Form Your Soul Tải ebook mới nhất của mình Content Writing for Everyone tại đây nhé: https://bit.ly/37b1P4c

Đâu là giá trị thật sự của đồng tiền trong cuộc sống hiện đại?

Đăng 6 năm trước

Giống như việc có nhiều định nghĩa về giá trị thì cũng có nhiều định nghĩa về thành công. Tiền thường là cách thức hướng tới thành công nhưng hiếm khi bản thân nó là thành công. Giá trị thực của tiền rõ nét khi chúng ta tận dụng nó như là một công cụ hướng đến thành công hơn là khiến nó trở thành thành công.

Vào một buổi chiều mùa hè, một nhóm học sinh mới tốt nghiệp đại học quyết định ghé thăm nhà vị giáo sư họ yêu mến. Họ mới chỉ rời trường khoảng 1 năm rồi sau đó, từng người bắt đầu dấn thân vào cái mà người ta vẫn gọi là “đời thực”, đối mặt với hàng loạt tình huống vỡ mộng và hỗn độn.

Suốt cả buổi chiều, những người này phàn nàn với vị giáo sư về cuộc sống sau khi ra trường khó khăn như thế nào. Họ phàn nàn về những giờ làm việc dài đằng đẵng, những ông chủ khó tính, thị trường việc làm cạnh tranh và việc tất cả mọi người dùng như nói hoặc quan tâm nhiều tới tiền, tiền, tiền.

Một lúc sau, vị giáo sư đứng dậy và pha vài tách cafe. Ông pha sáu ly cho mỗi người trong nhóm. 3 ly cafe đựng trong mỗi chiếc cốc rẻ tiền, sử dụng một lần. 3 ly còn lại là những chiếc cốc bằng sứ rất đẹp mắt. Sau đó, ông mời mọi người đứng dậy và tự chọn cho mình một ly cafe theo ý thích.

Trong vòng vài giây, những cuộc thảo luận bắt đầu, “chờ chút, sao anh lại lấy ly đó?”, “không, để tôi uống nó, tôi đã đưa nó lại đây cơ mà”, “không đời nào, tôi lấy nó trước, đi mà lấy ly của anh đi”. Cả nhóm sinh viên cười và nhẹ nhàng trách móc nhau về việc ai lấy được những ly đẹp trước. Một cuộc cạnh tranh thầm lặng đã diễn ra giữa bọn họ. 

 Cuối cùng, khi họ ngồi xuống, vị giáo sư mỉm cười và nói, “Thấy không? Đây là vấn đề của các em. Tất cả các em đều tranh cãi về việc ai là người đã uống những ly cafe bắt mắt, trong khi điều mà ai cũng thực sự muốn đó là cafe chứ không phải là chiếc cốc”.

Tiền là một chủ đề nhạy cảm. Đó là bởi vì đa phần chúng ta, ở một mức độ nhất định, đều gắn kết phần lớn lòng tự trọng và bản sắc của chúng ta với công việc mà chúng ta đang làm và bao nhiêu tiền chúng ta kiếm được. Đúng hơn là sự đánh giá của thị trường đối với các kỹ năng và sự thành thạo của một con người; do đó, tất cả chúng ta đều có chút gắt gỏng và thu mình lại một cách không thoải mái trên chiếc ghế của mình bất cứ khi nào tiền được nhắc đến.

Tuy nhiên, tiền đơn thuần chỉ là một cách dự trữ giá trị dễ thay đổi. Bản thân nó không có giá trị.

Có rất nhiều thứ dự trữ giá trị trong cuộc sống. Thời gian là một dạng của giá trị. Kiến thức là một dạng của giá trị. Hạnh phúc và những cảm xúc tích cực khác cũng là một dạng của giá trị. Tiền thường chỉ là phương tiện trao đổi những dạng giá trị này với những dạng giá trị khác.

Tiền không phải là nguồn gốc của sự giàu có trong cuộc đời của một con người. Nó là kết quả. Tương tự, khi mọi người cho rằng tiền là nguồn gốc của vấn đề của họ thì họ thực sự đã mắc sai lầm. Tiền thường là kết quả rõ rệt nhất cho những vấn đề họ gặp phải.

Tiền dễ thay đổi. Giá trị của nó chỉ có thể nhận ra khi bạn sử dụng nó. Do đó, tiền là sự phản chiếu những giá trị và ý định của người sở hữu.

Đa phần mọi người đều mắc sai lầm khi nghĩ rằng giàu có vì sở hữu nhiều thứ hoặc đạt được một mức độ nổi tiếng hay địa vị nhất định. Tôi có thể xài hết sạch tiền trong thẻ tín dụng bằng cách mua những chiếc bàn VIP ở Vegas tất cả các cuối tuần và chụp ảnh với Ivanka Trump nhưng điều đó không làm tôi giàu. Ngược lại, nó khiến tôi trở thành một người rất đáng ghét.

Có một câu nói cũ từ bộ phim Fight Club rằng “những thứ mà bạn sở hữu cuối cùng sẽ sở hữu bạn”. Chủ nghĩa thực dụng, nói chung, là cái bẫy tâm lý. Bất kể bạn sở hữu nhiều như thế nào, bất kể bạn mua nhiều thứ như thế nào, bất kể bạn kiếm được bao nhiêu thì căn bệnh muốn nhiều hơn cũng không bao giờ biến mất. Trong khi đó, bạn vẫn đang phải làm việc hàng giờ đồng hồ, đối mặt với những rủi ro lớn hơn và từ bỏ càng nhiều thứ trong cuộc đời bạn.

Tiền vốn đã không có tính chất rõ rệt. Nó đơn thuần là mạch dẫn cho sự trao đổi trải nghiệm giữa hai người. Bạn kiếm tiền bằng cách trao đổi trải nghiệm với những người khác. Sau đó, đổi lại, bạn đưa tiền của bạn cho những người khác để nhận lấy trải nghiệm.

Thậm chí khi bạn mua những hàng hóa hữu hình như một chiếc xe hơi thể thao hay một chiếc vòng cổ bằng kim cương thì chính ra, bạn cũng không mua những hàng hóa hữu hình, bạn đang mua trải nghiệm được lái xe chiếc xe hay đeo chiếc vòng lên cổ. Bạn đang mua trải nghiệm sức mạnh, tốc độ và địa vị xã hội mà gắn kết với những thứ đó. Bạn đang mua sự trang hoàng đó cho bản sắc của bạn, mua sự nhận biết về thứ đó để sở hữu và sử dụng nó ở vẻ bề ngoài bất kể nó có làm bạn hạnh phúc hay không.

Khẳng định rằng đa phần giá trị của bất cứ một hành vi mua nào không nằm ở tiền bạc có thể gây tranh cãi.

Khi bạn mua thực phẩm, ở khía cạnh nào đó, bạn đang mua trải nghiệm xua đuổi cơn đói. Bạn đang mua sức khỏe và hạnh phúc tạm thời của riêng bạn. Khi bạn mua một chuyến hành trình với gia đình, bạn đang mua cơ hội trải nghiệm thứ gì đó mới mẻ cùng nhau và thắt chặt mối quan hệ với các thành viên trong gia đình. Khi bạn mua một bột suit mới để đi làm, không phải bạn đang mua chất liệu hay thương hiệu mà bạn đang mua những tương tác xã hội mà bạn đầu tư cho chính mình. Theo cách này, bạn đang quá nghiêm khắc với bản thân và bạn có thể bị người khác dựa dẫm.

Nó không liên quan đến vật chất. Vật chất đơn thuần ở đó để đưa bạn vào những dạng trải nghiệm khác nhau. Mọi thứ bạn tiêu xài tiền vào đơn giản chỉ là trải nghiệm. 

Bởi vì tiền là một sự trao đổi của trải nghiệm nên tiền thường dẫn tới những chu kỳ trải nghiệm (experience cycles): chúng ta từ bỏ một trải nghiệm (tiêu cực) để kiếm tiền và sau đó, mua một trải nghiệm ngược lại với nó (tích cực). Một khi tiền hết thì chúng ta buộc phải quay trở lại với trải nghiệm tiêu cực và chu kỳ mới lại bắt đầu.

1. Chu kỳ căng thẳng (Stress Cycles): Một vài người kiếm tiền trong sự căng thẳng cực độ. Họ làm những công việc rất áp lực hay đảm nhận các vai trò khi mà họ liên tục bị chỉ trích hoặc đe dọa theo cách nào đó. Sau đó, họ tiêu xài tiền về cơ bản để giải tỏa căng thẳng, để bồi thường cho những tiêu chuẩn khắt khe mà công việc mang đến cho họ. Những người này cuối cùng sẽ mắc kẹt trong một chu kỳ không ngừng nghỉ của sự tạo ra căng thẳng và giải tỏa căng thẳng, trong khi không thể thực sự xây dựng một cuộc sống giàu có.

2. Chu kỳ “cái tôi” (Ego Cycles): Một số người làm việc trong những môi trường mà họ cảm thấy không có tí quyền hành nào cả, vô nghĩa hoặc vô dụng. Những người này khi đó sẽ loại bỏ sự bất an của họ bằng cách tiêu tiền vào những thứ thể hiện địa vị ở vẻ bề ngoài, chẳng hạn như mua sắm đồ xa xỉ chỉ để gây ấn tượng với những người mà họ thích hoặc thể hiện với người khác. Họ kiếm tiền thông qua sự bất an, và sau đó tiêu xài tiền để chế ngự sự bất an của họ. Do đó, họ cũng chẳng bao giờ thực sự có cuộc sống giàu có.

3. Chu kỳ đau khổ (Pain Cycles): Một số người thực sự làm tổn thương chính họ để kiếm sống. Nó có thể là về mặt thân thể (chẳng hạn như đấu vật chuyên nghiệp hay diễn xiếc nuốt kiếm) hoặc có lẽ là về mặt cảm xúc/tâm lý (tình dục, những công việc hạ thấp phẩm giá, những ông chủ ngược đãi người lao động hay đồng nghiệp). Những người này khi đó dành tiền vào việc làm giảm nỗi đau – rượu, thuốc và những trò tiêu khiển khác.

Sự giàu có thực sự xuất hiện khi cách mà chúng ta tiêu xài tiền không đơn thuần bù đắp cho những gì chúng ta bỏ ra để kiếm được tiền. Sự giàu có xuất hiện khi cách mà chúng ta kiếm tiền và cách mà chúng ta xài tiền được gắn kết với nhau – khi tiền của chúng ta được giành lấy thông qua trải nghiệm tích cực và được tiêu xài cho những trải nghiệm tích cực khác.

Những người mắc kẹt trong các chu kỳ trải nghiệm trên với tiền bạc, sớm thôi, sẽ trở thành nô lệ của việc kiếm tiền. Họ bắt đầu xem tiền như là mục đích duy nhất của cuộc đời họ. Nó là toàn bộ động lực của họ.

Một khi điều này xảy ra, bạn không còn sở hữu tiền bạc của bạn nữa, lúc này, tiền bạc sở hữu bạn. Nó không phải là tiền tệ mà bạn là tiền tệ. Và tiền sẽ tiêu xài bạn nếu nó có thể, cho tới khi hoặc là bạn ngăn chặn nó hoặc là bạn qua đời.

Một cách để làm đoản mạch những chu kỳ này, cách để thoát khỏi những sự theo đuổi tiền bạc không ngừng và cách để tạo ra sự giàu có đúng nghĩa nhất đó là dừng coi tiền như là thước đo thành công.

Giống như việc có nhiều định nghĩa về giá trị thì cũng có nhiều định nghĩa về thành công. Tiền thường là cách thức hướng tới thành công nhưng hiếm khi bản thân nó là thành công.

Giá trị thực của tiền rõ nét khi chúng ta tận dụng nó như là một công cụ hướng đến thành công hơn là khiến nó trở thành thành công. Khi chúng ta hướng nó tới những trải nghiệm và giá trị mà chúng ta nhận thấy là quan trọng. Khi chúng ta sử dụng nó để xây dựng một hoạt động kinh doanh cải tiến, khi nó truyền năng lượng cho sự sáng tạo hay lan tỏa sức sống cho cộng đồng; khi nó hỗ trợ cho gia đình của chúng ta hay chia sẻ tình yêu với bạn bè hoặc tăng cường sức khỏe và sự hài lòng cho bản thân mỗi người.

Giá trị thực của tiền xuất hiện khi chúng ta nhìn xa hơn bản thân tiền bạc và xem xét bản thân mình còn giá trị hơn, tốt đẹp hơn tiền bạc. Khi không phải là sự tích lũy vật chất mà là việc tạo ra trải nghiệm. Khi nó không phải là chiếc ly mà là cafe ở bên trong nó.

Form Your Soul

Chủ đề chính: #giá_trị_của_đồng_tiền

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn