Polestar Tran

Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, khai sinh nước Đại Cồ Việt

Đăng 5 năm trước

Nội dung bài viết nói về giai đoạn loạn 12 sứ quân trong lịch sử nước ta. Trong đó, nêu bật lên được vai trò to lớn của Đinh Bộ Lĩnh trong việc dẹp được loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lập ra nước Đại Cồ Việt.

Đinh Bộ Lĩnh (924 – 979) sinh vào ngày Rằm tháng Hai, năm Giáp Thân (924), quê thôn Kim Lư, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay thuộc xã Gia Phương, Gia Viễn, Ninh Bình). Cha của ông là Đinh Công Trứ, nha tướng của Dương Đình Nghệ, giữ chức thứ sử Hoang Châu. Cha mất sớm, Đinh Bộ Lĩnh theo mẹ về quê ngoại (Gia Thủy - Nho Quan - Ninh Bình) sinh sống. Từ bé, Đinh Bộ Lĩnh đã tỏ ra là người có khả năng chỉ huy, ông cùng các bạn chăn trâu lấy bông lau làm cờ bày trận giả đánh nhau. Sau này, Đinh Bộ Lĩnh cũng là người có công quyết đinh trong việc dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt - nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Hoàn cảnh lịch sử:

 Loạn 12 sứ quân:

Năm 944, Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha(1) cướp ngôi, tự lập mình làm vua, xưng là Dương Bình Vương. Sự kiện này đánh dấu mốc mở đầu đất nước ta chính thức bước vào thời kỳ loạn 12 sứ quân. 

Bị cậu ruột cướp ngôi, sợ bị tiêu diệt, Ngô Xương Ngập(2) chạy trốn, đến trú ẩn ở nhà hào trưởng Phạm Lệnh Công (làng Trà Hương, Nam Sách, Hải Dương). Được Phạm Lệnh Công che chở, nuôi giấu tận tình, Ngô Xương Ngập đều an toàn, giữ được tính mạng trước ba lần truy bắt của Dương Tam Kha.

Năm 950, Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn(3) đi đánh hai thôn Đường và Nguyễn ở Thái Bình (Quốc Oai – Hà Nội ngày nay). Được sự ủng của các tướng Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi, đồng thời nhận thấy đây là các thôn vô tội, Ngô Xương Văn đã dẫn quân quay về kinh đô lật đổ Dương Tam Kha. Ngô Xương Văn tự xưng là Nam Tấn Vương, đóng đô ở Cổ Loa và cho người đón anh trai Ngô Xương Ngập về cùng làm vua. Ngô Xương Ngập tự xưng là Thiên Sách Vương. Như vậy, nước ta khi đó tồn tại hai vua: Nam Tấn Vương và Thiên Sách Vương. Sử sách gọi là Hậu Ngô Vương.

Tình hình đất nước thời điểm này càng ngày càng rối loạn. Các thổ hào, tù trưởng các vùng, các tướng lĩnh của họ Ngô và cả con cháu của các quan chức nhà Đường cũ đã nổi lên cát cứ, phân tranh các vùng, đánh chiếm lẫn nhau. Mặc dù, Ngô Xương Văn đã nhiều lần đem binh đi đàn áp các cuộc nổi loạn nhưng không thành. Đặc biệt từ khi Ngô Xương Ngập (mất năm 954) và Ngô Xương Văn mất (965), chính quyền nhà Ngô càng suy yếu, khiến cho đất nước hoàn toàn rối loạn, bởi sự phân tranh, đánh chiếm giữa các sứ quân, trong đó nổi lên 12 vùng đất biệt lập, do 12 thủ lĩnh đứng đầu, mà sử gọi là 12 sứ quân: Ngô Xương Xí(con Ngô Xương Ngập) giữ Bình Kiều - Triệu Sơn - Thanh Hóa; Đỗ Cảnh Thạc tự xưng là Đỗ Cảnh Công, giữ vùng Bảo Đà - Thanh Oai - Hà Nội; Trần Lãm tự xưng là Trần Minh Công, giữ Bố Hải Khẩu - Kỳ Bố - Thái Bình; Kiều Công Hãn tự xưng Kiều Tam Chế, giữ Phong Châu - Lâm Thao - Phú Thọ; Nguyễn Khoan tự xưng Nguyễn Thái Bình, giữ Tam Đái – Phú Thọ và Yên Lạc - Vĩnh Phúc; Ngô Nhật Khánh tự xưng là Ngô Lãm Công, giữ Đường Lâm - Sơn Tây - Hà Nội; Lý Khuê tự xưng là Lý Lãng Công, giữ Siêu Loại - Thuận Thành - Bắc Ninh; Nguyễn Thủ Tiệp tự xưng là Nguyễn Lệnh Công, giữ Tiên Du - Bắc Ninh; Lữ Đường tự xưng là Lữ Tá Công, giữ Tế Giang - Văn Giang - Hưng Yên; Nguyễn Siêu tự xưng là Nguyễn Hữu Công, giữ Tây Phù Liệt - Thanh Trì - Hà Nội; Kiều Thuậntự xưng là Kiều Lệnh Công, giữ Cẩm Khê  - Hà Nội; Phạm Bạch Hổ tự xưng là Phạm Phòng Át, giữ Đằng Châu - Hưng Yên.

Nguy cơ xâm lược của ngoại bang:

Năm 960, nhà Tống bên Trung Quốc được thành lập, chấm dứt thời kỳ “ngũ đại thập quốc”(4). Sau khi được thành lập, nhà Tống thực hiện chính sách mở rộng xuống phía nam. Vì vậy, đất nước ta khi đó đang đứng trước nguy cơ bị ngoại xâm đe doạ nên cần phải thống nhất, xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền vững mạnh.

Dẹp loạn 12 sứ quân và khai sinh Nhà nước Đại Cồ Việt: 

Lớn lên trong hoàn cảnh đất nước như vậy, Đinh Bộ Lĩnh cùng với những người bạn thân thiết như Đinh Điền, Nguyễn Bặc đã đứng lên tập hợp lực lượng, rèn vũ khí, chiếm giữ vùng Hoa Lư, chờ thời cơ dẹp loạn. Căn cứ của ông dần mở rộng từ Hoa Lư ra đến vùng đồng bằng ven biển sông Hồng. Để tăng thêm lực lượng, Đinh Bộ Lĩnh đã liên kết với sứ quân Trần Lãm ở Thái Bình, bằng việc đưa con trai là Đinh Liễn sang đầu quân cho Trần Lãm. Sau đó, Đinh Bộ Lĩnh được Trần Lãm trao toàn bộ binh quyền và tiếp tục chiêu mộ binh lính, xây dựng lực lượng, hòng thu phục các sứ quân.

Mở đầu, ông đã chiêu phục dụ hàng được sứ quân của Phạm Bạch Hổ (Hưng Yên). Sau đó, ông dẫn đại binh ra Giao Châu lần lượt đánh bại, chiêu dụ được các sứ quân còn lại. 

Đối với hai sứ quân Ngô Nhật Khánh và Ngô Xương Xí, Đinh Bộ Lĩnh không dùng binh đao mà dùng kế dụ hàng.

Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc rất mạnh, có thành cao và hào sâu. Để thu phục được sứ quân này, ông kết hợp cả dùng mưu và quân sự mạnh. Ban đêm, Đinh Bộ Lĩnh cho quân bao vậy bốn mặt thành và tiến đánh bất ngờ vào Trại Quyền của sứ quân. Khi đó, Đỗ Cảnh Thạc đang ở đồn Bảo Đà, không ứng cứu được nhau. Hai bên tiếp tục giao tranh hơn một năm. Cuối cùng, Đỗ Cảnh Thạc bị trúng tên và chết. Đinh Bộ Lĩnh hạ được thành.

Biết Đinh Bộ Lĩnh chuẩn bị đánh thành, sứ quân Nguyễn Siêu đem một vạn quân đóng ở Thanh Đàm - Hà Nội, chuẩn bị nghênh chiến. Trong trận giao đấu đầu tiên, bên nghĩa quân Đinh Bộ Lĩnh bị mất bốn tướng (Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục, Đinh Thiết, Cao Sơn). Sau đó, sứ quân Nguyễn Siêu chia một nửa quân giữ trại, một nửa vượt sông tìm viện binh các sứ khác. Đang vượt sông, cánh quân này bị gió lớn làm đắm thuyền. Biết tin, Đinh Bộ Lĩnh cho quân tấn công tiêu diệt. Sứ quân Nguyễn Siêu bị giết chết.

Đối với sứ quân Kiều Công Hãn: thấy nghĩa quân của Đinh Bộ Lĩnh quá mạnh, nên chạy vào Thanh Hoá để liên kết với sứ quân Ngô Xương Xí. Nhưng chạy đến Vạn Kiếp (Nam Định) thì bị hào trưởng địa phương là Nguyễn Tấn đem quân chặn đánh. Kiều Công Hãn bị thương, bỏ chạy, sau đó thì mất. Các sứ quân còn lại tiếp tục bị nghĩa quân của Đinh Bộ Lĩnh đánh bại hoặc thu phục quy hàng. Đến cuối năm 967, cuộc chinh chiến dẹp loạn kết thúc. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đai Cồ Việt, niên hiệu là Thái Bình, kinh đô là Hoa Lư. Một quốc gia độc lập, có quốc hiệu, có nhà nước riêng, do hoàng đế đứng đầu đã được xác lập.

Thắng lợi của Đinh Bộ Lĩnh trong dẹp loạn 12 sứ quân và lập nên nhà nước Đại Cồ Việt là thắng lợi của tinh thần tự lập, tự cường, tự tôn dân tộc. Đó cũng là thắng lợi có tính thời đại sâu sắc – thống nhất quốc gia, xây dựng nhà nước phong kiến trung ương tập quyền vững mạnh, trước nguy cơ xâm lấn của ngoại bang phương bắc - mở đầu cho các triều đại phong kiến nước ta sau này.

-------------------------------------

(1) Em vợ của Ngô Quyền. 

(2) Con trai cả của Ngô Quyền. 

(3) Con trai thứ hai của Ngô Quyền và được Dương Tam Kha nhận làm con nuôi.

(4) Ngũ đại thập quốc: là một thời kỳ trong lịch sử Trung Quốc, bắt đầu từ khi nhà Đường diệt vong, kéo dài đến khi nhà Tống thống nhất Trung Quốc. Sau khi nhà Đường sụp đổ, các phiên trấn phia các cứ và tự lập quốc. Trong đó, có 5 nước có lực mạnh nhất gọi là ngũ đại; ngoài ra còn nhiều phiên trấn (nước) khác, nhưng chỉ có 10 nước có lực tương đối mạnh gọi là thập quốc.

Bình luận về bài viết này
4 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn