Kokoro Vì gió vẫn thổi và ta phải tiếp tục sống và mơ ước dù biết ngọn gió cuộc đời không lặng bao giờ

Giải mã ảo thuật David Copperfield: Làm biến mất tượng Nữ Thần Tự Do

Đăng 5 năm trước

Trong màn sương huyền bí của thế giới ảo thuật, David Copperfield vẫn luôn là ngôi sao sáng rực rỡ nhất mọi thời đại.

Ngay cả những người không thật sự đam mê ảo thuật chắc chắn cũng phải biết đến tên ông. Là ảo thuật gia thành công nhất trong lịch sử về mặt doanh thu, David Copperfield nổi tiếng với những màn trình diễn thót tim, những đại cảnh hoành tráng và lối diễn xuất hút hồn một cách tự nhiên.

Trong số những kiệt tác để đời của mình, màn ảo thuật làm biến mất tượng Nữ Thần Tự Do vào năm 1983 có lẽ chính là "thương hiệu" của Copperfield. Trước hàng ngàn khán giả trực tiếp và hàng triệu cặp mắt theo dõi qua truyền hình, ông đã hô biến công trình đồ sộ mang tính biểu tượng của nước Mĩ hóa thành hư vô chỉ với một bức màn mỏng manh!

MÀN "CHƠI ĐÙA" VỚI BỨC TƯỢNG KHỔNG LỒ ĐÃ TRỞ THÀNH HUYỀN THOẠI

Để thêm phần "sinh động", Copperfield đã đánh dấu bức tượng bằng các ngọn đèn lớn xếp thành vòng tròn, dùng tới cả màn hình radar và đèn pha rà quét để chứng minh rằng bức tượng thật sự đã "bốc hơi" không tăm tích. Một màn trình diễn không tưởng! 

Vậy Copperfield đã làm thế nào?

VÉN MÀN BÍ MẬT

Sự thật hóa ra lại đơn giản hơn ta tưởng rất nhiều. Trên thực tế David Copperfield không hề làm biến mất bức tượng, bởi đó hiển nhiên là điều không thể. Ông cũng không dời nó đi đâu cả, mà chọn cách dễ hơn, đó là di chuyển các khán giả

Toàn bộ những người có mặt tại hiện trường, cũng như bản thân Copperfield, được đặt trên một "sân khấu" giả có thể chuyển động được. Khi tấm màn được kéo lên, sân khấu này xoay nhẹ sang bên phải - một cách cực kì êm ái. Phần nhạc nền cỡ lớn của màn trình diễn cũng góp phần che đậy âm thanh và những rung lắc rất nhỏ của chuyển động này.

Như vậy khi tấm màn được kéo xuống, trước mắt khán giả dĩ nhiên sẽ là khoảng không trống rỗng, bởi bức tượng thực sự đang khuất sau cột trụ bên trái dùng để giữ tấm màn.

Những chi tiết khác có lẽ ai cũng đoán được. Một vòng tròn đèn thứ hai được bật lên giống hệt vòng cũ để đánh lừa khán giả về vị trí của bức tượng, màn hình radar cũng chỉ là một đạo cụ cao cấp mà thôi. Và nói cho cùng thì, những người trực tiếp có mặt kia chắc gì đã là "khán giả" thật!

SƠ HỞ CỦA COPPERFIELD

Nếu để ý kĩ bạn sẽ nhận ra một "sai lầm chết người" của David Copperfield trong màn ảo thuật này. Màn hình radar trước và sau khi bức tượng biến mất có khác nhau: một vết lóa sáng mới xuất hiện (có lẽ là của đèn sân khấu) đã chứng minh có sự thay đổi vị trí của màn hình này, cũng chính là sự xoay của cả "sân khấu" giả mà ekip đứng trên đó.

Mánh khóe chỉ có vậy, song điều làm người ta nhớ mãi về màn ảo thuật đại tài này có lẽ chính là thông điệp mà David Copperfield đã nhắn gửi: Ông muốn cho cả thế giới thấy sự tự do đáng quý đến thế nào, và thật "dễ dàng" để chúng ta có thể tự tay làm nó biến mất.

Chủ đề chính: #giải_mã_ảo_thuật

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn