Woody Übermensch Mình thích thì mình viết thôi

Facebook thay đổi thuật toán mới nhằm hạn chế những bài viết giật title kiểu 'mồi nhấp chuột'

Đăng 7 năm trước

Mồi nhấp chuột là gì? Vì sao độc giả ghét những bài viết mồi nhấp chuột? Facebook đối xử với những bài viết mồi nhấp chuột như thế nào?

"Mồi nhấp chuột" là một vấn nạn Internet đã xảy ra nhiều năm nay và gây khá nhiều điều khó chịu cho độc giả. Facebook từ lâu cũng đã có những cơ chế nhằm hạn chế những bài viết có tiêu đề kiểu "mồi nhấp chuột" xuất hiện trên New Feed. Tuy nhiên gần đây, Facebook đã quyết định làm mạnh tay hơn bằng một số thay đổi lớn trong thuật toán của mình.

Vào năm trước, Facebook đã thực hiện một số chỉnh sửa để những bài biết có tiêu đề gây sốc kiểu "mồi nhấp chuột" ít được người dùng thấy hơn. Tuy nhiên Phó Giám Đốc mảng quản lý sản phẩm Adam Mosseri cho biết đây sẽ là thay đổi lớn trong thuật toán của Facebook kể từ năm 2014 đến nay. "Nó sẽ nhắm đến những bài báo "giật tít" nghiêm trọng nhất, chúng tôi kiên quyết diệt trừ nạn spam".

Có thể một số bạn đọc vẫn đang thắc mắc: mồi nhấp chuột là gì? Vì sao nó gây khó chịu cho người đọc? Facebook dựa vào đâu để xác định mồi nhấp chuột? Bây giờ chúng ta hãy lần lượt trả lời những câu hỏi này.

Mồi nhấp chuột là gì?

"Mồi nhấp chuột" (tiếng Anh: Clickbait) là một cách thức giật title (đặt tiêu đề) cho các bài viết của các website dựa trên các thủ thuật tâm lý và lừa dối độc giả để tăng khả năng click chuột của người đọc vào những bài viết kém chất lượng hoặc có chất lượng không tương xứng với tiêu đề. Sau khi click vào xem những bài viết dạng này, thông thường độc giả sẽ rất thất vọng vì nội dung bài viết không đúng với những gì mà tiêu đề đã hứa hẹn.

Các dạng tiêu đề mồi nhấp chuột (clickbait):

-Dạng 1: gây tò mò và hoàn toàn không có một chút giá trị thông tin nào. Ví dụ thay vì giật title theo cách thông thường "Facebook đã tung ra các biểu tượng cảm xúc bên cạnh nút like" thì giật title kiểu clickbait sẽ là "Facebook vừa cập nhật tính năng gây tranh cãi nhất từ trước đến nay". Hoặc lấy chính bài viết này làm ví dụ, bài viết này tôi đã đặt tiêu đề theo cách thông thường "Facebook thay đổi thuật toán mới nhằm hạn chế những bài viết giật title kiểu mồi nhấp chuột", giả sử nếu bài viết này được giật title theo kiểu "mồi nhấp chuột" thì nó sẽ có dạng như sau: "Cư dân mạng hốt hoảng bởi thay đổi mới của Facebook".

-Dạng 2: cung cấp một nửa thông tin (tóm tắt phần đầu của câu chuyện) và gây tò mò cho một nửa thông tin còn lại (phần cuối của câu chuyện). Ví dụ "Một con chó đớp vào mông đứa trẻ, bạn sẽ không thể tin được chuyện xảy ra tiếp theo." là một tiêu đề mồi nhấp chuột dạng này.

-Dạng 3: tiêu đề một đằng, nội dung một nẻo. Tiêu đề chủ yếu được cường điệu quá mức hoặc dựa trên tương quan logic lỏng lẻo với nội dung. Ví dụ giật title "Các doanh nghiệp lớn sẽ ghét anh chàng này vì những gì anh ta đã làm" nhưng hóa ra nội dung bài viết kể về một anh chàng thực hiện vài ý tưởng kỳ quặc vô hại của anh ta, chẳng liên quan gì tới các doanh nghiệp lớn và cũng chẳng có ai ghét anh ta. Hoặc giật title "Chế độ ăn này sẽ giúp bạn chinh phục cả châu Âu" trong khi nội dung bài viết nói về thực đơn của những người lính Đức quốc xã thời thế chiến thứ 2.

-Dạng 4: tiêu đề hứa hẹn (dự đoán) về hậu quả của việc đọc bài viết nhưng không đưa ra bất cứ thông tin gì về nội dung thật sự của bài viết. Ví dụ "Sau khi đọc xong bài này, bạn sẽ không muốn ăn mì gói nữa" là một tiêu đề mồi nhấp chuột theo dạng này.

Một vài ví dụ khác về tiêu đề mồi nhấp chuột:

1. Những chú vịt con nhìn thấy nước lần đầu tiên trong cuộc đời. Bạn sẽ không thể tin được chúng sẽ làm gì tiếp theo. (Nội dung bài viết: ngoài uống nước ra thì chúng còn làm được gì?)

2. Khi bạn khám phá ra những đứa trẻ này sắp nhảy vào thứ gì, bạn sẽ ngạc nhiên đến rớt cả răng. (Nội dung bài viết: chúng nhảy vào hồ bơi)

3. Cô gái này tìm thấy một thùng giấy, khi cô ấy mở nó ra, tôi đã không thể nói nên lời. (Nội dung bài viết: trong thùng giấy là một con chó con)

4. Sau khi bạn đọc 19 sự thật đáng kinh ngạc về thức ăn này, bạn sẽ không bao giờ muốn ăn nữa. (Nội dung bài viết: chẳng có gì đặc biệt, một vài món ăn trong số đó thì hơi nhiều calo)

5. Nghĩ rằng đây chỉ là một căn nhà gỗ bình thường. Hãy chờ cho đến khi bạn bước vào bên trong nó... (Nội dung bài viết: bên trong nó là một quán rượu)

Nói chung, hãy cảnh giác với những bài viết giật title có những cụm từ như: "bạn sẽ không thể tin được...", "cư dân mạng hốt hoảng...", "...sẽ làm bạn ngạc nhiên", "...không muốn cho bạn biết bí mật này...", "bạn cần phải thấy..." vì đó là những cụm từ mà các bài viết clickbait thường hay sử dụng.

Facebook phát hiện và xử lý các bài viết giật title kiểu mồi nhấp chuột như thế nào?

Cách phát hiện của Facebook:

Nhóm nghiên cứu ở Facebook sẽ phân tích tiêu đề và nội dung của hàng chục ngàn bài viết khác nhau, sau đó dựa vào kết quả thu thập được họ sẽ xây dựng thuật toán phát hiện các bài viết mồi nhấp chuột. Đồng thời Facebook cũng sử dụng kết hợp phương pháp tính toán thời gian người dùng Facebook đọc bài viết đó (từ lúc nhấp chuột vào bài viết đến lúc trở lại Facebook), nếu thời gian trung bình mà độc giả dành cho bài viết đó quá ngắn, Facebook sẽ xem xét việc xác định nó như một bài viết có tiêu đề mồi nhấp chuột. 

Cách xử lý của Facebook:

Facebook không chỉ giảm số lượng người nhìn thấy các bài viết clickbait mà còn làm giảm khả năng hiển thị lên New Feed của những Fanpage đăng quá nhiều những bài viết clickbait.

"Chúng tôi thay đổi để cho các đầu báo tạo ra những tiêu đề tốt hơn. Chúng tôi nghĩ nó sẽ tăng trải nghiệm Facebook cho người dùng, vì đó là những gì người dùng thực sự muốn" - Adam Mosseri 

Tác giả: Woody Übermensch - Ohay TV

******************************

Các bài viết khác có thể bạn sẽ thích:

Chủ đề chính: #mồi_nhấp_chuột

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn