Ho Hoanganh Đi, nghe, nhìn, đọc và viết.

Đài Loan tập trận đối phó với Trung Quốc

Đăng 5 năm trước

Quân lực Đài Loan ngày 17.01.2019 đã tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật trên kịch bản mô phỏng là chống lại các sự tấn công của các lực lượng vũ trang Trung Quốc. Đây được xem là đòn đáp trả trước những tuyên bố gần đây của ông Tập Cận Bình đe dọa dùng vũ lực để giải quyết vấn đề Đài Loan. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói : ”Những phát biểu của ông Tập đã phản bội lại niềm tin của người dân Đài Loan” và cũng khước từ đề nghị một quốc gia hai chế độ từ phía Trung Quốc.

Tiềm lực quân sự của Đài Loan

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai bờ đang ở thời điểm nhạy cảm vì gần đây Trung Quốc đã cảnh báo về khả năng sẽ sớm sử dụng vũ lực để thu hồi đảo Đài Loan, vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh luôn tuyên bố là một phần không thể tách rời của mình. 

Quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan xấu đi kể từ khi bà Thái Anh Văn được bầu làm lãnh đạo hòn đảo vào năm 2016 và từ chối chấp nhận nguyên tắc "một Trung Quốc". Bắc Kinh gần đây tổ chức hàng loạt cuộc tập trận xung quanh hòn đảo, trong khi Đài Loan tuyên bố sẽ tăng ngân sách quân sự để mua sắm vũ khí nước ngoài, chủ yếu từ Mỹ và tự phát triển vũ khí phòng thủ. 

Quân đoàn 10 thuộc lực lượng vũ trang Đài Loan sẽ tổ chức tập trận bắn đạn thật quy mô lớn vào ngày 17/1 tại khu vực Fanzailiao ở miền trung để mô phỏng tình huống thành phố Đài Trung bị tấn công. Đây là cuộc diễn tập bắn đạn thật rất lớn, với sự tham gia của các đơn vị tinh nhuệ của các quân binh chủng. Trong khi đó, lãnh đạo Đài Bắc đã phản ứng lại lời kêu gọi thống nhất từ Trung Quốc bằng những lời lẽ cứng rắn, không khoan nhượng.

Theo một nguồn tin quân sự, cuộc tập trận sẽ được tiến hành trong một tiếng rưỡi, với sự tham gia của pháo phản lực Thunderbolt-2000, trực thăng tấn công AH-64E Apache, tên lửa Hellfire và một số loại pháo khác.Trước đó, thiếu tướng Yeh Kuo-hui thuộc cơ quan Phòng vệ Đài Loan tuyên bố hòn đảo này sẽ tiến hành một loạt cuộc tập trận năm 2019 dựa trên các chiến thuật mới được xây dựng nhằm chống lại một cuộc tấn công tiềm tàng từ Trung Quốc.

Theo CNN, cuộc tập trận diễn ra ở khu vực Kaoshung, trong đó Đài Loan gấp rút đưa các khí tài quân sự đến một bãi biển trong tình huống giả định “đối phương đổ bộ chiếm đảo”.“Quân đội chúng tôi sẵn sàng đối phó với mọi mối đe dọa… bao gồm cả từ Trung Quốc”, tướng Đài Loan Chen Chung-chi nói.“Các cuộc tập trận này nhằm dựa trên nguyên tăc sẵn sàng chiến đấu khi chiến tranh nổ ra”, ông Chen nói. “Chúng tôi luôn sẵn sàng bảo vệ chủ quyền và tự do”. Ông Chen không tiết lộ số lượng binh sĩ tham gia tập trận cũng như các khí tài quân sự cụ thể. Giai đoạn đầu của cuộc tập trận sẽ kéo dài cho đến hết tháng Giêng. 

Các cuộc tập trận cũng theo sau báo cáo mới của Lầu Năm Góc, trong đó bày tỏ mối lo ngại của Hoa Kỳ về sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc, nhấn sâu thêm mối lo lắng về một cuộc tấn công có thể diễn ra chống lại Đài Loan.

Sức ép từ Bắc Kinh

Những động thái trên của Đài Loan khiến Bắc Kinh gia tăng áp lực kinh tế, quân sự và ngoại giao lên hòn đảo này. Trong một cuộc họp với Chánh văn phòng hoạt động hải quân Hoa Kỳ John Richardson tại Bắc Kinh hôm thứ ba (15/1), Tham mưu trưởng Trung Quốc Lý Tác Thành đã đưa ra một cảnh báo chống lại các lực lượng nước ngoài đến hỗ trợ Đài Loan.Quân đội Trung Quốc sẽ trả bất kỳ giá nào để đảm bảo chủ quyền của Trung Quốc, ông Lý Tác Thành nói với ông Richardson tại cuộc họp.

Trở ngại lớn nhất của việc "thống nhất Đài Loan" bằng vũ lực đối với Tập Cận Bình không phải là sức phản kháng của Đài Loan về quân sự, mà là khả năng can thiệp của Mỹ — Nhật.Giáo sư Bùi Mẫn Hân (Min Xinpei) trong bài phân tích đăng trên tạp chí Nikkei Asian Review ngày 16/1/2019, nhận định:Không có lý do hay dấu hiệu nào cho thấy ông Tập Cận Bình sẽ từ bỏ quan điểm cứng rắn của mình trong vấn đề Đài Loan, tuy nhiên bà Thái Anh Văn cũng không dễ khoanh tay chịu trói.

Chẳng hạn, khi Trung Quốc cắt giảm lượng khách du lịch Đại lục sang bên kia eo biển, Đài Loan đã chuyển hướng, thu hút khách du lịch từ các quốc gia khác. 11 triệu lượt khách đã đến thăm hòn đảo này năm 2018, tạo nên một kỷ lục mới.Để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế, Đài Loan cũng đã tích cực đa dạng hóa thị trường. Hơn nữa, cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump lại trở thành đòn bẩy quan trọng cho Đài Loan, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp điện tử. Nếu cuộc chiến thương mại Trung — Mỹ gia tăng, các đòn thuế quan của Donald Trump sẽ thúc đẩy một cuộc tháo chạy của các nhà sản xuất khỏi Đại lục.

Tuy nhiên, hệ lụy nguy hiểm nhất trong chính sách của Trung Quốc với Đài Loan là làm tăng thêm căng thẳng với Hoa Kỳ. Là quốc gia bảo hộ cho Đài Loan trên thực tế, Hoa Kỳ đã cho thấy rõ thông điệp nước này không đứng tay ngồi nhìn Trung Quốc dùng vũ lực với hòn đảo.Tháng Hai năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật Du lịch Đài Loan, cho phép các quan chức cấp cao của Mỹ tới thăm đảo này, và ngược lại.

Tháng Chín 2018, Hoa Kỳ đã triệu hồi Đại sứ Mỹ tại Cộng hòa Dominica, El Salvador và Panama để phản đối quyết định của các nước này trong việc cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Các đề xuất tăng cường hợp tác quốc phòng Mỹ — Đài, bao gồm việc thông qua các thỏa thuận bán vũ khí tối tân hơn cho Đài Loan, đang được Mỹ thảo luận. 

Quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ – Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng trong lĩnh vực kinh tế và quân sự, sau khi Tổng thống Donald Trump đã áp đặt mức tăng thuế lên tới 25% đối với 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, khiếu nại Bắc Kinh đánh cắp hoặc gây áp lực lên các công ty Hoa Kỳ để bàn giao công nghệ.

Cho đến nay, Trung Quốc chỉ có cách đối phó với những thách thức từ Mỹ bằng cách tăng áp lực lên Đài Loan.

Hồ Hoàng Anh tổng hợp

Chủ đề chính: #Đài_loan

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn