xịt xám

Đi mới hay mới biết mọi điều quanh ta. Không đi không biết trời đất bao la.

Đăng 5 năm trước

Cứ leo lên con ngựa sắt vi vu khắp Sài Gòn lại thấy thêm mọi điều trên vùng đất này, đi hoài đi mãi vẫn không khám phá xong.

Sài Gòn gần gũi thân thương có những nơi rất đặc biệt mà có thể ta đã vô tình lướt qua, khi dừng chân bước lại lại thấy nó rất lạ khiến ta phải tìm tòi khám phá ra nó.

Khu trưng bày tượng sáp nghệ sĩ Việt toạ lạc tại con đường sầm uất giữa trung tâm quận 10, ngay trong quần thể nhà hát Hòa Bình với hơn 100 bức tượng sáp về các nghệ sỹ được bố trí hài hòa ở các tầng 2, 3, 4 để phục vụ cho công chúng đến tham quan.

Hơn 3 năm qua, nhóm ba nghệ nhân Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Thị Diện, Thái Ngọc Bình của Công ty Tượng Sáp Việt đã thực hiện được hơn 100 tượng sáp của nhiều văn nghệ sĩ VN thuộc các lãnh vực sân khấu, điện ảnh, ca múa nhạc, thời trang...Và cũng ngần ấy thời gian họ đã và đang nỗ lực thiết kế không gian Khu trưng bày tượng sáp Nghệ sĩ Việt với mong muốn lưu lại những hình ảnh đẹp như thật và ấn tượng nhất của các nghệ sĩ trong đời thực và trong sáng tạo nghệ thuật. 

Trước mắt tuy chỉ là những văn nghệ sỹ cây đa cây đề, những người đã có nhiều cống hiến cho văn học nghệ thuật nước nhà chứ chưa có các nghệ sỹ trẻ nhưng nghệ sỹ Nguyễn Thị Diện bộc bạch rằng một ngày không xa sẽ có nhiều thêm tượng các ngôi sao trẻ để phục vụ cho các fan hâm mộ của họ.

NSƯT Minh Vương nói: "Tượng nhìn giống quá, cứ như hai anh em sinh đôi vậy"

NSƯT - Nhá giáo Phạm Thúy Hoan bên tượng sáp của mình

Ca sĩ Lý Hải và vợ Minh Hà chụp cùng bức tượng sáp của mình. Lý Hải cũng là ca sĩ đầu tiên chịu khó cho các nghệ nhân đo đạc chỉ số cơ thể nhiều lần và chỉnh sửa tới lui để có bức tượng sáp ưng ý thế này.

NSƯT Thành Lộc tỏ ra rất thích thú với bức tượng sáp của mình, anh nói rất giống từ dáng mạo cho đến hàm râu mọc lúng phúng. Tất cả quấn áo, phụ kiện trên tượng sáp như mắt  kính, đồng hồ, chuỗi hạt và vòng da đeo tay, áo dài cách tân... anh đều tặng để bức tượng trông giống như Thành Lộc ngoài đời.

Nghệ sỹ Việt Hương chụp hình kỉ niệm cùng các tượng sáp của các nghệ sỹ khác.

Cà phê vợt từng một thời phổ biến ở đất Sài Gòn, qua thời gian, nét văn hóa cà phê này dần biến mất. Hiện nay, chỉ còn khoảng 2 quán giữ được hình thức này, với tuổi đời đều trên nửa thế kỷ.

Với "tuổi đời" bước sang con số hơn 60, quán cà phê vợt của bà Phạm Ngọc Tuyệt và ông Đặng Trần Con ở lề đường của hẻm 330 Phan Đình Phùng (Phú Nhuận, TP.HCM) đã trở thành một điểm đến quá quen thuộc của người Sài Gòn.

Quán không chỉ lâu đời, cách thức pha cà phê bằng chiếc vợt thay vì phin như bình thường cũng rất riêng. Người bán cà phê dùng nước sôi để trụng sạch vợt rồi cho vào trong một lượng cà phê xay nhuyễn nhất định. Sau đó, nhúng chiếc vợt vào siêu nước đang sôi, lấy muỗng khuấy đều vài lần rồi đậy nắp siêu lại, để trong khoảng 5 đến 10 phút cho cà phê thấm dần và tạo nên những mẻ cà phê tuyệt ngon với hương vị 60 năm không đổi.

Với những người sành cà phê họ dễ dàng nhận ra ở cà phê có một hương thơm tự nhiên, "cái hậu" thôm rất sâu, lúc vừa chấp lưỡi sẽ cảm nhận được vị béo nhẹ, đến khi uống vào dư vị còn đọng lại nơi cuống họng là vị thanh chua đặc trưng. Cà phê vợt không có nhiều vị đắng như cà phê phin, cũng chính vì điều đó mà nó có thể phù hợp với mọi đối tượng.

Người kể chuyện từ nhũng quả trứng vứt đi. Với suy nghĩ làm những đồ dùng mang tính trực quan để minh họa cho việc học Anh văn, nhất là của các em thiếu nhi thêm sinh động, thầy giáo về hưu Nguyễn Thành Tâm đã suy nghĩ dùng chất liệu đã qua sử dụng để tạo hình.

Lúc đầu, ông Tâm đã dùng dây điện, mousse, nhựa, gốm… để tạo nên căn nhà Let’s go, chiếc xe đạp, căn nhà… Nhưng sau đó, ông nhận thấy nên sử dụng những vỏ trứng để tạo hình. Muốn làm được việc đó, đầu tiên là rút hết phần dịch lỏng trong quả trứng, sau đó lấy vỏ trứng tạo hình theo ý muốn thể hiện.

Thoạt nhìn mọi thứ có vẻ rất đơn giản nhưng khi bắt tay vào thì muôn vàng khó khăn nó đòi hỏi sự tỉ mỉ, tìm tòi của người nghệ nhân. Để tìm thấy trứng để làm cũng là một khó khăn phải xác suất nghìn quả mới có một quả. Thầy Tâm chia sẻ: " Trứng tròn khó kiếm thì tôi phải vẽ thế nào để nhìn nó tròn, kiểu giống 3d, phải kỹ từng li từng tí, chỉ cần một chút keo chảy ra là hư trứng. Mà giai đoạn đầu hư thì không tiếc, giai đoạn sau thì tiếc lắm..."

Hiện nay, thầy hiện nắm giữ kỉ lục "Người tạo hình bằng vỏ trứng nhiều nhất" do trung tâm sách kỉ lục Viêtt Nam xác lập vào năm 2010. 

Làng nem chua Thủ Đức

Nói tới những món ăn nổi danh nhất của đất Sài Gòn, không thể không nói tới nem Thủ Đức. Trong văn học truyền miệng, mỗi lần nem Thủ Đức xuất hiện, nó đều mang một dáng vẻ tự hào: 

"Đi đâu mà chẳng biết ta, ta ở Thủ Đức vốn nhà làm nem"

… Hay như câu: 

"Biên Hòa có bưởi Thanh Trà, Thủ Đức nem nướng, điện bà Tây Ninh".

Nem chua Thủ Đức

Để đáp ứng cho nhu cầu của khách đối với món nem danh tiếng, xứ Thủ Đức đã từng có tới hàng trăm lò nem. Dù nhiều như vậy nhưng tất cả đều phải giữ một nguyên tắc chung để giữ thanh danh làng nghề. Những nguyên tắc chung đó là sự cẩn thận trong các khâu chọn thịt, chế biến. Thường là phải chọn thịt ở mông con heo, khi ướp không bỏ hàn the và không bỏ quá nhiều gia vị, khi gói thì gói bằng lá vông chứ không phải lá ổi hay lá chùm ruột, trước hết là để bảo quản lâu hơn. Nem làm thủ công, các gia vị để ướp thường được chọn kĩ lưỡng, như muối phải là muối Phan Thiết, rượu phải rượu ngon, đường phải là đường tinh luyện.

Nhờ giữ gìn những nguyên tắc đó mà nem Thủ Đức mới có tiếng lành đồn xa níu chân các thực khách lại và cạnh tranh cùng các loại nem nổi tiếng của các vùng xứ khác như nem Lai Vung, nem Chợ Huyện. 

Nem Thủ Đức được chia ra hai loại là nem chua và nem nướng. Nem chua dùng phần thịt nạc ở đùi sau vì ít mỡ, ít gân sẽ thuận lợi cho quá trình lên men tự nhiên. Phần thịt đùi trước thì dành cho nem nướng vì có mỡ, có gân sẽ tạo độ bùi béo làm nem nướng phải trải qua nhiều công đoạn chọn thịt, quết, trộn bì, gói nem.

Ngày nay tuy nem Thủ Đức không còn uy danh như xưa nhưng nó cũng khiến thực khách khi đến Sài Gòn nhớ mãi.

Nem chua Thủ Đức

Nem nướng Thủ Đức

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn