loanle2112

Đọc vị bất kỳ ai - để bạn không bị lừa dối và lợi dụng

Đăng 7 năm trước

'Body language' - ngôn ngữ cơ thể có thể tiết lộ về một người nhiều hơn bạn nghĩ đó.

Một nghiên cứu của giáo sư, nhà tâm lý học Albert Mehrabian thuộc UCLA đã chỉ ra rằng, người đối diện tiếp nhận 55% những gì bạn truyền tải xuất phát từ ngôn ngữ cơ thể, 38% từ giai điệu của giọng nói và chỉ có 7% là từ những lời bạn nói.

Khi giao tiếp với mọi người, chúng ta thường xuyên sử dụng kỹ năng "đọc" suy nghĩ của người khác trong vô thức. Chỉ qua việc quan sát cử chỉ, ánh mắt, những hành động nhỏ nhất... chúng ta cũng có thể dễ dàng đoán biết thái độ, tình cảm của người đối diện. Dưới đây là một số thủ thuật bạn có thể tham khảo:

Nhận biết người không có hứng thú với bạn

1. Nhướn mày là dấu hiệu của sự khó chịu

Giáo sư Susan Krauss Whitbourne thuộc trường ĐH Massachusetts tiến hành quan sát thái độ của một nhóm tình nguyện viên khi đối diện với cùng một vấn đề.

Kết quả cho thấy, những khi lo lắng, sợ hãi hoặc tỏ vẻ ngạc nhiên trước một sự việc, hầu hết chúng ta đều nhướn lông mày. 

Đó là bởi nhướn lông mày sẽ kích thích Adrenaline - một hormone do tuyến thượng thận tiết ra có tác dụng làm tăng lưu lượng máu truyền dẫn đến hệ thần kinh. Tuy nhiên, hành động này cũng là dấu hiệu thể hiện sự khó chịu, không bằng lòng.

2. Hàm nghiến chặt, lông mày nhíu lại thể hiện sự căng thẳng tột độ

Tất cả những hành động nghiến chặt hàm hay lông mày nhíu lại được cho là phản ứng của hệ thống limbic kết hợp với hệ thống khác trong não.


Joe Navarro - cựu nhân viên FBI cho biết, khi tỏ ra căng thẳng, hormone cortisol con người sẽ gia tăng. Điều này khiến chúng ta có những hành động vô thức như co rụt cổ lại hay nhíu lông mày - một cách hiển thị suy nghĩ từ hàng triệu năm qua.

Khi một người có biểu hiện trên, nghĩa là họ đang rất không hài lòng hoặc bị câu chuyện của bạn làm cho mệt mỏi. Hãy nhanh chóng thay đổi chủ đề để tránh gây khó chịu cho người đối diện nhé.

3. Bắt chéo chân - dấu hiệu của cuộc hội thoại đang "hấp hối"

Kết quả của 2.000 cuộc đối thoại được ghi hình bởi hai nhà nghiên cứu Gerard I. Nierenberg và Henry H. Calero đã chỉ ra, hành động bắt chéo chân được sử dụng khi một trong hai người không muốn tiếp tục câu chuyện. 

Về mặt tâm lý, hành động này là dấu hiệu cho thấy, tinh thần và tình cảm của người ấy đã "đóng cửa". Điều đó có nghĩa là họ không muốn chia sẻ cũng như lắng nghe, bày tỏ quan điểm của mình trước vấn đề của bạn. Càng nói, bạn sẽ càng trở nên nhàm hơn mà thôi.

4. Những cử chỉ khác

- Một cử chỉ quen thuộc thể hiện sự thích hay đang nghĩ về những chuyện mâu thuẫn, xung đột là dùng tay để vuốt tóc. Họ thường không nói thành lời những điều này. Nếu bạn thấy họ nhướng chân mày lên chắc rằng họ đang không đồng ý với bạn.

 - Nếu người đối diện bạn đeo kính và thường đẩy nó lên trên song mũi với vẻ mặt cau có ám chỉ là họ không đồng ý với bạn. Hãy nhìn xem liệu có phải có chủ ý đẩy kính lên chứ không phải là tùy tiện điều chỉnh. Hãy nhìn xem liệu có phải họ đẩy gọng kính lên bằng 2 ngón tay không, hay một cử động ngọ nguậy gọng kính. Vẻ mặt nhăn nhó hay chân mày rướng lên là một lời cảnh báo. (Lưu ý: Vẻ mặt cau có có thể là thể hiện họ đang mỏi mắt).

- Nhịp chân liên tục hay chuyển động bàn chân qua lại thường có nghĩa là người đối diện đang thiếu kiên nhẫn, phấn khởi, bồn chồn, lo sợ hay có cảm giác bị đe dọa.

Khi người đối diện có những biểu hiện trên, khả năng rất cao là họ chán ngán, không bằng lòng thậm chí khó chịu với câu chuyện của bạn. Trong trường hợp đó, hãy giảm nhẹ độ gay gắt, tìm một cách biểu đạt khác hoặc nhanh chóng lái sang một chủ đề khác để "cứu vớt" cuộc nói chuyện của bạn, để tránh nguy cơ gây mâu thuẫn bất hoà với người mà bạn đang giao tiếp.

Nhận biết kẻ định lừa dối bạn

1. Ngôn ngữ của đôi mắt

Thường thì người nói dối không hoặc hiếm khi nhìn thẳng vào mắt chúng ta. Đây là một dấu hiệu thường thấy của sự dối trá. Một người liên tục nhìn khắp mọi phía có nghĩa là họ đang lo lắng, nói dối hay bị phân tâm. Nếu nhìn xuống sàn nhà nhiều lần, họ tỏ vè nhút nhát và e dè. Người ta có khuynh hướng nhìn xuống dưới khi họ đang lo lắng hay cố che giấu cảm xúc nào đó.

Một người đang nói dối sẽ tìm mọi cách né tránh sự tiếp xúc bằng mắt. Vô thức, người đó cảm thấy bạn có thể nhìn thấu suy nghĩ của họ qua đôi mắt. Và vì cảm thấy tội lỗi, người đó không muốn đối diện với bạn. thay vào đó, họ sẽ nhìn xuống hoặc liếc sang hướng khác.

Một biểu hiện khác của đôi mắt khi người đó có ý định lừa dối bạn là khi người đó nhìn bạn không chớp mắt. Nếu người đó cứ nhìn vào đôi mắt của bạn quá lâu và không chớp mắt - họ có thể đang nói dối. Đó là bởi họ đang cố tập trung, suy nghĩ một câu chuyện để đối phó với câu hỏi của người đối diện và cũng là để che giấu hành động đảo mắt của mình.

2. Lật tẩy nụ cười giả tạo

Chúng ta đều biết, "một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ", nụ cười sẽ giúp bạn hạnh phúc hơn, giúp bạn đối phó với ngàn căng thẳng hay còn tốt cho sức khỏe nữa... Tuy nhiên, làm sao để phân biệt một nụ cười chân thành và nụ cười giả tạo?

Nghiên cứu của các chuyên gia Mỹ đã chỉ ra, nụ cười chân thành hay còn gọi là "nụ cười Duchenne" là sự co lại không chủ đích của hai cơ xương gò má (kéo mép miệng lên) và vòng mi mắt (nhấc cao má và tạo vết nhăn chân chim quanh mắt).

Còn với nụ cười giả tạo, bạn sẽ thấy chỉ phần cơ xương gò má hoạt động mà thôi, phần da quanh miệng và mắt gần như không cùng di chuyển.

Tình huống này tương tự như khi ai đó bối rối với một câu đùa nhưng lại giả vờ rằng mình nghĩ câu đùa đó thật buồn cười. Những gì bạn thấy chỉ là một nụ cười “đầu môi”, không phải là một nụ cười thoải mái tỏa trên cả gương mặt.


3. Cái nhún vai thoáng qua

Nhún vai là cử chỉ mà người đó dùng để chứng tỏ thái độ không biết gì hoặc thờ ơ, thông điệp của họ là: “Tôi không biết” hoặc “Tôi không quan tâm”. Tuy nhiên, nếu cử chỉ này chỉ thoáng qua – nếu bạn thoáng thấy nó – đó là một dấu hiệu ám chỉ một điều gì khác. Người đó đang cố gắng chứng minh rằng mình tự nhiên và thoải mái với câu trả lời của bản thân, nhưng sự thật lại không hề như vậy. Những gì người đó cảm nhận không phải là với một tình cảm thật sự, người đó không thật sự nhún vai.

4. Những cử chỉ thiếu hoạt bát

Bàn tay và cánh tay là những bộ phận cho chúng ta biết có sự dối trá rất tuyệt vời. Khi ai đó nói dối hoặc giấu giếm điều gì, người đó có xu hướng ít cử động cánh tay và bàn tay của mình.Người đó có thể đặt tay trên đùi nếu đang ngồi, hoặc ở bên sườn nếu đang đứng. Người đó có thể đút tay vào túi hoặc siết chặt các ngón tay.

Cử chỉ và điệu bộ của tay không tự nhiên và gần như máy móc. Chúng ta có thể dễ dàng quan sát những hành vi này ở các diễn viên và chính trị gia vụng về. họ cố gắng sử dụng điệu bộ để thuyêt phục mọi người rằng họ nhiệt thành với niềm tin của mình. Tuy nhiên, chúng ta không hề thấy sự linh hoạt trong cử chỉ của họ. Các cử chỉ đều giả tạo, không tự nhiên.

Khi một người ngồi với tư thế tay chân cùng khép lại, có thể là bắt chéo chứ không duỗi ra, người đó đang chứng tỏ ý nghĩ: “Tôi đang giấu giếm điều gì đó”. Người đó cảm thấy mình phải tự vệ. Khi ảm thấy thoải mái và tự tin, chúng ta thường để tay chân tự do vươn ra và chiếm lấy không gian.

Ngược lại, khi cảm thấy bất an, cơ thể chúng ta chiếm ít không gian vật lý hơn, tay và chân co vào, một tư thế tương tự thai nhi trong bụng mẹ.

4. Sự che đậy vô thức

Khi đang trả lời một câu hỏi hoặc đưa ra một tuyên bố, người đó đưa bàn tay lên mặt, đó thường là một dấu hiệu của sự dối trá. Nếu người đó lấy tay che miệng trong khi nói, chứng tỏ rằng họ thật sự không tin những điều đó là sự thật, nó giống như một bức bình phong, một cố gắng vô thức nhằm che giấu ngôn từ của mình.

Trong quá trình nghe, người đó lấy tay che hoặc sờ lên mặt như một biểu hiện vô thức của ý nghĩ: “Tôi thật sự không muốn nghe chuyện này”. Sờ mũi cũng được coi là một dấu hiệu nói dối, hay các hành động khác như gãi phía sau hoặc cạnh tay, giụi mắt.

Những biểu hiện này có thể bị hiểu nhầm với tư thế đang trầm tư suy nghĩ, vốn thường chứng tỏ sự tập trung và chú ý cao độ.

Chủ đề chính: #đọc_vị

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn