Ho Hoanganh Đi, nghe, nhìn, đọc và viết.

Cuộc chiến giữa các nhà chiêm tinh Việt Nam - Trung Hoa

Đăng 5 năm trước

Đời nhà Đường, nước ta bước vào giai đoạn cuối thời kì 1000 năm Bắc thuộc, chuẩn bị giành được nền tự chủ. Cao Biền là tiết độ sứ sang cai trị nước ta, là người tinh tường phong thuỷ, lý số, biết trước nước Nam có long mạch xuất Chân Mạng Đế Vương nên y đã dùng tà thuật để trấn yểm nhằm khắc chế.

Tuy vậy, “cao nhân tất hữu cao nhân trị”, nước ta không ít cao nhân đã biết rõ trước trăm năm nên đã vô hiệu thuật Cao Biền, tiên đoán thời kì thịnh trị của của nước Nam, đến nỗi Cao Biền chỉ thốt lên “ hưng khí nước Nam không diệt được”

1. Dã tâm bất thành của phương Bắc.

Lịch sử chiêm tinh, phong thuỷ Việt Nam thường được biết đến với nhân vật Cao Biền từ nhà Đường sang cai trị nước ta.

Đây là vị tướng giỏi, được vua Đường cử sang Giao Châu dẹp quân Nam Chiếu (864). Đạo làm tướng thời xưa trên phải thông thiên văn, dưới am tường địa lý, Dịch Lý Độn Số, Âm Dương- Ngũ Hành ứng dụng trong việc cầm binh. Đời Đường, khoa học phong thuỷ phát triển nên Cao Biền am tường khoa này chẳng phải điều lạ.

Năm Giáp Thân (864), vua Đường cho Cao Biền  đến Giao Châu làm Tiết Độ Sứ. Khi đi, vua Đường dặn dò Cao Biền rằng:

“Trưng Thị là hai người đàn bà mà làm rung chuyển cả cơ nghiệp nhà Đông Hán; rồi lại Triệu Ẩu, Lý Bôn … Làm cho ta vất vả lắm mới dẹp được. Nay trẫm thấy linh khí An Nam quá thịnh, e sau có biến. Khanh đến đó trước bình giặc Nam Chiếu, sau tìm cách trấn yểm linh khí An Nam, đi và vẽ bản đồ về cho trẫm”.

Cao Biền đóng quân ở Quảng Yên - Hạ Long đánh quân Nam Chiếu và quân Máng, được vua Đường phong làm Tiết Độ Sứ của Giao Châu, y tự xưng là Cao Vương. Hắn cho mở rộng La Thành ( tiền thân thành Thăng Long), từ đó gọi là Đại La, bên sông Tô Lịch.

Tương truyền, Cao Biền có pháp thuật hô phong hoán vũ, dùng “sấm sét” phá tan đá ngầm dưới biển, mở đường thuỷ từ Giao Châu sang Quảng Đông, Quảng Tây nên nơi ấy gọi là Thiên Oai Kinh.

Lại nói, hắn dùng thuật trấn yểm Long Mạch của nước Nam nhằm tránh hoạ về sau cho Trung Hoa. Cao Biền lấy vàng, bạc, đồng, sắt làm bùa nặng cả nghìn cân chôn xuống những nơi lập đàn cúng tế nhưng lại gặp những linh thần phương Nam như thần sông Tô Lịch, thần núi Bạch Mã. Tại Đại La, bùa chú trấn yểm bị sấm sét, giông bão phá tung, mất hiệu nghiệm.

Cao Biền lại dùng Tà Thuật, xuất thần gọi Âm Giới, nhằm chống linh thần phương Nam. Hắn mổ bụng 17 gái đồng trinh, bỏ ruột gan, lấy cỏ chi nhồi vào, cho mặc xiêm y, đặt vào ghế như còn sống, rồi dùng trâu bò tế lễ. Khi thấy xác cử động, biết thần thánh đã phụ nhập, lập tức dùng gươm chém đi để trừ khử. Tuy vậy, khi y thấy thần núi Tản Viên cưỡi ngựa trắng, bay trên mây thì thốt lên rằng: “ linh khí nước Nam còn vượng lắm không diệt được”, bèn xin vua Đường cho đi trấn nhiệm đất Tây Xuyên.



2. Các công trình trấn yểm của Cao Biền

Hắn viết tấu thư lên vua Đường, ghi rõ các long mạch, thế đất Giao Châu, bàn về từng địa phận, từng huyệt kết từ lớn đến nhỏ, thành một biên khảo có hệ thống thành Sách Cao Biền Tấu Thư, còn gọi là Nam Cảnh Địa Lý Chư Cát Lục. Sau quân Minh chiếm nước ta, Hoàng Phúc đã mang theo sách này tìm hiểu về nước ta vào thế kỷ XV.

Bên cạnh những huyền thoại về trấn yểm pháp thuật, Cao Biền cũng  để lại nhiều công trình như cất chùa Linh Diên bên thành Đại La, chùa Kim Ngưu tại Bát Vạn Sơn (Tiên Du- Bắc Ninh), xây mồ giả (nghi chủng) tại thành Luy Lâu (Thuận Thành - Bắc Ninh), dựng tháp trên núi Đông Cứu (Hà Bắc) nơi Cao Biền từng đóng quân.

Ngay trong thành Đại La, Cao Biền cũng dựng cột đồng trấn lên long bối (lưng rồng) để phá đứt long mạch, sau vua Lý Thánh Tông cho huỷ cột đồng và bùa trấn yểm ở thôn Nhất Trụ tồi dựng chùa Một Cột ( Diên Hựu) thế kỷ XI thay thế.

3. Các cao tăng nước Nam phá thuật Cao Biền

Thật ra Cao Biền không phải là nhà phong thuỷ đầu tiên trên đất Việt. Trước Cao Biền hơn một trăm năm, các thiền sư thuộc Thiền phái Mật Tông Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã am tường phong thuỷ, sấm vĩ, chiêm tinh và đoán trước cả biệc Cao Biền sang trấn yểm long mạch nước Nam ta.

Thiền sư Định Không (730-808) từ năm 785 đã nhìn thấy “đất Trình pháp khí...họ Lý xưng vương” tại làng Dịch Bảng quê ông. Nhân lấy điềm rửa mười chiếc khánh, một chiếc chìm, mà đặt tên địa linh ấy là Cổ Pháp. Sư còn dặn dò đệ tử là Đinh Hương, Thông Thiện phát canh giữ đất kết phát này vì sợ có dị nhân ( Cao Biền) đến yểm phá về sau.

Thông Thiện ghi lời thầy trên tháp chùa Lục Tổ và truyền lại cho đệ tử là La Quý An (852-936). La Quý An đủ tài năng để chống lại thuật yểm phá của Cao Biền vào năm 865. Khi Cao Biền đào đất Cổ Pháp gồm 19 điểm để cắt đứt long mạch đế vương thì sư La Quý An đã cho lấp lại 19 điểm để bảo vệ khí mạch.

Sư biết đất Cổ Pháp là huyệt kết chân mạng đế vương nước Nam nên đã quyên góp đúc một pho tượng Lục Tổ bằng vàng chôn sát tam quan, rồi dặn dò đệ tử phải cất dấu cho tới thời Minh Quân xuất hiện mới được đào lên ủng hộ chân chúa. Sư còn dặn sau này nên xây tháp để tụ khí mạch và trồng một cây gạo ở chùa Minh Châu để giữ mạch.

Năm 936, sư để lại bài sấm trước khi tịch :

Đại sơn long đầu khởi

Xà vĩ ẩn minh châu

Thập bát tử định thành

Miên thọ hiện long hình

 Thỏ kê thử nguyệt nội định 

 Kiến nhật xuất thanh.

Nghĩa là:

Đại sơn (núi lớn) đầu rồng dậy

Đuôi rắn ẩn minh châu

Họ Lý tất định thành

Hình rồng hiện gốc gạo

Tháng chuột ngày gà giờ thỏ 

Thấy mặt trời lên giữa mây xanh.

Bài sấm này vừa nói về phong thuỷ, vừa là loại sấm dự đoán về ngày tháng họ Lý hưng nghiệp là điềm lành cho nước Nam ta, tiên tri sự việc xảy ra 70-80 năm sau (nhà Lý khởi nghiệp năm 1010)

Xem sự kiện các nhà sư Mật tông rất am tường Phong Thuỷ, Sấm Vĩ, chiêm tinh, lý số...., có thể đưa ra giả thuyết là các khoa học này không phải du nhập từ Trung Hoa mà do các nhà sư từ Ấn Độ mang vào nước ta nhân việc tuỳ thời khế cơ mà hoằng pháp.

Nên nền chiêm tinh nước ta cũng có bản sắc riêng và những cao nhân, hiền tài sánh ngang phương Bắc. Cha ông ta đã giao thoa những học thuyết ấy từ Ấn-Trung, sáng tạo ra môn Lý Số phù hợp với cơ địa và Phong Thuỷ nước Nam, không lệ thuộc vào Trung Hoa.

Vì lẽ đó, dù Cao Biền nhà Đường hay Hoàng Phúc nhà Minh cũng khó nhìn thấy hết sức mạnh vượng khí trường tồn của nước Nam. Dù có lúc nguy biến nhưng lại trỗi dậy mạnh mẽ, giữ được tính tự cường, tự chủ, độc lập.

Hồ Hoàng Anh tổng hợp

Chủ đề chính: #chiêm_tinh_học

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn