Hồ Huy Thích viết lách và trải nghiệm du lịch.

Đường về Pù Luông

Đăng 5 năm trước

Đường về Pù Luông tròn như bao vòng cọn nước. Đường về Pù Luông mượt như thác dốc bản Mây. Về Pù Luông nhìn ngây nghe ngất, đàn vịt Cổ Lũng tất bật chạy mùa.

Pù Luông mới đó mà đã mười năm, hai mươi năm, xa như điệu xòe cô gái Thái, nếp nhăn bỏ lại đoạn đường nào khúc khuỷu, đôi mươi ký ức nhốt chặt rừng già. Pù Luông mơ, Pù Luông thơ, Pù Luông ơ, hỏi ai những ngày, vay ai những tháng, vặn vẹo cuộc đời như cung đường Pù Luông. Đừng bao giờ hỏi tôi ngày về. Kẻ cưỡi gió mà đi, đứa vơ mây mà đến, ở chỉ để lại dấu chân, đi chẳng mang theo kỷ vật, đừng tin một dấu giày fake. Đường về Pù Luông rọc rạch ấm ức như cọn nước bao tháng bao ngày vẫn đều quay tròn quanh. Lạ gì đâu Pù Luông, vậy mà nhớ, vậy mà thương, vậy mà đổ đèo, vậy mà bò dốc, vậy mà tất bật đàn vịt Cổ Lũng đuổi những yêu thương trỗ lúa trở về. Đường về Pù Luông ngẩn ngơ xòe hoa. Pù Luông mơ, Pù Luông thơ, Pù Luông ơ…

Pù Luông theo tiếng dân tộc Thái là đỉnh núi cao nhất trong vùng. Đó cũng là tên gọi Khu bảo tồn thiên nhiên rộng hơn 17 nghìn héc ta ở huyện Bá Thước (phía tây bắc tỉnh Thanh Hóa), nơi có cảnh quan hùng vĩ với những triền núi xanh ngút xanh ngàn. Len len lỏi lỏi khắp nơi là những con suối trầm mình thơ mộng mùa khô nhưng cũng vung tay thượng chân nổi đóa mùa lũ. Bình nguyên xanh thơ xanh thẩn bao lấy những thửa ruộng bậc thang, mà mùa lúa chín đã bủa vây những ký ức ngọt ngào tuổi trẻ. 

Có nhiều cách đến Pù Luông, nhưng tôi vẫn chọn đường về Pù Luông hướng hồ Ba Khan (Mai Châu, Hòa Bình), về thác Mây (Thạch Thành, Thanh Hóa) quen thuộc ngày nào.Cung đường dẫn dắt tôi qua nhiều mê tơi cung bậc cảm xúc, khi tận hưởng vẻ hoang dã của thiên nhiên và những trải nghiệm khác biệt chinh phục chính mình. 

Chọn cung đường này để được chiêm ngưỡng vẻ hoàn mỹ của hồ Ba Khan – cửa ngõ vào Pù Luông, lúc mặt trời còn chưa ló rạng. Một vùng mây nước quyện hòa dưới chân đèo Thung Khe, xanh lim xanh lịm màu lục thủy. Được mệnh danh là Hạ Long trên cạn, Ba Khan thu hút tầm ngắm ở mọi góc nhìn, tôi đã từng nhìn tương lai từ phía ấy.

Lên xe và đi, trekking men theo sườn núi lại nhớ có những khi offroad xuyên rừng, có những đêm phải ngủ lại Pù Luông, nhớ những ngày thương nhớ vùng cao đã cởi áo xắn quần trong bập bùng ánh lửa giấc mơ đêm Mường tịch mịch. Nơi tôi dừng chân là ngôi nhà sàn truyền thống của người Thái tại bản Nủa, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước từ đây tôi có thể mượn con mắt đại ngàn mà khám phá nhiều địa danh khác trong vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.

Bản Nủa về chiều bình yên trong làn khói bay lên từ những mái nhà sàn, hay sự bình yên ấy đã có tự bao đời, có từ thủa dấu chân tôi hai mươi, bỏ lại sau lưng những buồn vui sôi nổi của một thời tuổi trẻ. Nhìn những đứa trẻ chân trần chạy dung dăng trên những thửa ruộng qua mùa gặt còn trơ gốc rạ tôi lại cảm thán mà suy tư đường về Pù Luông, Pù Luông mơ, Pù Luông thơ, Pù Luông ơ…

Thết đãi tôi bằng món đặc sản bản địa vịt Cổ Lũng quen thuộc chủ nhà Hà Văn Đoàn nhấm nhẳng hỏi tôi: người anh em Huy Hồ còn nhớ món này không, hay đã quên như mùa lũ đói đã quên như bữa gặt no. Và cười để lộ hàm răng vàng trơ như gốc rạ chân đèo. Thú thực cuộc sống sau này nếm đủ thứ ngon vật lạ nhưng có những buổi chiều ở một nơi thật xa, ngước mắt nhìn làn khói xanh lơ thắc thỏm chân trời, mùi nhớ thương Cổ Lũng lại day dứt, lại mờ con mắt, lại cay sống mũi, lại ứa dịch vị, lại tơ tưởng cái thứ vịt nướng chết tiệt…đường về Pù Luông

Theo số liệu của Ban Quản lí KBTTN Pù Luông, hiện Khu bảo tồn có 1.109 loài cây có mạch, thuộc 447 chi, 152 họ, trong đó có 42 loài là đặc hữu Việt Nam và 4 loài xếp trong Sách đỏ Thế giới; gần 600 loài động vật gồm thú, chim, lưỡng cư…, với 51 loài động vật quý hiếm và đặc hữu xếp trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ Thế giới, trong đó thú 26 loài, dơi 5 loài, chim 9 loài, cá nước ngọt 5 loài, bò sát 6 loài. Đặc biệt, KBTTN Pù Luông là nơi có quần thể linh trưởng mang tính đặc hữu Voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri) lớn thứ hai ở Việt Nam, sau Khu Bảo tồn Thiên nhiên Vân Long (Ninh Bình) với số lượng khoảng 31-38 cá thể.

Đường về Pù Luông khác xưa nhiều rồi, dân bản ngày nay đã biết làm homestay, và còn có cả một Pù Luông Retreat Resort để thỏa lòng tận hưởng, khách đến chơi cũng chẳng còn dính mắt vòng vo mãi những cọn nước đều quay tròn quanh, người ta có đủ thứ để chơi, trong số đó bể bơi vô cực là một điều lý tưởng. Tôi đã trầm mình trong làn nước mát rừng cội núi già mà ngắm mây trời trong veo trong gương mà dõi về heo hút vô cực năm năm tháng tháng ngày ngày. Đường về Pù Luông gần như một điệu xòe của ai ngày mai, xa như một tiếng thở dài của ai ngày xưa. Pù Luông ư, ai bảo Pù Luông đi nhớ về thương. 

Pù Luông rất nổi tiếng bởi mùa lúa chín với những thửa ruộng bậc thang vàng óng. Nếu không đi được vào mùa lúa chín, bạn cũng đừng tiếc bởi cảnh quan Pù Luông rất đẹp và nên thơ, khí hậu mát mẻ, dễ chịu, mỗi mùa mỗi vẻ đem lại cho người ta một trải nghiệm  khác biệt

Dẫu vậy, các bạn trẻ ngày nay thường chọn Pù Luông mùa lúa chín bởi muốn được sở hữu những tấm ảnh đẹp, độc và lạ Pù Luông từ tháng 5 tháng 6 hay từ cuối tháng 9 đến tháng 11, vì đây là mùa lúa chín Pù Luông.Trở lại Pù Luông, bạn sẽ phải băng qua những cánh rừng già thâm u, huyền bí và vượt qua những cung đường hiểm trở. Từ những cung đường này có thể phóng tầm mắt ra những dãy núi cao trùng điệp, thả hồn ngắm bản ngắm làng, ngắm những nếp nhà sàn độc đáo ẩn mình giữa bạt ngàn rừng xanh chuôm sâu.

Trở lại Pù Luông, bạn sẽ phải băng qua những cánh rừng già thâm u, huyền bí và vượt qua những cung đường hiểm trở. Từ những cung đường này có thể phóng tầm mắt ra những dãy núi cao trùng điệp, thả hồn ngắm bản ngắm làng, ngắm những nếp nhà sàn độc đáo ẩn mình giữa bạt ngàn rừng xanh truông sâu.

Ở Pù Luông, bạn có thể trekking, chinh phục đỉnh núi Pù Luông ở độ cao 1.700m so với mực nước biển, hoặc hoang mang tìm hang Kho Mường, đi chơi thác và tắm suối ở Bản Hiêu. Những ai thích mua sắm thì đi chợ phiên Phố Đoàn. Chợ phiên phố Đoàn kẻ bán người mua, xuống chợ phiên kẻo lại quên đường về…

Đi dân nhớ, ở dân thương, tâm sinh lý bình thường dân mến phục. Trở lại Pù Luông, đường về Pù Luông biết bao tâm tư cứ oằn tà là vằn suy tưởng. Những dấu chân thủa nào đã bỏ lại, những ánh mắt năm nào đã băng qua. Mùa màng Pù Luông vụng dại. Cọn nước Pù Luông đắm đuối như một điệu xòe. Còn ai và ai. Đường về Pù Luông


Nguồn: Trải Ngiệm Khác Biệt 

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn