia khác đến nay cũng ăn mừng Tết Nguyên Đán, điển hình là Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Mông Cổ,...

Từ thời xa xưa, do nhu cầu canh tác, phát triển nông nghiệp nên người ta chia một năm thành 24 tiết khí khác nhau, kết thúc mỗi tiết sẽ có thời khắc chuyển giao mà người ta gọi là “giao thời”, trong đó thời khắc chuyển giao giữa cuối năm cũ và đầu năm mới là quan trọng nhất đánh dấu sự khởi đầu của một kỳ canh tác mới. “Nguyên” là mới, “đán” là sớm từ đó ta có Tiết Nguyên Đán mà về sau được mọi người gọi là Tết Nguyên Đán. Đối với người Việt Nam, Tết nguyên đán là sự giao mùa giữa 2 năm, giữa một chu kỳ vận hành của trời đất, vạn vật cỏ cây, thể hiện sự khao khát trường tồn cuộc sống, sự hài hòa Thiên - Địa - Nhân, sự gắn kết trong cộng đồng, gia đình. Khác với Tết Trung Quốc, kéo dài từ ngày 12 tháng Chạp đến tận 15 tháng Giêng, Tết cổ truyền Việt Nam ta chỉ bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp cúng đưa ông Táo về trời cho đến ngày mồng 7 hoặc mồng 10 tháng Giêng. Dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu người ta đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà,… được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu. Vào những ngày tết, mọi người nói năng từ tốn nhẹ nhàng, trao nhau những lời tốt đẹp làm cho tình cảm giữa người với người tốt hơn. Tết còn là cơ hội để con cháu trong gia đình tạ ơn nghĩa sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ ông bà, là ngày để học trò báo đáp thầy cô hay những người đã dẫn dắt mình. Có rất nhiều phong tục độc đáo ngày tết cũng như những điều kiêng kỵ trong ngày tết tùy theo mỗi vùng miền như Lì xì, Cây nêu, Bánh chưng, Mâm ngũ quả, kiêng kỵ quét nhà,...

Vậy Tết Nguyên Đán thực sự bắt nguồn từ đâu?

Đa số các nước ăn mừng Tết Âm Lịch thường thừa nhận rằng do ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc (Trong Tiếng anh có khi Tết Nguyên Đán còn được biết đến với tên gọi là Chinese New Year). Và phần lớn mọi người tin rằng Văn hóa Tết Nguyên Đán được truyền bá vào Việt Nam vào thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc. Tuy nhiên, như chúng ta cũng đã biết, người Việt có vô số các giai thoại và sự tích về ngày đầu năm từ "Sự tích bánh chưng bánh dày" đến "Sự Tích cây nêu ngày Tết"...đã có từ trước thời Bắc thuộc.

Theo như tác giả Thạc sĩ Lương Đức Hiền, ông tin rằng ngày Tết thực sự bắt nguồn từ Việt Nam. Nghiên cứu của ông cho rằng từ thời nhà nước Văn Lang - Âu Lạc của các Vua Hùng và An Dương Vương đã hình thành nên những phong tục, tập quán của người Việt, trong đó có tục “ăn Tết” trong những ngày đầu năm mới.

Thông qua câu chuyện sự tích “Bánh chưng bánh dày” biểu trưng cho quan niệm “Trời tròn – Đất vuông” của cư dân người Việt làm nông nghiệp. Khổng Tử – Nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục, nhà chính trị nổi tiếng người Trung Hoa, trong sách Kinh Lễ có viết: “Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn nguời Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó”.

Sách Giao Chỉ Chí cũng có đoạn viết “Bọn người Giao Quận thường tập trung lại từng phường hội nhảy múa hát ca, ăn uống chơi bời trong nhiều ngày để vui mừng một mùa cấy trồng mới, không những chỉ có dân làm nông mà tất cả người nhà của Quan lang, Chúa động cũng đều tham gia lễ hội này".

Người Trung Quốc lại kể một câu chuyện khác, họ cho rằng nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ. Đời Tam Vương, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng giêng, tức tháng Dần. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng mười một, làm tháng Tết. Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ "tạo thiên lập địa" như sau: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày Tết khác nhau.Đời Đông Chu, Khổng Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỷ 3 TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng mười. Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng giêng. Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa.Đến đời Đông Phương Sóc, ông cho rằng ngày tạo thiên lập địa có thêm giống gà, ngày thứ hai có thêm chó, ngày thứ ba có thêm lợn, ngày thứ tư sinh dê, ngày thứ năm sinh trâu, ngày thứ sáu sinh ngựa, ngày thứ bảy sinh loài người và ngày thứ tám mới sinh ra ngũ cốc.

Vì xét về mặt thời gian Thời Tam Hoàng Ngũ Đế cũng cùng một quãng thời gian với thời kỳ Hồng Bàng ở đất Nam, nên vấn đề này vẫn còn đang là một tranh cãi. 

Nhưng dù Tết ở nước Nam hay phương Bắc có trước, Tết của hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc có ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng vẫn có những đặc trưng riêng của hai quốc gia. Chúng ta cũng không thể phủ nhận được ý nghĩa mà nét văn hóa mang lại. Đây là một trong những nét văn hóa đặc trưng và rất tươi đẹp của dân tộc Việt Nam. Và chúng ta đã sẳn sàng cho kỳ nghỉ tết sắp tới chưa?

Khám phá về những điều thú vị ngày Tết

Chủ đề chính: #tết_nguyên_đán

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn