Vô Úy

Đừng quên 4 quy tắc này khi muốn thuyết phục người khác

Đăng 5 năm trước

Khi nói chuyện cũng như khi thuyết phục người khác tin vào mình, cần nắm chắc các quy tắc về logic để người nghe thấy lập luận của bạn chặt chẽ. Đồng thời, khi nắm chắc các quy tắc này rồi thì bạn cũng sẽ khó bị đối phương dùng lời lẽ để qua mặt, lừa gạt. Điểm qua 4 quy tắc này nhé.

1. Luật đồng nhất

Trong quá trình lập luận, các từ ngữ, khái niệm, phán đoán, giả thuyết... được nhắc tới phải đồng nhất, nghĩa là mang một ý nghĩa duy nhất từ đầu tới cuối. Trong tiếng Việt có nhiều trường hợp đồng âm khác nghĩa khiến cho việc đảm bảo quy luật này trở nên khó khăn. Chúng ta xem xét câu chuyện cười sau: 


 Trong giờ học, cô giáo hỏi học sinh: 

- Các em cho biết: 2 lần 9 là bao nhiêu?

Một học sinh giơ tay phát biểu:- Thưa cô, hai lần chín là nhừ ạ! 


Cô giáo nhắc đến từ "chín" là một số tự nhiên, trong khi học sinh lại hiểu từ "chín" đó là trạng thái của thực phẩm sau khi được chế biến. Giữa hai cô trò đang nói về cùng một từ nhưng mang hai nghĩa khác nhau. Như vậy là quy luật đồng nhất đã bị vi phạm. Trong thực tế, nhiều khi những cuộc trò chuyện, trao đổi, họp hành không mang lại hiệu quả, do các bên nói lạc đề sang các chuyện khác nhau. Qua đây, ta có thể rút ra bài học là trước khi bắt đầu nói chuyện, các bên cần giải thích rõ các khái niệm, từ ngữ mà mình muốn đề cập để tránh sự hiểu nhầm. Người nói phải nắm chắc những điều mình muốn nói, và người nghe cần chú ý để hiểu rõ những gì người nói đề cập, có như vậy việc trao đổi mới mang lại hiệu quả. Nếu không sẽ rơi vào tình trạng "ông nói gà, bà nói vịt". 

2. Luật không mâu thuẫn

Luật này khá dễ hiểu: trong quá trình lập luận, không được để các ý trước và sau mâu thuẫn lẫn nhau, hay ta vẫn hay gọi là "câu trước câu sau đấm vào mặt nhau". Nếu phạm quy tắc logic này, người nghe hẳn sẽ mất niềm tin vào ta, bởi họ sẽ cho rằng người nói không hiểu rõ vấn đề hay có gì mờ ám. 


Hai người bạn nói chuyện với nhau. 

Người thứ nhất nói:- Trên đời này tôi chẳng tin cái gì cả.

- Chà, một sự khái quát sâu sắc. Thế anh có tin vào điều anh vừa nói không? Người thứ hai hỏi lại. 

- Tôi tin chứ! 


Người thứ nhất đã tự mâu thuẫn chính mình, người thứ hai thì rõ là rất khôn ngoan nên đã sửa lưng lại và biến người thứ nhất thành trò cười. Đây chỉ là một câu chuyện hài, còn trong thực tế, khi thấy người khác lập luận chưa đúng cần khôn khéo nhắc nhở, chỉ cho họ chứ không nên lợi dụng cơ hội đó để giễu cợt. Từ ví dụ cụ thể này, ta có thể thấy rằng những tuyên bố mang tính tuyệt đối như "chẳng tin cái gì cả", "chẳng có ai như vậy" v.v... thường không thuyết phục, bởi thực tế rất đa dạng, nếu người nghe tìm ra một ví dụ ngoại lệ thì coi như tuyên bố đó là sai. Khi tuyên bố điều gì cần cân nhắc kỹ lưỡng xem đó có phải sự thật không, nếu không chắc chắn thì tốt nhất không nói để tránh bị mâu thuẫn về sau.

3. Luật triệt tam

Triệt tam là triệt tiêu đi cái thứ ba. Trong hai ý kiến có tính mâu thuẫn nhau, thì một phải đúng, một phải sai chứ không có trường hợp thứ ba nào khác. Nhớ là "mâu thuẫn" chứ không phải "đối lập" nhé! Như "tháng này tôi được tăng lương" và "tháng này tôi không được tăng lương" là mâu thuẫn, đã có cái này thì không có cái kia, áp dụng luật triệt tam ta sẽ biết rằng lương chỉ có thể tăng hoặc không tăng (có thể giảm, nhưng giảm thì cũng là không tăng rồi). Còn nói "sếp rất xấu" với "sếp rất tốt" thì là đối lập, luật triệt tam không áp dụng được ở đây, vì sếp có thể tốt vào lúc này nhưng không tốt vào lúc khác, tốt với người này nhưng không tốt với người khác. Bạn hãy thử áp dụng luật triệt tam để tìm ra vấn đề trong câu chuyện vui sau:

Một người dân đến gặp nhà thông thái hỏi:

- Tôi vừa cãi nhau với hàng xóm. Ông ta kể lại nội cung cuộc cãi vã và hỏi nhà thông thái:

- Theo ông, ai đúng, ai sai?

- Ông đúng. Nhà thông thái trả lời.

Hai ngày sau, người hàng xóm (đã tham gia cãi nhau với người dân kia) cũng đến gặp nhà thông thái và kể lại nội dung cuộc cãi vã. Ông ta cũng hỏi nhà thông thái:

- Theo ông, ai đúng, ai sai?

- Ông đúng. Nghe được nội dung hai cuộc nói chuyện đó, vợ nhà thông thái hỏi ông:

- Tại sao lại thế được? Người này đúng và người kia cũng đúng.

Nhà thông thái mỉm cười và trả lời:

- Em cũng đúng. 

 

4. Luật lý do đầy đủ

Một nhận định được cho là đúng khi nó có đầy đủ các cơ sở. Khi muốn thuyết phục người nghe tin vào lời mình nói, cần chú ý xem những căn cứ mình đưa ra có đúng không, có đủ không. Không đúng, không đủ thì nghe qua là thấy có vấn đề liền. 

Một nhà khoa học đến gặp bác sĩ để khám bệnh, vì ông ta bị đau đầu. 


Bác sĩ hỏi: - Mẹ ông có bị đau đầu không? 

- Không, mẹ tôi không bị đau đầu bao giờ cả. Nhà khoa học trả lời. 

- Thế bố ông có bị đau đầu không?

- Bố tôi cũng không bao giờ đau đầu. 

- Thế ông của ông thì sao? 

- Ông tôi cũng chẳng bao giờ bị cả. 

- Vậy ông không bị đau đầu. 

Bác sĩ trả lời và ghi vào sổ khám bệnh của nhà khoa học mà không một lời giải thích gì thêm. 


Có lẽ bác sĩ muốn hỏi thông tin về chứng đau đầu ở người thân của bệnh nhân vì nghĩ bệnh đau đầu có thể di truyền. Khi đã loại bỏ được yếu tố di truyền thì bác sĩ kết luận là bệnh nhân không đau đầu. Lý do như vậy là không đầy đủ, vì di truyền chỉ là một yếu tố, còn rất nhiều yếu tố khác có thể gây đau đầu. 

Kết luận: trong tư duy và nhất là khi nói chuyện, trình bày với người khác cần kiểm tra trước những điều mình muốn nói có vi phạm các quy tắc này không. Khi đã luyện tập nhiều, bạn sẽ hình thành thói quen tư duy rất mạch lạc, khoa học, logic. Kết hợp 4 quy tắc này với 9 nguyên tắc cơ bản trong giao tiếp và cư xử thì bạn nói đến đâu, người nghe chỉ biết gật gù đến đó!

Chủ đề chính: #kỹ_năng_thuyết_phục

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn