Nguyễn Hồng Lam

COP21: 7 điểm chính trong dự thảo thỏa thuận về khí hậu

Đăng 8 năm trước

Ngày 11/12, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đồng thời là Chủ tịch Hội nghị COP21 thông báo dời ngày công bố bản dự thảo cuối cùng về chống biến đổi khí hậu..

Ngày 11/12, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đồng thời là Chủ tịch Hội nghị COP21 thông báo dời ngày công bố bản dự thảo cuối cùng về chống biến đổi khí hậu từ ngày 11/12 sang ngày 12/12 để có thêm thời gian “tham khảo thêm ý kiến các bên”.

Mô tả hình ảnh

Trước đó, vào tối ngày 10/12, ông Laurent Fabius đã công bố một bản dự thảo thỏa thuận mới về chống biến đổi khí hậu dài 27 trang thay vì 29 trang với 7 điểm chính.

Thứ nhất, về mức trần chung cho sự nóng lên

Tại hội nghị khí hậu ở Copenhagen năm 2009, các nhà đàm phán đã đồng thuận giữ mức nhiệt nóng lên tối đa của Trái Đất là 2 ̊ C. Tuy nhiên, các nước dễ tổn thương nhất - các quốc gia quần đảo đang bị đe dọa bởi mực nước biển dâng lên - lại yêu cầu hạ mức nhiệt nóng lên của Trái Đất xuống còn 1,5 ̊ C. Do đó, bản dự thảo quyết định chọn con số trung gian “dưới 2 ̊ C”. Con số này được Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên và con người đánh giá là “một sự thỏa hiệp đúng đắn”. Và được quy định tại Điều 2 của thỏa thuận và sẽ trở thành một mục tiêu phổ quát đối với tất cả các nước.

Thứ hai, về sự phân biệt giữa các nước giàu và các nước nghèo

Kể từ khi bắt đầu các vòng đàm phán của COP21 thì vấn đề này đã trở thành trung tâm của các cuộc tranh luận. Mặc dù tại Điều 3 của dự thảo có quy định “các nước phát triển cần phải tiếp tục đi đầu” thực hiện những nỗ lực giảm thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Laurent Fabius, cho đến giai đoạn này, các bên vẫn chưa thể giải quyết được câu hỏi trên.

Thứ ba, về tài chính

Tại Điều 6 của dự thảo có viết “các nước phát triển phải cung cấp các khoản tài chính (mới), (bổ sung), (thích đáng), (dự kiến), (đơn giản), (bền lâu) và (tăng dần) để hỗ trợ các nước phát triển giảm thiểu cũng như thích ứng”. Các nhà đàm phán vẫn chưa quyết định sẽ dùng từ ngữ nào trong ngoặc đơn để hoàn thiện Điều 6. Theo dự thảo, các nước phát triển hứa sẽ huy động 100 tỷ USD cho đến năm 2020 để giúp đỡ các nước nghèo. Khoản tiền này sẽ tăng thêm sau khoảng thời gian trên. Cuối cùng, việc chia sẻ tài chính giữa việc thích ứng và giảm thiểu khí thải phải được cân bằng, mang tính chiến lược quốc gia, được ưu tiên.

Thứ tư, về những thiệt hại và bồi thường

Vốn có liên quan đến vấn đề tài chính, đây cũng là một trong những vấn đề ưa thích của các quốc gia dễ bị tổn thương vốn đã bị tác động của sự nóng lên toàn cầu. Mặc dù các nước nhận ra tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề trên song sự khác nhau về khái niệm giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển khiến cho các bên không thể thống nhất được quan điểm.

Thứ năm, về mục tiêu dài hạn

Kế hoạch giảm khí gây hiệu ứng nhà kính sẽ được các nước tham gia hội nghị COP21 đưa ra trước năm 2030. Điều 3 của dự thảo về giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu đề xuất mục tiêu “trung tính các loại khí gây hiệu ứng nhà kính (GHG) trong nửa sau thế kỉ XXI” và sau đó sẽ cho hấp thụ lại các loại GHG đã được thải ra.

Thứ sáu, về cơ chế kiểm tra lại

Điều 10 dự thảo thiết lập một “bảng đánh giá toàn cầu” các tiến trình hướng tới mục tiêu của thỏa thuận với cuộc họp đầu tiên sẽ diễn ra vào năm 2023 (Hiệp định Paris nếu thành công sẽ có hiệu lực vào năm 2020) và sau đó sẽ được xem xét lại “5 năm 1 lần”.

Thứ bảy, về vấn đề minh bạch

Được quy định tại Điều 9 của dự thảo với 3 lựa chọn: tạo một khuôn khổ “phân biệt giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển” hay “thống nhất” hoặc “có tính đến những khả năng khác nhau giữa các bên”. Dự thảo sẽ để việc minh bạch “linh hoạt” đối với các nước đang phát triển và tuy theo khả năng các nước đó.

Lucky Nguyễn

(Nguồn : lemonde.fr)

Chủ đề chính: #cop21

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn