Huỳnh Đạt Mình hiện tại đang là một blogger và freelancer (người làm việc tự do). Sinh ra và hiện tại sống ở TPHCM. Đam mê viết từ năm lớp 11 đến nay đã có 3 năm kinh nghiệm trong nghề viết. Mình đến với OhayTV là để chia sẻ các bài viết về động vật và khởi nghiệp online

'Địa ngục' của động vật - Rạp xiếc

Đăng 7 năm trước

Việc sử dụng động vật như một công cụ để giải trí trong các rạp xiếc thật sự rất tàn nhẫn và không cần thiết.HÀNH ĐỘNG NÀY CẦN PHẢI CHẤM DỨT NGAY LẬP TỨC.

Bạn đã từng đi xem một buổi xiếc thú chưa? Bạn thường dành những lời hoa mĩ cho các con vật như: khỉ, voi, gấu, chó, mèo,... khi chúng thực hiện những màn: khỉ đạp xe, gấu đi thăng bằng, chó nhảy qua vòng,..?

Vậy, bạn còn có thể thán phục chúng, còn có thể ngưỡng mộ những người đã "dạy dỗ" chúng nữa không khi biết được sau những màn biểu diễn đó chính là những trận đòn: sư tử/hổ bị bẻ sạch răng nhọn, gấu/đười ươi bị gậy bịt sắt nhọn đâm vào người, voi bị nện búa sắt vào đầu, khỉ bị siết cổ thừa sống thiếu chết,...? Phía sau những bàn biểu diễn trái với luật lệ tự nhiên, phía sau những tiếng cười, tiếng vỗ tay của hàng nghìn người khán giả là cả một "địa ngục" đối với những loài động vật khi chúng đã bị bạo hành rất dã man chỉ để phục vụ nhu cầu giải trí và kiếm tiền của con người.

"ĐỊA NGỤC" CỦA ĐỘNG VẬT - BẠO HÀNH ĐỘNG VẬT TRONG RẠP XIẾC

Việc sử dụng động vật như một công cụ để giải trí trong các rạp xiếc thật sự rất tàn nhẫn và không cần thiết.HÀNH ĐỘNG NÀY CẦN PHẢI CHẤM DỨT NGAY LẬP TỨC.


Thoạt nhìn, hình ảnh những chú khỉ ăn mặc như trẻ con, đạp xe đạp, nhảy qua vòng và trồng cây chuối rất vui vẻ và thật hài hước. Nhưng đằng sau những màn diễn vui tươi ấy, ít người biết được chúng phải chịu đựng biết bao nhiêu sự tàn nhẫn trước sự huấn luyện dã man.

Để rõ hơn, những chú khỉ thường bị nhốt trong chiếc lồng nhỏ, dây xích kéo giật cổ và tay ra phía sau, mỗi khi làm sai một trò hoặc có ý chống đối với người huấn luyện, chúng sẽ bị siết cổ đến thừa sống thiếu chết hoặc bị đánh, bỏ đói và cứ như vậy đến khi làm tốt vai trò của mình trong một buổi diễn.

Tại sao xiếc thú lại tàn bạo?

Phúc lợi của những động vật hoang dã thường bị tổn thương nặng nề trong quá trình huấn luyện, biểu diễn và điều kiện sống của chúng cũng bị thu hẹp dưới mức tối thiểu.

Việc quản lý và những ảnh hưởng của các chương trình xiếc thú lặp đi lặp lại có thể tổn hại nặng nề về sức khỏe và phúc lợi của động vật trong các rạp xiếc.

Thương tật

Những con thú họ nhà mèo như hổ, sư tử,.. thường bị nhổ hết răng nhọn để giảm sự nguy hiểm của chúng trong quá trình huấn luyện và biểu diễn. Điều này thường gây ra những đau đớn cục bộ và mãn tính vì tủy và đầu dây thần kinh có liên hệ rất chặt chẽ với nhau, khi nhổ răng của các loài này thường gây ra hiện tượng tủy và đầu dây thần kinh bị hở dẫn đến các nguy cơ nhiễm trùng lợi, xương hàm và vùng mũi.

Rất nhiều con vật bị rút móng gây đau đớn và không thể thực hiện được các hành vi tự nhiên.

Huấn luyện

Các kỹ thuật để huấn luyện được thực hiện nhằm bắt động vật phải tuân theo và thực hiện các trò vui phi tự nhiên thường rất dã man. Tại Việt Nam, theo những tài liệu và những lần đi khảo sát thực tế của admin thì đến nay vẫn chưa thấy người huấn luyện thú nào sử dụng " phương pháp huấn luyện tích cực " cả mà hầu như toàn bộ đều theo phương pháp tiêu cực, huấn luyện động vật bằng cách trừng phạt khi chúng không thực hiện các hành động như ý: đánh đập, siết cổ, bỏ đói,... Những con vật này thường bị bóc lột rất nặng nề về thể chất bởi chúng bị ép phải biểu diễn bằng cách dùng roi da, gậy và thậm chí... móc sắt.

Tàn bạo trong quá trình biểu diễn

Để động vật thực hiện các trò xiếc, diễn viên (người huấn luyện) thường liên tiếp dùng roi vụt và đánh đập chúng, mục đích của việc này đó là thể hiện cho khán giả thấy rằng "động vật chỉ có thể điều khiển bằng sự đau đớn và nỗi sợ hãi.


ác mộng không đến từ người huấn luyện - ác mộng đến từ những khán giả

Các hoạt động biểu diễn với sự có mặt và chứng kiến của nhiều khán giả khiến cho các con vật rất căng thẳng. Đối với hổ, hành vi đi lại của chúng tăng lên rất nhiều trước giờ biểu diễn, tương tự với voi, hành vi bất thường cũng tăng lên cao trước giờ ra mắt khán giả. Điều này thường gây ra các vấn đề nghiêm trọng về não của chúng, vì thế những động vật được sử dụng để mua vui tại các rạp xiếc thường có tuổi thọ ngắn hơn ngoài thiên nhiên.

Điều kiện sống

Động vật thường bị nhốt trong các khu nuôi rất nhỏ, trống và chỉ được thả ra khỏi chỗ nhốt vài phút khi biểu diễn và huấn luyện. Điều này có nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới hành vi và phúc lợi của chúng. Động vật cũng bị căng thẳng do bị nuôi nhốt trong các điều kiện quá hẹp, điều kiện không bình thường, khác với ngoài tự nhiên.

Voi diễn xiếc thường bị nhốt trong một không gian hẹp và bị nhốt chỉ riêng một mình, bị xích xuống sàn một chân trước hoặc chân sau để dễ quản lý. Chúng gần như không thể di chuyển quá 2 bước và đương nhiên cũng không thể nào thực hiện các hành vi đặc trưng của giống loài. Đối với những con voi được nhốt chung với nhau, chúng cũng chẳng thể nào thực hiện hành vi giao tiếp xã hội vì thường cách rất xa nhau.

Tại sao tôi không nên xem xiếc thú?

An toàn cho cộng đồng

Sử dụng những loài động vật hoang dã trong rạp xiếc và cho các buổi lưu diễn vốn đã rất nguy hiểm. Đặc biệt đối với các nhân viên làm việc trực tiếp với các con vật cũng như đối với những trẻ em muốn tiếp xúc với các con vật như: chụp ảnh, cưỡi chúng,... Những nguy hiểm mà động vật sử dụng trong các buổi biểu diễn xiếc thú mang tới cho cộng đồng là: Nguy cơ bị thú tấn công trực tiếp, thú xổng chuồng hoặc người điều khiển tạm thời mất kiểm soát sẽ làm gia tăng độ nguy hiểm cho cả nhân viên và khán giả.

Bảo vệ các loài vật thiên nhiên

Những loài vật hoang dã bị tách ra khỏi thiên nhiên và bị nuôi nhốt, biểu diễn trong điều kiện sống không bình thường thường có tuổi thọ ngắn hơn gấp 3 lần bình thường.

Những chú khỉ con thường bị tách mẹ từ rất sớm, gây nên một cuộc sống buồn chán và ngắn ngủi.

Bạo hành động vật làm mất đi phúc lợi của động vật qua việc sử dụng chúng cho mục đích giải trí của con người.

Chung tay góp sức để ngăn chặn việc sử dụng động vật cho nhu cầu giải trí. Bảo vệ quyền lợi động vật.

Sau đây là 3 cách để bạn có thể chung tay giúp đỡ chấm dứt hành động tàn bạo này bằng việc tạo ra một sự khác biệt mang tính bước ngoặc về nhận thức của những người xung quanh. Bên cạnh đó cũng là để ngăn chặn việc sử dụng động vật cho những mưu cầu không cần thiết của con người.

1. Giáo dục những người khác (Đặc biệt là trẻ em) về lý do tại sao việc sử dụng động vật trong các rạp xiếc là tàn nhẫn

Điều này đặc biệt quan trọng với trẻ nhỏ vì nhận thức về việc lạm dụng động vật là đúng hay sai sẽ theo tới tận khi trẻ trưởng thành. Giáo dục trẻ nhỏ cũng như những người khác về việc sử dụng động vật trong rạp xiếc là tàn độc chính là cách tốt nhất để thay đổi trái tim, lý trí và hành động.

Giáo dục trẻ nhỏ bằng cách dạy chúng về các hành vi và nhu cầu tự nhiên cần được đáp ứng của các loài động vật hoang dã, sau đó hãy giải thích rằng những loài động vật trong rạp xiếc lại không hề được thể hiện bất kỳ hành vi tự nhiên cũng như không được đáp ứng bất kỳ nhu cầu tự nhiên nào. Khi mọi người nhận thức được việc sử dụng động vật trong rạp xiếc là độc ác, họ sẽ không muốn đi xem xiếc thú, và trẻ nhỏ cũng vậy, sẽ không chờ các pha biểu diễn có sử dụng động vật.

2. Không tham gia cỗ vũ, xem xiếc thú tại những địa điểm xiếc

Bạn có biết, mỗi một vé xiếc thú được bán ra đồng nghĩa với hơn 30 phút biểu diễn của các loài vật trong rạp xiếc, và cứ mỗi 30 phút biểu diễn trong rạp xiếc đồng nghĩa với 1/6 cuộc đời của động vật bị rút ngắn do ảnh hưởng đến não.

Vì thế, nếu bạn muốn góp phần chung tay bảo vệ động vật hoang dã thì hãy tránh xa các rạp xiếc thú, nơi biểu diễn xiếc thú lưu động và tất cả các hình thức dùng động vật để mua vui.

3. Ký tên tại website http://baovecho.org

Trang web baovecho.org là một website được tạo ra với mục tiêu 1 triệu chữ ký để trình lên quốc hội kêu gọi ban hành quy định về phúc lợi động vật.

Hãy cùng chung tay vì một quy định bảo vệ phúc lợi cho động vật. Chỉ bằng một chữ ký, bạn có thể là một nhân tố cho sự thay đổi lớn tại Việt Nam.

Hãy nhớ "Phía sau rạp xiếc là "Địa ngục" của động vật, nhưng ác mộng không đến từ rạp xiếc mà đến từ khán giả xem xiếc".

Huỳnh Đạt

Blog4Pet - Theo "Hội cứu trợ động vật Đà Nẵng"

Chủ đề chính: #rạp_xiếc

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn