Bee

Đây là lời giải cho việc đôi khi bạn tỉnh dậy giữa đêm và không thể cử động

Đăng 6 năm trước

Đã bao giờ bạn đang chìm trong giấc ngủ chợt tỉnh giấc và cảm thấy mình không thể cử động, và dường như có một vật nặng tác động vào cơ thể. Trong khi tâm trí bạn tỉnh táo, có thể nghe, nhìn và cảm nhận mọi thứ xung quanh. Hiện tượng này đã xảy ra với rất nhiều người, gây nên những mệt mỏi, sợ hãi và lo lắng mỗi đêm. Vậy bạn có biết nguyên nhân do đâu gây ra hiện tượng đó?

Hiện tượng này theo cách gọi dân gian còn được gọi là "bóng đè". Khi cơ thể đột ngột tỉnh giấc và không thể chuyển động, cảm giác như bạn bị mắc kẹt bên trong cơ thể của chính mình. Một số người mô tả cảm giác như có vật nặng đè lên người, hay có gì bò lên, hoặc như điện đang chạy lên xuống cơ thể họ, một số khác nói rằng họ phải vật lộn để thở trong thời gian bị tê liệt. Nhiều người tin rằng đó là do "ma làm", một số khác lại nghĩ rằng đó là do họ bị người ngoài hành tinh chi phối. Nhưng những phát triển y khoa hiện nay đã giúp con người giải thích về những hoạt động lạ thường của cơ thể.

Vậy nó là gì?

Nhờ những nghiên cứu hiện đại, các nhà khoa học đã tìm hiểu ra cơ chế của giấc ngủ con người. Quá trình ngủ được chia thành hai giai đoạn chính: Non-REM REM. (REM là chữ viết tắt của Rapid Eye Movements, nghĩa là cử động mắt nhanh).

Non-REM có thể được hiểu là giai đoạn đầu tiên của giấc ngủ, đây là giai đoạn mà giấc ngủ của chúng ta tương đối nông (ngủ nông), hay còn gọi là giai đoạn chuyển tiếp giữa thức và ngủ. Sau đó chuyển sang giai đoạn REM, cơ thể chúng ta rơi vào trạng thái ngủ sâu và bắt đầu có những giấc mơ, mắt của bạn lúc này sẽ di chuyển liên tục như thể theo dõi những thứ diễn ra trong giấc mơ. Khi đó não bộ sẽ gửi những tín hiệu làm ức chế có chọn lọc: thở, nhịp tim vẫn tiếp tục nhưng lại ngừng những hoạt động của các nhóm cơ lớn (chuyển sang trạng thái ngừng hoạt động tạm thời) tránh để cơ thể bạn hành động theo giấc mơ của mình.

Tuy nhiên, trong giai đoạn ngủ sâu đó, chúng ta lại đột nhiên tỉnh dậy, nhưng não bộ chưa nhận ra và vẫn chưa kích hoạt nhóm cơ vận động, dẫn đến tình trạng tê liệt tạm thời. Đó chính là lý do tại sao chúng ta lại không thể cử động trong khi vẫn nhận biết được xung quanh.

Nguyên nhân do đâu chúng ta thường bị tỉnh giấc giữa đêm?

Giấc ngủ thường xuyên bị gián đoạn có thể là do căng thẳng thường xuyên, chứng đau nửa đầu, thiếu ngủ, ngủ không đúng giờ giấc, do đi máy bay, mới ốm dậy, cơ thể suy nhược, do chấn thương và lạm dụng chất gây nghiện,...

Vậy chúng ta nên làm gì trong trường hợp đó? 

  • Đầu tiên, bạn hãy cố gắng hít thở sâu, tránh hoảng loạn.
  • Di chuyển mắt và nhấp nháy mắt, nhìn xung quanh căn phòng. Mục tiêu là đánh thức bộ não và cơ thể của bạn.
  • Di chuyển môi và cơ mặt, hãy nhăn mặt như thể bạn đang ngửi một cái gì đó, lặp lại 2-3 lần. Hít thở từ từ, sau đó vuốt nhẹ các ngón tay, điều này sẽ gửi tín hiệu đến não bộ của bạn rằng cơ thể bạn đã thức dậy và chấm dứt chu kỳ REM. 

Chu kỳ REM diễn ra như thế nào?

Giấc ngủ của chúng ta là một chuỗi liên tục các chu kỳ nối tiếp nhau, mỗi chu kỳ có 4 hoặc 5 giai đoạn ngủ. Giai đoạn Non-REM sẽ bao gồm 3 giai đoạn nhỏ, sau đó giai đoạn REM xuất hiện, lúc này nhiệt độ cơ thể giảm xuống, nhịp tim chậm lại và bạn sẽ bắt đầu có những giấc mơ, khi đó não bộ ra lệnh ngăn cản những hoạt động của cơ thể để ngăn ngừa chúng ta làm theo những giấc mơ và gây thương tích cho bản thân. Tuy nhiên, có những trường hợp những người bị rối loạn giấc ngủ, bằng cách này hay cách khác họ có thể di chuyển ngay cả trong khi ngủ với tình trạng không ý thức được, mà chúng ta thường gọi là "mộng du".

Nguồn: dreamherbs.com

Chủ đề chính: #thức_dậy_lúc_nửa_đêm

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn