Bé Gấu Ham ăn, ham ngủ, ham chơi :v

Dắt túi phương pháp phòng ngừa cảm lạnh cho mùa đông

Đăng 3 năm trước
Dắt túi phương pháp phòng ngừa cảm lạnh cho mùa đông

Cách tốt nhất để tránh triệu chứng cảm lạnh nặng là phòng ngừa cảm lạnh ngay từ đầu. Vì không phải lúc nào cũng có thể tránh được cơn cảm lạnh nên bạn cần hành động nhanh chóng ngay khi phát hiện triệu chứng đầu tiên. Những bước quan trọng nhất để phòng ngừa cảm lạnh đó là nghỉ ngơi nhiều, giữ nước cho cơ thể và thư giãn. Hầu hết các cơn cảm lạnh đều gây cảm giác khó chịu nhưng không nguy hiểm đến sức khỏe tổng thể. Trong hầu hết các trường hợp, cảm lạnh thường tự khỏi trong vòng 1-2 tuần

I. TĂNG CƯỜNG HỆ MIỄN DỊCH

+ Nhận biết triệu chứng cảm lạnh. Cảm lạnh có thể gây triệu chứng khó chịu như đau họng, hơi mệt mỏi và nghẹt mũi. Cảm lạnh ít khi dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao hay đau đầu dữ dội.  Thông thường, người bệnh sẽ có triệu chứng cảm lạnh 2-3 ngày sau khi nhiễm bệnh, nghĩa là thời điểm cổ họng đau cũng là thời điểm bạn đã bị cảm lạnh. Tuy nhiên, bạn có thể rút ngắn thời gian và giảm triệu chứng cảm lạnh bằng cách nhận biết sớm các triệu chứng. Triệu chứng thường gặp khi cảm lạnh gồm có:ho, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau họng, đau đầu, nhức người, sốt nhẹ........

Đi khám bác sĩ ngay khi có triệu chứng nghiêm trọng. Trong hầu hết các trường hợp, cảm lạnh sẽ tự khỏi hoặc thuyên giảm sau khi điều trị tại nhà. Tuy nhiên, một số cơn cảm lạnh có thể dẫn đến nhiễm khuẩn nghiêm trọng và cần được điều trị y tế. Trường hợp này dễ xảy ra ở trẻ nhỏ hơn người lớn.

+Hành động nhanh chóng. Ngay khi cảm thấy triệu chứng đầu tiên, bạn cần thực hiện các bước để ngăn cơn cảm lạnh trở nặng. Nếu không, cảm lạnh có thể kéo dài đến một tuần. Triệu chứng ban đầu như đau họng, mệt mỏi hoặc chảy nước mũi là những dấu hiệu cho thấy bạn cần tự bắt đầu chăm sóc bản thân.

+Cung cấp đủ nước. Giữ đủ nước cho cơ thể là bước quan trọng để giảm thiểu ảnh hưởng của cơn cảm lạnh. Nên uống 8-10 cốc nước mỗi ngày. Uống đủ nước giúp tăng cường hệ miễn dịch và giảm triệu chứng nghẹt mũi, đau họng. Khi cơ thể được cung cấp đủ nước, dịch nhầy sẽ loãng hơn và dễ thải ra khỏi cơ thể hơn. Tránh đồ uống chứa cồn và caffeine. Chỉ nên uống nước lọc và trà thảo mộc nếu có thể. Caffeine và cồn sẽ khiến bạn khó giữ nước cho cơ thể hơn

+Ngủ ít nhất 8 tiếng. Hầu hết người trưởng thành đều bị cảm lạnh 1-2 lần mỗi năm. Tuy nhiên, bạn sẽ dễ bị cảm lạnh và cơn cảm lạnh kéo dài hơn nếu ngủ ít hơn 8 tiếng mỗi đêm. Nếu nhận thấy cơn cảm lạnh sắp đến, bạn nên ngủ thêm để tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch.Sẽ tốt hơn nữa nếu bạn có thể nghỉ ngơi 12 tiếng trong giai đoạn trước khi bị cảm lạnh.

+Thư giãn. Căng thẳng có thể khiến hệ miễn dịch suy yếu và khó chống chọi với cơn cảm lạnh. Nếu đang trong giai đoạn trước khi bị cảm lạnh, bạn cần chủ động thực hiện các bước giảm căng thẳng trong cuộc sống  như thiền, hít thở sâu.......

+Áp dụng chế độ ăn lành mạnh. Cảm lạnh có thể làm giảm khẩu vị của người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh cần có chế độ ăn cân bằng để giữ cho hệ miễn dịch được khỏe mạnh. Nên ăn thực phẩm như ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ và rau củ quả giàu chất chống oxi hóa để chữa khỏi cảm lạnh nhanh hơn như ớt chuông, sữa chua, bí đỏ........

+Ăn phở/mì gà. Không những là món ăn có tác dụng xoa dịu, phở/mì gà còn được chứng minh là giúp chữa cảm lạnh. Ăn phở/mì cũng là cách cung cấp nước cho cơ thể. Hơn nữa, phở/mì gà còn giúp xoa dịu cơn đau họng và giảm nghẹt mũi. Bạn nên tìm công thức nấu phở/mì gà nhiều rau củ và ít muối để chữa cảm lạnh một cách tốt nhất.

+Không hoạt động quá sức. Tập thể dục có thể ngăn ngừa cảm lạnh nhưng cũng có thể khiến bạn mệt hơn nếu đã nhiễm vi-rút.Vì vậy, nên tránh tập thể dục và tất cả các hoạt động khác nếu có thể. Nên dành vài ngày ngừng tập thể dục và để cơ thể chống chọi với cơn cảm lạnh thay vì tìm cách tăng cơ.

+Cân nhắc việc dùng viên ngậm bổ sung kẽm. Nghiên cứu chưa đưa ra kết luận cuối cùng nhưng một số bằng chứng cho thấy viên ngậm kẽm có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh thông thường. Viên ngậm cũng giúp rút ngắn thời gian cảm lạnh xuống khoảng một ngày.  Nếu muốn dùng viên ngậm kẽm, cần tuân thủ hướng dẫn trên bao bì sản phẩm để tránh tác dụng phụ.

+Giữ ấm. Giữ ấm cơ thể giúp hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại nhiễm trùng. Bạn nên cầm theo túi chườm ấm, tắm nước ấm, mặc quần áo ấm và đắp chăn để giữ ấm cho cơ thể

+Bổ sung vitamin C. Hiệu quả tích cực của vitamin C đôi khi bị thổi phồng. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều bằng chứng cho thấy vitamin C có thể giúp rút ngắn thời gian cảm lạnh xuống 8% khi triệu chứng bắt đầu. Vitamin C có thể đặc biệt hiệu quả cho nhóm có nguy cơ mắc cảm lạnh cao như trẻ học mẫu giáo vào mùa đông.Mặt khác, bạn cần biết rằng không được bổ sung quá nhiều vitamin C và cần trao đổi với bác sĩ trước khi muốn sử dụng bất kỳ loại thực phẩm chức năng cũng như thuốc không kê đơn nào.

+Bổ sung probiotic. Probiotic là các vi sinh vật giúp cải thiện sức khỏe đường ruột và hỗ trợ hệ miễn dịch. Thực phẩm chức năng bổ sung probiotic có bán ở nhiều cửa hàng thực phẩm tốt cho sức khỏe. Sản phẩm có thể giúp rút ngắn thời gian cảm lạnh xuống 2 ngày

II. CHĂM SÓC CỔ HỌNG

+Cho mật ong vào trà. Mật ong giúp ức chế cơn ho một cách tự nhiên và cũng có đặc tính kháng sinh. Cho 1-2 thìa cà phê mật ong vào trà có thể giúp ngăn triệu chứng đau họng trở nặng. Ngoài ra, mật ong còn giúp giảm đau họng và giúp bạn dễ uống nước hơn

+Súc miệng bằng nước muối. Điều này không những giúp giảm viêm họng mà còn giúp đẩy vi-rút gây hại ra khỏi cơ thể. Súc miệng bằng nước muối cũng không gây tác dụng phụ. Bạn chỉ cần pha 1/2 thìa cà phê muối vào một cốc nước ấm. Nhấp một ngụm nước muối và súc miệng khoảng 15 giây rồi nhổ ra. Lặp lại nếu cần thiết để tiếp nhận được hết tất cả lợi ích của việc súc miệng bằng nước muối

+Uống thức uống nóng. Nước nóng và nước ấm giúp pha loãng dịch nhầy trong cổ họng, giúp cơ thể đẩy độc tố ra ngoài dễ hơn. Nước nóng và nước ấm còn giúp xoa dịu đáng kể cơn đau hay ngứa ở cổ họng. Hơn nữa, nếu bạn đang trong giai đoạn trước khi bị cảm lạnh, nước nóng sẽ dễ uống hơn nước lạnh, như vậy bạn sẽ dễ bổ sung nước cho cơ thể hơn. Để tiếp nhận lợi ích tối đa, nước uống nóng phải có tác dụng cung cấp nước cho cơ thể và không chứa cồn hay caffeine

+Tránh xa khói thuốc. Khói thuốc lá có thể kích thích cơn đau họng và làm suy yếu hệ miễn dịch. Hút thuốc còn làm khô cổ họng, khiến màng nhầy trong cổ họng khó chống lại nhiễm trùng. Nên bỏ thuốc lá và tránh hít phải khói thuốc nếu bạn cảm thấy sắp bị cảm lạnh.

III. LÀM SẠCH XOANG

+Nhận thức rằng việc thải độc tố ra ngoài là rất có ích. Cảm giác chảy nước mũi rất khó chịu. Tuy nhiên, việc đẩy chất nhầy và đờm ra ngoài là cách giúp cơ thể loại bỏ độc tố và vi trùng gây hại. Thay vì giữ độc tố trong người, bạn nên tìm cách đẩy càng nhiều chất nhầy, nước mũi và đờm ra ngoài càng tốt để phục hồi nhanh hơn.

+Tránh sử dụng thuốc thông mũi không kê đơn (nếu có thể). Thuốc thông mũi có thể giúp làm sạch mũi và thông đầu tạm thời. Tuy nhiên, thuốc cũng có thể khiến "triệu chứng tái phát" và khiến bệnh kéo dài hơn. Vì vậy, chỉ nên dùng thuốc thông mũi không kê đơn nếu thực sự cần để cảm thấy thoải mái hơn, thở dễ hơn hoặc ngủ ngon hơn. Nếu không, tốt nhất bạn nên tìm các phương pháp khác để giữ đường hô hấp thông thoáng

+Tắm nước nóng. Hơi nóng có thể giúp làm loãng chất nhầy trong mũi.Hít vào thật sâu khi tắm nước nóng trong thời gian dài. Đóng kín cửa và không bật quạt để giữ cho trong phòng tắm thật ấm và thật nhiều hơi nóng.

+Ăn đồ cay. Thức ăn cay có thể khiến bạn chảy nước mũi, tức giúp cơ thể đẩy nước mũi và chất nhầy chứa vi-rút ra ngoài.Một số nghiên cứu còn cho thấy hiệu quả tăng cường hệ miễn dịch của nhiều loại gia vị như gừng và cỏ cà ri - nguyên liệu thường có trong các món cay như cà ri

+Sử dụng dung dịch muối xịt mũi. Dung dịch muối xịt mũi có bán ở hầu hết các hiệu thuốc. Khi đưa ống xịt vào lỗ mũi và bóp phần bóng ở chóp ống, dung dịch muối sẽ vào sâu trong hốc mũi và làm loãng chất nhầy gây nghẹt mũi. Nhờ đó, đường hô hấp sẽ thông thoáng và cơ thể có thể đẩy các tác nhân kích thích khiến triệu chứng cảm lạnh trở nặng ra ngoài

+Sử dụng máy tạo hơi nước. Giữ ẩm cho màng nhầy là bước quan trọng để phòng ngừa nhiễm trùng và thoải mái hơn khi đối đầu với các bệnh đường hô hấp. Máy tạo hơi nước giúp giữ ẩm không khí trong phòng, đặc biệt là vào mùa đông, khi bạn bật máy sưởi. Nên dùng máy tạo hơi nước khi cảm thấy có triệu chứng cảm lạnh và mở máy suốt đêm. Luôn làm đúng theo hướng dẫn sử dụng máy, tránh để nấm mốc và vi khuẩn xâm nhập vào máy

+Hỉ mũi thường xuyên. Nên mang theo khăn giấy và hỉ mũi ngay khi triệu chứng cảm lạnh bắt đầu.Không nên hỉ quá mạnh để tránh gây nhiễm trùng tai. Nếu khó hỉ mũi, bạn có thể dùng dung dịch xịt mũi để làm loãng chất nhầy trong mũi.

+Đặt thêm gối dưới đầu khi ngủ. Cơ thể sẽ loại bỏ chất nhầy trong đường hô hấp hiệu quả hơn nếu phần đầu hướng lên cao. Trong khi bạn nằm ngủ, cơ thể sẽ khó đẩy chất nhầy ra ngoài. Vì vậy, bạn nên gối thêm 1-2 chiếc gối để nâng cao phần đầu và cổ, từ đó giúp tăng tốc độ của quá trình lành bệnh

+Thoa dầu cù là lên ngực và lưng. Dầu cù là giúp cho người bị cảm lạnh hoặc sắp bị cảm lạnh dễ thở hơn. Bạn nên thoa một ít dầu lên ngực và lưng. Bước này đặc biệt giúp ích nếu thực hiện trước khi ngủ để cơ thể được nghỉ ngơi và chống lại bệnh tật. Không thoa dầu cù là vào lỗ mũi

  LỜI KHUYÊN

  • Cách tốt nhất để giữ cơ thể khỏe mạnh là ngừa bệnh ngay từ đầu. Để ngăn ngừa cảm lạnh, bạn nên: rửa tay thường xuyên; khử trùng các vật dụng nhiều người dùng như quầy bếp, bát đĩa, tay nắm cửa; hạn chế đến gần người bị cảm lạnh; nghỉ ngơi đầy đủ trong mùa lạnh; ho và hắt hơi và khuỷu tay hoặc khăn giấy dùng một lần.
  • Điều quan trọng nhất khi cảm thấy cơn cảm lạnh sắp đến là giữ nước cho cơ thể, nghỉ ngơi nhiều, giảm căng thẳng trong cuộc sống. Nếu xin nghỉ học/nghỉ làm để ở nhà một ngày, bạn có thể giảm mức độ nghiêm trọng của cơn cảm lạnh được một chút.
  • Giữ thái độ lạc quan: Hầu hết các cơn cảm lạnh đều không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sẽ khỏi hoàn toàn sau 1-2 tuần.

TUY NHIÊN

  • Có nhiều loại thuốc không kê đơn có thể giúp giảm triệu chứng cảm lạnh. Các thuốc này không giúp rút ngắn thời gian cảm lạnh, đôi khi có thể kéo dài thời gian cảm lạnh do thuốc ngăn cơ thể đẩy chất nhầy và các chất bẩn khác ra ngoài. Vì vậy, chỉ nên dùng thuốc không kê đơn nếu cần thiết, ví dụ như cần dùng thuốc để ngủ ngon hơn.
  • Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thay đổi chế độ ăn và trước khi sử dụng thực phẩm chức năng. Thậm chí nguyên liệu thảo mộc hay nguyên liệu tự nhiên cũng có thể gây tác dụng phụ, phản ứng dị ứng, hay phản ứng tiêu cực với thuốc chữa bệnh. Luôn tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.
  • Mật ong là nguyên liệu tuyệt vời để điều trị nhiều triệu chứng cảm lạnh. Tuy nhiên, không phải mật ong đều an toàn cho tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vì vậy, bạn nên hỏi bác sĩ xem liệu việc dùng mật ong cho bạn hoặc cho trẻ có an toàn không

Nguồn: WikiHow

Chủ đề chính: #phong_cách_sống

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn