Form Your Soul Tải ebook mới nhất của mình Content Writing for Everyone tại đây nhé: https://bit.ly/37b1P4c

“Do something”: Nguyên tắc giúp bạn duy trì động lực để hành động

Đăng 7 năm trước

Càng áp dụng nhiều, bạn càng nhận ta rằng thành công trong bất cứ thứ gì không phải nhờ vào kiến thức và tài năng mà đó chính là hành động được bổ sung bởi tài năng và kiến thức.

Càng áp dụng nhiều, bạn càng nhận ta rằng thành công trong bất cứ thứ gì không phải nhờ vào kiến thức và tài năng mà đó chính là hành động được bổ sung bởi tài năng và kiến thức.

Tôi đã làm việc trong lĩnh vực phát triển bản thân nhiều năm liền, tiếp cận với khá nhiều thứ, các ý tưởng cũng như rút ra được kha khá điều thú vị. Tuy nhiên, dưới đây là một trong những kinh nghiệm quan trọng nhất mà tôi muốn chia sẻ với bạn.

Hành động không chỉ là kết quả mà còn chính là nguyên nhân sinh ra động lực. 

Phần lớn mọi người chỉ cam kết hành động nếu cảm thấy một chút gì đó động lực. Và họ chỉ cảm thấy có động lực nếu được lan truyền cảm hứng về mặt cảm xúc.

Chúng ta lười biếng vì thiếu động lực. Chúng ta thờ ơ, lãnh đạm với mục tiêu mà mình đã đặt ra vì không có động lực thực hiện và chúng ta không có động lực bởi vì không có một khao khát mãnh liệt về mặt cảm xúc rằng sẽ hoàn thành công việc đó.

Cảm hứng thuộc về cảm xúc (Emotional Inspiration) =>  Động lực (Motivation) => Hành động mong muốn (Desirable Action)

Nhưng có một vấn đề nếu đi theo khuôn mẫu này: Thường các thay đổi và hành động mà chúng ta cần nhất trong cuộc đời được truyền cảm hứng bởi những cảm xúc tiêu cực mà đồng thời ngăn chúng ta không hành động.

Nếu ai đó muốn làm hòa với bố mẹ sau một cuộc tranh luận thì những cảm xúc trong tình huống này (tổn thương, oán giận, lẩn tránh) khiến chúng ta không thể làm được điều đó (tiếp xúc, chân thành, trò chuyện). Nếu ai đó muốn giảm cân nhưng lại vô cùng xấu hổ về cơ thể mình thì khi đó những cảm xúc này sẽ là rào cản khiến bạn không muốn đi tới phòng tập gym và thay vào đó là nằm dài trên ghế. 

Động lực hoạt động như thế nào?

Thực tế, khuôn mẫu động lực ở trên không chỉ có 3 yếu tố mà nó là một vòng lặp vô hạn:

Cảm hứng (Inspiration) => Động lực (Motivation) => Hành động (Action) => Cảm hứng (Inspiration) => Động lực (Motivation) => Hành động (Action) => ... 

Các hành động tạo ra những phản ứng về mặt cảm xúc, cảm hứng và tiếp tục thúc đẩy những hành động trong tương lai. Nếu biết tận dụng điều này, chúng ta thực sự có thể định hướng tư duy của mình theo cách sau:

Hành động  (Action) => Cảm hứng (Inspiration) => Động lực (Motivation)

Nếu thiếu động lực để tạo ra một sự thay đổi quan trọng trong cuộc đời thì hãy làm một thứ gì đó, cái gì cũng được và sau đó, kiểm soát phản ứng đối với hành động đó như là cách để tạo động lực cho chính bạn.

Tôi gọi đây là nguyên tắc “Do something” (làm một thứ gì đó). 

Nguyên tắc này được phát triển cách đây vài năm khi tôi còn là một nhà tư vấn chuyên giúp đỡ những người không dám hành động vì sợ hãi, họ hợp lý hóa các trì hoãn của mình hay quá lãnh đạm.

Điều tôi nhận ra là thường, khi làm một điều gì, thậm chí là hành động vô cùng nhỏ thì chẳng mấy chốc, nó cũng sẽ mang đến cho mọi người cảm hứng và động lực để làm một thứ khác. Họ nhận được một tín hiệu rằng, “Ồ, mình đã làm được rồi, chắc là mình còn có thể làm nhiều hơn nữa”. Và dần dần, họ hành động nhiều hơn ngoài sức tưởng tượng.

Làm thế nào để có động lực làm tất cả mọi thứ?

Để tôi kể cho các bạn nghe câu chuyện của tôi. Kỳ thực, tôi đã vận dụng nguyên tắc này trong cuộc sống của mình rất nhiều năm về trước.

Ví dụ rõ ràng nhất đó là quản lý website cá nhân và kinh doanh riêng. Tôi tự làm mọi thứ, tự làm việc cho chính mình và không có ông chủ. Tôi không bị yêu cầu cái gì được làm, cái gì không. Tôi cũng mạo hiểm và một mình gánh chịu cả lỗ lẫn lãi. Thi thoảng, tôi cũng nghi ngờ và bất an về mọi thứ. Thế nhưng, nếu cứ đắm chìm trong nó thì khi không có ai xung quanh để đẩy bạn lên thì việc ngồi xem chương trình TV phát lại rõ ràng sẽ trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn nhiều.

Một vài năm đầu, tôi làm việc độc lập. Đôi khi cả tuần chẳng hoàn thành thứ gì và lý do không có gì ngoài việc tôi quá lo lắng và căng thẳng về điều tôi phải làm và không thể từ bỏ quá sớm. Nhưng rất nhanh, tôi ép bản thân làm việc, thậm chí là những công việc nhàm chán nhất. Nếu phải thiết kế website, tôi sẽ bắt đầu với làm Header. Sau đó, tôi chuyển sang phần khác. Nếu phải thực hiện một dự án lớn hay đi ra  ngoài và kết bạn thì tôi sẽ tự nói với mình rằng, “Được thôi, mình sẽ bắt đầu với outline trước” hoặc “mình sẽ đi ra ngoài, uống một cốc bia và quan sát mọi người làm gì”. Những hành động nhỏ nhặt ấy gần như lúc nào cũng khích lệ tôi.

Giáo viên dạy toán hồi THPT của chúng tôi thường nói rằng:“Nếu em không biết cách giải phương trình, hãy bắt đầu viết ra giấy thứ gì đó. Cứ làm như vậy, bộ não sẽ làm rõ vấn đề và giúp em tìm ra đáp án”. Và đúng như thế thật.

Những hành động nhỏ tự nó truyền cảm hứng cho những suy nghĩ và ý tưởng mới đến với chúng ta, giúp chúng ta tự giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.Nếu chỉ đơn giản là ngồi trầm ngâm suy nghĩ thì các ý tưởng sẽ không bao giờ xuất hiện.

Gần đây, tôi có nghe một câu chuyện về một tiểu thuyết gia đã viết hơn 70 tiểu thuyết. Có người hỏi ông về cách tạo cảm hứng và duy trì động lực bởi vì ông hoàn toàn khác biệt so với phần đông các nhà văn được biết đến với thói quen trì hoãn và “bí ý tưởng”. Ông nói rằng, “viết 200 từ dở ẹc mỗi ngày, thế thôi”. Cơ bản ý của ông là nếu ép bản thân viết 200 từ mỗi ngày dù chẳng hay ho gì thì nó vẫn sẽ truyền cảm hứng cho bạn. Cho đến khi bạn hiểu được điều này thì bạn đã viết được hàng ngàn từ rồi.

Cách tiếp cận này có thể được tồn tại dưới nhiều vỏ bọc khác nhau, chẳng hạn như dưới các thuật ngữ “Falling Forward” (tiến về phía trước) hay “Ready, fire, aim” (Sẵn sàng, bắn và hiệu chỉnh) trong các cuốn sách cùng tên. Bất kể như thế nào thì đây cũng thực sự là cách tư duy vô cùng hữu ích và là thói quen tốt để nuôi dưỡng.

Càng áp dụng nhiều, bạn càng nhận ta rằng thành công trong bất cứ thứ gì không phải nhờ vào kiến thức và tài năng mà đó chính là hành động được bổ sung bởi tài năng và kiến thức. Bạn có thể thành công với thứ gì đó mà chẳng cần biết bạn đang làm gì. Bạn có thể thành công với thứ gì đó mà bạn không cần nhiều tài năng đặc biệt. Tuy nhiên, bạn sẽ không bao giờ có thể thành công nếu không hành động. Chẳng bao giờ.

Theo Mark Manson

Chủ đề chính: #động_lực

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn