Huỳnh Anh Trần Hướng nội và cầu toàn

Giáo dục và 'Con nhà người ta'. Thảm đỏ hay thảm họa?

Đăng 5 năm trước

Có bao giờ bạn nghe cái tên 'con nhà người ta' chưa nhỉ? 'Con nhà người ta' chăm chỉ học hành; 'con nhà người ta' thủ khoa trường A, á khoa trường B; 'con nhà người ta' nấu cơm như bàn tiệc rồi mời ba mẹ lên ăn, còn con bla bla; vân vân và vân vân. Làm 'con nhà người ta' có oai đến thế sao?

1. "Con nhà người ta" do đâu mà có?

Từ lâu, dường như trong vô thức mà hình thành trong suy nghĩ của cha mẹ cụm từ "con nhà người ta" dùng để so sánh con người khác và con mình. "Con nhà người ta" kẻ thù chung mà trẻ em Việt Nam muốn "bắn bỏ",  là một hình ảnh hệt trăng soi đáy nước, tưởng hữu hình hóa ra lại vô hình. Vì sao ư? Bản chất cha mẹ chỉ nhìn một góc phiến diện nào đó của "con nhà người ta", góc nhỏ mà con mình không tốt để so sánh. Nói chung lại một vấn đề, "con nhà người ta" cơ bản chính là một phép so sánh để cha mẹ so sánh với con cái của mình. Đó chính là bản chất vấn đề.

2. Tại sao phải cần so sánh con mình?

Đôi lúc sự so sánh thực sự là cần thiết. Dù thế nào thì ta cũng phải thừa nhận điều đó. Nếu không có sự so sánh với "con nhà người ta" thì quả thật cũng kéo theo vài hệ lụy đấy. Xét từ góc nhìn của đấng sinh thành, họ đưa ra quan điểm cần hình tượng "con nhà người ta" vì:

  • Đặt cho con hình tượng để phấn đấu.
  • Mong con hơn con người ta cho nỡ mày nỡ mặt
  • Để con dần hoàn thiện bản thân mình   

3. Suy nghĩ của những người là nạn nhân của vấn nạn " con nhà người ta" là gì?

Các đấng sinh thành với câu cửa miệng: " con nhà người ta" có bao giờ lắng nghe lời con họ nói chưa nhỉ? Nó được gọi nó là vấn nạn và trẻ em còn đang tuổi ăn tuổi lớn hay thậm chí là những người đã trở thành sinh viên và trong số đó còn có  những người đứng ở bậc thang trưởng thành "đầu hai thứ tóc",họ vẫn bị gọi là nạn nhân của "nạn "con nhà người ta"" bởi sự tác động nặng nề của nó.Sự tác động ấy lên tâm hồn của các nạn nhân, đặc biệt là trẻ em, thực quá ghê gớm. Những cái mà trẻ con bây giờ được "nhồi nhét" vào não là gì? Chúng phải học, học cả ngày, học "chết đi sống lại" để chạy theo chính sách thay đổi "Xoành xoạch" của các vị bộ trưởng để thi vào lớp 6, vào lớp 10, vào trường chuyên hay trường làng, vào cao đẳng hay học nghề, theo công lập hay "gồng mình" để cha mẹ chi trả cho học phí cho tư lập. Hằng ngày chúng học những gì? Học chính quy một ngày 8 tiếng ở trường, học thêm từ 18 giờ kéo dài đến 21 giờ. Học thêm tiếng Anh, tiếng Nhật, Toán, Anh văn, Vật lý, Hóa học, Văn học, Sinh học,.. hay còn nhiều hơn thế nữa. 

Thanh xuân, tuổi thơ năm xưa của các vị là gì? Là con trâu giếng nước, là cây khế bờ ao, là khúc hát đồng dao, là sáo diều cao vút. Còn chúng con, ngày nay có gì? Tuổi thơ của chúng con đơn giản hơn nhiều: một đường thẳng qua năm điểm và chỉ được quay trở lại khi đến điểm cuối : nhà, trường học, quán ăn ven đường, trung tâm bồi dưỡng và nhà giáo viên dạy kèm. Sau khi kết thúc 11 giờ "cày", chúng con còn phải làm bài tập, học thuộc bài,...Bình quân chúng con một ngày làm việc khoảng 12 tiếng liên tục( nếu may mắn có được giờ ngủ trưa). 

Các vị dùng ngày xưa của mình để so sánh: “Bằng tuổi con bây giờ, ngày xưa mẹ đã phải đi làm đồng,đi bán hàng, đi kiếm tiền, đi lao động… (nói chung là ngoan). Bằng tuổi con ngày xưa mẹ không có bao giờ cãi bà, mẹ nghe lời ông, mẹ học giỏi… (nói chung là cũng ngoan), Bằng tuổi con ngày xưa ba đâu có được dùng điện thoại, đâu có được xem ti vi, không được ăn gà rán, nhưng vẫn lao động và học tập rất giỏi… (nói chung là vô cùng ngoan)." Đấy là mặt nổi mà các vị cho con biết, mặt chìm thì sao ạ? Con thực không dám xúc phạm, tuy nhiên, đó là điều mà chúng con ao ước hỏi dù chưa bao giờ dám. Các vị kể cho chúng con nghe thành tích học tập lẫy lừng, kể cho chúng con nghe mình "con nhà người ta" thế nào, vậy các vị có bao giờ nhìn và so sánh hai nền giáo dục xưa và nay chưa ? Ngày xưa các vị có thi chuyển cấp tổ hợp 4 môn kèm Toán và Văn như chúng con không? Ngày xưa huy hoàng của các vị có học thêm không? Ngày xưa các vị có bị ép buộc học những gì mình không thích hay không? Ngày xưa các vị tốt nghiệp cấp 3, điểm 0 là điểm liệt, còn tương lai, thế hệ chúng con mai sau, 3 điểm còn gọi là liệt, và hiện nay, năm học 2017-2018, điểm liệt là 1. Các vị có hiểu cho chúng con không?

Các vị ơi, não bộ con người chỉ đạt được một giới hạn nhất định thôi. “Theo ước tính thì bộ nhớ não người có dung lượng vào khoảng vài petabyte,” (1 petabyte bằng 1 triệu gigabyte) giáo sư Reber cho biết. Thật buồn cười là hơn 64% dân số chỉ dùng được 10% dung lượng não. Các vị nghĩ thử mà xem. Nhìn vào nên giáo dục Phần Lan và so sánh lần cuối. Học sinh Việt Nam như chúng con thì bị buộc chặt với "mớ' bài tập cao tựa núi, thì Phần Lan, lượng bài tập cũng tương đối ít và học sinh chỉ có một kỳ thi bắt buộc năm 16 tuổi. Một lần thi duy nhất, con xin nhấn mạnh là duy nhất, duy nhất một lần. Còn chúng con thì sao ạ? Một năm thi 4 lần, mỗi lần là đề cương lại như núi chất chồng, học thuộc lòng làu làu. Mười hai năm, "mớ" núi tài liệu kia tăng lên theo cấp số mũ theo độ gần với ngày thi Đại học. 

Cũng áp lực, cũng căng thẳng, tuy nhiên, hãy nhìn cường quốc trong khu vực Đông Nam Á thôi nhé: Singapore. Họ đưa học sinh đến với thực tế thay vì ngồi lì trong lớp bấm máy tính hay vắt kiệt chất xám của não với bài toán hình cao siêu không một thông số. Như ở Singapore, học sinh được dạy kĩ năng dựng hình chính xác và đo. Áp dụng thực tế.

Các vị thử nghĩ giúp chúng con nhé! Các vị có bột làm bánh trung thu, các vị muốn chiếc bánh trung thu, nhưng lại có chiếc khuôn làm rau câu . Phải làm sao đây? Nặn thủ công sao, bánh có đẹp không? Nhưng vẫn hơn so với việc làm bánh trung thu từ khuôn rau câu, nhỉ? Mỗi người mang một bộ gen khác nhau, thậm chí họ chỉ giống ba mẹ họ một đoạn gen nào đó thì làm sao chỉ dùng một phương pháp để giải đáp cho tất cả? Mỗi chiếc bánh cần một khuôn, con cần chiếc khuôn cho riêng chiếc bánh cuộc đời con, bạn cũng cần cho riêng bạn. Không trường chuyên, không lớp chọn, không "ông to bà lớn", có lẽ chúng con làm ba mẹ cảm thấy mất mặt, tuy nhiên, đó là cuộc đời của con. sống cho chính con. Có thể "Con nhà người ta" lương vài chục triệu một tháng cho mẹ cha họ nhà cao cửa rộng, còn chúng con không thể cho cha mẹ điều đó, nhưng ít nhất,chúng con đã là chính mình. Cha mẹ luôn mong con nhất lớp, nhất trường. Nhưng cha mẹ ơi, người đã bao giờ nghĩ chưa, Bill Gates đã nói “Tôi đã thi trượt một số môn, nhưng bạn tôi thì đã qua tất cả. Bây giờ anh ta là một kỹ sư trong Microsoft còn tôi là chủ sở hữu của Microsoft" và ông cũng từng nói "Tôi đã học tất cả mọi thứ nhưng chưa bao giờ đứng đầu… Nhưng ngày nay những người đứng đầu của những trường đại học tốt nhất là nhân viên của tôi". Khả năng của chúng con chính là thứ đưa chúng con đến vinh quang chứ không phải là khuôn khổ. 

Như học tập trong nền giáo dục hiện nay, chúng con cần học "bao thầu" mười một môn, là mười một môn chứ không phải ba môn cho tổ hợp đại học. Thực sự thắc mắc, tại sao phải ép chúng con đến thế. Một thẩm phán học toán đạo hàm làm gì? Một bài toán hình học chỉ cần dựng hình đúng tỉ lệ có thể tìm ra đáp án, sao lại phải đi lòng vòng? Một họa sĩ thì học công nghệ, lắp ráp mô tơ máy móc để làm gì? Một nữ sinh cận thị khoảng tám độ thì học ráp súng,bắn súng làm gì khi cơ bản không thể dùng trong cuộc sống thực tế và cô ấy cũng không thể tham gia tình nguyện? Một học sinh theo ngành Y lại phải "cong lưng gánh tạ" của viết chương trình Pascal và súyt ở lại lớp. Học nó làm gì khi tương lai người đó sẽ mặc blouse trắng ngồi phòng phẫu thuật cứu người? Đó là bất cập mà chúng con phải đối mặt

Làm bất kì thứ gì, con cần hai thứ: đam mê và thiên bẩm, nó hòa vào nhau tồn tại trong cùng một con người làm bật lên điểm mạnh của họ. Ai sinh ra cũng có một vị trí riêng. Xin đừng ép chúng con vào nền giáo dục khuôn khổ, đừng so sánh chúng con với một người nào cả, vì chúng con là bản thân mình,là một bộ gen khác nhau hoàn toàn. Chúng con ghét cụm từ "con nhà người ta" lắm. Cha mẹ nhé, đừng so sánh con với ai cả, vì con của cha mẹ cũng là con nhà người ta trong mắt cha mẹ người khác đấy! Làm ơn, hãy xóa nó ra khỏi cuộc sống ngày nay, cha mẹ ơi..

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn