TÂM DI Mỗi người sinh ra trên đời này đều có một vẻ đẹp, tài năng và giá trị khác nhau, không ai là vô dụng hay dư thừa trên cuộc đời này cả, như Albert Einstein đã nói: “Mọi người đều là thiên tài…Nếu bạn đánh giá con cá bằng khả năng leo cây của nó, suốt đời nó sẽ tin rằng mình là kẻ ngốc nghếch”. Chúc tất cả các bạn đều phát hiện được tài năng và vẻ đẹp của mình.
Giáo viên tại Thành phố Hồ Chí Minh

Đọc vị bất kỳ ai – để không bị lừa dối và lợi dụng

Đăng 6 năm trước

Trong bài viết hôm nay, mình muốn giới thiệu với các bạn một cuốn sách mình rất tâm đắc, đó chính là cuốn 'Đọc vị bất kỳ ai – để không bị lừa dối và lợi dụng' của tác giả TS. David J. Lieberman. Chắc hẳn bạn đã từng nghe câu nói: 'biết người biết ta, trăm trận trăm thắng', vì vậy mà đây là cuốn sách về kĩ năng giao tiếp ứng xử mà mỗi bạn nên sở hữu, nó giúp chúng ta có thể đoán biết được suy nghĩ của người khác, chỉ cần bạn thêm chút tinh tế, thêm chút kiên nhẫn!

Cuốn sách được chia làm hai phần và 15 chương: 

Phần 1: Bảy câu hỏi cơ bản: học cách phát hiện ra điều người khác nghĩ hay cảm nhận một cách dễ dàng và nhanh chóng trong bất kì hoàn cảnh nào. 

Phần 2: Những kế hoạch chi tiết cho hoạt động trí óc - hiểu được quá trình ra quyết định. Vượt ra ngoài việc đọc các suy nghĩ và cảm giác đơn thuần: hãy học cách người khác suy nghĩ để có thể nắm bắt bất kì ai, phán đoán hành xử và hiểu được họ còn hơn chính bản thân họ.

Trong nội dung trình bày hôm nay, mình sẽ tóm gọn và trình bày theo cách mình hiểu về chương 1 của cuốn sách, hi vọng sẽ hữu ích với các bạn chưa có dịp biết đến hay đọc qua cuốn sách này. Vì đây là tác giả người nước ngoài, nên sẽ có một số nội dung hơi khó hiểu so với chúng ta, có thể do khác nhau về văn hóa và nhiều thứ khác, vì vậy chúng ta cần phải kiên nhẫn khi đọc và chịu khó nghiền ngẫm để có thể hiểu được điều tác giả muốn truyền tải cho độc giả.

Chương 1: Liệu đối phương có đang che giấu điều gì không? 

“Sự chân thật có thể là cách giải quyết tốt nhất, nhưng cũng cần nhớ rằng theo phương pháp loại trừ, không trung thực là cách giải quyết tốt thứ nhì.” - George Carlin 

Thông thường, khi nghi ngờ người khác đang che giấu điều gì, bạn có ba hướng giải quyết:

1, Hỏi trực tiếp người đó 

2, Lờ đi 

3, Cố gắng thu thập thông tin 

Cách 1, có thể sẽ khiến người đó càng thêm phòng bị hoặc nghĩ bạn theo hướng tiêu cực là do bạn ghen ghét, đố kị…càng làm cho mối quan hệ của các bạn càng xấu đi.

Cách 2, sẽ gây hại và làm bạn gặp khó khăn hơn, hoặc sự việc sẽ càng thêm nghiêm trọng nếu không được giải quyết kịp thời. 

Cách 3, giúp bạn tiết kiệm tối đa thời gian nhưng cũng có thể gây hại cho bạn nếu bị bắt gặp đang rình mò khắp nơi để lấy thông tin. 

Bất cứ khi nào bạn cảm thấy có dấu hiệu không thành thật ở đâu đó, hãy áp dụng một trong những thủ thuật sau đây để biết liệu người đó có thật sự làm vậy không:

Đọc tâm trí bằng cách dùng lời nói

Không được dùng những câu hỏi mang tính kết tội người khác mà chỉ nên dùng những câu hỏi ám chỉ đến sự việc, xem phản ứng của họ rồi tìm ra điều họ đang muốn che giấu. Một cách khác, đó là bạn nói to suy nghĩ của mình về vấn đề mà bạn nghĩ người đó đang có dấu hiệu giấu giếm rồi quan sát phản ứng của họ.

Gọi bác sĩ Bombay (nhân vật hài trong phim truyền hình Mỹ)

Một người sẽ có mức độ quan tâm như nhau đến điều mà họ không biết trước, nếu họ biết một trong những điều bạn đưa ra, họ sẽ chú ý quan tâm đến điều đó nhiều hơn. Thủ thuật này sẽ cung cấp cho đối tượng bị tình nghi những sự lựa chọn tương đương nhau, nếu sự chú ý của đối tượng hướng về một hướng cụ thể, rất có thể anh ta có điều che giấu. Một cách khác, bạn sẽ nói chung chung về toàn bộ sự việc mà cả bạn và đối tượng đều biết rõ rồi tập trung vào một điểm đặc biệt, thay đổi nó một chút. Nếu đối tượng chú ý đến điểm đặc biệt đó, có thể họ dính líu đến điều này, vì chỉ có biết trước toàn bộ sự việc, họ mới nhận thấy sự thay đổi trong điều bạn nói.

Bạn đang nghĩ gì?

Mấu chốt để nhận ra đối tượng có che giấu việc gì không nằm ở chỗ mình đưa ra thông báo chứ không phải kết luận và luận tội họ. Người bị nghi ngờ nhầm sẽ nổi giận vì bị xúc phạm trong khi người thực sự mắc lỗi sẽ lo phòng bị và chối tội vì sợ mình bị nghi ngờ.

Lảng tránh hoặc biểu lộ

Mấu chốt nằm ở thủ thuật này là bạn gắn sự nghi ngờ vào một điều mà bạn chắc chắn là đúng, nhưng hoàn toàn không liên quan đến người bị nghi ngờ. Nếu người đó cố tình che giấu hay bác bỏ sự thật mà bạn đã biết chắc chắn, thì rất có thể bạn đã nghi ngờ đúng người.

Đề phòng sẽ gây ra hành động dại dột

Khi sự nghi ngờ của bạn cao thì thủ thuật này sẽ giúp bạn biết liệu người đó có thật sự che giấu điều gì không. Bạn sẽ thông báo cho các đối tượng bị tình nghi và cả những người không bị tình nghi (là cộng sự của bạn), sau đó quan sát thái độ của kẻ bị tình nghi thật cẩn thận. Bạn nên gắn đánh giá của mình vào sự việc bị nghi ngờ chứ không phải đối tượng bị nghi ngờ, dần dần người bị tình nghi sẽ để lộ sơ hở.

Bạn sẽ làm thế nào?

Thủ thuật này sẽ được áp dụng với giả thiết cho rằng kẻ phạm tội sẽ làm bất kì cái gì để chứng tỏ mình vô tội. Bằng cách hỏi kẻ tình nghi cách thức mà họ thực hiện khi được đặt vào vị trí mình là người phạm tội. Câu trả lời của họ sẽ giúp ích rất nhiều cho việc bạn có nên tiếp tục điều tra người này hay không. Nếu đặt họ vào tình huống mà chỉ có một cách thức để thực hiện được hành vi phạm tội, mà người được hỏi lại trả lời vòng vo, không liên quan đến cách thức đó thì rất đáng để bạn tiếp tục điều tra họ.

Mong rằng các bạn đều sẽ có kĩ năng đọc vị được người đối diện để dễ dàng giao tiếp với họ và góp phần thành công trong công việc, trong cuộc sống!

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn