Lan Phuong Mình là thành viên theo dõi Ohay TV từ rất lâu, mình thích các bài viết trên website, các kiến thức mà mọi người chia sẻ và mình cũng mong muốn chia sẻ những gì mình biết đến với tất cả mọi người. Hy vọng các bạn yêu thích bài viết của mình <3

Dạy trẻ con không rung đùi và “nói chuyện” với đôi tay

Đăng 6 năm trước

Đôi chân và đôi tay là bộ phân tiến hóa nhất của loài người nhưng nó lại gây bối rối vì những thói quen xấu và thừa thãi chẳng biết giấu đi đâu.

Trong một cuốn sách nào đó nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng lí giải thói quen rung đùi của người Việt là do xứ mình nhiệt đới gió mùa, khí hậu nóng ẩm nên ruồi muỗi côn trùng nhiều, vì thế động tác rung đùi khởi thủy là để xua đuổi chúng bu bám lên cơ thể.

Chẳng biết anh Phan Cẩm Thượng nói chơi hay thật nhưng chứng rung đùi di truyền đến tận hôm nay và xấu hổ nhất là thi thoảng được “xuất khẩu” ra ngoài biên giới.

Hãy thử ngồi chung băng ghế mà có ông cứ rung đùi bần bật thì khó chịu đến mức nào! Chả phải khen người Tây nhưng chưa thấy họ rung đùi bao giờ, kể cả khi đang hoan hỉ hay đầy hưng phấn.

Liên quan đến đôi chân phải kể thêm vụ cởi giầy. Anh Q, phiên dịch, kể có lần đi dịch cho đoàn Việt Nam sang Đức làm việc, trong đó có vị thứ trưởng người miền Trung, quen đi xăng – đan nên trong buổi ngồi làm việc tụt cả giày ra, chắc để cho thoáng, đến lúc phiên dịch gọi tên đề nghị đến bàn bà Thủ hiến bang thì ông bị bất ngờ, cuống quá đành đi mỗi tất không.

Đúng là nhiều người đi giầy không quen nên hễ rảnh chân là cởi. Có lần ở phòng chờ sân bay, dù rất đông nhưng tôi thấy vẫn còn một chỗ trống trên ghế không ai ngồi. Nhìn kỹ hóa ra ở dưới có đôi giày, trên tay ghế là… đôi tất lộn trái. Chủ nhân của nó chắc đang tung tăng ghé một shop hàng nào đó. Tôi, dù liễu lĩnh, nhưng cũng không thể an tọa nơi đó vì chủ nhân của nó đã rất thông thái khi biết học từ tự nhiên cách đánh dấu lãnh thổ bằng…mùi.

Chỉ tay vào người khác là hành vi thiếu văn hóa

Xét ở một khía cạnh nào đó, tay là bộ phân tiến hóa nhất của loài người (vì khởi thủy nó dùng để di chuyển chứ không chỉ cầm nắm). Thế mà nó lại gây cho bối rối vì nhiều lúc thấy thừa thãi chẳng biết giấu đi đâu. Thôi thì đôi chân mắc chứng tăng động và thích nuy (nude) có lý do thuyết phục là thời tiết, khí hậu, nhưng đôi tay mắc chứng trầm cảm dẫn đến những hành vi khó coi thì không có một lý do nào ngoài việc cần phải dạy ngay từ bé.

Lần đầu tiên (và cũng là lần cuối cùng) đứng trước bố cô người yêu để trả lời những câu hỏi về lý lịch, tôi không biết đặt đôi tay của mình vào chỗ nào đành thục luôn vào túi quần. Tôi khuỳnh khoàng trong chiếc quần bộ đội K82 rộng thùng thình và chiếc áo bay Nga đi mượn, những tưởng ăn chơi như thế là hết số, gia đình người yêu phải “lác mắt”, ai dè lúc đó trông tôi “quân khu” và dở ông dở thằng. Bố cô người yêu ngoảnh mặt đi chỗ khác nói lạnh te: Khi nói chuyện với người lớn thì cháu bỏ tay ra khỏi túi quần.

Những “tai nạn” như thế ngày càng mách bảo tôi phải quan sát để sửa sai và nhận ra bệnh trầm cảm đôi tay rất phổ biến.

Đồng nghiệp của tôi, anh D, một lần đứng lên nói vài lời với đối tác trước khi vào bữa tiệc thì ngay lúc “kính thưa” anh đã bắt đầu lúng túng. Trước mặt anh lúc đó có 3 bát nước chấm, gồm mắm me, chao và mắm trong, thì vừa nói, hai tay anh vừa đảo vị trí của 3 bát nước chấm. Tốc độ xoay ngày càng nhanh, y chang tụi cờ bạc đỏ đen, 8-3, 3-8 trên xe buýt ngày nào khiến tôi lo thắt ruột, chỉ sợ đổ bát mắm ra bàn.

Nhưng còn may! Nếu không có mấy bát mắm để anh xoay thì thể nào trong lúc nói anh cũng đưa tay lên kỳ ghét ở cổ. Có bận tiếp khách VIP, anh vừa phát biểu vừa miết miết vào cổ, sau đó làm động tác vo viên rồi búng búng. Anh em từ xa ra hiệu bỏ tay xuống, được một lúc anh lại đưa hai tay ra phía trước ngắm nghía rồi rứt rứt cái đầu chỉ thò ra ở khuy áo cổ tay. Mà lạ! Rõ ràng anh rứt thật! Bởi vì anh thực hiện hành động ấy như có chủ đích và đầy quyết tâm.

Trước quan khách lúng túng đã đành, với ngay đồng nghiệp và cấp dưới, khi bắt đầu trình bày điều gì đó hệ trọng thì nhiều người vẫn còn thói quen đưa tay ra sờ nắn và dịch chuyển bất cứ vật gì đặt trước mặt. T, bạn tôi, cứ phát biểu là mở cuốn sổ ra rồi lại gập vào, lại mở ra, rồi lại gập vào…, hoặc phổ biến nhất là “tra tấn” chén nước trà. Vừa nói anh vừa rê chén nước sang phải, rồi lại rê sang trái đúng vào vị trí ban đầu, cứ thế cho tới hết phần nói của mình.

Những cử chỉ ngô nghê như thế của đôi tay đáng thương nhưng không kinh khủng bằng dùng ngón tay trỏ chỉ vào người đối diện khi trò chuyện. Cho dù chỉ là thói quen và vô thức nhưng đây được xem như hành vi thiếu văn hóa mà đã có lần chính tôi phải trả giá.   

Thế hệ U50 như tôi thì các thầy cô bố mẹ đặt ra yêu cầu cho đôi bàn tay vô cùng nghiêm khắc! Khi giơ tay phát biểu, tay phải phải tạo thành một góc 90 độ với tay trái và với mặt bàn; khi xếp hàng vào lớp, cánh tay phải đặt lên vai bạn phía trước làm cữ; lúc lười học thì chìa tay ra để giáo viên quật cho mấy thước…

Dường như đôi tay là đối tượng thường xuyên bị đe nẹt và lạm dụng. Những tưởng như thế thì nó sẽ trưởng thành, linh hoạt và khôn ngoan, ai dè nó luôn là thứ thừa thãi và báo hại khi đứng nói trước đám đông.

Giờ đây các lớp dạy cho đôi bàn tay biết cách nói chuyện rất nhiều. Một số trường phổ thông cũng có dạy nhưng đại trà thì chưa. Sau này, trong số các em còn ngồi ghế nhà trường hôm nay, sẽ có người là nguyên thủ quốc gia. Chúng ta làm sao có thể chấp nhận hình ảnh một vị lãnh đạo lại mắc chứng trầm cảm đôi tay và tăng động đôi chân trong những cuộc hội kiến với bạn bè thế giới?/.

Ngô Thiệu Phong/VOV

Chủ đề chính: #cách_dạy_con

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn