Yebbgegne

Đàn ông Việt quá thất thế.

Đăng 4 năm trước

Có vẻ cũng đáng lo, khi những nhan sắc và những tài hoa đã được cả nước công nhận, những siêu mẫu chân dài, những hoa hậu nghiêng nước nghiêng thành, những ca sỹ ngôi sao… mơ ước của rất nhiều đàn ông Việt, đã và đang đi lấy chồng ngoại.

 Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa lấy chồng Ấn Độ đã sắp được 10 năm. Ca sỹ Hồng Nhung trẻ như thuở đôi mươi bên anh chồng Mỹ 

Bằng Lăng lấy chồng người Đức, Kim Hồng lấy chồng người Anh, Thu Minh lấy chồng Hà Lan….Siêu mẫu Hà Anh, Ca sĩ Đoan Trang... 

Họ có chung một điểm là đã không chọn trai Việt làm chồng, và có vẻ là sau hôn nhân, đa số đều hạnh phúc.  

 Đừng vội quy kết nhan sắc tham tiền. Bởi đa số các ngôi sao đều không nghèo, và họ cũng biết rõ các đại gia Việt cũng nhiều người giàu lắm chứ. Có lẽ tại chính sự trọng nam khinh nữ, tại chữ “hi sinh” mặc định bổn phận của phụ nữ Việt, gây nên "nạn chảy máu nhan sắc" này!  

Trong khi văn hóa Việt giáo dục đàn bà về sự nhún nhường cộng với bản chất bao dung, sẵn lòng hy sinh, có thể hoá đá chờ chồng thì cũng làm nảy sinh ra một kiểu đàn ông không biết làm việc nhà, không biết quan tâm yêu thương phụ nữ và không đặt nặng nhiệm vụ chăm sóc gia đình. Thậm chí, nhiều nhà các bé trai như một ông vua con. Nhiều chú, bác tự cho mình cái quyền ở chiếu trên, còn đàn bà ngồi chiếu dưới, như một chủng loài thấp kém hơn.  

Có những cô gái tâm sự rằng nhà em không nghèo, không phải em lấy chồng ngoại vì sợ nghèo. Mà em không biết lấy ai trong đám trai làng. Từ ông, tới bố, tới các chú các bác, tới đám thanh niên, tối ngày nhậu nhẹt, say xỉn. Rồi chửi bậy, đánh nhau, rồi mắng mỏ mẹ em khi bà vừa bước ngoài đồng về đã sấp ngửa lo nấu bữa chiều. Chị em đi lấy chồng, được vài bữa thì bị chồng đánh đập. Em nhìn chị, hay mẹ mình, những người phụ nữ đã có gia đình mà sợ. 

Nhiều phụ nữ Việt Nam sau khi lấy chồng bỗng nhiên trở thành một quái vật ba đầu sáu tay, vừa làm việc đồng áng, công ty như một người đàn ông, lại vừa lo nội trợ bếp núc như môt người đàn bà, lo chăm sóc dạy dỗ con cái như một nhà sư phạm, lo đối nội, đối ngoại như một nhà ngoại giao. Sống và làm việc bằng hai, ba người cộng lại.

Tới các trường học, thấy đa số là các bà, các mẹ đi đón con. Ra các công viên, đi chơi cùng bầy trẻ con cũng lại là các mẹ. Họp phụ huynh, (phụ + huynh nhé) mà toàn là... mẫu và tẩu tẩu. 

Vậy các bố đi đâu rồi?

Hãy ra các quán nhậu, các nhà hàng... các bố đang ngồi đấy. Có thể là giải trí, có thể là đối tác, có thể là công việc. Những công việc, những hợp đồng, mà trong quỹ thời gian ít ỏi, và ko có bàn nhậu thì các Nữ Oa vẫn phải đội đá mà hoàn thành. 

Khối lượng công việc như một nhân viên nam, nhưng nhân viên nữ phải bớt xén thời gian để search ra vài cách chế biến món ăn, tìm hiểu về vài loại thuốc con phải uống, đi muộn vài chục phút để ghé qua chợ, về sớm nửa tiếng để đón con tới giờ tan trường.

Buổi tối, sau khi nấu ăn cho cả nhà, sau khi dọn dẹp nhà cửa, người phụ nữ lại lo cho con học bài. Đêm, con giật mình khóc, mẹ là người lục đục thức giấc...

Mỹ từ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” vẫn là gánh nặng nhẫn tâm đang đè lên vai họ! 

Tình hình này chưa hẳn ngày một ngày hai sẽ chấm dứt. Bởi cho tới những ngày hôm nay, năm 2012, bạn cứ để ý cách nói chuyện với một bà bầu thì thấy nó vẫn còn đó. Sau câu hỏi bé trong bụng là trai hay gái, nếu trai sẽ được nói ngắn gọn: “10 điểm nhá, chúc mừng”. Nhưng nếu là gái sẽ được an ủi: “Con nào chả là con”, hay “Có con gái càng nhàn, sau này nó... phụ việc cho”.

Ơ hay! Ý vậy là gì? Có con trai không nhàn sao, không biết phụ việc sao? Là con gái thì dễ bóc lột sức lao động của nó hơn con trai sao? Con trai thì nghiễm nhiên được bạc bẽo với cha mẹ sao? Trong mối quan hệ bạn bè, tình yêu, con trai lại còn bị coi là “chẳng mất gì” thế nên là càng ít được rèn dạy hơn, thế là kỹ năng sống kém hơn, và rủi ro cũng nhiều hơn

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn