Hồ Huy Thích viết lách và trải nghiệm du lịch.

Gọi nắng ở Cực Đông

Đăng 5 năm trước

Tôi đã gọi nắng ở Cực Đông bao lần? Tôi đã giấu Đại Lãnh bao năm? Tôi đã nặng lòng Phú Yên bao thủa? Làm sao mà nhớ được, bởi cuộc đời là những chuyến đi.

Tôi đi qua và dừng lại ở Phú Yên dễ đến trăm lượt nhưng lần đầu tiên  đặt chân lên mảnh đất này trong một lần tránh bão khẩn cấp năm 2004. Bạn cứ tưởng tượng Vũng Rô như một cái hồ lớn, hoặc nếu thu nhỏ lại có thể xem như cái ao làng được che chắn bởi 3 dãy núi cao là Đèo Cả, Đá Bia và Hòn Bà từ 3 hướng bắc, đông và tây, hướng Nam của vịnh là đảo Hòn Nưa. Vì vậy Vũng Rô là một điểm lý tưởng để cho tàu bè neo đậu tránh bão. Nó như một nơi bí mật nhất mà tạo hóa sắp đặt để đón những bình minh.

Tôi nhớ ngày đó Vũng Rô bình lặng và kín tiếng chứ không phô trương bè nổi bè chìm ăn nhậu quá xá như bây giờ. Sau khi cho tàu vào vị trí neo đậu ổn định tôi theo ghe của các anh biên phòng cập bến. Từ hướng Khánh Hòa, vượt lên đèo Cả  tôi mê man ngưỡng vọng Vũng Rô. Trời ơi là trời đèo đổ miên man đèo. Đất ơi là đất dốc sa sẩm dốc. Trước đây tôi chỉ đứng từ dưới biển để ngắm nơi này, còn bây giờ tôi đứng từ nơi này để ngắm trùng trùng khơi xa. Vịnh Vũng Rô tựa như chiếc gương khổng lồ nằm lọt thỏm giữa những dãy núi sừng sững như sừng bầy thú hoang quây tụ thành đàn trên thảo nguyên mờ xa mịt mùng.

Hôm sau trước lúc con gà rừng le te ven sườn núi, tôi theo chân người anh em biên phòng bò lên Mũi Điện. Đến Phú Yên nhất định bạn phải có mặt ở nơi này. Để làm gì? Để gọi nắng ở Cực Đông…Mũi Điện hay còn gọi là mũi Đại Lãnh thuộc thôn Phước Tân, xã Hòa Tân, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Không chỉ nổi tiếng là nơi đón những tia nắng đầu tiên trên đất liền, Mũi Điện còn sở hữu phong cảnh hoang sơ như bị người đời bỏ quên trong những bạt ngàn cổ tích.

Có 2 con đường để bạn lên Mũi Điện, một là đi qua Bãi Môn sau đó leo lên sườn núi và một đường đi thẳng lên núi nhưng xa hơn một chút. Tôi và người anh em biên phòng đã băng qua bãi Môn sau đó hăm hở bạt dốc mà chém gió, đạp đất mà vin sương để leo lên đỉnh thiên đường. Và gọi nắng ở Cực Đông. 

Thời gian leo lên đỉnh thì lâu vậy nhưng bạn hãy nhớ cho rằng khoảnh khắc bình minh vô cùng ngắn ngủi, mặt trời từ lúc nhú ra đến khi ửng đỏ rồi chan hòa ánh sáng cũng chỉ nhanh như chú gà con tách vỏ trứng tròn mà nhao ra đời chiêm chiếp. 

 Với những ai đam mê khám phá những điểm đến độc đáo của Việt Nam, cực Đông là một trong 4 cực “nên đến ít nhất một lần trong đời” nếu muốn đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam.

Nếu như Tôi nợ Quy Nhơn một tiếng thở dài thì với Phú Yên tôi lại nợ bao lần thắc thỏm những bình minh. Không hiểu vì lý do gì mà tôi thường lướt qua Đại Lãnh vào đêm, chỉ nhìn thấy những Mắt biển đêm dài và chân trời xa viễn vọng. Có một điều đáng nhớ nữa là khi băng qua vùng Đại Lãnh thủy triều thường rất mạnh, nếu tàu đang chạy với vận tốc 10 hải lý một giờ khi chạm tới dải nước này sẽ tăng lên tới 15 hải lý một giờ. 

Cột cờ Lũng Cú, Hà Giang từ lâu được biết đến là điểm cực bắc Tổ quốc. Tuy nhiên, thực tế, tọa độ cực bắc được xem là chính xác còn cách cột cờ Lũng Cú vài km nữa.Ở cực nam, Cà Mau, mốc GPS001 cùng biểu tượng con tàu Đất Mũi cũng chưa phải là tọa độ chuẩn. Điểm tương đối chính xác phải là bờ biển ở phía nam thuộc Khu du lịch Khai Long.Hai điểm cực này chưa phải tọa độ chính xác nhưng vẫn trong cùng một tỉnh. Còn cực đông gây tranh cãi này lại nằm ở hai tỉnh gần nhau, Mũi Điện thuộc Phú Yên và Mũi Đôi thuộc Khánh Hòa. Nhưng với tôi từ lâu Mũi Điện hay còn gọi là mũi Đại Lãnh mặc định là cực Đông thiêng liêng của tổ quốc. Hơn nữa khi xác định vị trí trên hải đồ thì rõ ràng cực Đông là Mũi Điện

Hiện nay, gần hải đăng Mũi Điện (hải đăng Đại Lãnh), người ta có xây dựng một tấm bảng bằng đá hoa cương ghi dòng chữ “Điểm cực đông – Nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam”. Một điểm đông khác lại được cộng đồng du lịch bụi xác định tọa độ thông qua GPS, đánh dấu bằng một cái chóp inox trên tảng đá khá cao ở Mũi Đôi. 

Nhưng tôi vẫn tin tưởng vào cách xác định tọa độ bằng hải đồ dựa trên hệ thống định vị toàn cầu là chuẩn xác.Không có tài liệu, văn bản chính thức nào ghi tọa độ cực đông. Tuy nhiên,  sách giáo khoa Địa lý lớp 12 – Tái bản lần thứ 3 năm 2011 của Nhà xuất bản giáo dục có ghi “Cực đông tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa”.

Càng đi lên cao cảnh vật càng đẹp với khung cảnh biển trời mênh mông xung quanh. Vào trong ngọn hải đăng và leo hơn 110 bậc thang gỗ, toàn cảnh thiên nhiên đẹp lộng lẫy như được thu gọn vào trong tầm mắt. Đứng trên đây, bạn như được đắm chìm vào tuyệt tác thiên nhiên đẹp rực rỡ của biển trời và non núi mà tạo hoá đã ban tặng cho cảnh vật nơi này. Từng cơn gió mát rượi thổi lên cao mang theo hương vị biển mặn mà khiến ta cứ muốn hít thật sâu và tận hưởng trọn vẹn không gian khoan khoái mát lành.Tôi đã gọi nắng ở Cực Đông bao lần? Tôi đã giấu Đại Lãnh bao năm? Tôi đã nặng lòng Phú Yên bao thủa? Làm sao mà nhớ được, bởi cuộc đời là những chuyến đi. 

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn