Form Your Soul Tải ebook mới nhất của mình Content Writing for Everyone tại đây nhé: https://bit.ly/37b1P4c

Đảo ngược: Kỹ năng tư duy phản biện quan trọng nhất 99% bạn chưa hề biết

Đăng 6 năm trước

Sự đảo ngược buộc chúng ta cân nhắc nhiều khía cạnh của một vấn đề thường bị ẩn đi từ lúc đầu. Thay vì hỏi cách làm thứ gì đó thì hãy hỏi cách để không làm nó.

Các triết gia cổ đại của chủ nghĩa khắc kỷ Stoic như Marcus Aurelius, Seneca và Epictetus thường thực hành một bài tập được gọi là premeditatio malorum (dự tính trước những điều xấu xa).

Mục tiêu của bài tập này là hình dung ra những điều tiêu cực có thể xảy ra trong cuộc đời. Chẳng hạn, những người theo chủ nghĩa khắc kỷ tưởng tượng sẽ như thế nào nếu thất nghiệp và không còn nhà để ở, bị thương và trở thành người bại liệt hay danh tiếng bị hủy hoại và đánh mất địa vị trong xã hội.

Chủ nghĩa khắc kỷ tin rằng bằng cách tưởng tượng ra kịch bản tệ nhất phía trước, họ có thể vượt qua nỗi sợ những trải nghiệm tiêu cực và thiết lập ra những kế hoạch tốt hơn để ngăn chặn chúng. Trong khi đa phần mọi người đều chú ý đến cách mà họ có thể đạt được thành công thì chủ nghĩa khắc kỷ còn cân nhắc đến cả việc làm thế nào họ có thể kiểm soát thất bại. Mọi thứ sẽ trông như thế nào nếu ngày mai có chuyện gì đó không may xảy đến? Và tình cảnh đó nhắc nhở họ điều gì về cách mà họ nên chuẩn bị cho ngày mai?

Cách nghĩ cân nhắc về thứ trái ngược với điều bạn muốn này được biết đến như là sự đảo ngược (inversion). Khi lần đầu tiên học được nó, tôi không nhận ra được tác động của nó mạnh mẽ như thế nào. Khi nghiên cứu nhiều hơn, tôi bắt đầu nhận ra rằng sự nghịch đảo là một kỹ năng cốt lõi và hiếm có mà gần như tất cả các nhà tư tưởng vĩ đại đều sử dụng nó như là lợi thế của họ. 

Các nhà tư tưởng vĩ đại phá vỡ hiện trạng (status quo) như thế nào?Nhà toán học người Đức Carl Jacobi đã có một loạt các đóng góp quan trọng cho nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau trong suốt sự nghiệp của mình. Đặc biệt, ông nổi tiếng với khả năng giải quyết các vấn đề khó bằng cách áp dụng chiến lược man muss immer umkehren hay dịch ra một cách nôm na là “đảo ngược, luôn luôn đảo ngược”.

Jacobi tin rằng một trong những cách tuyệt vời nhất để làm rõ cách nghĩ của bạn đó là diễn giải lại các vấn đề toán học dưới dang đảo ngược. Ông viết ra giấy thứ trái ngược với vấn đề ông đang cố gắng giải quyết và nhận thấy rằng giải pháp xuất hiện dễ dàng hơn nhiều:

Sự đảo ngược buộc chúng ta cân nhắc nhiều khía cạnh của một vấn đề thường bị ẩn đi từ lúc đầu. Sẽ thế nào nếu điều ngược lại đúng? Sẽ thế nào nếu tôi tập trung chú ý vào khía cạnh khác của vấn đề này? Thay vì hỏi cách làm thứ gì đó thì hãy hỏi cách để không làm nó. 

Giống như tác giả Josh Kaufman từng viết: “Bằng cách nghiên cứu về điều trái ngược với điều bạn muốn, bạn có thể nhận ra những yếu tố quan trọng mà không rõ ràng một cách trực tiếp”.

Những nhà tư tưởng vĩ đại, những con người được xem là biểu tượng và các nhà đổi mới luôn suy đi tính lại mọi thứ. Thường, họ sẽ làm cho bộ não của họ phải nghĩ ngược lại. 

Lĩnh vực nghệ thuật sẽ cho chúng ta một ví dụ điển hình.

Một trong những cú chuyển mình lớn nhất trong lĩnh vực âm nhạc vào nhiều thập kỷ trước đến từ Nirvana, một ban nhạc mà đã góp phần hợp pháp hóa một thể loại nhạc mới - alternative rock - và album Nevermind của họ đã được đưa vào trong danh sách thu âm của thư viện quốc hội Mỹ như là một trong những bản ghi âm “có tầm quan trọng về mặt văn hóa, lịch sử và thẩm mỹ” nhất thế kỷ 20. 

Nirvana đã hoàn toàn đảo ngược những quy chuẩn của dòng nhạc rock và pop chính thống. Trong khi các ban nhạc Hair Metal Band (còn gọi là Glam Metal Band) như Poison và Def Leppard bỏ ra hàng triệu USD để sản xuất và quảng cáo cho từng đĩa nhạc thì Nirvana lại thu âm Nevermind thành công mà chỉ mất 65.000USD. Hair Metal rất hào nhoáng, còn Nirvana đơn giản nhất có thể và không hề gọt giũa. 

Sự đảo ngược thường là cái lõi của những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại. Ở bất cứ thời điểm nào, cũng luôn có một hiện trạng trong xã hội và các nghệ sĩ cũng như các nhà cải tiến - những người mà nổi bật nhất trong số đó thường là những người lật ngược lại tiêu chuẩn theo cách đầy thuyết phục. 

Các tác phẩm nghệ thuật vĩ đại phá vỡ các quy tắc được hình thành trước đó, cụ thể là chúng lật ngược những gì đã được tạo thành từ trước. Ở một mức độ nhất định, bí mật của một cách tư duy trái với lẽ thường chỉ là đảo ngược lại hiện trạng. 

Chiến thuật này một cách công bằng cũng hiệu quả đối với các hình thức sáng tạo khác như viết lách. Rất nhiều cái tên và tiêu đề hấp dẫn sử dụng sức mạnh của nghệ thuật đảo ngược để lật ngược lại những giả thuyết phổ biến. Một ví dụ cá nhân là hai bài báo nổi tiếng nhất của tôi, “Forget About Setting Goals" (Hãy quên việc đặt mục tiêu đi) và “Motivation is Overvalued” (Động lực bị cường điệu hóa) dựa trên các quan điểm chung và sau đó, đảo ngược lại tất cả. 

Thành công bị đánh giá quá cao. Tránh thất bại còn quan trọng hơn nhiều. 

Kiểu logic đảo ngược này có thể được mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống. Chẳng hạn, những người trẻ thường tập trung nhiều hơn vào cách để thành công nhưng tỷ phú đầu tư Charlie Munger lại khuyến khích họ, thay vào đó, nên xem xét tới thất bại.

“Bạn muốn tránh điều gì? Ông hỏi. “Một câu trả lời quá ư dễ dàng: sự lười biếng và không đáng tin cậy. Nếu bạn không đáng tin thì đức hạnh của bạn như thế nào cũng chẳng quan trọng. Chẳng mấy chốc, bạn sẽ thất bại. Làm thứ bạn cam kết làm một cách trung thành nên là một phần tự động trong cách cư xử của bạn”.

Tránh sai lầm là cách cải thiện bản thân bị đánh giá rất thấp. Trong đa phần các công việc, bạn có thể tận hưởng một vài mức độ thành công đơn giản bằng cách siêu chủ động (proactive) và trở nên đáng tin cậy - kể cả nếu bạn không cực kỳ thông minh, nhanh nhẹn hoặc tài năng ở một lĩnh vực nào đó. Đôi khi, việc cân nhắc tại sao mọi người thất bại trong cuộc sống còn quan trọng hơn nhiều so với việc tại sao họ thành công.

Lợi ích của việc suy nghĩ cả mặt trái và phải của vấn đề

Sự đảo ngược đặc biệt hữu ích trong môi trường làm việc.

Các nhà lãnh đạo có thể tự hỏi chính mình: “Một người nào đó sẽ làm gì mỗi ngày nếu họ là một nhà quản lý quá tệ?” Những nhà lãnh đạo giỏi sẽ không bao giờ để mình trở thành người như vậy.

Tương tự, nếu đổi mới là một phần cốt lõi trong mô hình kinh doanh của bạn thì bạn có thể tự hỏi, “Chúng ta có thể khiến công ty ít cải tiến như thế nào?” Loại bỏ những rào cản và chướng ngại vật này có thể giúp các ý tưởng sáng tạo xuất hiện nhiều hơn.

Và mỗi phòng Marketing muốn thu hút thêm nhiều khách hàng mới có thể tự đặt ra câu hỏi rằng “điều gì sẽ khiến cho khách hàng trung tâm của chúng ta không còn ủng hộ sản phẩm của chúng ta nữa?” Một góc nhìn khác biệt có thể tiết lộ những insight bất ngờ. 

Bạn có thể học hỏi được nhiều từ việc nhận dạng điều gì không hiệu quả khi bạn có thể phát hiện ra điều gì hiệu quả. Những sai lầm, sai sót và rắc rối bạn muốn tránh là gì? Đảo ngược không phải là việc tìm kiếm những lời khuyên tốt mà đúng hơn là về việc tìm kiếm những quan điểm chống đối. Chúng sẽ dạy cho bạn điều gì cần tránh và chỉ cho bạn điều gì mà bạn bỏ lỡ.

Dưới đây là một cách để tận dụng lợi thế của việc đảo ngược cả trong công việc lẫn cuộc sống:

Quản lý dự án 

Một trong những ứng dụng yêu thích của tôi về đảo ngược là Failure Premortem. Đây được xem là Premeditation of Evils cho các công ty thời hiện đại.

Nó hoạt động như thế này:Tưởng tượng mục tiêu hoặc dự án quan trọng nhất mà bạn đang làm hiện tại. Giờ đây, 6 tháng đã trôi qua rất nhanh và giả dụ dự án hoặc mục tiêu của bạn thất bại.

Lúc này, hãy xem xét lại chuyện gì đã xảy ra? Bạn đã mắc sai lầm nào? Bạn đã thất bại như thế nào?

Chiến thuật này thường được gọi là bài tập “kill the company” trong nhiều tổ chức bởi mục tiêu của nó là tìm ra các cách đúng nhất dẫn tới sự thất bại. Giống như Premeditation of Evils, ý tưởng là nhận dạng thử thách và các thất bại nên bạn có thể phát triển một kế hoạch để ngăn chặn chúng trong tương lai. 

Cải thiện năng suất 

Đa phần mọi người đều muốn làm được thật nhiều trong ít thời gian nhất. Áp dụng sự đảo ngược vào năng suất, bạn có thể đặt câu hỏi “sẽ thế nào nếu tôi muốn giảm sự tập trung của mình? Tôi có thể chấm dứt việc bị phân tán như thế nào?”. Câu trả lời cho các câu hỏi này có lẽ sẽ giúp bạn phát hiện ra những sự ngắt quãng mà bạn có thể loại trừ để giải phóng nhiều thời gian và năng lượng hơn mỗi ngày. 

Chiến thuật này không chỉ hiệu quả mà thường còn an toàn hơn để theo đuổi thành công. Chẳng hạn, một vài người sử dụng thuốc hoặc các chất kích thích tinh thần với nỗ lực tăng năng suất công việc. Những phương pháp này có lẽ hiệu quả những cũng tiềm ẩn rủi ro sẽ xảy ra nhiều phản ứng phụ.

Trong khi đó, rủi ro sẽ ít hơn khi bỏ điện thoại trong một phòng khác, chặn các website mạng xã hội hoặc tắt tivi. Cả hai chiến thuật này có thể giúp giải quyết cùng một vấn đề nhưng sự chuyển đổi theo hướng ngược lại cho phép bạn tiếp cận vấn đề ở một khía cạnh khác với ít rủi ro hơn nhiều.. 

Insight này tiết lộ một nguyên tắc chung hơn: Mù quáng theo đuổi thành công có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng nhưng ngăn chặn thất bại thường sẽ có rất ít rủi ro. 

Cắt giảm sự lộn xộn 

Marie Kondo, tác giả cuốn sách bán chạy "The Life-Changing Magic of Tidying Up", sử dụng một cách chuyển đổi để giúp mọi người dọn dẹp nhà của của họ. Câu nói nổi tiếng của bà là “Chúng ta nên chọn điều chúng ta muốn giữ, chứ không phải thứ chúng ta muốn loại bỏ”.

Hay nói cách khác, mặc định nên là từ bỏ những thứ mà không giúp tạo ra niềm vui rạng ngời (spark joy) trong cuộc sống của bạn. Cách chuyển đổi trong tư duy này sẽ đảo ngược việc cắt giảm sự lộn xộn bằng cách tập trung vào điều bạn muốn giữ hơn là điều bạn muốn loại bỏ.

Các mối quan hệ 

Những hành vi này có thể hủy hoại hôn nhân? Thiếu niềm tin. Không tôn trọng người khác. Không để cho mọi người có thời gian riêng tư. Dành tất cả thời gian với con cái và không đầu từ vào mối quan hệ cùng nhau. Không có những cuộc trò chuyện cởi mở về tiền bạc và thói quen tiêu xài. Đảo ngược cách nhìn nhận về một cuộc hôn nhân tốt đẹp có thể chỉ cho bạn cách giữ gì hạnh phúc và tránh mâu thuẫn gia đình.

Tài chính cá nhân 

Ai cũng muốn kiếm tiền. Nhưng sẽ thế nào nếu bạn đảo ngược vấn đề? Bạn có thể hủy hoại nguồn tài chính của mình ra sao?

Tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được là con đường đã được kiểm chứng dẫn tới thất bại tài chính nhanh nhất. Không quan trọng bao nhiêu tiền bạn có, nếu vẫn tiêu xài quá độ thì sau cùng, bạn chắc chắn sẽ trắng tay. 

Tương tự, nợ bị dồn lại là tình huống khẩn cấp cần được giải quyết nhanh nhất có thể. Dần dần, thói quen chi tiêu và mua sắm không kiểm soát có thể dẫn tới căng thẳng tài chính mà bạn tự giáng lấy cho mình.

Trước khi lo lắng quá nhiều về cách để kiếm nhiều tiền hơn thì hãy chắc chắn bạn biết cách để không mất tiền. Nếu có thể kiểm soát để tránh những vấn đề này thì bạn sẽ vượt xa bạn bè của mình và cứu chính mình khỏi nhiều đau đớn và thống khổ phía trước.

Cân nhắc điều ngược lại

Sự đảo ngược cũng có mặt trái. Nó không hiển nhiên chỉ là việc dành thời gian để nghĩ về điều ngược lại với điều bạn muốn.

Tuy nhiên, sự đảo ngược là công cụ cốt lõi của nhiều nhà tư duy vĩ đại. Chủ nghĩa khắc kỷ hình ảnh hóa các kết quả tiêu cực. Các nghệ sĩ xuất chúng đảo ngược hiện trạng. Những nhà lãnh đạo hiệu quả tránh các sai lầm ngăn họ thành công nhiều như việc họ theo đuổi các kỹ năng để khuếch đại thành công đó.

Sự đảo ngược đặc biệt hữu ích cho việc thử thách những niềm tin của riêng bạn. Nó buộc bạn phải xem các quyết định như đang trong một phiên tòa. Trong tòa án, ban hội thẩm lắng nghe cả hai phía tranh cãi trước khi đưa ra quyết định của họ. Sự đảo ngược giúp bạn làm điều tương tự. Sẽ thế nào nếu bằng chứng không xác nhận cho điều bạn tin? Sẽ thế nào nếu bạn cố gắng phá hủy quan điểm mà bạn hào hứng? Sự đảo ngược ngăn bạn ra quyết định sau khi đưa ra kết luận đầu tiên và là cách để bạn kháng cự lại lực hấp dẫn của thiên kiến xác nhận (confirmation bias).

Sự đảo ngược là kỹ năng cần thiết để dẫn tới một cuộc sống lý trí và logic. Nó cho phép bạn bước ra ngoài những khuôn mẫu thông thường của suy nghĩ và xem xét hoàn cảnh ở một góc độ khác. Bất kể vấn đề bạn đang đối mặt là gì, cũng hãy luôn xem xét nó cả ở khía cạnh ngược lại.  


Theo James Clear

Chủ đề chính: #tư_duy_phản_biện

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn