Phạm Trường Giang

Dự án Quét Ai Cập: Bức màn bí mật sẽ dần hé lộ?

Đăng 8 năm trước

Các nhà khảo cổ đã bắt tay vào nghiên cứu những bí mật chưa được giải đáp từ hàng ngàn năm qua thông qua một dự án có tên là Quét Ai Cập (Scan Pyramids)

Dự án “Quét Ai Cập” (Scan Pyramids) với quy mô lên tới hơn 1 tỉ euro (tương đương với 25 nghìn tỉ VND) đã được thông qua vào tháng 10 năm 2015 vừa qua. Dự án này được thực hiện và giám sát bởi Viện kế thừa, đổi mới và bảo tồn, một tổ chức phi lợi nhuận, cùng với viện Khoa học Cairo, dưới sự bảo trợ của Bộ trưởng Bộ Cổ vật Ai Cập, ông Mamdouh El-Damaty. Ngoài ra, còn có sự góp mặt của các nhà khoa học đến từ Ai Cập, Pháp, Nhật Bản và Canada với nhiệm vụ khám phá kim tự tháp Khafre và các kim tự tháp khác ở phía bắc và nam Dahshur.

Trong hàng thế kỉ, con người vẫn không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, đo đạc và so sánh. Nhưng những dữ liệu thu được về kim tự tháp khổng lồ này vẫn hết sức rời rạc. Câu hỏi đặt ra là: Bằng cách nào những công nhân thời đó, thời đại chưa có sự xuất hiện của sắt, thép hay các công cụ như bánh xe, có thể dựng lên 1 công trình cao 146 mét, bao gồm 2 triệu phiến đá nặng 2 tấn rưỡi chỉ trong vòng 23 năm?

Nhiều giả thuyết được đặt ra, 1 trong số đó là giả thuyết của kiến trúc sư người Pháp Jean-Pierre Houdin và nhà Ai Cập học người Mỹ Bob Brier vào năm 1999. Họ cho rằng, kim tự tháp Kheops được xây dựng bằng cách sử dụng một đoạn đường nối giữa bên ngoài và bên trong.

Các biện pháp nghiệp vụ đã được áp dụng để kiểm chứng giả thuyết này. Được trang bị các camera hồng ngoại, những chiếc máy bay không người lái hay máy quét tia laser để tái tạo lại các công trình dưới dạng 3D, dự án trên đã tiến hành những bước đầu tiên vào tháng 11 vừa qua. 

Những phân tích ban đầu cho thấy, có một vài phiến đá trên bề mặt kim tự tháp Kheops có sự chênh lệch nhiệt độ khoảng 6 độ so với các phiến đá lân cận. Tuy rằng nguyên nhân của sự bất thường này chưa được hé lộ nhưng một vài giả thuyết về sự tồn tại của một căn phòng bí mật đã dần xuất hiện.

Cảm biến hồng ngoại đã từng tìm ra lăng mộ của vua Tutankhamun, một trong những lăng mộ còn nguyên vẹn nhất được khai quật ở Thung lũng các vị vua. Do đó, kì vọng dành cho dự án lần này là vô cùng lớn lao. Nhà khảo cổ học người Anh Nicholas Reeves khẳng định, nữ hoàng Nefertiti có thể được chôn cất trong một căn phòng bí mật. Cho tới ngày nay, các nhà Ai Cập học vẫnchưa tìm ra xác ướp của vị nữ hoàng có sắc đẹp đã đi vào huyền thoại này. Bà là người vợ thân cận của Akhenaten, cha của Tutankhamun. 

Về phần mình, Bộ trưởng Cổ vật nhấn mạnh rằng căn phòng đó cũng có thể là của một vị nữ hoàng khác. Tuy nhiên, dù thế nào thì ông cũng chờ đợi rằng đây sẽ là một trong những khám phá vĩ đại nhất về Ai Cập cổ đại của thế kỉ 21.

Ý nghĩa và tầm vóc của dự án lần này không chỉ gói gọn trong phạm vi khoa học, nó còn có giá trị về mặt kinh tế. Du lịch, ngành công nghiệp chiếm tới 1/3 tổng sản phẩm quốc dân đang trên đà đi xuống. Có 9 triệu lượt khách du lịch được ghi nhận tại Ai Cập năm 2015, so với năm 2010 là 14,8 triệu. Rõ ràng, việc thu hút sự tò mò của khách tham quan bằng việc tung ra những giả thuyết quanh lăng mộ của các Pharaon để thúc đẩy du lịch là mục tiêu của chính phủ Ai Cập. 

Phạm Giang

Nguồn: Lemonde.fr

Chủ đề chính: #Ai_Cập

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn