Kokoro Vì gió vẫn thổi và ta phải tiếp tục sống và mơ ước dù biết ngọn gió cuộc đời không lặng bao giờ

Hãy gạt bỏ những thói quen suy nghĩ sai lầm này để có một cuộc đời hạnh phúc như ý muốn

Đăng 4 năm trước

Tư duy dẫn dắt hành động, và hành động tạo nên cuộc đời. Việc hình thành lối suy nghĩ đúng đắn tích cực là nền tảng dựng xây hạnh phúc, mà muốn vậy phải biết nhận diện và loại bỏ những thói quen tư duy sai lầm trước đã.

Có thể bạn sẽ cho rằng những ý nghĩ của chúng ta là chuyện nhỏ nhặt không cần bận tâm - chúng đến và đi theo cách đôi khi là vô thưởng vô phạt. Nhưng những suy nghĩ mà chúng ta có và cách mà chúng ta suy nghĩ lại có tác động đáng kể đến cuộc sống mà bạn không nhận ra đấy.

Việc hình thành những khuôn mẫu trong việc suy nghĩ và tạo ra những niềm tin khác nhau sẽ quyết định rất lớn đến cuộc sống của chúng ta và cách mà ta tự nhìn nhận về bản thân mình cũng như cách ta đánh giá người khác và toàn bộ thế giới xung quanh. 

Chúng ta có thể chọn cách suy nghĩ tích cực hoặc tiêu cực đối với bất kỳ chủ đề nào được đưa ra, nhưng con người ta thường có xu hướng đi ngay theo lối tiêu cực, từ đó có thể tác động có hại đến ý chí tinh thần của mình.

Việc sửa đổi những lối suy nghĩ sai lầm có thể mang đến cho bạn những lợi ích dài lâu

Việc nỗ lực một cách có ý thức để nhận ra những suy nghĩ tiêu cực và ngăn chặn chúng sẽ cần bạn phải đầu tư rất nhiều công sức để tạo thành một thói quen, nhưng không phải là không làm được. Có thể việc sửa lại một lối suy nghĩ đã đi theo ta suốt đời là khá khó khăn. Nhưng nếu bạn nhận ra những suy nghĩ của mình đang chệch hướng về phía tiêu cực, thì bạn nên tự hỏi mình rằng: chúng có đang thực sự giúp ích cho mình không? 

Sau đây tôi sẽ lược qua 10 lối suy nghĩ sai lầm và lý do mà chúng lại chẳng giúp ích được gì cho bạn. Hãy xem mình có cảm thấy quen thuộc với bất kỳ ý nào không, và hãy bắt đầu suy nghĩ khác đi ngay từ hôm nay nhé.

1. Khái quát hóa quá mức

Chúng ta tạo ra các niềm tin tiêu cực cốt lõi thông qua việc khái quát hóa quá mức, nhưng lý do khiến ta làm vậy là vì đó là cái bẫy mà ta rất dễ rơi vào. Nếu gặp thất bại trong việc gì đó, ta sẽ áp đặt niềm tin đó vào tất cả những lần sau này mà ta cố gắng làm lại việc đó, và cả những việc khác nữa. Chẳng hạn như khi bạn đang có một mối quan hệ mà người ấy lừa gạt bạn hoặc đối xử không tốt với bạn - lối suy nghĩ khái quát hóa quá mức sẽ khiến bạn tin rằng tất cả mọi người đàn ông (hay phụ nữ) đều là kẻ lừa gạt, hoặc mình sẽ luôn bị đối xử tệ bạc trong các mối quan hệ. 

Đừng áp đặt kết quả của một tình huống nhất định vào những khía cạnh khác trong cuộc sống của bạn nhé.

2. Bỏ qua những điều tích cực

Bạn có thấy là nếu có một điều gì đó không hay xảy ra trong ngày thì đó sẽ là tất cả những gì mà bạn có thể tập trung nghĩ tới? Chúng ta thường có xu hướng chọn cách bỏ qua và loại bỏ hết tất cả những điều tích cực, mặc dù chúng có ảnh hưởng vượt xa điều tiêu cực kia. 

Hãy thử cố gắng hình thành thói quen chọn ra và tập trung vào tất cả những khía cạnh tích cực trong ngày, bất kể đó là chuyến đi suôn sẻ đến nơi làm việc, "người ấy" mang cho bạn một tách cà phê sáng, bữa trưa ngon lành mà bạn ăn - hãy quyết định nhìn vào những điều đó và kết luận rằng sự tích cực vẫn luôn ở quanh mình. Đừng phá hỏng cả một ngày bằng cách tập trung vào một điều tiêu cực duy nhất.

3. Đón nhận mọi thứ một cách chủ quan

Sẽ thật tự nhiên khi ta cảm thấy như cả thế giới đều tập trung xoay quanh mình, nhưng đôi khi chính suy nghĩ của chúng ta có thể khiến ta chỉ nhìn thấy mọi thứ từ quan điểm của bản thân mình, cũng như tạo ra cảm nhận của ta về một tình huống nào đó. Nếu có ai đó ở nơi làm việc nói chuyện cộc cằn với bạn, thì bạn đột nhiên nghĩ là mình đã làm sai chuyện gì đó. Nếu người bạn của bạn không nhắn tin trả lời lại ngay lập tức, thì ắt là cô ấy đang giận bạn vì một lý do nào đó. 

Nhưng trong hầu hết các trường hợp thì bản thân bạn chẳng có lỗi gì cả, mà chính là họ kia. Đừng vội vàng tự quy kết cho mình, và hãy hiểu rằng những người khác đang phải trải qua các cảm xúc tiêu cực khác nhau mà chẳng liên quan gì tới bạn cả. Khi những tình huống kiểu như vậy xảy ra, hãy luôn ý thức rằng những yếu tố khác có thể đang ảnh hưởng tới phản ứng của những người đó.

4. Suy luận tiêu cực về các cảm xúc

Khi những cảm xúc tiêu cực xuất hiện thì tốt nhất là đừng để chúng ảnh hưởng tới suy nghĩ của bạn. Nhưng chúng ta rất dễ tin vào mối liên hệ mà tâm trí mình tạo ra với những cảm xúc tiêu cực của mình - nếu bạn tự cảm thấy mình là một người xấu thì điều đó cũng không thực sự có nghĩa rằng bạn đúng là như vậy. Nếu bạn đang cảm thấy buồn chán và kết luận rằng mình là kẻ thất bại thì cũng không có nghĩa rằng bạn đúng là kẻ thất bại đâu! 

Hãy luôn đứng vững trước tất cả mọi sự suy luận về cảm xúc, và hãy xem chúng như phút xao động nhất thời thôi - đừng dựa vào chúng để tự đưa ra kết luận về bản thân mình.

5. Phóng đại hoặc tối giản

Những sự kỳ vọng tiêu cực có thể khiến chúng ta nghĩ đến những câu hỏi kiểu "Sẽ ra sao nếu...?". Tôi nghỉ việc, và sẽ ra sao nếu tôi không tìm được một công việc khác? Sẽ thế nào nếu tôi ghét công việc mới? Và tất nhiên, cách suy nghĩ này có thể ngăn chúng ta đưa ra những quyết định mà có lẽ tận sâu trong thâm tâm ta vẫn muốn. Đó là sự phóng đại một tình huống theo cách tiêu cực không cần thiết. 

Ở thái cực ngược lại, chúng ta cũng có thể thu nhỏ mọi thứ, đặc biệt là những điều tích cực và những khía cạnh tốt đẹp đáng mơ ước trong cuộc sống của mình. Cả hai lối suy nghĩ này đều gây hại nếu ta muốn sống một cách tự tin và thực tế.

6. Giả định về những điều mà người khác đang nghĩ

Ai cũng có lúc đưa ra những giả định về quan điểm của người khác về bất kỳ chủ đề nào được nói tới. Nhưng chúng ta không bao giờ có thể thực sự biết được những điều đang diễn ra bên trong tâm trí của người khác. Nếu bạn có xu hướng tin rằng mọi người nghĩ xấu hoặc nghĩ tiêu cực về bạn thì hãy nhớ rằng hầu hết mọi người đều quá bận bịu với việc lo cho bản thân họ đến mức họ sẽ không thực sự quan tâm tới những thứ mà bạn đang mặc, đang nói hoặc cách hành xử của bạn đâu. Đừng quá chú trọng vào những điều giả định như vậy.

7. Lối suy nghĩ rạch ròi trắng đen

Đôi khi chúng ta rất dễ nghĩ rằng mọi thứ hoặc là thế này hoặc là thế kia, hay nói cách khác là "một ăn hai thua" - hoặc tốt hoặc xấu. Nhưng lối suy nghĩ hạn hẹp này đã loại bỏ mất tất cả các sắc độ màu xám rồi. 

Khi suy nghĩ như vậy bạn sẽ không nhìn thấy hết được mọi khía cạnh của một việc gì đó - chẳng hạn như nếu mỗi dự án đều hoặc là thành công hoặc là thất bại thì bạn không thể nhìn ra những cơ hội để phát triển hoặc cải thiện những sai lầm đã mắc phải trong quá trình làm, mà vốn có thể dẫn tới một ý tưởng hoặc hướng đi hoàn toàn khác biệt. Hãy nhớ rằng thế giới này là đa chiều đa diện, do đó hãy làm cho nhãn quan của mình cũng trở nên giống như vậy nhé.

8. Tập trung vào những điều "nên" làm

Xã hội đã khiến chúng ta cảm thấy rằng mình cần phải sống trong đời theo một cách nhất định nào đó. Phần lớn thời gian chúng ta đều đưa ra những quyết định bởi vì chúng ta cảm thấy mình nên làm vậy, nhưng chính xác thì ai đang bảo bạn nên làm vậy? Có phải nó được dựa trên một bộ quy tắc do những người khác tạo ra? Có phải là vì gia đình bạn kỳ vọng bạn làm như vậy? 

Lần tới khi bạn cảm thấy mình nên làm điều gì đó dù cho nó khiến bạn không vui, thì hãy hỏi tại sao. Hãy tự tạo ra chữ "nên" của riêng mình dựa trên những điều khiến bạn cảm thấy hạnh phúc.

9. Thói đổ lỗi

Khi có những phản ứng tiêu cực về mặt cảm xúc, chúng ta có thể dễ dàng đổ lỗi cho người khác. Nhưng chỉ có chính chúng ta mới là người chịu trách nhiệm cho cách mà ta phản ứng với mọi người và mọi tình huống. Đừng quy trách nhiệm cho người khác - không ai có thể khiến ta có những cảm giác mà ta đang có, trừ chính ta. Khi đã nắm vững điều này, bạn sẽ không chỉ được tiếp thêm sức mạnh mà còn cải thiện một cách ngoạn mục mối quan hệ của mình với những người khác nữa.

10. Lúc nào cũng muốn mình đúng

Đây là một đặc điểm cực kỳ phổ biến ở nhiều người trong số chúng ta. Đã bao lần bạn cảm thấy thất vọng vì ai đó có quan điểm hoặc ý kiến khác với bạn? Nhu cầu lúc nào cũng muốn chứng minh rằng mình đúng và họ sai là một lối tư duy có thể thay đổi được. 

Việc hiểu rằng mỗi người đều trải qua cuộc sống với những thử thách, kinh nghiệm và quan điểm khác nhau là điều làm cho thế giới này trở nên lý thú. Hãy ý thức về cảm nhận của người khác khi nói lên quan điểm của mình, và hãy tôn trọng họ. Đừng mang cảm giác rằng mình phải luôn đúng, bởi đơn giản là đôi khi bạn có thể không phải như vậy đâu. 

Vậy hãy nhớ rằng, cách suy nghĩ của chúng ta có ảnh hưởng đến việc định hình nên cuộc sống của ta nhiều hơn là bạn có thể nhận thấy đấy. Việc thay đổi lối suy nghĩ tiêu cực là một bước tiến khổng lồ hướng tới việc tạo ra một lối tư duy và cách nhìn nhận tích cực hơn để giúp ích cho chính mình và cho những người khác nữa.

Chủ đề chính: #suy_nghĩ_sai_lầm

Bình luận về bài viết này
0 bình luận

Đang tải bình luận...


Đang tải nội dung cho bạn