Nguyễn Giang "SỐNG"

Hành trình du mục đầy thú vị của người Tây Ban Nha

Đăng 4 năm trước

Nhiều thế kỷ qua, trên vùng bình nguyên ở miền Nam đất nước Tây Ban Nha, những cuộc di cư lớn nhất của các đàn gia súc vẫn diễn ra. Những chuyến di cư này tuy có nhiều khó khăn, vất vả, nhưng cũng không thiếu những điều thú vị. Bên cạnh đó, với sự phát triển của công nghệ, ngày càng có nhiều cơ hội mới mở ra cho người dân nơi đây.

Cuộc hành trình 300km

Cứ mỗi mùa hè đến, trên vùng bình nguyên phía Nam Tây Ban Nha, những cuộc di cư lớn nhất nước của các đàn gia súc bắt đầu. Những cuộc di cư này được biết đến như những vụ chuyển gia súc lên núi vào dịp hè, sẽ đưa vật nuôi từ đồng cỏ này đến đồng cỏ khác, nơi có dồi dào nguồn thức ăn để chăn thả. Trong khi những loài gia súc ăn cỏ cỡ lớn chỉ di cư một cách tự nhiên trước khi được thuần hóa, những người dân du mục nơi đây đã truyền dạy nhau công việc này từ hàng ngàn năm trước đó. 

Mùa hè này, 547 con bò thuộc ba đàn khác nhau sẽ cùng nhau trải qua hành trình kéo dài 15 ngày và vượt qua 300 km từ miền Nam khô cằn đến đồng cỏ xanh tươi tại vùng núi Sistema Central. (Ảnh: Antolín Avezuela)

Bắt nguồn từ truyền thống

Công việc chuyển gia súc lên núi có nguồn gốc sâu xa từ di sản văn hóa của người Tây Ban Nha, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. 

Ông José Pedro, 52 tuổi,(ảnh), đã làm quen với công việc này từ khi còn là một đứa bé. Cách đây 20 năm, Pedro bắt đầu dạy cho hai người cháu trai của mình là Diego (39 tuổi) và Andrés (30 tuổi) tất cả những gì ông biết về truyền thống cổ xưa này. Mùa hè này, ông và đàn gia súc gồm 130 con bò của mình sẽ cùng với hai người cháu trai và đàn gia súc của họ hướng về những đồng cỏ xanh rì ở vùng núi phía Bắc. Vào mùa đông, khi tuyết bao phủ những ngọn núi, họ sẽ bắt đầu hành trình trở về vùng bình nguyên phía Nam ấm áp. (Ảnh: Antolín Avezuela)

Một giống bò khỏe mạnh

Những cuộc di cư luôn là thử thách khắc nghiệt cho các đàn gia súc, vì mỗi ngày chúng đều phải trải qua những đoạn đường dài với nguồn nước và thức ăn hạn chế. Tuy nhiên, đối với giống Avileña NegraIbérica thì lại khác. Đây là một giống bò khỏe mạnh đến độ những con bê của chúng chỉ cần một tuần tuổi để có đủ khả năng gia nhập đoàn di cư. (Ảnh: Antolín Avezuela)

Nước là tất cả

Những cuộc di cư vào diễn ra mùa hè nên phải phụ thuộc vào nước. Tất cả mọi thứ, từ chỗ để ngủ, chỗ để nghỉ ngơi, và đoạn đường đi được mỗi ngày đều phải được tính toán dựa trên nguồn nước. 

Trung bình mỗi ngày đàn gia súc tiêu thụ khoảng 15,000 lít nước, và nước cũng là thứ không thể thiếu đối với người dân du mục và ngựa của họ. Vì những dòng suối nhỏ và những vũng nước sẽ bay hơi nhanh khi trời nóng, nên các nguồn nước có thể rất xa nhau. Điều này cũng có nghĩa là đoạn đường di chuyển có thể trở nên rất dài. (Ảnh: Antolín Avezuela)

Trợ thủ đắc lực của những chàng cao bồi

Trong suốt hành trình, những con bò rất dễ đi lạc, vì thế, những người chăn dắt luôn phải để ý và đếm số lượng gia súc trong đàn để đảm bảo không có con nào bị bỏ lại phía sau. Những chú chó thường được sử dụng để hỗ trợ công việc này. 

Giống chó Spanish Alano là giống chó được cao bồi Tây Ban Nha yêu thích vì sự can đảm và khả năng chăn dắt đàn gia súc. Khi đã được huấn luyện, người ta không cần phải ra lệnh cho loài chó này, nhưng điều này cũng có nghĩa là, chúng phải nhận được sự tôn trọng đặc biệt từ chủ của chúng như có được chỗ nghỉ ngơi tốt nhất, thậm chí ăn những thức ăn giống như chủ của chúng. (Ảnh: Antolín Avezuela)

Những đoạn đường được bảo vệ

Những cuộc di cư trở nên dễ dàng hơn khi có “những con đường được dọn sẵn” (trong tiếng Tây Ban Nha là víaspecuarias). Những đoạn đường này được hình thành cách nay nhiều thế kỷ để phục vụ cho việc luân chuyển vật nuôi (thường là cừu và bò) giữa các khu vực khác nhau. Vào năm 1273, Hiệp hội những người nuôi cừu do vua Castile thành lập đã có được sự công nhận và phân chia một cách hợp pháp các tuyến đường, để bảo vệ họ khỏi sự phá rối từ những người nông dân canh tác ven đường, và đảm bảo quyền của những người dân du mục trên những cánh đồng cỏ trong suốt hành trình di cư của họ. 

Những đoạn đường này có chiều rộng tối đa là 75,22m, tối thiểu là 20,89m (trong khi cho chỗ đỗ xe ở Tây Ban Nha có chiều rộng trung bình chỉ từ 2 – 2,5m). Sở dĩ có chiều rộng bất thường như vậy là vì những đoạn đường này phải đủ rộng để cung cấp lượng cỏ tương ứng cho những đàn gia súc trong cuộc di cư của chúng. Ngày nay, dù phần lớn “những con đường được dọn sẵn” này không còn được sử dụng nữa, nhưng chính quyền Tây Ban Nha đã thông qua một đạo luật mới vào năm 1995 nhằm bảo vệ những đoạn đường này, với tổng chiều dài lên đến hơn 124,000km, tức là gấp 8 đến 9 lần tổng chiều dài hệ thống đường sắt hiện nay của đất nước này. (Ảnh: Antolín Avezuela)

Chỗ nghỉ ngơi thô sơ

Quay trở lại những năm 1960, những “con đường được dọn sẵn” được đánh dấu với các quán trọ dành cho người du mục và những bãi rào cho đàn gia súc nghỉ ngơi, nhưng giờ đây, chỉ còn lại một vài tàn tích của những nơi đó. Với sự ra đời của xe tải và hệ thống đường sắt vào nửa cuối thế kỷ 19, những chuyến đi kéo dài 15 đến 30 ngày theo truyền thống đã trở thành chuyến hành trình nhanh chóng chỉ kéo dài một ngày, khiến các “con đường được dọn sẵn” ít nhiều bị lỗi thời. 

Tuy nhiên, gia đình ông Torres và ba người du mục khác cùng làm công việc này vẫn chọn chuyến hành trình theo kiểu truyền thống dọc phía tây đất nước Tây Ban Nha. Nhưng bây giờ, thay vì ở trong các quán trọ, họ phải chọn cách nghỉ ngơi thô sơ hơn bằng cách dọn lều cắm trại mỗi đêm. Họ dùng gỗ sồi mọc ven đường để đốt lửa thắp sáng vào ban đêm và nghỉ ngơi dưới những tán cây trong những giờ nắng nóng gay gắt ban ngày. Giấc ngủ trưa luôn là thứ được các chàng cao bồi và đàn gia súc mong đợi trước khi tiếp tục chuyến hành trình đến khi mặt trời lặn. (Ảnh: Antolín Avezuela)

Chi phí thay thế đắt đỏ

Khi tiến trình hiện đại hóa góp phần giúp chuyến di cư của đàn gia súc diễn ra nhanh hơn, thì đồng thời cái giá phải trả cho những tổn hại đến môi trường cũng không nhỏ. Tại những đất nước có phần lớn diện tích là bán khô cằn như Tây Ban Nha, những chuyến di cư của các đàn gia súc có ý nghĩa quan trọng đến hệ sinh thái nơi đây. Những đàn bò sẽ ăn hạt giống, giúp chúng thụ phấn, và sau đó mang chúng đi xa hàng kilômet qua phân của chúng, đóng góp vào sự đa dạng sinh học của các tầng thực vật nơi đàn gia súc đi qua. Chẳng hạn như, trên “những con đường dọn sẵn”, cứ trên một km2 có đến hơn 40 loài thực vật khác nhau. Không có những chuyến di cư này, số lượng các loài giảm một cách đáng kể. 

Ngoài ra, khi những đàn gia súc không di chuyển theo cách truyền thống, thời gian chúng bị nuôi nhốt trên những bãi cỏ sẽ lâu hơn (cho tới khi chúng được mang đi bởi xe lửa hay xe tải), điều này sẽ dẫn đến tình trạng quá tải ở những cánh đồng cỏ, khiến một số cánh đồng này ngày càng trở nên thoái hóa và dễ bị tổn hại dưới tác động của nắng, gió và mưa. (Ảnh: Antolín Avezuela)

Một cuộc hồi sinh trong nông nghiệp

Tuy nhiên, những hy vọng chưa hẳn là hết khi đang có một cuộc hồi sinh hình thức du mục truyền thống và những phương pháp canh tác bền vững hơn sắp được thực hiện. Trên thực tế, mặc dù dân số ở vùng nông thôn của Tây Ban Nha đang già đi trong nhiều thập kỉ qua và nhiều người trẻ rời bỏ vùng nông thôn để tìm đến các thành phố lớn, những mối quan tâm mới dành cho truyền thống của ngành nông nghiệp vẫn xuất hiện trong giới trẻ, mà anh em nhà Torres là một ví dụ điển hình. 

Diego và Andrés (ảnh) đã bắt đầu kinh doanh tại gia đình với việc chăn nuôi bò, và đang mở rộng sang chăn nuôi chó, cừu và ngựa. Họ cũng áp dụng những tiến bộ vào việc canh tác nông nghiệp thông qua việc sử dụng công nghệ hiện đại, nhờ đó giúp định hình mô hình chăn nuôi gia súc của thế kỷ 21. (Ảnh: Antolín Avezuela)

Sự đóng góp của công nghệ

Andrés (ảnh) đã đăng hành trình của mình lên Facebook để giới thiệu với mọi người cách họ thực hiện lại những truyền thống cổ xưa của cha ông. Bên cạnh đó, họ cũng cung cấp thông tin về đàn gia súc của mình, nhờ đó họ bán được thịt bò và nhiều sản phẩm khác. 

Nhìn chung, những người dân ở vùng thôn quê của Tây Ban Nha rất coi trọng điện thoại di động và phương tiện truyền thông vì chúng cho phép họ chia sẻ về công việc và cuộc sống của họ với tất cả mọi người trên thế giới; đồng thời, những công cụ này cũng giúp họ trao quyền cho một nhóm người mà theo truyền thống họ bị cô lập trong các nông trại. Việc sử dụng rộng rãi ứng dụng GPS cũng mở ra nhiều cơ hội đầy hứa hẹn cho các chuyến di cư vì ứng dụng này sẽ giúp định vị những con bò đi lạc vào ban đêm. (Ảnh: Antolín Avezuela)

Một kỳ nghỉ của anh chàng kỹ thuật viên

Ngày nay, một số người trẻ sau khi được truyền cảm hứng đã trở nên yêu thích và đồng hành với những chuyến di cư của các đàn gia súc. Theo Pedro, 37 tuổi (ảnh), một mối quan tâm mới dành cho “những tập quán cổ xưa” liên quan đến giới chăn nuôi đang nổi lên mạnh mẽ trong giới trẻ. 

Pedro là một nhà điều hành kỹ thuật tại nhà máy sản xuất lốp xe lớn nhất Tây Ban Nha. Tuy nhiên, cách đây vài năm, niềm đam mê với ngựa đã dẫn dắt anh tham gia vào những chuyến di cư của đàn gia súc cùng với gia đình Torres. Hiện nay, Pedro được xem như một thành viên không thể thiếu của nhóm, và anh luôn lên kế hoạch những ngày nghỉ của mình sao cho có thể tham gia vào đoàn du mục một năm hai lần. (Ảnh: Antolín Avezuela)

Những truyền thống không thay đổi

Sự gia nhập của những thành viên trẻ không làm cho những thế hệ lớn tuổi trở nên lỗi thời. Những người bảo vệ lớn tuổi luôn là nhân tố quyết định của đoàn du mục, giữ cho mọi hoạt động diễn ra cách suôn sẻ, dẫn dắt chuyến hành trình và truyền dạy những kinh nghiệm. 

Diego và cha của Andrés là José Andrés Torres, 67 tuổi (ảnh), là những người làm công việc dẫn dắt cho đoàn du mục. Họ sẽ dùng xe hơi để đi trước nhằm phong tỏa những đoạn đường giao với đoạn đường được ưu tiên, để đoàn có thể đi qua cách an toàn. (Vì thỉnh thoảng,“những con đường dọn sẵn” và những con đường thông thường thường có nhiều đoạn chung, nhưng trong trường hợp đó, thì gia súc được ưu tiên hơn những phương tiện đi lại). Torres là người chịu trách nhiệm coi sóc nguồn thực phẩm trong suốt hành trình, đồng thời cũng chịu trách nhiệm chuẩn bị chỗ nghỉ ngơi cho đoàn. (Ảnh: Antolín Avezuela)

Mối quan hệ thân thiết giữa những người du mục

Tuổi tác không là vấn đề trở ngại đối với các thành viên, vì họ cùng nhau làm tất cả mọi thứ. Mọi người không chỉ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình nhưng cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác vì họ ý thức rằng việc hỗ trợ lẫn nhau trong công việc là chìa khóa để có được cảm giác mãn nguyện khi kết thúc ngày làm việc. Khi mặt trời lặn, những người du mục sẽ nghỉ ngơi trong lều, gần với đàn gia súc, nhưng cũng có sự hỗ trợ ngay phía sau của những chiếc xe hơi trong tình trạng xảy ra hỗn loạn vào ban đêm. 

 Những khó khăn thường ngày và sự cố bất ngờ có thể khiến một ngày trở nên rất dài, vì thế, những người du mục luôn trân trọng những khoảnh khắc bình yên, khi mà họ có thể chia sẻ niềm vui, cùng chuyện trò về cuộc sống và cười đùa với nhau. (Ảnh: Antolín Avezuela)

Theo BBC

Chủ đề chính: #tây_ban_nha

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn