Camellia307

Định luật bánh bơ: Bạn đen đủi, vì sao?

Đăng 8 năm trước

Bạn thường hay tự than vãn: "Hôm nay là cái ngày gì mà đen vậy!?" Bạn muốn biết vì sao, và bạn muốn biết làm gì để tránh đen đủi hay không?

Chắn chắn là chúng ta đều biết về định luật này rồi, thậm chí là còn trải qua nó hàng ngày nữa, có điều, chúng ta vẫn thường không hay nghe đến cái tên đầy tính khoa học của nó mà chỉ đơn giản gọi nó với cái tên rất đỗi bình dị và đơn giản: “Số nhọ!”

Thực tế là có quá nhiều lần chúng ta tự than vãn hoặc nói người khác khi không may gặp phải điều xui xẻo là: “Số mày nhọ rồi”, “Sao hôm nay mình đen quá?!”,… nhưng thực ra những điều mà bạn vẫn nói vui những lúc gặp phải sự cố lại thực sự mang ý nghĩa của một hiện tượng khoa học. Cùng Ohay TV tìm hiểu xem sao nhé.

Định luật bánh bơ (hay định luật Murphy) có nội dung chính như sau: Nếu một điều xấu CÓ THỂ xảy ra, nó SẼ xảy ra, và vào thời điểm tệ nhất có thể. Hoặc chúng ta hãy hiểu đơn giản thế này: nếu có nhiều phương án để lựa chọn, và một trong số chúng có thể dẫn đến thảm họa thì con người lại thường hay chọn chính phương án đó!

Định luật Murphy, được phát biểu bởi Edward A. Murphy, ông đã dùng hiện tượng “bánh mì phết bơ” để chứng minh ra nó vào năm 1949. Hãy tưởng tượng, nếu bạn đánh rơi miếng bánh sandwich thơm ngon có trét bơ lên một mặt. Chắc chắn trong đa số lần, miếng bánh của bạn sẽ rơi úp mặt có bơ (mặt ngon nhất) xuống đất.

Định luật Murphy xuất hiện năm 1949, có nguồn gốc từ một nghiên cứu của không quân Mỹ về tác dụng của quá trình giảm tốc nhanh trên các phi công. Người tình nguyện bị buộc trong xe trượt tuyết gắn động cơ phản lực, và phản ứng của họ khi xe dừng đột ngột sẽ được ghi lại nhờ hệ thống điện cực gắn khít vào bộ ghế ngồi do đại úy Edward A. Murphy thiết kế. Tuy nhiên, Murphy đã không ghi được số liệu nào sau một thử nghiệm tưởng chừng không có sai sót. Thì ra, rất đơn giản chỉ là có một điện cực bị mắc sai. Sai lầm hy hữu này khiến Murphy phải thốt lên: “Nếu trong nhiều cách có một cách sai - sẽ có người thực hiện cách sai đó”.

Năm 1998, chiếc tên lửa LockMart Titan 4 mang theo vệ tinh do thám LockMart trị giá một tỷ đôla đã nổ tung không lâu sau khi cất cánh khỏi căn cứ Canaveral, California, do dây điện bị sờn mà không được điều tra. Còn trong năm sau đó, vệ tinh LockMart Milstar 4 đắt tiền được phóng lên một quỹ đạo vô ích, do người ta đã đưa những phép toán sai lầm vào hệ thống dẫn đường của tên lửa đẩy.

Tháng 9/2003, một vệ tinh quan sát trị giá một phần tư tỷ đôla đã bị hư hại nghiêm trọng trong một nhà chứa khi nó trượt đi do không được chốt vào khung đỡ.

NHỮNG VÍ DỤ VỀ ĐỊNH LUẬT MURPHY

-  Hết 6 ngày trong tuần bạn đều mang theo ô mặc dù trời tạnh ráo. Buổi sáng cuối tuần tươi đẹp, trời đang xanh trong bỗng đổ mưa to, còn bạn thì ở ngoài đường, diện bộ đồ đẹp nhất và… quên mang dù!

-  Bạn xếp hàng tính tiền trong siêu thị, thấy hàng bên cạnh tính nhanh hơn liền bỏ sang hàng đó. Ngờ đâu bạn vừa sang, máy tính tiền của hàng này bỗng bị hỏng và bạn tiếp tục… chờ.

-  Nếu có một ống nghiệm rơi ra từ giá đỡ thì nó thường chứa mẫu vật quan trọng nhất.

-  Bạn thường quên chìa khóa cửa vào ngày mà mọi người khác không có ở đó.

-  Máy chiếu thường hỏng vào ngày diễn ra buổi thuyết trình.

-  Những đồ dùng cần thiết nếu làm rơi sẽ lăn vào cái xó khó moi ra nhất.

-  Nếu bạn chẳng may bấm nhầm số điện thoại, bạn sẽ không bao giờ thấy số bận và sẽ luôn có người lạ nhấc máy trả lời.

-  Khi bạn cố gắng chứng minh cho người khác rằng cái máy không hoạt động, nó sẽ tự nhiên hoạt động.

-  Khi bạn chuẩn bị ngồi xuống để thưởng thức ly cà phê nóng, người khác sẽ nhờ bạn một việc mà bạn sẽ phải làm cho đến khi ly cà phê nguội đi.

-  Khi bạn đang xếp hàng, hàng người bên cạnh bạn luôn di chuyển về phía trước nhanh hơn.

-  Tưởng chừng ném viên sỏi qua cửa sổ rất dễ, nhưng lần đầu bạn luôn ném trúng cái song sắt và viên sỏi bật lại.

-  Một vật đang rơi luôn tiếp đất bằng phần dễ bị vỡ nhất.

-  Không cần biết bạn tìm mua một thứ đồ bất kỳ lâu và mệt mỏi đến thế nào, sau khi quyết định mua nó xong thì bạn sẽ thấy một cửa hàng nào -đó bán với giá rẻ hơn.

- Kỷ lục và những màn trình diễn tuyệt vời nhất luôn xảy ra khi bạn làm một mình và không ai thấy cả.

- Những lúc bạn muốn biển diễn cho mọi người là những lúc bạn sẽ phải mắc sai lầm nhỏ hoặc khiến khán giả cười nhạo.

Không ít nhà khoa học phủ nhận định luật Murphy và khẳng định đó chỉ là kết quả của việc chọn lọc ký ức: Ta thường nhớ lâu hơn những gì không tốt nên cảm thấy chúng thường xảy ra hơn, thế thôi! Để chứng minh Murphy sai, họ đã nỗ lực tính toán, thử nghiệm bằng mọi lý thuyết trong tất cả các lĩnh vực nhưng đều thất bại. Thật ngạc nhiên, kết quả cho thấy tình huống xấu luôn có xác suất xảy ra cao hơn. Chỉ riêng trường hợp “bánh bơ”, dù lặp lại thí nghiệm bao nhiêu lần thì hết 90% số lần mặt có bơ sẽ úp xuống.

Mô tả hình ảnh

TUY NHIÊN, BẠN PHẢI BIẾT ĐẾN NÓ ĐỂ CHẤP NHẬN NHỮNG ĐIỀU KHÓ CHỊU NHẤT TRONG CUỘC SỐNG:

Định luật Murphy không chỉ phổ biến trong các ngành công nghiệp kỹ thuật đòi hỏi độ an toàn cao mà còn biến thể thành nhiều nguyên tắc cho các lĩnh vực khác như: luật Murphy trong khoa học, luật Murphy trong tình yêu, luật Murphy trong kinh tế….

Tinh thần Murphy nhắc ta hãy cẩn trọng một cách vui vẻ. Mỗi người đều có thể mắc sai lầm nên hãy cẩn thận hết mức có thể. Quan tâm đến sai sót trong quá khứ để bớt đi nhiều lầm lẫn trong tương lai. Và nếu một điều xấu có khả năng xảy ra, nó hiển nhiên sẽ xảy đến, nên đừng chỉ chăm chăm tin tưởng vào lộ trình đầu tiên đã vạch sẵn. Suốt quá trình thực hiện công việc, cần liên tục đánh giá hiện tại, hoạch định cẩn thận cho tương lai và linh hoạt ứng biến với môi trường luôn thay đổi.

Như Murphy - sau khi công bố Định luật – từng nói: “Tôi không có ý bôi đen cuộc đời mà chỉ muốn các bạn đề phòng thường xuyên. Một khi đã đề phòng cẩn thận ta sẽ tránh được nhiều tình huống không vui. Thế thôi!”.

Edward A. MurphyEdward A. Murphy


Tìm hiểu về định luật bánh bơ (Murphy)

Nguồn: Tổng hợp

Chủ đề chính: #định_luật_Murphy

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn