nguyentin

Cội nguồn Tết Việt (Phần 3)

Đăng 5 năm trước

Tại sao lại kiêng kỵ quét nhà vào ba ngày đầu năm?

Ngày Tết Nguyên Đán của người Việt chúng ta đang đến rất gần, chỉ còn 2 tuần nữa là đến thời khắc giao thừa. Không khí háo hức ngoài đường và bận rộn ấm cúng trong gia đình đang bao trùm tất cả chúng ta.

Bên cạnh đó, có rất nhiều phong tục rất thú vị và cũng có nhiều điều kiêng kỵ những ngày tết đã được truyền lại từ bao đời nay như kỵ đám tang, kỵ quét nhà, kỵ ăn nói thô lỗ,...Trong đó, việc kiêng kỵ quét nhà trong ba ngày tết là một điều rất quan trọng. Đây không chỉ là một truyền thống của các dân tộc ăn mừng Tết Âm Lịch mà còn có cả một giai thoại đằng sau truyền thống ấy.

Người ta cho rằng quét nhà ngày mùng 1 Tết đồng nghĩa với việc quét đi cả tiền tài, của cải và cả vận may của gia đình. Tuy nhiên không phải ai cũng biết nguồn gốc câu chuyện có ý nghĩa này.

Tục này bắt nguồn từ một điển tích của Trung Quốc ghi trong "Sưu thần ký". Có người lái buôn tên là Âu Minh, đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần cho một người hầu tên là Như Nguyệt, đem về nhà được vài năm thì Âu Minh ăn nên làm ra, nhà rất giàu.

Một hôm, vào ngày mồng một Tết, vì làm vỡ chiếc bình quý, Âu Minh đánh Như Nguyệt, cô sợ quá chui vào đống rác ở góc nhà. Vợ Âu Minh không để ý nên vô tình quét nhà hót luôn cả đống rác có Như Nguyệt bên trong đổ đi. Từ đó nhà Âu Minh lại nghèo đi. Người ta bảo Như Nguyệt chính là thần tài và lập bàn thờ để thờ. Từ đó có tục kiêng quét rác, đổ rác trong ba ngày đầu năm và đó trở thành một phong tục dân gian vào dịp Tết Nguyên đán.

Bắt nguồn từ sự tích cây chổi!

Sự tích cây chổi là một câu chuyện về một người đàn bà nấu bếp ở Thiên đình. Do tài nấu ăn vô cùng khéo léo nên bà được Ngọc Hoàng giao cho nhiệm vụ trông nom việc bếp núc ở Thiên Đình. Tuy nhiên, do phải lòng một viên quan chăn ngựa của Thiên Đình, bà thường xuyên lén cắp rượu thịt, món ngon của Ngọc Hoàng cho viên quan này. 

Một ngày nọ, Ngọc Hoàng mở tiệc linh đình chiêu đãi các quần thần của mình, trong lúc đang chuẩn bị mâm cỗ dâng lên thì người yêu - Viên quan chăn ngựa của bà đột nhiên xuất hiện trong bếp. Lúc không để ý, hắn đã ăn vụng mâm cỗ dâng cho Ngọc Hoàng. Khi mâm cỗ được dâng lên, Ngọc Hoàng phát hiện mâm cỗ đã bị ăn dở một phần, Ngọc Hoàng nổi trận lôi đình cho gọi người nấu bếp đến. Bà phải cúi đầu chịu nhận tội, bị Ngọc Hoàng phạt đày xuống trần gian làm cây chổi để phải ngày đêm làm việc vất vả dọn quét và phải tìm kiếm thức ăn trong rác rưởi của người phàm.

Sau nhiều năm làm việc cực nhọc không ngừng nghỉ, Ngọc Hoàng thấy vậy thương tình ra lệnh cho phép chổi một năm làm việc được nghỉ 3 ngày và đó chính là 3 ngày đầu năm dịp Tết Nguyên Đán. Từ đó, người ta có tập tục không quét dọn nhà cửa vào 3 ngày này để chổi được nghỉ ngơi, đúng theo lệnh của Ngọc Hoàng. Nếu nhà bẩn vào những ngày này, người ta dùng vật dụng khác không phải chổi, để vun vào góc nhà và để đó cho đến khi qua hết 3 ngày đầu năm thì mới bắt đầu quét, để chổi được nghỉ ngơi.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn