Mạc Yên

Đề Văn tốt nghiệp THPT năm 2016: Sâu!

Đăng 7 năm trước

Tính chuyên sâu lẫn sự đa diện được bộc lộ trong đề Văn tốt nghiệp THPT 2016 liệu đã đủ? Tử sĩ sáng tạo, sĩ tử lối mòn?

Để thấy rõ sự chuyển mình của đề văn năm nay, chúng ta hãy nhìn lại đề văn tốt nghiệp năm 2015 và đề thi đại học môn văn khối C 2014. Ở mục I, cả hai đề này đều phát triển theo chiều hướng kiểm tra kiến thức ngôn ngữ ở mức cơ bản. Là những câu hỏi liên quan đến phương thức biểu đạt, biện pháp tu từ, phân tích vai trò và vẻ đẹp ngôn từ, nêu cảm nhận và khả năng đọc hiểu văn bản.

Nhưng điểm khác biệt là đề văn năm 2015 lại phân thành hai mảng: đọc hiểu trích đoạn thơ và văn xuôi. Sự thay đổi đáng mừng ở chỗ là đã xuất hiện những câu hỏi nêu cảm nghĩ, nghị luận, bình luận ngắn về đoạn trích mà ở đề năm 2014 chưa có.

Đề 2016 thì sao? Có ánh hào quang khai sáng kì diệu gì ở đây? Không, đừng mong có sự nhảy vọt diệu kì gì cả. Không có cú nhảy vọt nào khi mà nền giáo dục của chúng ta vẫn chưa thay đổi đủ lớn. Nhưng chúng ta có thể công nhận: Đề văn năm 2016 là chuyên sâu.

Hãy chú ý đến mục I: Phần đọc hiểu đoạn trích thơ.

Sự khác biệt nhỏ gây ra biến đổi lớn. Ở mục I đề năm 2015 có hiện tượng "mớm mồi" gần giống với đề thi đại học 2014: tìm từ ngữ miêu tả đối tượng, phân tích biện pháp tu từ trong một câu cho trước.

Nhưng đề 2016 thì khác: tìm vẻ đẹp, xác định biện pháp tu từ trong hai khổ, hiểu nội dung thơ. Đây là sự gia tăng cả khối lượng lẫn chất lượng. Bạn có thể dễ dàng tìm từ miêu tả vì đó là tính từ, hình ảnh so sánh... Học sinh có thể không cần cảm thụ văn chương vẫn làm được bằng sự am hiểu nghĩa của từ. Nhưng để nhìn ra vẻ đẹp của đối tượng thì học sinh phải có cảm quan nhất định, phải có sự đồng cảm và rung động với tác phẩm. Một sự thay đổi khá nhỏ, biến hình thức kiểm tra thông hiểu ngôn ngữ thành thông hiểu nghệ thuật ngôn ngữ. Vì sao?

Nếu có khả năng đọc, chúng ta không khó khăn để hiểu một đoạn văn xuôi, trừ loại văn xuôi theo trường phái siêu thực của Tagore. Nhưng để hiểu một đoạn thơ không phải dễ. Thơ có biện pháp tu từ rất đa dạng, rất cô đặc. Thơ không phải để đọc hiểu. Hiểu thơ là phải cảm thụ. Chỉ khi người ta cảm thụ những vần thơ, thấu qua góc nhìn, thấm nỗi lòng tác giả thì họ mới hiểu được thơ. Mà khi nhắc đến nỗi lòng tác giả thì chính là phải có một kiến thức nhất định về cuộc đời ông ta - Lưu Quang Vũ, nhà soạn kịch lẫy lừng thời hậu hiện đại.

Đây không còn đọc hiểu thông thường nữa, mà là chuyên sâu về văn chương. Một điều đáng mừng. Chúng ta có quyền nhen chút hi vọng, rằng giáo dục văn học đã dần bước sang một thời kì tôn trọng sự cảm thụ cá nhân.

Bạn mừng vì điều đó? Tôi đồ là bạn mừng hơi sớm. Khi tôi nói "có sâu" là không chỉ nói về tính từ "sâu sắc", mà ở cả nghĩa danh từ: Có sâu! Những con sâu còn sống!

Không có sự đổi mới nào ở phần đọc hiểu văn xuôi của mục I. Vẫn là kiểu "mớm mồi" quen thuộc. Bạn thấy đáng tiếc? Đừng tiếc rẻ, đó là một sự tính toán hoành tráng để giữ phổ điểm đẹp. Phổ điểm đẹp nghĩa là có phân hóa học sinh: giỏi, khá, trung bình... để công việc tuyển sinh thêm dễ dàng.

Phần đọc hiểu thơ khó hơn một chút dành cho những học sinh khá giỏi, để phân loại thí sinh. Còn phần đọc hiểu văn xuôi trở lại dạng cơ bản để những học sinh "phổ thông" lấy điểm. Chúng ta không thể đòi hỏi cảm thụ nghệ thuật ở mọi học sinh đều cao như nhau, khi mà tình trạng dạy Văn hiện tại đã tạo ra thế hệ người trẻ ít nhạy cảm với vẻ đẹp, lười đọc nhưng lại mê mẩn những cuốn sách thiếu nhân văn, và đặc biệt là vô cùng nhạy cảm với giới showbiz.

Bỏ qua câu nghị luận xã hội làm đã làm tốt vai trò của mình.

Con sâu lớn nhất là phần làm văn nghị luận văn học. Tại sao lớn? Và lớn ở đâu? Lớn như thế nào?

Ấn tượng đầu tiên của bạn hẳn là đề 2015 quá dài, năm 2016 ngắn gọn hơn thì sẽ hay hơn? Ngắn hơn chưa bao giờ đồng nghĩa với hay hơn, ở đây, ngắn hơn đồng nghĩa với việc: Đề làm văn 2016 về tính chất giống đề thi đại học khối C năm 2014. Cho nên "con sâu" mà tôi muốn nói đến có tên là: Không có đổi mới. Học sinh vẫn học tủ.

Lật tủ? Thấp điểm.

Trúng tủ? Điểm cao.

Cảm nhận văn chương của học sinh ở đâu? Nắm mồ của nó đã được dựng lên từ 7 năm trước, khi học sinh bước vào lớp 6. Trước đó, nó đã hấp hối suốt 5 năm tiểu học.

Tôi đay nghiến quá ư? Chắc chắn là không. Vì làm gì có cách cảm thụ văn chương nào đến từ việc bắt học sinh phải thuộc làu gần chục bài văn xuôi, cộng thêm chục bài thơ khác? Bài làm văn không trích dẫn nào để dẫn chứng thì chắc chắn bài văn đó sẽ bị đánh đồng là diễn lại nội dung, nhạt toẹt rồi 5 điểm. Có gì hay ho ở dạng đề bắt nhớ này mà chúng ta phải quay trở lại nó?

Nhưng ở đây có một khe cửa hẹp làm lối thoát cho học sinh. Khe cửa rất hẹp.

Tình huống nào bất thường? Khát vọng nào chính đáng? Phân tích tình huống như thế nào?

Lối thoát nằm ở ba câu hỏi phân tích đề bài này.

Theo kiểu hàn lâm thì tình huống là vì ăn mà làm vợ Tràng. Khát vọng ở đây là khát vọng được tiếp tục tồn tại trên cõi đời này, hoặc sâu hơn là khát vọng sống. Một khi sa vào cái bẫy hàn lâm này thì chắc chắn các em học sinh phải gồng mình phân tích về nạn đói, về sự phi lý nhưng rất nhân bản của nhân vật, về sự bất chấp làm liều của một người phụ nữ dám từ bỏ thể diện của mình, dù cô ta là người biết khuôn phép nết na. Về anh Tràng ngáo xấu xí "FA lâu năm" đã lấy được vợ bằng bánh đúc, về người mẹ thương tình... Các bạn học sinh làm sao có thể nói suông không một lời dẫn chứng về câu thoại của thị, về cái thở dài của thị, lòng trắc ẩn của bà mẹ, về vẻ hồ nghi cười mừng của hàng xóm? Làm sao? Làm gì còn cách khác!

Lối thoát mà tôi nói đâu rồi?

Lối thoát được đặt ở câu phân tích đề đầu tiên: Tình huống.

Truyện Vợ nhặt là một truyện ngắn rất nhân bản, không thể chọn tình huống với góc nhìn khác sao? Hoặc chúng ta có thể thoát thân theo một lối thoát hoàn toàn mới, thay vì đổi dao nĩa để cắt miếng thịt thì chúng ta cứ đổi quách miếng thịt: Làm gì có tình huống bất thường nào trong truyện!

Hay là chúng ta có thể hét lên: Tất cả đều bất thường! Và tất cả khát vọng đều chính đáng.

Liệu tôi có thể viết rằng: từ tình huống người người đói rã miệng là bất thường, đến khát vọng ăn là khát vọng chính đáng? Nhà Tràng nghèo và cũng thiếu ăn, đáng lẽ bà mẹ sẽ đuổi cổ cô đi nhưng lại nhận con dâu, vì lòng thương người là chính đáng có được không?... 

Hay ghê gớm hơn, tôi vin theo tâm lý học, xem nhu cầu ăn, nhu cầu lấy chồng lấy vợ, nhu cầu được một mái nhà để ở đều là nhu cầu cơ bản. Đều là chính đáng hết. Tình huống bất thường ư? Làm gì có! Ngày nay người ta vì tiền còn theo đại gia, xem sắc đẹp là một loại trí thông minh, liêm không sỉ bỏ. Thì ngày nạn đói miếng ăn quan trọng hơn tiền, thậm chí là hơn cả vàng, ảnh hưởng trực tiếp đến mạng sống. Lấy miếng ăn xem như lễ vật cầu hôn là hoàn toàn hợp lý, vì thời đó nó giá trị nhất còn gì! Còn chuyện vì sao thị vẫn biết muối mặt theo Tràng về, đó là vì thị thực dụng nhưng thị vẫn là con người có lòng tự trọng nhất định.

Không. Tôi có thể viết, nhưng các thí sinh không thể viết nó vào bài làm! Muốn triển khai được những hướng đi sáng tạo như thế đòi hỏi phải có lý luận sắc bén, còn các em mới mười tám tuổi và run cầm cập trong phòng thi. Đây là bước ngoặt trong đời các em, tôi có cho phép, gia đình có cho phép các em cũng không dám đánh cược. Và đáp án mở đến đâu thì người chấm bài chưa chắc dám chấp nhận tư duy xoay chiều như vậy. Sáng tạo dù có đúng đắn đến mức nào, một khi nó vượt qua giới hạn của hàn lâm thì nó sẽ bị cho là sai trái.

Táo bạo và sáng tạo ư? Nó đã bị con sâu gặm sạch hết rồi.

Chủ đề chính: #Đề_văn_THPT

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn