Kokoro Vì gió vẫn thổi và ta phải tiếp tục sống và mơ ước dù biết ngọn gió cuộc đời không lặng bao giờ

Giả thuyết gây sốc về bản chất thực sự của thế giới - Elon Musk và nhiều nhà khoa học cũng lên tiếng ủng hộ

Đăng 4 năm trước

Elon Musk - gã khổng lồ trong giới kinh doanh và công nghệ - chỉ là một trong số rất nhiều người (bao gồm cả nhiều nhà khoa học có uy tín) ủng hộ cho giả thuyết gây chấn động rằng: Thế giới của chúng ta thực sự... không hề có thật!

Bản chất của thế giới này là gì? Bạn có tồn tại thật không? Và cả tôi nữa? 

Đó từng là những câu hỏi mà chỉ các nhà triết học mới thèm bận tâm. Còn giới khoa học chỉ lo tìm hiểu cơ chế thế giới vận hành như thế nào và tại sao lại như vậy. Song một vài trong số những phỏng đoán hay nhất về bản chất thế giới dường như cũng đang đặt ra câu hỏi cho giới khoa học. 

Nhiều nhà vật lý, vũ trụ học và chuyên gia công nghệ hiện đang rất hào hứng với ý tưởng rằng tất cả chúng ta đều đang sống bên trong một mô hình mô phỏng khổng lồ của máy tính, trải nghiệm một thế giới ảo kiểu như phim Ma trận mà chúng ta lầm tưởng là có thật. 

Dĩ nhiên, bản năng của chúng ta không chấp nhận điều đó. Mọi thứ quá thật đến nỗi không thể là mô phỏng được. Sức nặng của chiếc tách trên tay tôi, hương thơm ngạt ngào của cà phê bên trong nó, những âm thanh khắp bốn phía xung quanh bạn – những cảm giác phong phú đó làm sao có thể là giả? Nhưng hãy nhìn lại những tiến bộ phi thường của máy tính và công nghệ thông tin trong vài thập kỷ gần đây mà xem. Máy tính đã tạo ra cho chúng ta một thực tại kỳ ảo – với các nhân vật tự động phản ứng lại trước những lựa chọn của chúng ta – cũng như những thiết bị mô phỏng thực tế ảo với sức thuyết phục đáng kinh ngạc. Thế là đã quá sức tưởng tượng rồi.

Bộ phim Ma trận (The Matrix) đã thể hiện kịch bản này rõ ràng hơn hết. Trong câu chuyện đó, con người bị một thế lực hung ác khóa kín vào một thế giới ảo mà họ luôn tin là “thật”. Tuy nhiên cơn ác mộng mang tính giả tưởng về việc bị bẫy trong một vũ trụ giả lập trong tâm trí chúng ta có thể đã bắt nguồn từ lâu, chẳng hạn như bộ phim Videodrome năm 1983 của David Cronenberg và Brazil năm 1985 của Terry Gilliam. 

Từ những góc nhìn u ám đó dần dần lộ ra hai câu hỏi: Làm sao chúng ta biết được? Và rốt cuộc điều đó có ý nghĩa gì không?

Ý tưởng rằng chúng ta đang sống trong một bản mô phỏng được ủng hộ bởi vài nhân vật có tầm cỡ. Tháng sáu năm 2016, doanh nhân công nghệ Elon Musk tuyên bố xác suất chúng ta đang sống trong thế giới thật là “một phần tỉ”. Tương tự, chuyên gia trí tuệ nhân tạo của Google Ray Kurzweil cho rằng “có lẽ toàn bộ vũ trụ của chúng ta là một thí nghiệm khoa học của một học sinh trung học nào đó sống trong một vũ trụ khác”. Hơn thế nữa, một vài nhà vật lý đang rất sẵn lòng xem xét khả năng này. Tháng Tư năm 2016, nhiều người trong số họ đã tranh luận tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở New York, Mĩ.

Tuy vậy không ai trong số họ cho rằng chúng ta thực sự bị nhấn chìm về mặt thể xác trong một vũng lầy khổng lồ và buộc phải tin vào thế giới xung quanh mình như trong Ma trận. Thay vào đó, có ít nhất hai cách mà Vũ trụ quanh ta có thể "không phải là thật".

Nhà vũ trụ học Alan Guth thuộc Viện Công nghệ Massachusetts cho rằng toàn thể Vũ trụ của chúng ta có thể vẫn là thật nhưng là một kiểu mô hình thí nghiệm. Nghĩa là Vũ trụ của chúng ta được tạo ra bởi một trí tuệ siêu việt nào đó, gần giống như các nhà sinh học nuôi cấy các dòng vi sinh vật trong đĩa petri vậy. 

Không có nguyên lý nào ngăn cấm việc sản xuất ra một vũ trụ từ một vụ Big Bang nhân tạo được đổ đầy vật chất và năng lượng thật, Guth nói. Và nó cũng không thể phá hủy vũ trụ đang chứa đựng nó. Vũ trụ mới sẽ tự tạo ra các bong bóng không – thời gian của riêng mình, độc lập với những cái đã sinh ra nó. Bong bóng này sẽ nhanh chóng dứt ra khỏi vũ trụ mẹ và không còn liên hệ với nó nữa. 

Như vậy kịch bản này thực sự không làm thay đổi gì nhiều. Vũ trụ của chúng ta có thể đã được sinh ra trong ống nghiệm của một “siêu nhân” nào đó, song nó vẫn “thật” như thể được sinh ra một cách “tự nhiên” vậy.

Tuy vậy lại có một kịch bản thứ hai, và chính kịch bản này đã thu hút mọi sự chú ý, bởi nó dường như đã làm lung lay những quan niệm cơ bản nhất của chúng ta về thực tại.

Musk và các đồng nghiệp cùng quan điểm cho rằng chúng ta hoàn toàn là các thực thể giả lập. Có thể chúng ta chẳng là gì ngoài các chuỗi thông tin được vận hành trong một máy tính khổng lồ nào đó, giống như các nhân vật trò chơi điện tử. Ngay cả bộ não của chúng ta cũng là mô phỏng, và đang đáp ứng lại các cảm giác giả lập được đưa vào. Trong quan điểm này, không hề có Ma trận nào để thoát ra cả. Đây là nơi chúng ta sống, và là cơ hội duy nhất để chúng ta được “sống”. 

Nhưng cớ sao lại phải tin vào một khả năng kỳ dị đến thế? Câu trả lời rất đơn giản: nền văn minh của chúng ta đã đủ khả năng tạo ra các bản mô phỏng rồi, và với công nghệ ngày càng tiến bộ sẽ có thể đạt tới trình độ tối thượng, với các nhân vật có ý thức trải nghiệm mô hình hoàn toàn như đời thực.

Chúng ta tiến hành mô phỏng trên máy tính không chỉ để chơi game mà còn để nghiên cứu. Các nhà khoa học cố gắng mô phỏng các khía cạnh của thế giới theo các cấp độ từ dưới nguyên tử đến toàn bộ xã hội hay các thiên hà, thậm chí toàn vũ trụ. Ví dụ, các mô phỏng máy tính về động vật có thể cho ta biết cách chúng phát triển các hành vi phức tạp như tụ tập bầy đàn. Các mô phỏng khác giúp chúng ta hiểu quá trình hình thành hành tinh, sao và thiên hà. Ta cũng có thể mô phỏng xã hội con người bằng các nhân vật đơn giản đưa ra lựa chọn dựa theo các quy tắc nhất định. Việc này cho chúng ta thấy các quan hệ hợp tác hình thành như thế nào, các thành phố “tiến hóa” ra sao, cách vận hành của giao thông và nền kinh tế, cùng nhiều thứ khác nữa. 

Các mô phỏng này đang trở nên tinh xảo hơn bao giờ hết cùng với năng lực ngày càng mạnh mẽ của các siêu máy tính. Đã xuất hiện một vài mô phỏng về hành vi con người, trong đó các nhà nghiên cứu thử đưa vào khái niệm "ý thức" ở mức độ thô sơ. Các nhà nghiên cứu đã hình dung đến một thời điểm không quá xa, khi việc ra quyết định của các nhân vật giả lập không chỉ dựa trên quy luật đơn giản “nếu… thì…”, mà thay vào đó, họ sẽ trao cho nhân vật mô hình bộ não được đơn giản hóa và chờ xem chúng sẽ phản ứng như thế nào.

Ai nói còn lâu chúng ta mới tạo ra được các nhân vật máy tính – các thực thể ảo – có dấu hiệu của ý thức? Những tiến bộ trong việc tìm hiểu và lập sơ đồ bộ não, cùng với nguồn tài nguyên bao la từ máy tính lượng tử hứa hẹn sẽ biến điều này thành hiện thực nhanh thôi. Nếu đạt được đến giai đoạn đó, chúng ta sẽ tiến hành vô số các mô phỏng, vượt xa thế giới “thực” duy nhất xung quanh mình. 

Vậy có khi nào một nền văn minh nào đó ở đâu đó trong Vũ trụ đã đạt đến trình độ đó rồi? Nếu thật như vậy thì bất kỳ thực thể có ý thức nào như chính chúng ta đây cũng cần nghiêm túc suy nghĩ, liệu mình có thực sự đang sống trong một mô phỏng như vậy, chứ không phải cái thế giới nơi mà thực tại ảo đó được nuôi dưỡng hay không. Khả năng là hoàn toàn có thể.

Nhà triết học Nick Bostrom thuộc Đại học Oxford, Vương quốc Anh đã phân tích kịch bản này thành ba khả năng theo thứ tự: 

  1. Các nền văn minh không bao giờ đạt đến trình độ có thể tạo ra các mô phỏng như vậy, có thể vì họ đã tự tiêu diệt chính mình trước
  2. Hoặc họ đạt được trình độ đó, song vì lý do nào đó quyết định không tiến hành những mô phỏng như vậy
  3. Hoặc chúng ta rất có thể đang ở trong một mô phỏng như vậy. 

Vấn đề là khả năng nào có thể xảy ra nhất.

Nhà vật lý thiên văn, ứng viên giải Nobel George Smoot đưa ra quan điểm rằng chẳng có lý do gì để tin vào (1) hay (2) cả. Hẳn rồi, nhân loại hiện đang tự tạo cho mình quá nhiều vấn đề, từ biến đổi khí hậu, vũ khí hạt nhân đến một đợt đại tuyệt chủng đang chực chờ. Song những vấn đề này chưa hẳn đã là tận thế. Hơn nữa, không có một nguyên lý nào ngăn cấm việc tạo ra các mô phỏng chi tiết như thật, trong đó các nhân vật cảm giác bản thân mình là thậttự do. Smoot cũng nói thêm rằng, với hiểu biết hiện nay của chúng ta về các hành tinh khác (trong đó có một hành tinh giống Trái đất ở rất gần chúng ta), thì sẽ thật ngạo mạn nếu cho rằng chúng ta là nền văn minh tiên tiến nhất trong toàn Vũ trụ. 

Vậy còn lựa chọn (2) thì sao? Có thể hiểu được việc chúng ta ngăn thực hiện các mô phỏng như vậy vì lý do đạo đức. Dường như sẽ là "không phải phép" khi tạo ra các thực thể giả lập luôn tin rằng mình tồn tại thật và có quyền tự chủ.Nhưng điều đó có vẻ cũng không phù hợp, Smoot nói. Suy cho cùng, một lý do cốt yếu thôi thúc chúng ta tiến hành các mô phỏng là để tìm hiểu thế giới thực một cách sâu sắc hơn, từ đó làm cho thế giới tốt đẹp hơn và cứu thêm nhiều sinh mạng. Như vậy dường như có lý do đạo đức để làm việc đó. 

Vậy chỉ còn lại khả năng (3): chúng ta có thể đang sống trong một mô phỏng. Nhưng đây chỉ là giả định, liệu chúng ta có thể tìm ra bằng chứng nào không?

Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng điều đó phụ thuộc vào mức độ giả lập tốt đến đâu. Cách tốt nhất là tìm ra các lỗ hổng của chương trình, giống như những trục trặc đã tố cáo thực tại "giả tạo" của thế giới trong phim Ma trận

Ví dụ như chúng ta có thể khám phá ra sự không thống nhất của các định luật vật lý. Một cách khác là, chuyên gia trí tuệ nhân tạo quá cố Marvin Minsky cho rằng có thể tồn tại các lỗi do làm tròn xấp xỉ trong máy tính. Chẳng hạn như, khi một biến cố có khả năng dẫn đến nhiều kết quả, thì tổng xác suất của chúng sẽ là 1. Nếu chúng ta phát hiện không phải vậy, thì ắt là phải có cái gì đó sai sai. 

Một vài nhà khoa học tranh luận rằng có những lý do thuyết phục để tin rằng chúng ta đang sống trong một bản giả lập. Một trong số đó là thực tế rằng Vũ trụ của chúng ta trông có vẻ như được thiết kế. Các hằng số tự nhiên, như cường độ của các lực cơ bản chẳng hạn, có giá trị trông như được điều chỉnh để phù hợp cho sự sống nảy sinh. Chỉ thay đổi đôi chút cũng sẽ làm các nguyên tử mất ổn định, và các ngôi sao không thể hình thành. Tại sao lại như vậy? Đó là một trong những bí ẩn sâu kín nhất của vật lý. 

Một câu trả lời khả dĩ dựa vào thuyết “đa vũ trụ”. Có thể đang tồn tại rất nhiều vũ trụ, tất cả đều được tạo ra từ các sự kiện kiểu như Big Bang và sở hữu những định luật vật lý khác nhau. Tình cờ một vài trong số chúng được điều chỉnh để phù hợp với sự sống – và nếu không được sinh ra trong một vũ trụ hiền hòa như vậy, chúng ta sẽ chẳng bao giờ phải đặt câu hỏi, vì đơn giản khi đó chúng ta không tồn tại. 

Tuy nhiên các vũ trụ song song chỉ là suy đoán, nên thay vào đó, ít nhất cũng có thể chấp nhận ý tưởng rằng Vũ trụ của chúng ta thực chất là một bản mô phỏng với các tham số được điều chỉnh để cho ra các kết quả thú vị, như các ngôi sao, thiên hà hay loài người. 

Trong khi khả năng xảy ra là có thể, thì việc lập luận lại chẳng đưa chúng ta tới đâu cả. Nói cho cùng thì Vũ trụ “thật” của Đấng sáng tạo ra chúng ta cũng phải được tinh chỉnh sao cho họ có thể tồn tại được. Trong trường hợp đó, việc đặt chúng ta trong một bản mô phỏng cũng không giúp giải thích bí ẩn về sự điều chỉnh này. 

Những người khác lại hướng đến những phát hiện thực sự lạ thường của vật lý hiện đại như là bằng chứng cho thấy có gì đó "sai sai".

Cơ học lượng tử, lý thuyết của những thực thể siêu nhỏ, đã cho ra hàng tá những kết luận dị thường. Ví dụ như cả vật chất và năng lượng dường như đều có dạng hạt. Hơn nữa lại có giới hạn độ phân giải mà chúng ta có thể sử dụng để quan sát Vũ trụ, và nếu cố gắng nghiên cứu ở mức nhỏ hơn độ phân giải đó thì mọi thứ sẽ trở nên “mờ nhạt”. Smoot nói rằng những tính chất khó hiểu đó của vật lý lượng tử chính là những điều chúng ta mong đợi ở một bản mô phỏng, giống như các pixel của màn hình khi bạn nhìn thật gần. 

Tuy nhiên đó chỉ là sự tương đồng thô sơ. Tính chất hạt lượng tử của tự nhiên thoạt nhìn có vẻ không thật cơ bản, nhưng lại dẫn đến các nguyên lý sâu sắc hơn về mức độ chúng ta có thể tìm hiểu thực tại. 

Tranh luận thứ hai là việc Vũ trụ có vẻ được vận hành theo toán học, giống như trong một chương trình máy tính. Theo nhiều nhà vật lí, thực tại nói cho cùng chẳng là gì ngoài toán học. Max Tegmark thuộc Viện Công nghệ Massachusetts cho rằng đó chính là điều ta mong đợi nếu các định luật vật lý được dựa trên thuật toán máy tính. Tuy nhiên lập luận này có vẻ luẩn quẩn. Nếu một trí tuệ siêu việt nào đó đang chạy mô phỏng thế giới “thực” của mình, thì ta sẽ mong đợi họ xây dựng các nguyên tắc vật lý theo vũ trụ của chính họ, giống như chúng ta đang làm hiện nay. Trong trường hợp đó, lý do mà vũ trụ "ảo" của chúng ta mang tính toán học không phải là vì nó được chạy trên máy tính, mà vì thế giới “thật” cũng giống như vậy. 

Mặt khác, mô phỏng không nhất thiết phải dựa trên các quy tắc toán học. Chẳng hạn như chúng có thể được thiết lập chạy ngẫu nhiên. Không rõ việc đó có thể cho ra kết quả nào có ý nghĩa hay không, nhưng quan trọng là chúng ta không thể chỉ dựa vào bản chất toán học rõ ràng của Vũ trụ để suy ra bất kì điều gì về “thực tại” của nó. 

Tuy nhiên, dựa trên những nghiên cứu vật lý cơ bản của mình, James Gates thuộc Đại học Maryland nghĩ rằng có một lý do xác đáng hơn để nghi ngờ việc các định luật vật lý được chỉ đạo bởi mô phỏng máy tính. Gates nghiên cứu vật chất ở cấp độ dưới nguyên tử như hạt quark, thành phần cấu tạo nên proton và neutron trong hạt nhân nguyên tử. Ông nói rằng các định luật chi phối hành vi của các hạt này hóa ra lại có các tính chất giống với các đoạn mã sửa lỗi trong quá trình xử lý dữ liệu của máy tính. Vậy phải chăng các định luật đó thực sự là các đoạn mã? Có thể lắm. 

Mà cũng có thể việc diễn giải các định luật vật lý như là các mã sửa lỗi chỉ là ví dụ mới nhất về cách ông luôn diễn giải tự nhiên trên cơ sở những tiến bộ công nghệ của chúng ta. Đã một thời cơ học Newton dường như biến vũ trụ trở nên máy móc, và gần đây hơn, di truyền học đã được nhìn nhận – trong buổi bình minh của kỷ nguyên máy tính – như một kiểu mã kỹ thuật số với chức năng lưu trữ và thực thi. Có lẽ chúng ta chỉ đang áp đặt quan điểm của mình sang các định luật vật lý mà thôi.   

Sẽ rất khó khăn nếu chúng ta không thể tìm được bằng chứng thuyết phục rằng mình đang sống trong môi trường giả lập. Trừ khi bản mô phỏng đó đầy rẫy những lỗi sai, còn không sẽ rất khó thiết kế một thí nghiệm để cho ra một kết quả không thể chối cãi. 

Có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết được, Smoot nói, đơn giản vì tâm trí chúng ta không dành cho nhiệm vụ đó. Nói cho cùng, bạn thiết kế các nhân vật mô phỏng là để vận hành trong giới hạn các quy tắc của trò chơi, chứ không phải để phá hỏng nó. Vũ trụ này có thể là một chiếc hộp mà chúng ta không bao giờ nhìn ra bên ngoài được. 

Tuy vậy có một lý do sâu sắc hơn giải thích tại sao chúng ta không cần quá lo lắng về việc mình chỉ là những đoạn thông tin được vận hành trong một máy tính khổng lồ. Bởi vì rốt cuộc đó là điều mà một số nhà vật lý nghĩ chính là bản chất của thế giới “thực”. Bản thân lý thuyết lượng tử đang ngày càng được diễn tả bằng các khái niệm của thông tin và máy tính. Một số nhà vật lý cảm thấy, ở mức độ cơ bản nhất của nó, tự nhiên có thể không phải "thuần túy toán học" mà là "thuần túy thông tin": các bit, như 0 và 1 trong máy tính. 

Nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng John Wheeler đặt tên cho khái niệm này là "It From Bit". Theo quan điểm này, mọi sự kiện diễn ra, tính từ mức độ tương tác giữa các hạt cơ bản trở lên, đều là một kiểu chương trình máy tính. "Vũ trụ có thể được xem như một máy tính lượng tử khổng lồ," Seth Lloyd thuộc Viện Công nghệ Massachusetts nói. "Nếu nhìn vào tận ‘gan ruột’ của Vũ trụ - cấu trúc của vật chất ở cấp độ nhỏ nhất – ta sẽ nhận thấy chúng không gì khác hơn là các bit [lượng tử] đang trải qua các quy trình xử lý kỹ thuật số cục bộ." 

Điều này chạm đến điểm cốt lõi của vật chất. Nếu thực tại chỉ là thông tin, thì chính chúng ta cũng không “thật” hơn là bao, bất kể có ở trong một bản mô phỏng hay không. Trong cả hai trường hợp, chúng ta đều chỉ là thông tin mà thôi. Liệu có khác biệt gì không giữa việc thông tin đó được lập trình bởi tự nhiên hay bởi một đấng sáng thế trí tuệ siêu phàm? Rõ ràng chẳng có lý do gì để khác biệt cả - trừ khi, trong trường hợp thứ hai, giả sử đấng sáng thế của chúng ta có quyền can thiệp vào mô hình, hay thậm chí tắt phụt nó đi. Khi đó chúng ta sẽ cảm thấy thế nào nhỉ?

Tegmark, vốn quan tâm tới khả năng này, đã khuyến cáo tốt hơn hết là chúng ta nên ra ngoài đi chơi và làm mọi điều hay ho trên đời đi, đề phòng trường hợp đấng sáng thế lên cơn buồn chán! Câu nói này có lẽ chỉ nửa đùa nửa thật thôi, vì dù sao thì chắc chắn vẫn có những lý do hay hơn để sống tốt, ngoài việc sợ mình sẽ bị xóa bay đi mất. Nhưng nó lại vô tình tiết lộ vài vấn đề của ý tưởng tổng thể. Ý tưởng rằng vị giả lập viên siêu trí tuệ thốt lên: “Ôi nhìn kìa, cái này chạy dở quá – tắt đi làm lại thôi!” là sự nhân hóa một cách khôi hài. 

Cuộc tranh luận về ba khả năng của Bostrom bao hàm một kiểu tương tự với thuyết duy ngã. Đó là một nỗ lực nhằm mô tả Vũ trụ thật sâu sắc từ những hiểu biết của loài người ở thế kỷ 21. Cuộc tranh luận có thể được quy lại thành: "Chúng ta tạo ra trò chơi điện tử. Tôi cá là các “siêu nhân” cũng làm vậy, có điều sản phẩm của họ quá tuyệt vời!” 

Khi cố tưởng tượng ra những gì mà các trí tuệ siêu việt có thể đã làm, hay thậm chí thứ gì đã làm nên họ, chúng ta không có lựa chọn nào ngoài việc bắt đầu từ chính bản thân mình. Nhưng không được để điều đó che mất sự thật rằng chúng ta đang dệt một tấm lưới từ một sợi dây đầy những thiếu sót. Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà nhiều người ủng hộ thuyết “vũ trụ mô phỏng” cũng đồng thời là fan cuồng của phim khoa học viễn tưởng từ lúc còn nhỏ. Điều đó có thể tạo cảm hứng để họ tưởng tượng về tương lai và trí tuệ ngoài hành tinh, nhưng cũng có thể là định kiến khiến họ quy chụp những tưởng tượng đó sang con người.

Có lẽ đã quan tâm tới những hạn chế như vậy, nhà vật lý từ Đại học Harvard Lisa Randall cảm thấy bối rối bởi sự nhiệt tình mà vài đồng nghiệp của mình thể hiện đối với phỏng đoán về vũ trụ giả lập này. Theo cô, chúng chẳng thay đổi điều gì về cách chúng ta nhìn nhận và tìm hiểu thế giới cả. Phản bác của cô không chỉ là “nếu đúng thế thì sao”, mà là câu hỏi ngược lại về cách chúng ta định nghĩa “thực tại”. Dĩ nhiên Elon Musk sẽ không đi lòng vòng và tự nhủ rằng mọi người xung quanh, cả bạn bè và gia đình mình, đều là những thực thể được tạo ra từ những dòng dữ liệu nhập vào máy tính và mã hóa cho cả ý thức của chính mình. 

Ông không làm vậy, một phần vì không thể lưu giữ hình ảnh đó trong đầu trong một khoảng thời gian dài, nhưng quan trọng hơn, là vì từ sâu thẳm tâm trí, chúng ta hiểu rằng thực tại duy nhất có ý nghĩa là thực tại mà chúng ta đang sống, chứ không phải một thế giới giả thuyết đứng “đằng sau” nó. 

Tuy vậy việc tự vấn cái gì đứng “đằng sau” những hình thức và cảm giác chúng ta trải nghiệm không hề là mới. Các triết gia đã làm việc đó hàng thế kỷ nay rồi.

Nhà thông thái Plato đã từng tự hỏi thực tại mà chúng ta tiếp nhận liệu có phải chỉ là những cái bóng hắt lên vách hang hay không. Nhà triết học Immanuel Kant lại tuyên bố rằng, trong khi tồn tại những “bản thể” nằm bên dưới những hình thức mà chúng ta cảm nhận được, thì chúng ta lại không bao giờ nhận thức được chúng. René Descartes thừa nhận, qua câu nói nổi tiếng “Tôi tư duy tức là tôi tồn tại”, rằng năng lực suy nghĩ là tiêu chuẩn duy nhất có ý nghĩa cho sự tồn tại mà chúng ta có thể khẳng định. 

Ý tưởng “thế giới được giả lập” kế thừa những quan điểm xa xưa đó và bao trùm lên những công nghệ mới nhất của chúng ta hiện nay. Chẳng hại gì ai cả. Cũng như nhiều câu đố triết học khác, nó buộc chúng ta phải xem xét lại những giả định và định kiến của mình. Nhưng chừng nào bạn chưa chỉ ra được việc phân biệt những gì ta cảm nhận và những gì “thật” có thể dẫn tới những khác biệt nhận thấy được, thì nó vẫn không làm thay đổi đáng kể nhận thức của chúng ta về thực tại. 

Trong những năm đầu thế kỷ 18, nhà triết học George Berkeley đã tranh luận rằng toàn bộ thế giới chỉ là một ảo giác. Gạt đi ý tưởng đó, nhà văn nổi tiếng bộc trực người Anh Samuel Johnson tuyên bố "Tôi phản đối" và vung chân vào một hòn đá. 

Johnson thực sự chẳng bác bỏ được điều gì cả. Song có thể ông đã phản ứng đúng với điều đó.

Chủ đề chính: #thuyết_âm_mưu

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn