FOUR Trang tin thú vị, độc đáo và hữu ích mà mọi người có thể tham khảo

Đảo nhân tạo, nơi sinh sống của hàng triệu con người trong tương lai

Đăng 3 năm trước
Đảo nhân tạo, nơi sinh sống của hàng triệu con người trong tương lai

Sự tăng nhanh của dân số thế giới cộng với việc mực nước biển ngày càng dâng cao đã và đang làm ảnh hưởng đến một số thành phố có thềm lục địa thấp, dẫn đến nhiều hậu quả cực kì khó lường đối với cuộc sống của con người. Vì vậy, các dự án về đảo nổi nhân tạo ngày càng được chú trọng và đầu tư nhiều hơn và chúng cũng được dự đoán sẽ là một trong những kế hoạch đem lại nhiều thành công trong tương lai khi vừa có thể hạn chế các vấn đề tiêu cực mà thế giới đang hứng chịu, vừa đem lại nhiều lợi ích rất to lớn đến nền kinh tế của bất kì nước nào có khả năng chế tạo và sở hữu cho riêng mình một hòn đảo nổi. Hiện nay, một vài nơi trên thế giới đã nghiên cứu và bắt đầu tiến hành công cuộc xây dựng những hòn đảo nhân tạo cho riêng mình, chúng không chỉ đơn giản là những công trình đồ sộ với rất nhiều khu vực hiện đại tích hợp bên trong mà một số ý tưởng của các công trình này trong tương lai còn hứa hẹn đem lại cho con người những điều tích cực trước những ảnh hưởng tiêu cực mà thế giới phải gánh chịu. Hãy cùng mình điểm qua xem các đảo nổi thiên đường trong tương lai sẽ mang lại những điều gì hay ho và mới mẻ nhé!

1/ Những ý tưởng đầu tiên về loại hình đảo nhân tạo

Đảo nhân tạo xuất hiện từ rất lâu trước khi nền khoa học bắt đầu có những bước đi đầu tiên. Trong một số tư liệu cổ được ghi chép ở La Mã gần 2000 năm trước, hình ảnh về các hòn đảo nổi do chính con người tạo ra đã dần dần được người ta nghĩ đến nhưng chúng cũng không được miêu tả quá rõ ràng. Tiếp theo đó, vào những năm sau công nguyên, hàng loạt các công trình tương tự những hòn đảo này được xuất hiện nhiều hơn trên các văn tự ghi chép lại lịch sử, nhưng chúng chỉ tương tự như một thứ gì đó nổi lên trên mặt nước có kích thước trung bình giúp người dân tránh được thiên tai, lũ lụt và cả với kẻ thù. Mãi cho đến năm 1634, người Nhật mới bắt đầu định hình, xây dựng và sử dụng đảo nhân tạo với đúng ý nghĩa của nó - một hòn đảo thật sự! Đó là khi họ dùng chúng để giao thương với người nước ngoài trong lúc Nhật Bản đang thi hành chính sách Tỏa Quốc. Từ đây, hàng loạt các quốc gia bắt đầu rầm rộ xây dựng nhiều hơn các công trình đảo nhân tạo để phục vụ quốc gia của riêng mình cho đến ngày nay.

 

2/ Các đảo nhân tạo đã, đang và sẽ được xây dựng trong tương lai

-Hiện nay ở một vài quốc gia trên thế giới, một số đảo nhân tạo được hình thành nhằm mục đích phát triển kinh tế, xã hội cũng như khẳng định vị thế của các quốc gia này trong các dự án xây dựng kiến trúc đồ sộ. Vì vậy, các đảo này thường dành cho những người có mức thu nhập rất cao. Điển hình như cấu trúc đảo The Palm nằm ven bãi biển thành phố Dubai - cũng là nơi sinh sống của hàng loạt các đại gia có tiếng từ khắp nơi trên thế giới. Trên đảo, mọi thứ được cung cấp đầy đủ và cực kì tiện nghi vượt xa những gì mà bất cứ ai có thể tưởng tượng nổi. Nhưng cũng có một số hòn đảo được tạo ra nhằm mục đích giải tỏa sức ép dân số, mở rộng thêm diện tích giúp con người sinh sống trước tình hình nước biển dâng được dự đoán sẽ nhấn chìm rất nhiều khu vực trong tương lai. Một vài quốc gia khác cũng đã sở hữu cho riêng mình những công trình đảo nhân tạo tương tự, như Hulhumale ở Maldives, Pearl-Qatar ở Qatar,…Tất cả những hòn đảo kể trên đều có chung một đặt điểm, đó chính là chúng được xây dựng qua việc đổ đất, đá xuống biển tạo thành phần đất bồi tụ xung quanh. 

Ảnh: The Palm ở Dubai

-Ngoài ra, trên một số bản vẽ của một vài kiến trúc sư nổi tiếng, một số cấu trúc đảo sẽ trôi nổi trên mặt biển không cần các gò đất nhân tạo, trục hay cột chống sâu xuống đáy biển, điển hình như cấu trúc “Thành phố của Mérien” của kiến trúc sư Jacques Rougerie - một viện hải dương học nổi và di chuyển trên mặt nước. Nó rộng khoảng 450000m2 được thiết kế mô phỏng một chú cá đuối tuyệt đẹp. Đây sẽ là tổ hợp của những phòng học, khu sinh hoạt và phòng nghiên cứu của hơn 7000 nhà khoa học và sinh viên từ khắp các quốc gia trên thế giới. Đặt biệt một điều là cấu trúc này sẽ không tạo ra bất kì chất thải nào gây hại cho môi trường bên ngoài và nguồn năng lượng để duy trì mọi hoạt động trên hòn đảo cũng là nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường. Vincent Callebaut - vị kiến trúc sư nổi tiếng người Bỉ có bảng vẽ về cấu trúc của những hòn đảo mang hình dạng của những con sứa tuyệt đẹp sẽ là nhân vật thứ hai được nhắt đến. Những cấu trúc được ông suy nghĩ ra hoàn toàn rất thiết thực, khi vật liệu được người ta sử dụng trong việc chế tạo là lắp ráp hòn đảo này là từ vật liệu rác thải tái chế lấy từ Thái Bình Dương, vừa giúp cho hòn đảo có trọng lượng nhẹ vừa giải quyết được vấn đề rác thải đang đe dọa hành tinh xanh. Trở lại với cấu trúc chú sứa khổng lồ kia, các xúc tu sẽ tương tự các tòa nhà chọc trời cao 250 tầng cực kì đồ sộ nằm phía bên dưới mặt nước. Không chỉ với hai công trình kiến trúc trên, hàng loạt các công trình đảo nổi khác như Seaorbiter, Noah’s Ark, X Sea TY, Haverst,…đều là những công trình mang tham vọng cực kì to lớn và được mọi người hi vọng rằng sẽ có thể triển khai và xây dựng trong tương lai không xa.

  

Ảnh: Thành phố sứa của Vincent Callebaut 

3/ Những khó khăn bắt gặp khi xây dựng các đảo nhân tạo

-Đầu tiên là về kinh phí. Một số hòn đảo nhân tạo được xây dựng với mức phí vô cùng khổng lồ, điển hình như tổ hợp quần đảo cọ The Palm được nhắt đến ở trên. Số tiền mà các đại gia UAE đổ vào dự án này là vào khoảng 14 tỉ USD, tức xấp xỉ 322 nghìn tỉ VND, quả thật là một con số vô cùng khổng lồ để có thể xây dựng nên công trình mang tên “Kì quan thứ 8 của thế giới”. Và cũng không riêng gì The Palm, hàng loạt các công trình khác cũng được dự tính sẽ có mức phí lên đến hàng trăm triệu USD cho mỗi dự án ở hiện tại và cả trong tương lai không xa. Điều này cũng đủ giúp ta hiểu được rằng, để có thể đầu tư vào các tổ hợp đảo nhân tạo, mỗi quốc gia sẽ phải có tiềm lực vô cùng to lớn để có thể tạo nên một nơi ở vừa giải quyết được tất cả những tình trạng mà họ đang bắt gặp (như việc nước biển dâng lên cao ảnh hưởng đến lãnh thổ và con người ở vài vùng biển trũng và thấp chẳng hạn), lại vừa tạo nên một cơn sốt du lịch trên toàn thế giới khi những hòn đảo này vô tình lại chính là những địa điểm du lịch tuyệt vời. 

-Thứ hai là về môi trường sống. Mặc dù các cá nhân liên quan đến các công trình đảo nhân tạo tuyên bố rằng chúng sẽ không hoặc rất ít ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài sinh vật biển, nhưng thật sự điều đó cần phải xác minh lại. Đồng ý rằng một số bảng vẽ kiến trúc hình thành nên các đảo nhân tạo có những ý tưởng rất mới trong việc sử dụng các vật liệu bảo vệ môi trường, nhưng thật sự những công trình tương tự như thế này rất ít được người ta quan tâm đến, vì chúng là những ý tưởng mới mẻ và chính vì như vậy nên độ tin cậy của chúng cũng không quá cao cho nên một số bảng thiết kế chỉ vỏn vẹn nằm trên giấy chứ chưa thể nào áp dụng ra thực tế. Hầu hết các đảo nhân tạo được xây dựng dựa vào việc bồi đắp một lượng đất đá nhất định để tạo nên phần đất bồi bên trên. Vì vậy, những ảnh hưởng lên tự nhiên khi tiến hành đổ các thành phần xây dựng kia xuống biển là có xảy ra, khi một vài rạn san hô và các sinh vật biển khác sẽ chết hoặc mất đi nơi ở của chúng. 

 

Chủ đề chính: #kiến_trúc

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn