Phạm Yến

Đừng tham gia giao thông khi ý thức chỉ được 'một nửa'

Đăng 4 năm trước

Việc ý thức giao thông luôn là vấn đề muôn thở nói chẳng hết. Có những người thật sự ý thức và trách nhiệm khi tham gia giao thông, nhưng có những người đôi khi chỉ ý thức 'một nửa'. Thôi thì trước khi hô hào những đạo lí gì quá lớn lao, hãy xem mình đã từng phạm phải một trong những điều dưới đây chưa đã!

Vượt đèn đỏ khi chỉ còn vài giây nữa là đèn xanh?

Chuyện vượt đèn đỏ vẫn luôn là nỗi ám ảnh và là mối hiểm họa không lường trước được cho những ai đang tham gia giao thông. 

Những người khi đèn đã chuyển sang đỏ, vẫn cố ý chạy thật nhanh qua giao lộ cho "kịp công chuyện" thì chẳng nói; điều đáng nói ở đây là có những thành phần đã đứng đợi đèn đỏ được vài chục giây, nhưng khi chỉ còn vài giây nữa là đèn xanh thì lại nhấn ga chạy?! 

Vậy là mấy chục giây đứng đợi trước đó coi như công cốc, vì vượt là vượt. Nếu xui cho bạn thì vài trăm ngàn khi bị CSGT tuýt còi, còn xui cho...người khác thì có thể gây ra TNGT cho người ở phía đèn xanh. Mà chỉ mong tốt nhất mình làm thì mình chịu, đừng khiến xui cho người khác! 

Hãy tưởng tượng thế này: thường khi thấy đèn xanh sắp chuyển đỏ, một số người sẽ có xu hướng chạy nhanh hơn để qua cho kịp đèn đỏ. Vậy sẽ ra sao nếu cùng lúc đó ở phía bên kia có những người có xu hướng vượt đèn đỏ khi chỉ còn vài giây nữa là đèn xanh? 

Vậy thì trường hợp này câu "Chậm một phút, an vui cả đời" có thể sửa lại một chút: "Chậm vài giây, an vui cả đời". 

2. Đèn đỏ được rẽ phải, vẫn phải chờ

Hiện nay, để tránh gây ùn tắc và tạo điều kiện cho người tham gia giao thông, tại rất nhiều ngã ba, ngã tư đã được lắp đặt tín hiệu cho phép các phương tiện đèn đỏ vẫn được rẽ phải. Tuy nhiên vẫn gặp trường hợp xe máy dàn hàng ngang, người sau nối tiếp người trước, chắn hết lối rẽ phải của xe khác. Mặc dù phía sau bấm còi xin nhường đường, nhưng bất thành nên đôi khi phải chờ. 

Sự vô ý thức của một số người tham gia giao thông, cố tình chen ngang hay dừng, đỗ xe ở phần đường dành cho rẽ phải đôi khi có thể khiến cho giao thông ùn tắc - đặc biệt là những giờ cao điểm, đôi khi gây bức xúc hoặc cự cãi không đáng có giữa với người điều khiển phương tiện khác. 

3. Văn hóa bấm còi

Tiếng còi xe sẽ thật sự có giá trị khi bấm ở những lúc sắp đến đường giao nhau không đèn tín hiệu, đầu hẻm, góc khuất tầm nhìn. Nhưng buồn thay chúng ta lại nghe nhiều nhất là khi bị giục đi lúc đèn đỏ còn vài giây, khi thể hiện sự bực dọc với người cùng tham gia giao thông, v.v...Đặc biệt là nhiều ôtô, xe buýt, xe container có khi đường thì đông, biết không chạy lên được nhưng vẫn cứ bấm còi um sùm...Điều này nhiều khi có thể ảnh hướng lớn cho người cùng tham gia giao thông, đặc biệt là xe máy vì tiếng còi quá lớn có thể gây giật mình. Cái còi không có lỗi, ý thức con người mới gây nên lỗi. Chính tôi cũng đã từng bị tài xế xe lớn "bấm còi châm chọc" (đúng nghĩa) khi đi song song trên 1 con đường quốc lộ. Hay cũng đã đọc biết bao nhiêu tin về những TNGT đáng tiếc chỉ vì nạn nhân giật mình vì tiếng còi. 

Không thể phủ nhận việc bấm còi vô tội vạ là một thói quen khó bỏ của người Việt Nam. Vì vậy, giống như "uốn lưỡi bảy lần trước khi nói", hãy suy nghĩ trước bấm còi. 

Yến Phạm - OhayTV

Chủ đề chính: #tham_gia_giao_thông

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn