nguyentin

Cội nguồn Tết Việt (Phần 4)

Đăng 5 năm trước

Câu chuyện về mâm ngũ quả ngày Tết

Đối với mỗi gia đình Việt khi Tết đến, chưng mâm ngũ quả là một điều hết sức quan trọng. Là một truyền thống mang nhiều ý nghĩa đặc biêt. Mâm ngũ quả của mỗi miền đều có sự khác nhau nhất định tùy theo đặc điểm địa lý và văn hóa của từng nơi.

Theo các nhà nghiên cứu về văn hóa, văn hóa Việt nói riêng và văn hóa Á Đông nói chung. Người ta quan niệm vũ trụ được cấu thành từ 5 nguyên tố chính: Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ, 5 nguyên tố này cũng được thể hiện trong nhiều yếu tố cuộc sống đại diện cho sự vẹn toàn, sung túc. Mâm ngũ quả cũng vậy, mỗi loại trái cây trên mâm đại diện cho một nguyên tố thể hiện sự sung túc, ấm no vẹn toàn mà mỗi gia đình Việt đều muốn hướng tới.

Sự khác nhau trong mâm ngũ quả ở 3 miền đất nước

Tùy theo vị trí địa lý cũng như đặc sản từng vùng miền mà sự hiện diện của các loại trái cây trên mâm ngũ quả cũng khác nhau, và cũng mang những ý nghĩa khác nhau nhất định trong mỗi mâm ngũ quả. Căn cứ theo màu sắc trong triết lý phương Đông mâm ngũ quả phải có 5 loại quả với 5 màu khác nhau.

Mang đậm nét văn hóa của một mảnh đất nông nghiệp, mâm ngũ quả của người Việt thể hiện một thành quả miệt mài lao động sau một năm mà gia đình người nông dân muốn dân lên ông bà, tổ tiên. Bên cạnh đó, mâm ngũ quả cũng mang ước vọng ấm no, hạnh phúc, vui vẻ của người dân trong sự khởi đầu một năm làm việc mới. Mỗi loại quả truyền tải đến một thông điệp khác nhau về sự ấm no hạnh phúc của người dân. 

Chẳng hạn như vị ngọt thanh của quả lê thể hiện mong muốn mọi việc trôi qua trơn tru, thông suốt, quả lựu rất nhiều hạt tượng trưng cho sự quây quần con cháu bên  gia đình, quả thanh long (rồng mây hội tụ) thể hiện sự phát tài phát lộc, bưởi và dưa hấu thì căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn, quả sung gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe và tiền bạc, đu đủ mang đến sự thịnh vượng đủ đầy,...Còn rất nhiều loại trái cây mang nhiều ý nghĩa nguyện vọng khác nhau ở mỗi vùng miền.

Mâm ngũ quả ở miền Nam

Mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Nam thường có các loại quả: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung (theo câu: "Cầu sung vừa đủ xài"), thêm chân đế là 3 trái thơm (dứa), thể hiện sự vững vàng. Điều đặc biệt mâm ngũ quả ở miền Nam không thể thiếu cặp dưa hấu ruột đỏ vỏ xanh.

Một điều thú vị khác ở đây là mâm ngũ quả của dân Nam Bộ không bao giờ có chuối, vì cách phát âm "chuối" rất giống với "chúi" trong "chúi nhủi" có nghĩa là té ngã nên người Nam rất kỵ.

Mâm ngũ quả ở miền Bắc

Ở miền Bắc, mâm ngũ quả ngày Tết thường có 5 loại quả như: Chuối, bưởi, đào, hồng, quýt. Cách trình bày truyền thống thường gặp là nải chuối được đặt ở dưới cùng, ở giữa để đỡ lấy toàn bộ các cây trái khác. Mâm ngũ quả đẹp là mâm ngũ quả có đủ màu sắc rực rỡ. Chính giữa nải chuối xanh thẫm là quả bưởi căng mọng hoặc quả phật thủ chín vàng nổi bật.

Mâm ngũ quả ở miền Trung

Người dân miền Trung do chịu sự giao thoa văn hóa 2 miền Bắc - Nam nên mâm ngũ quả ngày Tết bày biện đủ: Chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài.

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn