Dorothy Tran

Hành trình chữa bệnh ung thư cho con - Thải độc và phục hồi (Phần 2)

Đăng 5 năm trước

Đây là chia sẻ của chị Trang Nguyễn (Quận 7, TP HCM) về hành trình chữa bệnh ung thư nguyên bào thần kinh tuyến thượng thận phát hiện giai đoạn cuối lúc con được 9 tháng tuổi...

Ngày viết: Thứ bảy, ngày 30 tháng 9 năm 2017 

Thải độc

Định rằng sẽ để khi khối u chỉ còn 0x0mm thì sẽ viết để bài viết trọn vẹn hơn. Nhưng khi thấy tin nhắn của một bạn có mẹ bị ung thư vú mà bác sỹ khuyên ăn thịt bò, thịt chó, uống sữa bò để có sức xạ trị là tôi cảm thấy bức xúc. Mỗi lần xúc động là tay không thể rời bàn phím được. Và cảm giác là nợ mọi người một bài viết. Kể từ khi khối u của con giảm còn 52x26mm, tôi lại càng tin tưởng hơn nữa vào sự kỳ diệu của tạo hóa nói chung và thực dưỡng nói riêng. Càng tìm hiểu thì càng biết rằng mình đã đi đúng hướng, chỉ cần niềm tin này, ở vững nơi đây, nơi con tim của mẹ và em, thì hai mẹ con chỉ cần hướng về phía trước, mặc kệ khối u nó nằm ở đó. Sau đợt khám này về, con bắt đầu có dấu hiệu nổi rôm sảy khắp người, lưng thì đầy những vết thâm, lốm đốm. Tôi cứ nghĩ là rôm sảy bình thường thôi. Nhưng càng ngày con càng ngứa hơn, nên tôi cho chị Bình xem tình trạng của con, thì chị bảo con đang thải độc, hết giai đoạn này thì con sẽ khỏi và mẹ tắm trà xanh với muối cho con. Mặc dù đã đọc qua tình trạng thải độc trong sách và nghĩ là không sao đâu nhưng tới khi chị khẳng định thì tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Lúc ngủ thật sự là cực hình của cả con lẫn mẹ, dù đã nhắm mắt ngủ nhưng tay thì vẫn cứ gãi, gãi tới rướm máu, chảy máu, gãi xong đau quá, dậy khóc, bú rồi lại ngủ, rồi lại gãi, mẹ phải chà phụ em để em được ngủ ngon. Ngứa chưa xong rồi mắt lại đổ ghèn, ghèn đặc cả hai mắt, rồi thì ghèn xanh, ghèn vàng. Trước khi ngủ đã lau sạch, thì sáng ra lại dày đặc. Mất cả tuần, rửa bằng nước muối sinh lý (cũng hạn chế dùng, chỉ rửa một lần vào sáng sớm) và nhỏ sữa mẹ mắt con mới sạch hết ghèn. Mỗi lần rửa là cực hình đối với mẹ và con, vì chỉ cần giơ chai lên là con đã la hét, còn nhỏ sữa mẹ thì toàn là đợi lúc con ngủ hoặc là…..ép thì mới nhỏ được. 

Giai đoạn rôm sảy và ghèn đặc qua đi, là lúc da con bị khô lại, sần sùi, và ngứa kinh khủng. Con gãi đến mức cái đầu trắng xóa, từng vệt da bong lên nhìn thấy thương vô cùng. Mẹ bôi dầu dừa cho em suốt nhưng chỉ đỡ chứ không hết và cứ khô lại hoài. Cuối cùng được giới thiệu bôi dầu mè thì nỗi khổ của con mới được giải tỏa, làn da mềm lại, đỡ ngứa đi nhiều. Cám ơn thiên nhiên và cuộc sống đã ưu đãi hai mẹ con. Một trong những việc thải độc mà khiến mẹ mệt mỏi nhất là việc đi tiểu của con. Đi tiểu liên tục, ban đầu là 1 tiếng, sau đó là nửa tiếng, sau nửa là 15 phút có khi chỉ 5 phút là đi. Bình thường con đi tiểu có giờ có giấc, biết ra hiệu cho mẹ lấy bô (con ngồi bô từ hồi 7 tháng, và sau khi tìm hiểu về lợi, hại của việc xi tè thì mẹ quyết định chọn xi cho em khi em 4 tháng). Có khi 1 ngày con tiểu ướt cả chục cái quần, đến ngày thứ 3 thì mẹ mới cho con mặc tã (bình thường con không mặc tã, chỉ mặc tã khi nào con bệnh, hơi sốt thì buổi tối mặc để con ngủ êm, hoặc khi đi ra ngoài thì mới cho mặc tã, còn tối ngủ thì khi mắc tiểu con sẽ dậy e é lên, cho ngồi bô rồi ngủ tiếp). Việc đi tiểu không kiểm soát của con kéo dài 2 tuần, và hiện tại thì mọi thứ đã trở lại bình thường. Tiêu tiểu đã gọi mẹ (Lắm lúc không tiêu tiểu cũng kêu ngồi bô để… cầm sách!) Lúc này Chị Bình tiếp tục hướng dẫn tôi áp nước gừng và dán cao khoai sọ cho con. Ban ngày sẽ áp nước gừng 3 lần, mỗi lần tầm 20 phút, buổi tối trước khi con ngủ sẽ đắp cao khoai sọ. Mẹ vụng về những lần đầu đắp cao chảy ra, dính hết cả bụng, khiến con khó chịu, lại khóc. Mãi tới ngày thứ 3, 4 mới biết mua băng keo về dán (mẹ đoảng quá). Dán băng keo thì miếng cao chắc chắn, con ngủ ngon, nhưng sáng ra thì hỡi ôi, băng dính, phải tháo từ từ, và rồi… lại khóc. Mỗi lần dán cao xong mà đụng vào bụng, hay giở áo lên xem là con khóc, dù là đang ngủ, con không muốn ai dòm ngó hết đâu! Ngày đầu tiên đắp cao, chỗ cao đắp màu nâu nâu, nghĩ là do độc tố được hút ra, mà cũng có thể là cao bị oxy hóa nó nâu vậy, nên lần thứ 2 đắp cho con, mẹ đắp lên đùi mẹ để xem hiện tượng có giống vậy không thì sáng ra, miếng cao của con và miếng cao của mẹ khác nhau hoàn toàn, cao của mẹ vẫn còn màu ngà trắng, trong khi của con thì nó nâu, gừng trộn lẫn trong khoai sọ thì có nâu đỏ và có mùi hơi tanh (mới đầu trộn cao sẽ nghe mùi thơm của gừng và khoai sọ). Vậy là mẹ biết cao đang hút độc tố con dần dần. Mẹ kiên trì đắp cho con trong 2 tuần rồi ngưng. 

Chế độ ăn uống

Về chế độ ăn, đây cũng là một vấn đề phải đấu tranh không ngừng! Mẹ ăn thực dưỡng, cho con bú, con ăn cháo dưỡng sinh. Vâng mỗi ngày tôi đều thực hiện bài chú đó. Nhưng con là đứa ăn thích ăn thô, thích nhai, thích cầm. Vừa ăn cháo xong, thấy ai ăn gì là cũng sáp lại gần xin để ăn. Nào là bim bim, nước ngọt, cơm gạo trắng, bánh, trái cây,…. Những thứ đó con đâu được ăn! Vậy là mẹ phải tìm cách để làm sao con có thể ăn đúng mà không thấy chán. Rồi phát hiện món cốm ống (một dạng bim bim). Và nơi mẹ mua đồ thực dưỡng cho con cũng bán cốm ống gạo lứt. Lần đầu tiên con ăn cốm thấy thương, ngốn lấy ngốn để, mặc dù chỉ là gạo lứt nổ lên thôi, nhưng món ăn này của con cũng khiến mấy dì ở nhà ghiền (lần đầu ăn mấy dì đâu thích vì nhạt nhẽo, nhưng càng ăn thì lại càng ghiền). Tới giai đoạn con không ăn cháo nữa, cho vào là mím môi lại, đến ngày thứ 2 con vẫn không ăn mà đói thì chỉ ăn cốm, làm tôi thấy bất lực và mệt mỏi nữa. Rồi lại đọc và vô tình lại thấy “con biếng ăn thì cho uống trà gạo lứt để hỗ trợ tiêu  hóa, tốt cho gan, thận, nên lật đật mua cho con uống. Trộm vía con uống 1 lần là ăn trở lại bình thường, một cách ngon lành. Vấn đề cháo, bánh được giải quyết. Về trái cây, được khuyến cáo tốt nhất là tránh hết nhưng con lại là đứa thèm trái cây, thấy ăn là xáp lại, không được cho ăn thì giận dỗi, khóc lóc. Thế là tôi lại tìm đọc trong cuốn THỰC DƯỠNG ĐẶC TRỊ CÁC BỆNH UNG THƯ (The cancerprevention diet)

Trái cây: thỉnh thoảng dùng trái cây khí hậu ôn đới: Táo, mơ, dâu tây, dưa đỏ, cherry, nho, bưởi, dưa tây, cam, đào, lê, mâm xôi, dâu rừng, quýt, dưa hấu. Tránh ăn: trái cây vùng nhiệt đới: chuối, dừa, chà là, sung, kiwi, xoài, đu đủ. Vậy nên tôi chỉ cho con ăn một ít. Thật ra tôi là người cầu toàn, đặc biệt với sức khỏe bệnh tật thì đòi hỏi phải tuyệt đối, cứ theo đó mà làm, tốt thì phải áp dụng triệt để, không tốt thì phải tránh thật xa. Vậy nên hay bị nghe “lâu lâu ăn một miếng đâu có sao, ngày nào cũng ăn nó ngán”. Ngán nhưng cũng phải ráng chứ biết sao bây giờ? Chỉ cần một lần ăn sai thì cơ thể lại phải mất thời gian giải độc cho cái thứ sai đó mà lẽ ra  nó phải tập trung vào việc giải độc khối u. Cứ mỗi ngày một ít ăn bậy vào miệng thì đến bao giờ mới thấy ánh bình minh của sức khỏe đây? Con ngán cháo, hay con thèm thứ khác thì phải ráng tìm cách ăn sao cho đúng, không ăn bậy là được.

Ăn bậy hay không nhìn phân con thải là biết được: phân chắc, có khuôn, màu vàng, hoặc hơi nâu, nổi là đúng. Cho tới giờ, mỗi lần con đi xong, có chùi thì cũng không dính gì trong giấy, xong rồi rửa cho con. Mỗi lần ăn sai (ăn hơi nhiều trái cây chút) là phân con hơi nhão, phải điều chỉnh lại (kể cả mẹ cũng vậy). Ngày nào cũng phải canh chừng để con được ăn đúng, vì ai cũng thương con, thấy con ngó miệng, miệng chóp chép, không nỡ không cho một miếng” Vậy đó! Con chỉ mới 15 tháng mà còn thèm như vậy thì với những bé lớn hơn làm sao thoát khỏi cám dỗ của đồ ăn thức uống đây? Đặc biệt là các món ăn nhanh, đóng hộp đầy hóa chất, chất điều vị, ngon miệng lắm, nhưng cơ thể thì tội lắm! Vậy nên cha mẹ cần tỉnh táo và kiên quyết khi chăm sóc con bị bệnh, đặc biệt là bị ung thư. Không thể con muốn ăn gì cũng chiều được. Làm vậy tội con lắm các mẹ ạ! Cũng tới ngày con tái khám.

Khối u của con tiếp tục giảm

Bác sỹ ghi giấy hẹn 7h30, lên bệnh viên sáng sớm thì được lễ tân thông báo 13h mới có bác sỹ khám u. Vậy là phải về nhà rồi chiều quay trở lại. Lúc bước vào phòng siêu âm, con bỗng khóc ầm ĩ, không chịu nằm lên giường, phải hai người ghì lại thì bác sỹ mới siêu âm cho con được, vừa ghì con mà ráng lắng nghe xem bác sỹ nói như thế nào. Kết quả khối u của con đã giảm còn 33x22mm (đợt trước 52x26mm). Một con số thật quá đỗi tự hào! Tự hào cho sự kiên trì của cả hai mẹ con. Cảm thấy người nhẹ hẫng, lòng hân hoan, người như muốn bay lên không trung vậy. Chỉ muốn hét lên thật to thôi! Siêu âm xong gặp lại bác sỹ đợt trước để khám. Bác sỹ khám bảo “Khối u có giảm được chút xíu” (Vâng chỉ chút xíu đối với bác thôi, đợt trước bác bảo u có nguy cơ tái phát cao). Và cũng chỉ có vậy, lập đơn thuốc rồi cho về, không hỏi han xem tình trạng con ở nhà thế nào, hay một câu động viên người nhà rằng con có tiến triển tốt… Mà thôi, tôi cũng không mong gì những điều ấy, có cũng được, không cũng được bởi tôi biết tôi đã làm những gì tốt nhất cho con rồi! Thở phào nhẹ nhõm. Con chỉ mới ăn cháo thực dưỡng được 2,5 tháng, còn 1,5 tháng phía trước nữa.( Ăn thực dưỡng 4 tháng thì máu huyết trong người sẽ được lọc lại hết, bệnh tật sẽ được chữa khỏi) nên hai mẹ con sẽ áp dụng cho đầy đủ. Cứ nghĩ đến những gì đã trải qua đến giờ vẫn còn hồi hộp và thổn thức, rằng, tôi đã làm đúng, tôi chọn đi con đường vắng, nơi mà niềm tin vẫn chưa được nhiều người đặt vào. Nhưng tôi tin rằng rồi có ngày con đường vắng đó sẽ đầy ắp người đi, ở nơi đó, tình người sẽ đong đầy, ở nơi đó cuộc sống sẽ thật sự tốt đẹp hơn bây giờ, ở nơi đó chỉ có sự chở che, chân thành và đầy nhân văn. Nhớ lại thời điểm bắt đầu phát hiện ra bệnh: con mới 9 tháng, đã biết đứng vịn và mon men đi, răng đã bắt đâu nhú lên một cái, mọi thứ vẫn rất ổn với con trừ cái cục u nhô lên ở bụng. Rồi kể từ khi con bắt đầu tiến trình trị bệnh, mọi thứ đã dừng lại (chiều cao, cân nặng, vận động,.. đều dừng phát triển lại). Mổ sinh thiết xong, con không dám vịn để đứng lên, răng thì không thèm nhú lên nữa, tóc bắt đầu rụng, lông mày chẳng còn, lông mi thì le hoe. Mỗi lần con được nghỉ phục hồi 3 tuần mới bắt đầu hóa trị tiếp thì các tế bào mới bắt đầu chộp cơ hội để vùng lên, từ từ phát triển, phát triển được một chút, vô hóa trị rồi lại dừng... mãi tới lúc 15 tháng con mới bắt đầu biết đi. Biết tự đứng lên và đi chập chững, trong vòng 2 tuần con đã vừa đi vừa chạy, … 

Phục hồi, hạnh phúc mỉm cười

Sau khi đã dừng tất cả mọi thứ hóa chất vào cơ thể, con đã được phát triển đúng với từng tế bào của mình. Tôi cảm thấy hạnh phúc lắm! Vâng, giờ này đây, gõ những dòng này, tôi cảm thấy mình còn quá đỗi may mắn vì đã nhận ra sớm điều gì tốt nhất cho bệnh tật của con để thay đổi. Tôi không dám tin rằng ánh sáng đã chiếu xuống, cho con tôi thêm một cơ hội để con được phát triển với đời. Và cảm thấy sợ hãi, tội nghiệp cho các bé khác quá! Vâng, theo lời Bác sỹ “khối u đã được cắt hết, con không còn khối u nữa, về nhà cứ cho bé ăn thoải mái, thích gì ăn đó...” Đấy, biết bao nhiêu lời khuyên và mộng tưởng ấy đã gieo vào lòng những người cha, người mẹ có con bị ung thư, khiến cho họ càng tin tưởng hơn vào sự điều trị của bệnh viện, bác sỹ. Để rồi, sau đó, 1,2 năm quay trở lại với khối u di căn, tái phát! Thật quá tàn nhẫn, quá sức chịu đựng! Tiếp xúc với từng giọt nước mắt có con bị u tái phát tôi mới dám chắc chắn về nhận định của mình, mổ được một thời gian là u sẽ tái phát! (Nó cũng liên quan tới chế độ ăn của chúng ta). Tại sao bác sỹ lại khuyên bệnh nhân cắt u ăn thịt bò, thịt chó, uống sữa bò... để có sức xạ trị? Tại sao vậy? Bác sỹ muốn họ quay trở lại nuôi các bác hoài sao??? Nhìn thấy họ đau đớn các bác không đau lòng sao? Bị ung thư – mổ sinh thiết – hóa trị - mổ lấy u – xạ trị - toàn bộ phác đồ điều trị này chỉ khiến cho cơ thể bệnh nhân ngày càng yếu đi, ai mà sức đề kháng yếu thì có thể đi luôn khi vẫn còn đang trong quá trình điều trị! Nhưng mà bệnh nhân họ lại tin vào bác sỹ nhiều hơn, bấu víu vào sự điều trị này để hi vọng sẽ được kéo dài được mạng sống nhưng mà niềm tin này là sai lầm rồi! LÀM ƠN ĐỪNG TIN NỮA! 

Lời cảnh tỉnh

Ung thư chưa bao giờ là cái chết được báo trước cả, nó chỉ là lời cảnh tỉnh cho chúng ta, báo hiệu cơ thể đang có vấn đề. Chúng ta cần phải điều chỉnh lại tất cả mọi thứ từ lối sống, ăn uống, ... đến suy nghĩ hành động. Và thực trạng bây giờ chúng ta thấy: Heo, bò, gà… nuôi công nghiệp, đến trẻ em cũng được nuôi công nghiệp cho cao béo... mà rõ ràng là nuôi công nghiệp có tốt không? Giờ thì cả người bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư cũng được điều trị theo công nghiệp y tế! Tôi hay nghe: Chỉ cần bạn cố gắng hết sức là được, kết quả có như thế nào thì cũng phải chấp nhận. Nhưng tôi muốn mọi người hiểu sự cố gắng đó là như thế nào? Là tận tình chăm sóc người bệnh, là răm rắp nghe theo lời bác sỹ, là chạy vạy khắp nơi để có tiền mua thuốc tốt, thuốc đắt tiền cho người bệnh? Vậy là cố gắng hết sức sao? Với tôi sự cố gắng đó thể hiện ở việc bạn chấp nhận giậm chân tại chỗ với những gì bạn nghĩ là bạn không thể làm được nhưng lại không thử, không tìm hiểu. Tôi đã cố gắng hết tất cả sức lực, trí óc để gắng gượng cùng con và phải mất hơn 3 tháng trời để con bị hành hạ thì điều tốt lành đó mới đến với hai mẹ con. Tôi cầu mong điều tốt lành đó sẽ có duyên đến với những tâm hồn còn đang bị tổn thương và u mê. Với vị bác sỹ khuyên bệnh nhân ăn thịt bò, thịt chó… như trên tôi chỉ biết nói: 1 là BS đó quá ÁC, 2 là quá THAM, 3 là quá THIẾU HIỂU BIẾT, 4 là gộp cả 3 cái trên! HÃY NHỚ: MUỐN THÌ SẼ CÓ CÁCH, KHÔNG MUỐN THÌ SẼ CÓ CỚ.

P/s: Khoảng thời gian ở bệnh viện cũng có nhiều nỗi niềm. Bệnh viện nhi đồng là nơi ưu tiên cho bệnh nhi, nhưng người lớn thì cứ thích tranh giành, sân si,... nhiều lúc ảnh hưởng tới con nhưng mẹ tâm niệm “Cây xanh thì lá cũng xanh/ Mẹ em hiền lành để đức cho em”, nên cứ thôi kệ. Ngộ là mỗi lần vào viện thì y như rằng giường con toàn đối diện nhà vệ sinh, cho nên lỡ ai vô ý không đóng cửa khi đi xong, hoặc đang đứng trong nhà vệ sinh làm gì đó thì coi như giường con lãnh đủ. Cũng thôi kệ, coi như nghiệp phải trả cho nhẹ nhàng. 

P/s2: Có người quen, bị tiểu đường từ hồi 53 tuổi, nhờ duy trì uống thuốc đều đặn mà đã sống được hơn 80 tuổi. Vâng, bên cạnh đó thì lục phủ ngũ tạng cũng đi theo luôn, ung thư đủ thứ trong người, giờ chỉ nằm môt chỗ nhưng nhất quyết không ăn gạo lứt muối mè.

Hai mẹ con ăn theo thực dưỡng tuân theo các quy tắc này:

  1. Thay gạo trắng bằng gạo lứt
  2. Dẹp bỏ tất cả các sản phẩm công nghiệp, đồ ăn nhanh, có chất bảo quản, chất điều vị... : nước ngọt, mì gói, snack, xúc xích, bánh kẹo, đường trắng tinh luyện...
  3. Đổi các gia vị công nghiệp đầy hóa chất như nước mắm, nước tương, bột nêm, bột ngọt,.... sang dùng tương dưỡng sinh tamari, tekka, muối biển, muối hầm,...
  4. Tăng ăn ngũ cốc, bỏ thịt đỏ, thỉnh thoảng ăn tôm sông, cá nhỏ (mẹ ăn)... Uống: nước lọc, trà gạo lứt, thỉnh thoảng dùng sữa ngũ cốc

Nguồn (người viết): Trang Nguyen

Xem thêm: Hành trình chữa bệnh ung thư cho con - Cám dỗ và kết quả (Phần 3)

Chủ đề chính: #chữa_ung_thư

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn